Tiêu điểm: Nhân Humanity

Kỹ thuật Y Sinh – lựa chọn hàng đầu cho các bạn yêu thích kỹ thuật và y học

(VOH) - Kỹ thuật Y Sinh là một ngành khá mới trên thế giới và nó xuất hiện với cái tên như thế trong môi trường giáo dục đào tạo Mỹ khoảng hơn 50 năm.

Đây là một ngành phát triển rất mạnh mẽ ở các nước tiên tiến vì nó không những đáp ứng nhu cầu kết hợp các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ và y học mà còn giúp tăng trưởng đáng kể nền kinh tế của một đất nước. Trong bài này chúng tôi giới thiệu về ngành Kỹ thuật Y Sinh - hiện còn rất mới ở Việt Nam.

Kỹ thuật Y Sinh (Biomedical Engineering hay BioEngineering) là một chuyên môn liên ngành đa lĩnh vực ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến như nano, micro, mạng lưới kết nối vạn vật, thực tế ảo, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo vào việc tạo ra các thiết bị phục vụ chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, cũng như các phương pháp nghiên cứu mới giúp hiểu sâu hơn về các tiến trình sinh học của con người.

Kỹ thuật Y Sinh (KTYS) là một lĩnh vực nổi bật đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới và tạo rất nhiều cơ hội nghề nghiệp trong trường đại học, viện nghiên cứu khoa học, bệnh viện cũng như công kỹ nghệ.

Ngành này phù hợp với những người - cả nam lẫn nữ - yêu thích thiết kế chế tạo lẫn nghiên cứu khoa học trong mọi ngành kỹ thuật, khoa học thuần túy hay ứng dụng, y, dược, nha, tâm lý học, sinh học, quản trị và kinh doanh.

Với kinh nghiệm vận hành y tế tư nhân trên 30 năm, BS. Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Y Khoa Medic) nhận định, “đội ngũ các kỹ sư có chuyên môn về Thiết bị Y tế hiện còn rất thiếu”. “Thiếu trầm trọng cán bộ có chuyên ngành kỹ thuật y sinh” - là nhận xét của ông Hà Đắc Biên - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Trang thiết bị y tế Việt Nam khi bàn về vấn đề nhân lực trong lĩnh vực này

PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng Khoa KTYS tại Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) thông tin thêm về ngành Kỹ thuật Y Sinh, chương trình đào tạo và cơ hội nghề nghiệp của ngành này.

Trường Đại học Quốc tế, Kỹ thuật Y Sinh
PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng Khoa KTYS tại Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM)

1. Vai trò của KTYS và mối liên hệ giữa KTYS, STEM và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Hiện tại các ngành học gọi chung là STEM đang được phát huy rộng rãi và được xem là những ngành mũi nhọn giúp sự phát triển của một đất nước. STEM là các ngành Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics). Các ngành này, riêng biệt, sẽ đào tạo nên khoa học gia, kỹ thuật viên, kỹ sư và nhà toán học.

Xu hướng tiếp theo là kết hợp chúng lại với nhau để tăng hiệu quả. Toán học là một ngành có thể kết hợp dễ dàng với các ngành khác. Khoa học là một ngành cơ bản, đôi khi rất trừu tượng và có thể không có ứng dụng thực tiễn nào trong xã hội. Công nghệ, ngược lại, là một ngành rất cụ thể; do đó thường khó có thể kết hợp với khoa học. Kỹ thuật chính là một ngành trung gian kết nối khái niệm trừu tượng của khoa học để tạo ra sản phẩm công nghệ hữu dụng cho xã hội.

Như vậy người làm kỹ thuật phải thông hiểu cả về khoa học lẫn công nghệ. Ví dụ, các nhà khoa học nghiên cứu hiện tượng nước đun sôi có thể làm tung nắp nồi - từ đó xây dựng ra các định luật về nhiệt động học, kỹ sư dựa vào các lý thuyết này để chế tạo ra máy hơi nước đẩy tàu thủy, xe lửa và hướng dẫn kỹ thuật viên chế tạo ra các bộ phận để công nghiệp hóa các máy này.

