Chờ...

Học ngành kế toán – đừng lo thiếu việc làm

(VOH) - Nói đến việc học ngành kế toán, không ít người cho rằng cơ hội việc làm của ngành này không còn cao… Tuy nhiên trong thực tế, đây là ngành nghề phổ biến và luôn cần nhiều lao động.

Kế toán không phải là nghề “hot” theo xu hướng thị trường mà là một nghề phổ biến, có tính ổn định cao và giữ vai trò quan trọng trong bất kỳ một tổ chức, doanh nghiệp nào, kể cả doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp startup hay các cửa hàng. Do đó, nhu cầu nhân lực của ngành này rất lớn. Bạn không lo thất nghiệp sau khi học ngành này – nếu bạn thực sự có năng lực.

Trong vài năm trở lại đây, kế toán cũng được xếp vào loại ngành nghề “freelance” hấp dẫn vì có thể làm việc linh động tại nhà, không bị bó buộc thời gian. Những người làm kế toán văn phòng, ngoài giờ hành chính cũng vẫn có thể làm thêm (báo cáo thuế, báo cáo tài chính, hóa đơn chứng từ…) cho các công ty nhỏ.

Chị Phạm Kim Oanh – Kế toán trưởng Công ty TNHH TM & DV An Phú Vĩnh chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu nguyên liệu ngành nhựa - sẽ chia sẻ thêm về nghề kế toán cũng như các khó khăn, thuận lợi và cơ hội của ngành nghề này để các em học sinh và các bậc phụ huynh có cái nhìn toàn diện hơn về nghề kế toán trong thực tế.

hướng nghiệp 5.0, Phạm Kim Oanh, Kế toán trưởng, Công ty TNHH TM & DV An Phú Vĩnh
Chị Phạm Kim Oanh – Kế toán trưởng Công ty TNHH TM & DV An Phú Vĩnh

1. Công việc của một nhân viên/chuyên viên kế toán bao gồm những gì?

Người làm kế toán hiện nay sẽ làm các công việc như: Tiếp nhận thông tin, ghi chép, xử lý và tính toán số liệu đối với tất cả các hoạt động liên quan đến tài sản, nguồn vốn của một đơn vị/doanh nghiệp dựa trên quy định của pháp luật và chuẩn mực kế toán hiện hành, để đưa ra các báo cáo số liệu cụ thể.

Thông qua các báo cáo này, nhà quản lý có thể theo dõi thường xuyên kết quả tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình, bao gồm quá trình sản xuất kinh doanh, doanh thu, chi phí, lợi nhuận…, đồng thời có thể theo dõi thị trường và kiểm soát nội bộ. Từ đó đưa ra những đánh giá và chiến lược mới phù hợp.

Nghề kế toán cũng có thể chia ra từng nhánh nhỏ tùy thuộc vào các yếu tố phân loại, chẳng hạn như:

  • Dựa theo yếu tố quản lý tổ chức sẽ có kế toán công thuộc các đơn vị hành chính sự nghiệp và kế toán doanh nghiệp.
  • Dựa theo vai trò công việc của kế toán, kế toán có thể được chia thành Kế toán tổng hợp, Kế toán thuế, Kế toán ngân hàng, Kế toán công nợ…

Xem thêm: 

Học ban tự nhiên thi Luật có phù hợp không?

Luật sư – nghề chỉ dành cho những người bản lĩnh

2. Những khó khăn/áp lực mà một người kế toán thường gặp phải là gì?

Mỗi ngành nghề đều có áp lực khác nhau, riêng nghề kế toán sẽ có một số áp lực như sau:

- Áp lực về khối lượng chứng từ và những con số: Tùy thuộc vào loại hình kinh doanh và quy mô của doanh nghiệp mà lượng chứng từ và số liệu, báo cáo phải xử lý đối với bộ phận kế toán là nhiều hay vô cùng nhiều. Hơn nữa các cấp quản lý dựa vào báo cáo của kế toán để quản trị doanh nghiệp cũng như phải dựa vào đó để có cơ sở đưa ra các chiến lược cho tương lai. Do đó, nhiệm vụ kế toán rất nặng nề, luôn phải đảm bảo các con số có độ chính xác tuyệt đối.

