Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Kỹ sư kỹ thuật hệ thống công nghiệp: Nghề nâng cao hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp

(VOH) - Nhắc đến ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp, có lẽ nhiều phụ huynh, học sinh vẫn chưa biết chính xác là ngành này đào tạo về lĩnh vực gì mặc dù rất nhiều công ty cần nhân sự học ngành này?

Trọng tâm của ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp (KTHTCN) là đào tạo ra những kỹ sư để quản lý, điều phối, thiết kế và cải tiến các hệ thống sản xuất và dịch vụ nhằm giảm lãng phí tiền bạc, thời gian, sức lao động, năng lượng, và các nguồn lực khác trong khi tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về an toàn.

Khác với các ngành kỹ thuật khác, ngành KTHTCN là sự kết hợp giữa các kiến thức về kỹ thuật, kinh doanh, khoa học máy tính, toán học, quản lý sản xuất, kiểm soát quy trình và các khía cạnh khác của môi trường làm việc để cải tiến hiệu quả hoạt động và chất lượng của bất kỳ hệ thống công nghiệp nào chứ không chỉ riêng là hệ thống sản xuất. Nói cách khác, vai trò và nhiệm vụ của các kỹ sư là tìm cách để làm mọi thứ tốt hơn dựa vào các nguồn lực hiện có.

Ngày càng có nhiều công ty và tổ chức biết đến kỹ sư ngành này và họ đã thuê các kỹ sư KTHTCN vào các vị trí công việc khác nhau trong công ty như kỹ sư điều phối sản xuất, nhân viên kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng, nhân viên lập kế hoạch, kỹ sư cải tiến sản xuất tinh gọn (lean), nhân viên quản lý kho, kỹ sư dự án…

Dưới đây là một ví dụ về vai trò của các kỹ sư KTHTCN.

Các kỹ sư KTHTCN trong công ty sản xuất điện thoại di động phải đảm bảo rằng điện thoại di động có thể vừa vặn trong tầm tay, đẹp mắt, dễ sử dụng, nhiều chức năng, có đủ năng lượng xử lý, không quá nóng, đảm bảo rằng nó sẽ không bùng cháy khi bạn đang bay trên máy bay...

Có thể hình dung được, các kỹ sư hệ thống công nghiệp có mặt ở tất cả các khâu từ quản lý quá trình sản xuất, thiết kế sản phẩm, cải tiến, và đảm bảo chất lượng. Họ cắt giảm thời gian lãng phí, giảm chi phí, vật liệu, thời gian máy móc làm việc, tiết kiệm năng lượng cũng như các nguồn lực khác, cắt giảm những thứ không tạo ra giá trị - nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về an toàn. Không dừng lại ở đó, họ sẽ cho ra những điện thoại di động thế hệ sau luôn bền hơn, đẹp hơn, nhiều chức năng hơn thế hệ trước.

Một ví dụ khác cho ngành KTHTCN, đó là Tim Cook, CEO của công ty Apple, ông là một tấm gương tiêu biểu cho sự thành công của kỹ sư KTHTCN. Khi về làm việc cho Apple, ông đã đàm phán với các đối tác và thuyết phục họ đặt trụ sở bên cạnh các nhà máy của Apple.

Ông đã đóng cửa 10 trong số 19 nhà kho của Apple, cắt giảm hàng tồn kho từ 1 tháng xuống còn 6 ngày và cuối cùng đã đưa con số đó xuống còn hai ngày. Do đó, thời gian chế tạo một chiếc máy tính của Apple cuối cùng đã giảm từ 4 tháng xuống chỉ còn 2 tháng.

Những ví dụ trên cho thấy rõ ràng, nơi nào cần sự cải tiến, nơi đó cần kỹ sư KTHTCN. Nhu cầu về nguồn lực của ngành này là rất lớn và khắp mọi nơi.

Các công ty lớn của nước ngoài khi đến Việt Nam hoạt động sản xuất, họ tìm kiếm và tuyển dụng kỹ sư tốt nghiệp đúng ngành KTHTCN để quản lý và vận hành hệ thống một cách hiệu quả nhất. Điển hình là công ty Intel của Mỹ, Bosch của Đức, Scancom của Đan Mạch... - họ tìm đến kỹ sư KTHTCN hoặc gửi các kỹ sư tiếp tục theo học ngành KTHTCN để nâng cao hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Văn Hợp
TS. Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Khoa Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp Trường Đại học Quốc tế

TS. Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Khoa Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp Trường Đại học Quốc tế sẽ cung cấp thêm thông tin về ngành học và cơ hội nghề nghiệp của ngành này.

