Chúng ta đều nhận thấy, sự phát triển kinh tế, sự tăng dân số và tăng nhu cầu xã hội đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường sống. Bảo vệ môi trường không còn là trách nhiệm riêng của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
Kỹ thuật Môi trường là một ngành nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Đây là ngành học về các giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa ô nhiễm và làm sạch môi trường đất, nước, không khí thông qua ứng dụng kết hợp các quá trình sinh học, vật lý và hóa học. Như vậy, ngành Kỹ thuật Môi trường đóng góp vào mục tiêu sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường xanh sạch.
PGS.TS Trần Tiến Khôi hiện là Trưởng bộ môn Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) sẽ thông tin thêm về ngành học này và cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
1. Nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng trong tương lai của ngành Kỹ thuật Môi trường?
Ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ môi trường đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Sau khi chương trình hành động của Chính phủ được ban hành với 9 nhóm nhiệm vụ (1) nhằm thực hiện định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (2), thì nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành Kỹ thuật Môi trường trong tương lai sẽ càng nhiều hơn. Đặc biệt, nhóm nhiệm vụ thứ 7 là về “Chính sách khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; chú trọng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp”.
Các chính sách và pháp luật về môi trường ngày càng được hoàn thiện nhằm tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp, đồng thời khuyến khích ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường. Đây là những định hướng mở ra cơ hội ngành nghề rất lớn cho người tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Môi trường trong hiện tại cũng như tương lai.
Khuynh hướng ngành nghề này tại Việt Nam cũng đúng theo khuynh hướng ngành nghề trên thế giới. Theo thông tin đăng tải từ dự án 100 nghề của tương lai (100 Jobs of the Future, do Trường Đại học Deakin, Úc, công bố) (3), nhóm ngành liên quan tới lĩnh vực môi trường thuộc danh sách 100 ngành nghề được định hướng là “nghề của tương lai”.
2. Những tố chất cần có để thành công khi “theo đuổi” ngành Kỹ thuật Môi trường?
Yêu cầu đầu tiên để học tốt ngành Kỹ thuật Môi trường và thành công trong công việc sau này là sự yêu thích ngành nghề. Đây có lẽ là yêu cầu chung để thành công đối với tất cả các ngành nghề, vì chỉ có yêu thích và say mê mới tạo được động lực cho các bạn trong suốt quá trình học tập và làm việc sau này. Thêm vào đó, ngành Kỹ thuật Môi trường đặc biệt phù hợp với những bạn yêu thiên nhiên, mong muốn bảo vệ môi trường trong sạch.
Ngoài ra, kỹ sư Kỹ thuật Môi trường là người đưa ra các phương án kỹ thuật để bảo vệ tài nguyên, môi trường và con người nên người học và người làm trong ngành này cần đáp ứng được yêu cầu cao về vấn đề đạo đức nghề nghiệp, tính trung thực và tinh thần trách nhiệm.
Bên cạnh yêu cầu về chuyên môn, tiếng Anh tốt là một lợi thế trong ngành Kỹ thuật Môi trường, mở ra rất nhiều cơ hội công việc. Ngoài ra, vốn tiếng Anh tốt là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn muốn học tập nâng cao trình độ tại các trường đại học uy tín trên thế giới với nhiều cơ hội học bổng.
3. Lộ trình các bước học ngành Kỹ thuật Môi trường?
Để trở thành kỹ sư Kỹ thuật Môi trường trong tương lai, các bạn có thể theo học ngành Kỹ thuật Môi trường tại các trường đại học trong nước và quốc tế.
Hiện nay, khá nhiều trường đại học trong nước đào tạo ngành Kỹ thuật Môi trường và một số ngành gần khác. Tuy nhiên, nếu muốn có cơ hội phát triển nghề nghiệp tại các công ty lớn với các dự án đầu tư từ nước ngoài, các bạn cần đặc biệt trau dồi kỹ năng tiếng Anh.
Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) là một trong những lựa chọn rất tốt cho ngành này. Đây là trường đại học công lập đa ngành đầu tiên và duy nhất hiện nay tại Việt Nam sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong công tác đào tạo giảng dạy và nghiên cứu. Do đó, khi tốt nghiệp từ Trường Đại học Quốc tế, cùng với kiến thức chuyên môn vững chắc các bạn sẽ có lợi thế vượt bậc về tiếng Anh chuyên ngành.