- Áp lực về “deadline”: Kế toán luôn phải làm các loại báo cáo gửi cơ quan thuế theo tháng, theo quý, theo năm, song song với đó là các báo cáo hàng ngày, hàng tuần để phục vụ mục đích quản trị của lãnh đạo.

Mỗi một sự chậm trễ của nhân viên kế toán đều bị phạt bằng tiền, bằng uy tín của nhân viên và của doanh nghiệp. Chính vì thế, kế toán là một trong các bộ phận thường xuyên nhất trong đơn vị/doanh nghiệp luôn phải làm thông trưa, thông chiều thậm chí thông ngày, đặc biệt vào cuối quý, cuối năm hay vào kỳ có quyết định thanh tra kiểm tra của cơ quan thuế.

- Áp lực bởi các chính sách thuế liên tục thay đổi: Các thông tư, nghị định áp dụng đối với đơn vị/doanh nghiệp liên tục thay và sửa đổi, các loại báo cáo kê khai cho cơ quan thuế cũng sửa đổi thường xuyên. Điều này bắt buộc kế toán phải liên tục nghiên cứu, cập nhật để đảm bảo mình luôn hạch toán, ghi nhận đúng luật.

Tất cả những áp lực trên khiến những người làm công việc kế toán thường đau đầu, cáu kỉnh và khó tính.

3. Những tố chất/tính cách cần có để có thể làm được nghề kế toán?

Ngoài yếu tố chuyên môn nghiệp vụ giống như đối với các ngành nghề khác, kế toán ít nhất cần có những tố chất/tính cách sau:

- Cẩn thận, chăm chỉ

- Chịu được áp lực và có độ tin cậy cao

- Nhanh nhẹn, có khả năng hoạch định công việc, biết phân bổ thời gian hợp lý để hoàn thành công việc một cách có hiệu quả

- Giao tiếp tốt, có khả năng làm việc độc lập và theo nhóm tốt.

kế toán, hướng nghiệp 5.0
Người làm nghề kế toán cần có khả năng chịu được áp lực cao

4. Để làm nghề kế toán, các em học sinh nên chọn học Ngành nào? Trường nào?

Để trở thành kế toán thì bắt buộc học sinh phải chọn ngành học là kế toán tài chính (hay tài chính kế toán). Hiện nay, nhiều trường đại học có mở các khoa quản trị kinh doanh hoặc ngành quản trị kinh doanh, trong đó có các môn học là Kế toán tài chính nhưng sẽ không được chuyên sâu và đầy đủ.

Khi lựa chọn học ngành kế toán, các em sẽ có rất nhiều lựa chọn: có thể học đại học, cao đẳng hay học từ bậc trung cấp, sau đó học thêm và học chuyên sâu hơn.

Tuy nhiên, nếu nói về các trường đại học đào tạo về kế toán tốt nhất ở Hà Nội, theo tôi có một số trường như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương mại, Học viện Tài chính, Đại học Công Đoàn…

Tại TPHCM, một số trường đại học top đầu đào tạo ngành Kế toán có thể kể tới như Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Tài chính Marketing, Đại học Ngân hàng…

5. Chương trình đào tạo kế toán hiện nay?

Tôi từng học đại học 4 năm, ra trường có bằng đại học chuyên ngành kế toán. Sau khi làm thực tế 2 năm, tôi tiếp tục đi học thêm chứng chỉ kế toán trưởng. Với kinh nghiệm 17 năm làm kế toán, tôi nhận thấy rằng, sinh viên nếu nắm chắc kiến thức ở trường là đã biết làm các công việc của kế toán về mặt lý thuyết. Tuy nhiên mỗi một mô hình doanh nghiệp có cách hạch toán và lên báo cáo để quản lý khác nhau nên kế toán mới phải mất thời gian là một vài tháng để làm quen.