Một ví dụ tương đồng trong KTYS là kỹ sư KTYS ứng dụng khái niệm khoa học về ánh sáng để phát minh ra máy X-quang; kỹ thuật viên chế tạo hoàn hảo máy này; bác sĩ sử dụng nó để chẩn đoán bệnh; nhà khoa học sử dụng nó khám phá ra cơ chế sinh học mới; kỹ sư KTYS dựa vào kiến thức mới để phát minh ra máy CT cắt lớp và cứ thế vòng kết nối sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả.

Máy hơi nước nêu trên và cơ giới hóa công nghiệp là cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 1.0. CMCN 4.0 kết hợp những kỹ thuật tiên tiến về mạng Internet, điện toán đám mây, networking để phát huy những ứng dụng mới.

KTYS với cốt lõi đa ngành đa lĩnh vực kết nối những kỹ thuật nêu trên để giải quyết nhu cầu về việc chăm sóc sức khỏe, tìm hiểu khoa học sự sống và kết nối bệnh nhân với bác sĩ thông qua thiết bị y tế, đáp ứng đúng sứ mệnh của cuộc CMCN 4.0.  

lab on a chip, kỹ thuật y sinh
Với công nghệ nano và sinh học phân tử hệ thống phòng lab xét nghiệm phức tạp được thay thế bằng phòng lab trên con chip, nhỏ gọn và có thể mang đi khắp nơi.

Xem thêm: LAB ON A CHIP – xét nghiệm nhanh chỉ bằng 1 con chip

2. Chọn ngành KTYS sinh viên sẽ có cơ hội học và tìm hiểu về điều gì?

Chọn ngành KTYS sinh viên sẽ có cơ hội học và tìm hiểu về những hoạt động bình thường (sinh lý) của con người cũng như sự liên hệ giữa những bộ phận, cơ quan trong cơ thể con người; Những yếu tố gì bên ngoài có thể làm cho những hoạt động này không còn bình thường nữa (bệnh lý); Những phương cách hay kỹ thuật có thể làm cho những hoạt động không bình thường trở lại bình thường (chữa trị)…

Do đó, trong 4 năm đại học, sinh viên được học các môn cơ sở và chuyên ngành về các kỹ thuật truyền thống (cơ khí, điện, điện tử, viễn thông, quang học, tin học), các kỹ thuật tiên tiến (như công nghệ nano, công nghệ micro, công nghệ vật liệu sinh học, công nghệ tế bào gốc, quang tử, điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo) cũng như các môn học liên quan đến sự sống và con người (sinh học, y học, dược, nha khoa, nhãn khoa…) và cách vận dụng hài hòa các kiến thức này vào thực tiễn thông qua các đồ án thực hành…

Vì KTYS là một ngành đa ngành đa lĩnh vực nên để đạt được những kiến thức cần thiết sinh viên sẽ được học phương pháp học động não tích cực và thực tế để nắm được cốt lõi của kỹ thuật, nắm được điểm trọng yếu của nhu cầu và tìm giải pháp phù hợp.

Riêng tại Trường Đại học Quốc tế, trong quá trình đào tạo KTYS các môn học đều có những đồ án hoặc nghiên cứu hoặc chế tạo kéo dài cả học kỳ. Chúng có thể là đồ án nhóm hay cá nhân để sinh viên học cách làm việc nhóm hay tự quản lý.

Sinh viên cũng được đào tạo thành một tổng công trình sư: lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và đảm bảo chất lượng của sản phẩm cuối. Đây là lối học thực tiễn, chủ động và có tầm nhìn xa.

Xem thêm: Máy đo huyết áp viễn y - giúp bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh nhân từ xa

3. Các kiến thức quan trọng sinh viên cần chú trọng để thành công trong ngành KTYS?

Ngành KTYS hiện đã được xây dựng và đào tạo ở nhiều trường đại học công và tư tại Việt Nam. Tùy theo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, triết lí đào tạo mà chương trình KTYS ở mỗi trường sẽ được xây dựng khác nhau.

Ngôn ngữ đào tạo: Xu thế toàn cầu hoá và sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi khả năng hội nhập quốc tế cao từ nguồn nhân lực ở các lĩnh vực kỹ thuật tiên tiến như KTYS. Bên cạnh đó, do đặc thù là một ngành còn khá mới ở Việt Nam nên các tài liệu học tập bằng tiếng Việt còn hạn chế.