1. Nhu cầu của thị trường yêu cầu nghề này hiện nay?

Chính vì kỹ sư hệ thống công nghiệp có thể cải tiến quy trình và tối ưu được các nguồn lực như: thời gian, tiền bạc, sức lao động, năng lượng… Vì vậy, nhu cầu nhân lực cho ngành hệ thống công nghiệp ngày càng tăng và phổ rộng hơn. Tổ chức nào quan tâm đến cải tiến và quản lý hoạt động hiệu quả đều cần đến kỹ sư KTHTCN.

Theo thống kê của Cục thống kê Lao động của Mỹ, năm 2019 nhu cầu về kỹ sư KTHTCN là 295.800, dự kiến sẽ tăng lên 325.800 đến năm 2029, tức là tăng 10%, tương ứng với 3.000 kỹ sư mỗi năm.

Hiện tại ở TPHCM, Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) là một trong 2 trường đại học duy nhất đào tạo về ngành này. Mỗi năm đào tạo khoảng 150 kỹ sư KTHTCN, không đủ đáp ứng cho thị trường lao động hiện nay.

Do đó sinh viên tốt nghiệp ngành KTHTCN cả trường Đại học Quốc tế luôn được chào đón ở các công ty lớn và các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Số liệu chính thức là hàng năm có 96% sinh viên ngành KTHTCN của Trường Đại học Quốc tế có việc làm ngay và trước ngày tốt nghiệp. Có rất nhiều sinh viên đi làm từ sau khi đi thực tập tại các công ty vào cuối năm 3 và được các công ty giữ lại.

Các sinh viên ngành KTHTCN của Đại học Quốc tế hiện có mặt ở hầu hết các chương trình tuyển dụng đặc biệt như Talent hay Management Trainee của các công ty lớn để bồi dưỡng trở thành cấp quản lý trong tương lai.

Sinh viên tốt nghiệp ngành KTHTC cũng đã khá thành công ở nhiều công ty ở Việt Nam đã và đang đảm nhiệm các vị trí khác nhau từ giám sát kho, trưởng phòng kế hoạch, giám đốc sản xuất, phó tổng giám đốc điều hành, tổng giám đốc điều hành, đến chủ doanh nghiệp…

Hiện nay cựu sinh viên ngành KTHTCN có mặt ở hầu hết các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam như Intel, Bosch, Olam, Calofic, Nestle, Unilever, Friesland Campina, Masan, Vinamilk, Samsung, Jabil, Scancom, Framas, Sabeco, Heineken, Decathlon, Gemadept, Adidas, Nike...

Xem thêm: Học ngành kế toán – đừng lo thiếu việc làm

2. Xu hướng nghề này trong tương lai như thế nào?

Ngành KTHTCN là ngành cải tiến quy trình, tối ưu hoá những nguồn lực hiện, quản lý hệ thống, vì vậy luôn thích ứng với sự thay đổi nhanh của công nghệ mới. Chúng ta có thể thấy những thay đổi từ cách hình thành thiết kế đến cách quản lý dự án.

Sau đây là một số xu hướng phát triển ngành KTHTCN:

* Công nghệ in 3D:

Công nghệ in 3D ra đời, đang bắt đầu thay đổi bản chất của kỹ thuật ở một số khía cạnh. Nó cung cấp một phương pháp mới để sản xuất từ các bộ phận của máy bay, ô tô cho đến những ngôi nhà “in”. Ngoài ra, in 3D còn cung cấp cách mới để các kỹ sư kiểm tra thiết kế và sản xuất mô hình. Khi công nghệ ngày càng trở nên phát triển, cả hai phương pháp này trở thành xu hướng chủ đạo trong ngành kỹ thuật công nghiệp.

* Công nghệ trí tuệ nhân tạo và robot

Trí tuệ nhân tạo và robot đang phát triển nhanh chóng và tạo ra vô số lợi ích, cũng như tiềm năng cho ngành kỹ thuật. Những công nghệ này có thể phân tích dự án, đưa ra giải pháp, giám sát vật liệu và giúp công việc của con người trở nên an toàn và đơn giản hơn. Trí tuệ nhân tạo ngày càng được cải tiến và thích nghi với các chức năng mới, và sự ra đời của máy tính lượng tử cũng có thể đưa việc học máy và người máy lên một tầm cao mới.