Đặc biệt, ngành Kỹ thuật Môi trường tại Trường Đại học Quốc tế năm nay nằm trong 03 ngành học được cấp các suất học bổng ưu tiên. Do đó, các bạn đăng ký xét tuyển vào ngành này có cơ hội rất cao nhận được học bổng.
Xem thêm: Tuyển sinh 2021: Trường Đại học Quốc tế dành 32 tỷ đồng khích lệ thí sinh trúng tuyển năm 2021
Sau khi nhập học, các bạn sẽ được phân lớp theo trình độ tiếng Anh đầu vào. Theo đó, chương trình Kỹ thuật Môi trường tại Trường Đại học Quốc tế được thiết kế với các lộ trình kế hoạch học tập tương ứng với trình độ tiếng Anh của các bạn.
Vào năm đầu, các bạn sẽ học kiến thức chung. Từ năm thứ hai các bạn sẽ học kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành. Những chuyến đi tham quan, trải nghiệm được lồng ghép với lý thuyết của các môn học cốt lõi như kỹ thuật xử lý nước cấp, nước thải, khí thải, quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại… sẽ giúp các bạn gắn kết được nội dung lý thuyết đã học và thực tế, đồng thời giúp định hướng hướng nghiên cứu khoa học và lĩnh vực chuyên môn yêu thích.
Đặc biệt, các bạn sẽ được học các kiến thức hỗ trợ cho chuyên môn và phát triển kỹ năng như vẽ kỹ thuật, ứng dụng thống kê, xử lý số liệu, tư duy phản biện…
Vào cuối năm thứ ba, các bạn sẽ đi thực tập tốt nghiệp tại các nhà máy, xí nghiệp về xử lý môi trường. Nhiệm vụ cuối cùng trước khi tốt nghiệp là thực hiện luận văn tốt nghiệp vào năm cuối bằng việc vận dụng kết hợp các kiến thức đã học từ những học phần trước để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh trước khi ra trường. Để được tốt nghiệp, các bạn cần hoàn thành chương trình đào tạo với 150 tín chỉ và đạt chuẩn tiếng Anh đầu ra của Trường Đại học Quốc tế.
Xem thêm: 23 học sinh giỏi trúng tuyển thẳng vào Trường Đại học Quốc tế
4. Những kiến thức được ưu tiên khi học ngành Kỹ thuật Môi trường?
Những kiến thức được ưu tiên khi học ngành này bao gồm những môn học tự nhiên như toán, vật lý, hóa học, sinh học và tiếng Anh. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần hiểu và áp dụng được các văn bản pháp luật về tài nguyên - môi trường, tiêu chuẩn về thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia...
Ngành Kỹ thuật Môi trường cũng yêu cầu một số kỹ năng đặc thù như kỹ năng vẽ bản vẽ kỹ thuật (sử dụng Autocad hoặc Revit) và kỹ năng phân tích thông số chất lượng môi trường. Các nhóm kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp kỹ thuật và kỹ năng tự học cũng rất quan trọng cần được rèn luyện.
Ngoài ra, rèn luyện để có sức khỏe tốt là yêu cầu bắt buộc đối với một kỹ sư Kỹ thuật Môi trường để giải quyết một khối lượng lớn công việc đặc thù của ngành.
5. Khó khăn khi học và làm trong ngành này?
Ngành Kỹ thuật Môi trường mang đặc trưng chung của khối ngành kỹ thuật, do đó khối kiến thức và ứng dụng về toán, lý, hóa, sinh được sử dụng khá nhiều.
Trong quá trình học, sinh viên sẽ tham gia thực hành/thực tập tham quan/thực tập tốt nghiệp với số tín chỉ lên tới trên 25% tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo. Điều này khiến cho các môn học trở nên rất thú vị, giúp các bạn nắm chắc các kỹ thuật sử dụng trong nghề, tuy nhiên cũng không tránh khỏi sự vất vả.