Để thành công trong lĩnh vực này, sinh viên cần chọn cho mình môi trường học tập giúp trao dồi tốt kỹ năng tiếng Anh để có thể đọc hiểu, cập nhật các công nghệ tiên tiến mới nhất trên thế giới và vận dụng tốt các nguồn tài liệu khoa học phong phú quốc tế cho quá trình hội nhập. 

ktys, kỹ thuật y sinh, hướng nghiệp

Sinh viên KTYS được đào tạo gắn liền với thực tin. (Hình trái: sinh viên học sử dụng máy khe sáng để kiểm soát mắt. Hình phải: sinh viên tháo máy khe sáng để tìm hiểu chức năng và cách thiết kế của máy).

Nội dung chương trình đào tạo: KTYS là một ngành khoa học mang tính ứng dụng cao lấy kỹ thuật làm phương tiện, sinh học là cơ chế, còn y học là mục đích. Do đó, một chương trình đào tạo tốt cần trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng và phương pháp học tập để sinh viên biết tự học và biết kết hợp tư duy với hành động, học với hành, khoa học hàn lâm với thực tế xã hội.

Để làm được điều đó, chương trình đào tạo phải có sự đầu tư về nghiên cứu khoa học đa dạng, nhiều lĩnh vực, tạo môi trường phát triển óc sáng tạo có định hướng thực tiễn, đặc biệt là gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu – đào tạo – thực tiễn dưới sự cố vấn của Hội đồng cố vấn doanh nghiệp bao gồm các chuyên gia lâu năm và nhà tuyển dụng “khủng” trong lĩnh vực giúp theo dõi chất lượng đào tạo đảm bảo chất lượng đầu ra phù hợp với nhu cầu tuyển dụng trong bối cảnh thực hiện nền giáo dục theo định hướng của thị trường lao động.

Do đó, các em học sinh trước khi chọn học ngành này cần tìm hiểu kỹ về ngành, về trường đại học để có thể tìm được môi trường đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, từ đó, các em sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc xin học bổng cũng như tiếp cận được những cơ hội nghề nghiệp tốt nhất.

Cựu sinh viên KTYS Nguyễn Hoàng Bình, khóa 2007 của Trường Đại học Quốc tế hiện giữ vai trò quan trọng trong công ty thiết bị y tế Draeger của Đức tại Việt Nam cho biết: “Hiện tại các công ty Việt Nam tuyển dụng ngành kỹ thuật đang quan tâm nhiều về chuyên ngành đào tạo và uy tín trường đại học. Trong khi đó các công ty đa quốc gia quan tâm nhiều đến chương trình đào tạo đạt các tiêu chuẩn quốc tế nổi tiếng như AUN-QA và ABET”.

Hiện nay, kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) đang là một công cụ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt buộc các chương trình phải đạt để kiểm soát và đảm bảo chất lượng đào tạo. Hoạt động KĐCLGD cấp cơ sở giáo dục ở nước ta trong những năm gần đây diễn ra mạnh mẽ với các bộ tiêu chuẩn trong nước (Bộ tiêu chuẩn KĐCLGD) và quốc tế AUN-QA, ABET, HCERES…

Trong đó, bộ tiêu chuẩn ABET được xây dựng từ tổ chức được thành lập bởi các hiệp hội ngành nghề kỹ thuật tại Mỹ với các tiêu chí khắt khe về chuẩn đầu ra cho sinh viên bám sát thực tiễn nhu cầu công việc. Kiểm định theo chuẩn ABET đảm bảo một chương trình đào tạo thỏa mãn các tiêu chuẩn chất lượng được thiết lập bởi các chuyên gia trong ngành mà chương trình này chuẩn bị cho sinh viên. Do đó ABET trở thành một yêu cầu quan trọng cho các chương trình đào tạo trong các lĩnh vực kỹ thuật như KTYS.

Ngoài Hoa Kỳ, nhiều thị trường lao động và đại học ở các quốc gia trên thế giới hiện cũng đã công nhận giá trị của chuẩn ABET. Do đó sinh viên tốt nghiệp chương trình được kiểm đinh bởi ABET sẽ có được nhiều ưu thế. Hiện có 3 đại học và một trường cao đẳng kỹ thuật ở Việt Nam có chương trình đạt tiêu chuẩn này. Kết quả KĐCLGD sẽ là một trong những công cụ hữu ích, khách quan, đáng tin cậy giúp phụ huynh và học sinh thuận tiện trong việc lựa chọn nơi học tập.