* Phân tích dữ liệu và xử lý dữ liệu lớn

Có thể nói, sản xuất là ngành đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Do sự phát triển nhanh chóng của thế giới kỹ thuật số và ứng dụng rộng rãi dữ liệu, các công nghệ như Internet vạn vật IoT và dữ liệu lớn (Big data) đã khiến cho ngành sản xuất chuyển mình rõ rệt.

Vậy những công nghệ hiện đại đã thay đổi ngành sản xuất như thế nào? Lượng dữ liệu được lưu trữ và xử lý đang tăng lên mỗi ngày. Do đó các công ty sản xuất có thể có các giải pháp mới và đưa vào sử dụng hiệu quả các loại dữ liệu này cho phép tự động hóa các quy trình quy mô lớn và tăng tốc thời gian thực hiện. Việc ứng dụng dữ liệu được cho là sẽ thay đổi ngành công nghiệp sản xuất một cách đáng kể đã và đang ngày càng phổ biến và mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất như:

* Phân tích dự đoán

Phân tích dữ liệu hiện tại để dự báo và tránh các tình huống có vấn đề trước. Các nhà sản xuất rất quan tâm đến việc giám sát hoạt đông của công ty và hiệu suất cao của nó. Tìm cách tốt nhất có thể để xử lý các vấn đề có thể xảy ra, khắc phục khó khăn hoặc ngăn chặn chúng xảy ra như công tác dự báo lỗi va bảo trì phòng ngừa, dự báo nhu cầu và quản lý hàng tồn kho, tối ưu hóa giá thành sản xuất…

Sự đổi mới, sáng tạo: công việc thiết kế cũng như cải tiến kĩ thuật được đổi mới thường xuyên hơn với các giải pháp đột phá và dự báo chính xác tầm ảnh hưởng của sản phẩm đưa ra.

Cải thiện vòng đời sản phẩm: Nhiều vấn đề chất lượng có thể được phát hiện và sửa chữa ngay khi chúng phát sinh bằng cách phân tích dữ liệu thời gian thực từ các cảm biến trên dây chuyền sản xuất. Những điểm yếu, lỗ hổng của sản phẩm sẽ được phát hiện chính xác để có thể tinh chỉnh một cách hợp lý.

* Lợi nhuận cao hơn

Có lẽ đây là một vấn đề mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng chú trọng. Việc sử dụng dữ liệu lớn trong sản xuất và quản lý chất lượng có thể giảm chi phí quản lý sản phẩm, lắp ráp và chất lượng cho các nhà sản xuất. Bằng cách tối ưu hóa các sáng kiến, giảm lãng phí, cải thiện năng suất, lợi nhuận có thể tăng lên đáng kể.

* Bền vững

Xu hướng của thế giới là chú trọng đến việc bảo tồn môi trường, chúng ta nhận thấy rằng, các ngành kỹ thuật, xây dựng, vận tải thường thải một lượng rác lớn và gây ô nhiễm cho môi trường. Do đó, trong tương lai, môi trường “xanh” và phát triển bền vững sẽ được chú trọng trong tất cả các lĩnh vực, chẳng hạn như sử dụng tài nguyên hiệu quả, loại bỏ chất thải, vật liệu thay thế và tài nguyên tái tạo.

3. Người học nghề này cần có những tố chất nào?

Không giống như các kỹ sư trong các chuyên ngành khác, kỹ sư KTHTCN chủ yếu quan tâm đến việc tăng năng suất thông qua việc quản lý con người, các phương pháp tổ chức và cải tiến các công nghệ sẵn có. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp chia sẻ những kỹ năng và đặc điểm chung cần có như sau: sáng tạo, kỹ năng phân tích, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phản biện và kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân. Các kỹ năng khác tùy thuộc vào vai trò và tổ chức nơi bạn công tác.

4. Lộ trình các bước học nghề này như thế nào?

Chương trình đào tạo của ngành KTHTCN chia ra làm ba cấp độ khác nhau:

- Cấp độ 1, 2: Trình độ tiếng Anh chưa đủ chuẩn

- Cấp độ 3: Trình độ tiếng Anh đủ chuẩn

Sinh viên ở cấp độ 1, 2 phải được học bổ sung tiếng Anh đạt chuẩn sẽ được học vào chương trình chính.