Khi tốt nghiệp và đi làm, đối với một số bạn kỹ sư chọn hướng vận hành, giám sát và thi công công trình thì có thể phải đi công tác theo công trình. Mặc dù vậy, đây cũng là một trong những công việc giúp các bạn thu được kinh nghiệm thực tế rất nhanh.
Một số bạn chọn hướng phân tích chất lượng môi trường có thể sẽ tiếp xúc với hóa chất, chất thải rắn, lỏng và khí. Tuy nhiên, khi các bạn được đào tạo bài bản thì các bạn sẽ có khả năng nhận diện các mối nguy, kiểm soát rủi ro, ứng phó với các sự cố xảy ra và biết áp dụng các biện pháp an toàn.
Ví dụ như để làm việc trong phòng thí nghiệm với các hóa chất và thiết bị, các bạn cần tuân thủ quy định nghiêm ngặt trong phòng thí nghiệm, sử dụng, lưu trữ, bảo quản hóa chất theo quy định. Đối với chất thải nguy hại, các bạn được học và thực hành cách phân loại và xử lý phù hợp.
6. Mới tốt nghiệp kỹ sư Kỹ thuật Môi trường sẽ ra làm gì và làm ở đâu?
Các sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Môi trường sẽ có cơ hội việc làm vô cùng rộng mở với nhiều vị trí làm việc khác nhau. Từ kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm và từ các kết quả khảo sát ngành nghề, tôi xin phép đưa ra một số công việc phù hợp như sau:
- Vận hành các trạm xử lý nước cấp/nước thải, các hệ thống xử lý môi trường cho các khu đô thị và khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất công nghiệp của Việt Nam và quốc tế.
- Giám sát thi công, thiết kế các công trình xử lý môi trường.
- Tư vấn cho các Dự án môi trường trong nước và quốc tế.
- Quan trắc và phân tích môi trường tại trung tâm dịch vụ phân tích quan trắc môi trường.
- Nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển các công nghệ mới và giải pháp bền vững về xử lý môi trường tại phòng nghiên cứu và phát triển của các công ty sản xuất và dịch vụ môi trường.
- Kinh doanh - dịch vụ kỹ thuật, bao gồm tư vấn, cung cấp các giải pháp kỹ thuật tối ưu, các thiết bị kỹ thuật và các dịch vụ tiện ích trong cấp nước, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, kiểm soát ô nhiễm không khí, các dịch vụ HSE (Sức khỏe, An toàn và Môi trường).
- Quản lý kỹ thuật các hệ thống xử lý môi trường, quản lý/thẩm định hồ sơ pháp lý môi trường, thực hiện đánh giá tác động môi trường tại các tổ chức tư nhân của Việt Nam và quốc tế, Phòng/Sở/Bộ Tài nguyên & Môi trường, Phòng/Sở/Bộ Khoa học & Công nghệ, và các tổ chức Phi chính phủ (NGOs).
Ngoài ra, với một số bạn sau khi tốt nghiệp đại học tiếp tục học tập nâng cao trình độ ở bậc thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì có thể trở thành giảng viên, nghiên cứu viên làm việc tại các trường đại học/viện nghiên cứu uy tín của Việt Nam và quốc tế.
7. Mức lương của kỹ sư mới ra nghề và sau khi trở thành chuyên gia?
Đây có lẽ là băn khoăn lớn khi các bạn lựa chọn ngành nghề. Mức lương của kỹ sư Kỹ thuật Môi trường tùy thuộc vào mỗi chức danh và vị trí công việc.
Mức thường thấy ở kỹ sư mới tốt nghiệp là trong khoảng 8-15 triệu đồng/tháng. Những bạn thể hiện được năng lực cao và tiếng Anh tốt có thể đạt được mức lương cao hơn. Mức lương nhận được khi tham gia các dự án quốc tế hoặc các công ty nước ngoài tại Việt Nam có thể lên tới trên 20 triệu đồng/tháng.
Sau khi ra trường khoảng 2-3 năm, nếu thể hiện được năng lực tốt, các bạn có thể đảm nhận vai trò của nhóm trưởng, phó trưởng phòng hoặc trưởng phòng công nghệ, quản lý dự án với mức lương khoảng 15-20 triệu đồng/tháng. Mặc dù vậy, để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực môi trường thì cần quá trình phấn đấu làm việc khá dài, từ 10-15 năm. Mức lương thời điểm này có thể trên 40 triệu/tháng.