4. Sinh viên tốt nghiệp ngành KTYS có thể làm việc ở đâu?

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư KTYS có thể làm việc như: (1) kỹ sư lâm sàng trong các bệnh viện để tư vấn trong việc lựa chọn các thiết bị và vận hành các thiết bị để cộng tác với các bác sĩ trong việc nghiên cứu lâm sàng, điều hành kỹ thuật viên để bảo hành bảo trì thiết bị hoặc làm trong các công ty thiết bị y tế để hướng dẫn các bác sĩ hiểu cách sử dụng tối ưu chức năng các thiết bị hay chế tạo những thiết bị mới; (2) kỹ sư thiết kế sản phẩm trong các công ty chế tạo sản phẩm y khoa, sản phẩm mỹ phẩm; (3) giảng dạy/nghiên cứu trong các trường trung học phổ thông và đại học…

Nếu được trang bị kiến thức bằng tiếng Anh, kỹ sư KTYS còn có nhiều lợi thế để phục vụ hiệu quả công việc và mở rộng kiến thức. Vì đây là một ngành tối cần thiết cho việc phát triển khoa học sự sống và chăm sóc sức khỏe nên các đại học tiên tiến trên thế giới (kể cả Trường Đại học Quốc tế) luôn dành nhiều học bổng để thu hút kỹ sư KTYS học lên các bậc Thạc sĩ hay Tiến sĩ KTYS.

Tại Trường Đại học Quốc tế, sinh viên KTYS đầu tiên tốt nghiệp từ năm 2012. Nhiều sinh viên đã đoạt được nhiều giải thưởng và thành tích nghiên cứu khoa học. Hiện nay, ở bậc đại học có tất cả 250 sinh viên đã tốt nghiệp và khoảng 400 sinh viên đang theo học với trên 45% là nữ. Các sinh viên này đều có việc làm đúng sở thích trong các công ty thiết bị y tế hay bệnh viện hay học lên chương trình sau đại học tại Khoa hay đi du học nước ngoài.

5. Nhu cầu của thị trường và mức lương trong ngành KTYS ra sao?

Ở Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước cũng nhận thấy được nhu cầu ngày càng cao về kỹ sư KTYS trong các bệnh viện, ngày 7/10/2015 Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ban hành thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Kỹ Thuật Y.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2015. Điều này mở rộng hơn nữa thị trường việc làm của ngành KTYS. Với sinh viên mới tốt nghiệp, thu nhập khởi điểm tầm 8-10 triệu đồng/tháng. Nếu có kinh nghiệm vài năm, chuyên môn cứng, thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng. Những người làm việc ở các công ty đa quốc gia, giỏi tiếng Anh, thu nhập tầm 25-30 triệu đồng/tháng.

Đôi nét về PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp

PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng khoa KTYS Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM), tốt nghiệp Cử nhân Hóa học tại Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Sau đó, bà hoàn thành bậc Thạc sĩ năm 2009 và nhận bằng Tiến sĩ năm 2012 tại Bộ môn Kỹ thuật và Vật liệu Y Sinh, Khoa Y, Đại học SoonChunHyang, Hàn Quốc.

Bà đã chủ nhiệm và tham gia 18 đề tài nghiên cứu ở nhiều cấp độ trong và ngoài nước. Bà đã nhận được nhiều giải thưởng như giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học Quốc gia (2008) và giải thưởng Nhà nghiên cứu khoa học trẻ tài năng của L’Oréal (L’Oréal National Fellowship) vào năm 2016, Giải thưởng ASEAN-US Science Prize for Women vào năm 2017, giải thưởng Quốc tế L’Oreal UNESCO cho phụ nữ trong khoa học năm 2018 và giải thưởng sáng tạo Hồ Chí Minh 2019. Hiện nay, bà là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu Châu Á.

Các em học sinh và phụ huynh có thể liên lạc với PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp để tìm hiểu thêm thông tin về ngành KTYS tại địa chỉ email: nthiep@hcmiu.edu.vn.

Bình luận