Chương trình chính bao gồm: Hai năm đầu tiên, các bạn sẽ được hoặc các môn đại cương, môn cơ sở ngành và có 5 chuyến thực tập tham quan thực tập các công ty hoạt động trong lĩnh vực KTHTCN. Một điều thú vị khi tham gia ở giai đoạn này, vào năm học đầu tiên các bạn có cơ hội tìm hiểu về ngành nghề thông qua môn học nhập môn, có cơ hội làm việc nhóm để tạo ra các mô hình sản phẩm và hệ thống thực tế. Đây là môn học mang lại nét đặc trưng cho ngành KTHTCN.

Hai năm tiếp theo, sinh viên sẽ học chuyên ngành, tham gia thực tập tại công ty ít nhất 8 tuần để có cơ hội tìm hiểu thực tế công việc. Sinh viên được yêu cầu hoàn thành đồ án môn học trước khi làm luận văn cuối khoá.

Trong quá trình học, các bạn có cơ hội tham gia nhiều câu lạc bộ, hội, nhóm giúp các bạn phát triển kỹ năng mềm, củng cố kiến thức, tư vấn tâm lý, chia sẻ và giúp đỡ nhau để hoà nhập và có những trải nghiệm thú vị trong 4 năm đại học tại trường.

Ngoài ra khoa còn có cả đội ngũ trợ giảng chuyên nghiệp hỗ trợ các bạn trong quá trình học tập tại trường.

Tại TPHCM, Đại học Quốc tế là một trong 2 cơ sở đào tạo duy nhất đào tạo các kỹ sư KTHTCN. Chương trình đào tạo của Ngành KTHTCN tại Đại học Quốc tế được kiểm định chất lượng và đạt tiêu chuẩn AUN của Đông Nam Á. Không dừng lại ở đó, ngành KTHTCN sẽ tiếp tục tham gia kiểm định chất lượng ABET của Mỹ, trong những năm sắp tới.

Tại Đại học Quốc tế, tất cả các chương trình đào tạo của các ngành đều dùng 100% tiếng Anh và đạt chuẩn quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ có nhiều cơ hội làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam hoặc làm việc ở nước ngoài.

Sinh viên có thể lựa chọn tiếp tục học các chương trình sau đại học tại Đại học Quốc tế hoặc du học nước ngoài cũng rất thuận lợi.

Xem thêm: Nghề sales/nhân viên kinh doanh không bao giờ “lỗi thời”

5. Những kiến thức nào nên được ưu tiên khi học nghề này?

Khác với các ngành kỹ thuật khác, KTHTCN là sự kết hợp kỹ thuật, kinh doanh và truyền thông, khoa học máy tính, toán học, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, thiết kế mặt bằng, kỹ thuật mô phỏng, quản lý dự án, cải tiến tinh gọn… Các kỹ sư KTHTCN được đào tạo kỹ thuật và các phương pháp để cải tiến hiệu quả hoạt động và cải tiến chất lượng trong bất kỳ môi trường nào chứ không chỉ riêng là môi trường sản xuất.

Vì vậy những môn học nền tảng bao gồm: toán, tư duy logic. Ngoài ra, giỏi về lập trình là một thuận lợi để theo học ngành này.

6. Khó khăn khi học nghề và làm nghề là gì?

Bất kì ngành nghề nào đều có khó khăn và thuận lợi riêng, riêng đối với kỹ sư KTHTCN thì khó khăn lớn nhất là phải tìm ra giải pháp cải thiện hệ thống hiện có. Đối với sinh viên mới ra trường để hiểu các hệ thống thực tế và tìm ra được vấn đề phải cần có nhiều thời gian, sự kiên trì và khả năng quan sát. Để cải tiến hệ thống không những đòi hỏi nhiều thời gian, công sức mà còn liên quan tới việc phải liên tục cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ để cải tiến hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cải tiến hệ thống bao gồm cả cải tiến quy trình làm việc của con người. Vì vậy, xây mối quan hệ và giao tiếp với con người cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự linh hoạt.

Tuy nhiên, theo học ngành KTHTCN – Trường Đai học Quốc tế, các bạn được trang bị đầy đủ những kiến thức chuyên ngành, những kỹ năng mềm cần thiết, vốn tiếng Anh, các bạn sẽ tự tin chinh phục những khó khăn phía trước và tạo ra được một lối đi riêng cho sự nghiệp của các bạn.