Ngoài ra, vì chính sách, thông tư, nghị định của nhà nước luôn thay đổi nên trong quá trình học, các em cũng có thể chưa cập nhật ngay được. Do đó khi ra trường, các em sẽ không thể thể áp dụng được kiến thức đã học cho các trường hợp thay đổi đó và phải tiếp tục học thêm nhiều kiến thức thực tế.

Xem thêm: Sinh viên tốt nghiệp tự nhận thấy chưa thể đáp ứng ngay dịch vụ kế toán, kiểm toán

6. Những kiến thức/kỹ năng nào nên được ưu tiên khi học để trở thành nhân viên/chuyên viên kế toán?

Để trở thành một kế toán viên thì kiến thức quan trọng đầu tiên cần phải học là các kiến thức về nghiệp vụ kế toán, bao gồm: hệ thống tài khoản; các bút toán định khoản áp dụng cho từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh; cách lên báo cáo kế toán chi tiết, tổng hợp; các báo cáo tài chính... Ngoài ra, các kỹ năng về vi tính đặc biệt là lập bảng biểu, công thức trên excel cũng rất quan trọng.

Sau quá trình làm việc và tuyển dụng, tôi nhận thấy - không ít bạn trẻ chọn ngành học kế toán nhưng chưa thực sự đầu tư vào việc học chuyên ngành khi ở trường, không nắm vững kiến thức cơ bản. Khi đi làm, gặp một nghiệp vụ phát sinh các bạn vẫn không biết hạch toán vào đâu, định khoản thế nào hoặc định khoản nhầm tài khoản này sang tài khoản khác.

Chính vì kiến thức không chắc nên các bạn cũng không kiểm soát được số liệu lên báo cáo, cầm báo cáo tổng hợp không biết sai ở đâu, không biết bất hợp lý ở chỗ nào; Hoặc khi được chỉ chỗ sai trên báo cáo tổng hợp rồi thì không biết vào đâu để kiểm tra lại, sửa lại.

Khoảng thời gian 15-20 năm trước, khi phần mềm kế toán chưa phổ biến, kế toán viên còn làm việc thủ công nhiều, các báo cáo sổ sách ghi nhận trực tiếp trên giấy nên đòi hỏi kế toán phải nắm rất chắc tất cả cách hạch toán, cách lên báo cáo mới có thể làm được. Cách kiểm soát số liệu kế toán cũng vì thế mà chắc hơn.  

Hiện nay, các phần mềm kế toán đa dạng và hiện đại hơn giúp công việc của kế toán nhanh hơn, tiện hơn và cũng dễ hơn. Tuy nhiên một số bạn kế toán lại quá phụ thuộc vào phần mềm, chỉ biết gõ số liệu vào các giao diện có sẵn, nếu không nắm rõ nguyên lý hạch toán các bạn cũng sẽ không biết giao diện đó có những bút toán hạch toán nào, lên báo cáo ở đâu. Do đó, kỹ năng kiểm tra, kiểm soát báo cáo cũng không có. Các bạn chỉ in báo cáo ra một cách thụ động…

Có thể giống một số bạn trẻ trong nhiều ngành nghề khác, nhiều bạn kế toán mới ra trường thiếu sự chăm chỉ, cẩn thận và cầu tiến trong công việc, "đứng núi này trông núi nọ" và không có tinh thần sẵn sàng cống hiến để có một tương lai tốt hơn.

Do đó, để làm tốt công việc kế toán, các bạn cần nắm vững các kiến thức đã học từ nhà trường, xác định đúng mục tiêu để phấn đấu, cùng với đó là tinh thần cầu thị, không ngừng học tập trong quá trình làm việc để có thể trau dồi kiến thức, kĩ năng làm việc của mình.