Thời gian cần thiết để thay đổi vị trí trong ngành này phụ thuộc nhiều vào năng lực của bạn. Nếu bạn quyết tâm và năng lực cao, số năm kinh nghiệm lúc này sẽ không cần dài nữa. Nếu có cơ hội làm việc ở các công ty nước ngoài, mức lương của các bạn có thể lên tới trên 44,29 đô la Mỹ /giờ, hay 92.120 đô la Mỹ/năm, như bảng thống kê từ Bureau of Labor Statistics dưới đây.
Đôi nét về Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Tiến Khôi PGS.TS Trần Tiến Khôi hiện là Trưởng bộ môn Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM). PGS.TS. Trần Tiến Khôi có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, và có kinh nghiệm thực tiễn trong vận hành, giám sát, thiết kế các công trình xử lý môi trường. PGS.TS Trần Tiến Khôi từng học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Sheffield và Trường Đại học Imperial College, Anh. Ngoài tham gia các công trình xử lý môi trường, thầy còn tập trung nghiên cứu các giải pháp cấp nước sạch cho vùng nông thôn, xử lý nước và nước thải bằng phương pháp oxy hóa nâng cao, tập trung xử lý chất hữu cơ và các hợp chất bền trong xử lý nước cấp và nghiên cứu về năng lượng và môi trường. |
Sinh viên nói gì về ngành Kỹ thuật Môi trường? * Diệp Bội Nghi - Sinh viên năm thứ 4 ngành Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM): “Kỹ thuật Môi trường là một ngành đòi hỏi những kiến thức tổng quát từ khoa học cơ bản như toán học, vật lý, hóa học và sinh học, cũng như các kiến thức về kinh tế, xã hội... nên cơ hội việc làm của ngành bao gồm cả lĩnh vực Kỹ thuật và Quản lý. Trong suốt quá trình học tập, mình được tiếp thu những kiến thức mới không chỉ trên sách vở mà còn thông qua những buổi thực hành và hoạt động ngoại khóa ngoài thực tế. Bên cạnh đó, Bộ Môn Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Quốc tế có nhiều chương trình trao đổi và cơ hội thực tập cả trong nước và nước ngoài để các bạn sinh viên có thể học tập và làm việc từ sớm nhằm trao dồi thêm kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của bản thân trước khi tốt nghiệp. Và mình may mắn được trải nghiệm học tập ở Nhật từ chương trình trao đổi tại trường Đại học Waseda với những công trình nghiên cứu và công nghệ cao ứng dụng trong ngành môi trường. Sau khi tốt nghiệp, mình dự định làm việc ở lĩnh vực môi trường cho một công ty đa quốc gia để nâng cao kinh nghiệm thực tế, cũng như tìm kiếm cơ hội xin học bổng Thạc sĩ ở nước ngoài. * Nguyễn Lai Thanh Trúc, Sinh viên năm thứ 4 ngành Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM): “Sau gần 4 năm học tập tại Bộ môn Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Quốc tế, những kiến thức mình được tiếp thu đều khá thực tế, mang tính ứng dụng cao và trải đều trên mọi phương diện. Ngoài ra, học tập tại đây còn là một sự lựa chọn tuyệt vời cho những bạn yêu thích được làm việc trong phòng thí nghiệm, vì tất cả những thiết bị trong phòng thí nghiệm đều rất tiên tiến và hiện đại. Bên cạnh sự hiện đại về cơ sở vật chất, các môn học còn được hướng dẫn bởi đội ngũ giáo viên đầy kinh nghiệm chuyên môn, sẵn sàng hỗ trợ các bạn những vấn đề không chỉ trong học tập. Mình tin rằng nếu lựa chọn Trường Đại học Quốc tế để trở thành nơi đồng hành trong suốt 4 năm tiếp theo của các bạn thì chắc chắn đó sẽ là một hành trình rất thú vị. Sắp tới, sau khi tốt nghiệp, mình dự định sẽ tìm việc tại một công ty hoạt động về lĩnh vực chuyên ngành mà mình đã học. |