7. Khi mới tốt nghiệp, sinh viễn sẽ làm gì? ở đâu?

Cơ hội nghề nghiệp cho kỹ sư KTHTCN rất nhiều và đa dạng, các bạn có thể lựa chọn nghề nghiệp theo định hướng cá nhân. Có thể trở thành một kỹ sư định hướng về kỹ thuật hoặc cũng có thể là một kỹ sư định hướng quản lý. Một trong những công việc mà kỹ sư KTHTCN đảm trách:

  • Là một kỹ sư điều phối và quản lý sản xuất trong một nhà máy sản xuất, họ bố trí nhân lực, dây chuyền sản xuất, phân bổ công cụ và tổ chức cách thức sản xuất hiệu quả nhất, họ cũng có thể cải tiến hoặc thay đổi các công cụ mà công nhân sử dụng để giảm nguy cơ chấn thương, duy trì thời gian làm việc lâu hơn. Mục tiêu cuối cùng là sản xuất ra sản phẩm với năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất, và tiết kiệm nhất chi phí về tiền bạc, thời gian, công sức.
  • Là một kỹ sư quản lý chất lượng cho một công ty, một kỹ sư KTHTCN có thể cải thiện sự hài lòng của khách hàng bằng cách thiết kế các phương pháp kiểm soát chất lượng nguyên vật liệu đầu vào tốt nhất, đảm bảo các dây chuyền sản xuất hoạt động với các bộ thông số tối ưu để cho ra sản phẩm chất lượng sản phẩm tốt nhất, phát triển và quản lý các quy trình hoạt động trong nhà máy, công ty một cách hiệu quả nhất, thu thập và phân tích số liệu sản xuất để đánh giá và cải tiến chất lượng sản phẩm đầu ra tốt nhất luôn đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
  • Là một nhân viên lập và điều phối thực hiện các kế hoạch hoạt động của công ty như các kế hoạch mua nguyên vật liệu, kế hoạch sản xuất, kế hoạch nhận hàng và giao hàng của kho, và kế hoạch phân phối hàng hóa đến các nhà phân phối, siêu thị và các điểm bán lẻ.
  • Là một nhà phân tích của một công ty thương mại điện tử, dự đoán về nhu cầu của khách hàng, lên kế hoạch dự trù hàng hoá, cắt giảm được chi phí lưu kho.
  • Là các kỹ sư phân tích các thông tin đầu vào và các quy trình vận hành để tư vấn triển khai các hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP- Enterprise Resources Planning).
  • Là một nhà phân tích của một hãng hàng không, kỹ sư KTHTCN có thể thiết kế hệ thống mã vạch để xác định và vận chuyển hành lý của hành khách nhằm đảm bảo rằng hành lý đó không bị thất lạc và sắp xếp lịch bay và đậu cho máy bay cũng như phi hành đoàn.
  • Là một kỹ sư thiết kế sản phẩm cho công ty xe hơi hoặc điện thoại di động, bạn là người đưa ra các mẫu mã thân thiện với người sử dụng hơn.
  • Là một kỹ sư thiết kế và quản lý hệ thống phân phối hàng hóa của công ty. Các kỹ sư KTHTCN cũng có thể thiết kế hệ thống các dây chuyền sản xuất, hệ thống chuỗi cung ứng…
  • Là một kỹ sư quản lý trong bệnh viện, kỹ sư KTHTCN có thể giúp các bác sĩ và y tá sắp xếp thời gian làm việc hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất.
đại học quốc tế
Sinh viên học tập tại Thư viện Trường Đại học Quốc tế (Ảnh: vnuhcm)

Hiện nay sinh viên tốt nghiệp từ ngành KTHTCN của Trường Đại học Quốc tế luôn được chào đón ở các công ty lớn và các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Số liệu chính thức là: hàng năm có 96% sinh viên ngành KTHTCN của Trường Đại học Quốc tế có việc làm ngay và trước ngày tốt nghiệp. Có rất nhiều sinh viên đi làm từ sau khi đi tực tập tại các công ty vào cuối năm 3 và được các công ty giữ lại làm việc.