7. Một sinh viên khi mới tốt nghiệp nên làm gì? ở đâu?

Hiện nay có rất nhiều công ty, thậm chí công ty lớn sẵn sàng tuyển dụng các bạn sinh viên mới ra trường với điều kiện kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cơ bản tốt, tư cách đạo đức tốt và nhiệt huyết trong công việc. Họ sẽ đào tạo thêm để bạn đáp ứng được công việc của công ty giao và bạn hoàn toàn có cơ hội để trở thành một nhân viên kế toán chủ chốt có nhiều cơ hội thăng tiến.

Tùy thuộc vào công việc kế toán bạn được giao cũng như người đồng hành, hướng dẫn bạn, đặc biệt quan trọng nhất vẫn là năng lực và ý thức nỗ lực làm việc của bạn - bạn sẽ mất khoảng 2-3 năm đầu để hiểu, nắm chắc được các nghiệp vụ kế toán tại đơn vị/doanh nghiệp và xử lý môt cách thành thạo các vấn đề liên quan phát sinh.

Bạn cũng có thể mất khoảng 5-6 năm (kể từ khi bắt đầu làm nghề) để có thể phân tích được số liệu kế toán, ứng biến được hầu hết tình huống liên quan đến chính công việc mà bạn đang làm và xử lý cơ bản triệt để có hiệu quả. Từ đó có thể có các sáng kiến về cách vận hành, cơ chế quản lý xây dựng bộ máy kế toán sao cho hợp lý và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên kế toán là một nghề cần thiết ở tất cả các mô hình doanh nghiệp/tổ chức, ở tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mà mỗi lĩnh vực doanh nghiệp lại có các đặc thù khác nhau, do đó gần như không thể có một kế toán nào am hiểu, thành thạo toàn bộ các nghiệp vụ liên quan đến kế toán ở tất cả các ngành nghề trong doanh nghiệp. Vì vậy việc trau dồi kỹ năng, kiến thức luôn là cần thiết kể cả đối với một chuyên viên kế toán kỳ cựu.

8. Nhân viên/chuyên viên kế toán có thể được thăng tiến vào các vị trí nào trong một doanh nghiệp?

Một nhân viên kế toán nếu làm việc tốt có thể phấn đấu để thăng tiến lên các vị trí như kế toán trưởng, giám đốc tài chính… hay lên vị trí lãnh đạo cao khác của doanh nghiệp nếu giỏi nhiều lĩnh vực khác nữa.

Xem thêm: Nghề kỹ sư điện – điện tử có thể thu nhập tới 100 triệu đồng/tháng

9. Thu nhập của một người kế toán viên khi mới ra trường và khi đã trở thành một kế toán viên giỏi?

Một nhân viên kế toán mới ra trường thông thường có thu nhập từ 4.000.000 – 6.000.000/tháng đồng tùy thuộc vào công việc, tình hình tài chính của doanh nghiệp và tùy thuộc vào trình độ năng lực của nhân viên. Mức lương có thể tăng lên 8.000.000 – 10.000.000/tháng đồng sau khoảng 2-3 năm kinh nghiệm.

Một kế toán viên giỏi, mức lương có thể ở mức 15.000.000 – 20.000.000 đồng/tháng. Tùy thuộc vào vị trí làm việc, có phải là quản lý hay không, có trình độ ngoại ngữ không cũng là yếu tố giúp một kế toán giỏi đạt được mức lương 25.000.000 – 30.000.000 đồng/tháng, thậm chí cao hơn rất nhiều nếu làm việc tại các công ty đa quốc gia.

Thu nhập của nhân viên kế toán toàn thời gian ở công ty sẽ là lương, thưởng do doanh nghiệp chi trả.