8. Mất bao lâu để lên mức chuyên gia trong nghề này?

Để trở thành chuyên gia trong nghề này phụ thuộc vào cá nhân, nên không thể nói chính xác là bao lâu. Có những bạn thành công sau khi tốt nghiệp vài năm, cũng có bạn lâu hơn, tuỳ vào năng lực và đam mê hiện có. Trung bình từ 2-3 năm sau khi tốt nghiệp, các bạn có nhiều cơ hội va chạm thực tế, ứng dụng kiến thức trong trường đại học giúp bạn vững vàng và xử lý công việc hiệu quả hơn.

9. Lương của người mới ra nghề khoảng bao nhiêu?

Theo ghi nhận từ các cựu sinh viên Trường Đại học Quốc tế, mức lương nhận được sau khi tốt nghiệp là trên 10 triệu đồng/tháng. Có bạn sau khi tốt nghiệp 1 năm đã nhận được mức lương 2.000 USD/tháng. Có bạn được nhận vào làm việc từ sau khi đi thực tập và trong vòng 9 tháng được thăng 2 cấp và trở thành quản lý một bộ phận ở một tập đoàn lớn.

Mức lương cao hay thấp phụ thuộc vào vị trí và yêu cầu công việc. Lương sẽ tăng dần lên dựa trên kinh nghiệm và hiệu quả công việc được giao.

Theo thống kê của Cục lao động Mỹ, năm 2020, lương của kỹ sư ngành KTHTCN là 43.76 USD/giờ, tương đương 88.950 USD/năm. So sánh với các ngành khác thì đây là mức lương khá cao.

10. Cơ hội kiếm tiền của nghề này đến từ những nguồn nào?

Cơ hội nghề nghiệp cho ngành KTHTCN rất nhiều và đa dạng. Trải qua 2-3 năm kinh nghiệm làm việc hoặc nâng cao trình độ, bạn có thể trở thành các cấp quản lý, lãnh đạo như trưởng nhóm, trưởng phòng, giám đốc sản xuất, giám đốc cung ứng, trưởng bộ phận…

Về lâu dài, một số bạn có thể trở thành CEO, Tổng Giám đốc và chủ doanh nghiệp. Khi mới ra trường sinh viên KTHTCN có thể đảm nhận các vị trí sau:

+ Chuyên gia tư vấn: cung cấp giải pháp cho các hệ thống hoạt động không hiệu quả, tư vấn thiết kế, vận hành, quản lý hệ thống, đảm bảo chất lượng.

+ Kỹ sư thiết kế: trực tiếp thiết kế hệ thống hoặc thiết kế sản phẩm

+ Kỹ sư cải tiến: nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống

+ Kỹ sư vận hành: Sắp xếp hợp lý việc sử dụng thời gian, vật liệu, máy móc và nhân viên.

+ Nhân viên kế hoạch và điều phối: lập và điều phối thực hiên các kế hoạch sản xuất, thu mua, phân phối hàng hóa.

+ Giảng viên: giảng dạy cho các trường đại học

+ Nhà nghiên cứu: trong các trường hoặc viện nghiên cứu.

Đôi nét về TS. Nguyễn Văn Hợp

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hợp hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM). Tiến sĩ Nguyễn Văn Hợp đã thực hiện các nghiên cứu về Fuzzy Stochastic Optimization, Chuỗi cung ứng và Chuỗi cung ứng Điện tử, Sản xuất và Lập lịch trình thông minh .

Ông có 46 ấn phẩm được giới thiệu trên các tạp chí và hội nghị hàng đầu như IEEE Transactions on SMC, Information Sciences, European Journal of Operational Research, International Journal of Production Economics, International Journal of Production Research, Computers and Industrial Engineering, Production Planning and Control...

Ông cũng là người phản biện cho nhiều tạp chí hàng đầu như International Journal of Production Research, Computers and Industrial Engineering, Journal of Intelligent & Fuzzy Systems, International Journal of Production Economics...

Gần đây, ông được danh hiệu Giảng viên xuất sắc, Giải thưởng của Hiệp hội Industrial Engineering and Operations Management Society International năm 2021. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Hợp cũng đã có thời gian dài làm việc trong ngành.

Ông đã từng phục vụ cho các công ty đa quốc gia khác nhau tại Việt Nam ở các vị trí cấp cao khác nhau như Giám đốc chuỗi cung ứng, Tổng giám đốc, Giám đốc quốc gia.

Bình luận