10. Nhu cầu nhân lực kế toán viên hiện nay và xu hướng phát triển ngành nghề này trong tương lai?

Nhu cầu nhân lực của ngành kế toán là rất lớn bởi kế toán là một bộ phận không thể thiếu trong bất kỳ các tổ chức, doanh nghiệp nào từ tư nhân đến nhà nước, từ loại hình doanh nghiệp đơn giản đến phức tạp.  Ngày nay nhiều hộ cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ cũng luôn có kế toán để quản lý số liệu được bài bản và chính xác hơn.

Có rất nhiều nguồn đào tạo kế toán từ các trường đại học, cao đẳng trên cả nước nhưng nguồn kế toán chất lượng và thực sự đáp ứng được công việc một cách chuyên nghiệp vẫn luôn trong tình trạng thiếu hụt đối với doanh nghiệp. Điều này có thể phát sinh từ chính nội tại bản thân của các kế toán mới: không đủ kiến thức, không đủ tư duy, không có các tố chất để trở thành một kế toán thực thụ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Vì vậy, nếu bạn yêu thích những con số, thích làm công việc của một kế toán thì hãy cứ mạnh dạn lựa chọn ngành này - đừng lo không tìm được việc làm. Đối với bất cứ ngành nào cũng vậy, nếu bạn yêu thích công việc, nếu bạn giỏi thực sự thì bạn sẽ luôn tìm được chỗ đứng trong doanh nghiệp/tổ chức nào đó.

Danh sách các trường đại học đào tạo ngành Kế toán tại các khu vực

* Khu vực TPHCM

* Khu vực Hà Nội

  • Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
  • Học viện Ngân hàng
  • Học viện Tài chính
  • Trường Đại học Bách khoa Hà Nội 
  • Trường Đại học Công đoàn 
  • Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải
  • Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội 
  • Trường Đại học Công nghiệp Việt Hung
  • Trường Đại học Đại Nam
  • Trường Đại học Điện lực 
  • Trường Đại học Đông Đô 
  • Trường Đại học Giao thông Vận tải 
  • Trường Đại học Hà Nội 
  • Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội 
  • Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
  • Trường Đại học Lao động Xã hội
  • Trường Đại học Mỏ Địa chất 
  • Trường Đại học Mở Hà Nội 
  • Trường Đại học Ngoại thương
  • Trường Đại Học Nguyễn Trãi
  • Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội 
  • Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
  • Trường Đại học Thăng Long 
  • Trường Đại học Thành Đô 
  • Trường Đại học Thương mại
  • Trường Đại học Thủy lợi

* Khu vực miền Bắc

  • Trường Đại học Chu Văn An
  • Trường Đại học Hàng hải Việt Nam
  • Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên
  • Trường Đại học Kinh Bắc
  • Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà
  • Trường Đại học Thái Bình
  • Trường Đại học Thành Đông

* Khu vực miền Trung

  • Trường Đại học Đà Lạt
  • Trường Đại học Đông Á
  • Trường Đại học Duy Tân
  • Trường Đại học Hà Tĩnh
  • Trường Đại học Hồng Đức
  • Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng 
  • Trường Đại học Kinh tế – Đại học Huế 
  • Trường Đại học Kinh tế Nghệ An 
  • Trường Đại học Nha Trang
  • Trường Đại học Phan Thiết
  • Trường Đại học Quy Nhơn
  • Trường Đại học Tài chính Kế toán
  • Trường Đại học Tây Nguyên
  • Trường Đại học Thái Bình Dương
  • Trường Đại học Vinh
  • Trường Đại học Xây dựng Miền Trung

* Khu vực miền Nam

  • Trường Đại học An Giang
  • Trường Đại học Bạc Liêu
  • Trường Đại học Cửu Long
  • Trường Đại học Đồng Tháp
  • Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An
  • Trường Đại học Nam Cần Thơ
  • Trường Đại học Tây Đô
  • Trường Đại học Thủ Dầu Một
  • Trường Đại học Trà Vinh…