Trương Văn Đạt là cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Dệt - trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM). Đạt biết đến ngành dệt may thông qua phần mô tả từng ngành học trên trang web của trường. Ngày ấy, Đạt đã tìm hiểu thông tin về rất nhiều ngành và vô cùng phân vân cho đến khi biết ngành Dệt may.
Với Đạt, đây là một ngành vô cùng hấp dẫn với chương trình học dễ hiểu, khi đọc tên môn học bạn có thể đoán được những gì mình sẽ được học. Chương trình học bổng tài trợ học phí nhiều và theo Đạt cơ hội việc làm sau khi ra trường là tuyệt đối. Đó là lý do bạn đăng ký ngay ngành Dệt may ở nguyện vọng 1.
Trương Văn Đạt là một trong 10 nam sinh đạt điểm tốt nghiệp xuất sắc trong đợt trao bằng tốt nghiệp tháng 4/2022 (Điểm tốt nghiệp 9.14). Bằng trải nghiệm học tập trong ngành dệt may, Trương Văn Đạt đã đưa ra một số chia sẻ về ngành học này.
Dệt may có phải là ngành chỉ dành cho… con gái?
Theo Đạt, quan điểm ngành Dệt may dành riêng cho con gái là quan điểm sai 100%, nhưng có một điều đáng buồn là có rất nhiều người nghĩ vậy.
Thật ra ngành dệt may hiện nay bao gồm 2 chuyên ngành lớn là Ngành Kỹ thuật dệt sẽ làm ra vải và Ngành Công nghệ may sẽ làm ra trang phục. Tổng quát có thể nói, ngành Kỹ thuật dệt may hiện không đơn thuần ứng dụng trong may mặc mà còn dùng trong rất nhiều lĩnh vực khác như y tế, điện tử, truyền thông, hàng không vũ trụ... bởi vì vải tạo ra được tích hợp nhiều khả năng khác như chống tia UV, chống thấm, kháng khuẩn, kháng nhiệt...
Một ví dụ về tính năng chống tia UV, đó là vải từ xơ tre, mặc dù cây tre là loại cây phổ biến tại Việt Nam nhưng rất ít người biết thân cây tre có thể tước xơ, kéo sợi, dệt thành vải mềm mại, thoáng mát, và đặc biệt là chống tia UV cực tốt.
Xem thêm: Ngành dệt may và thời trang hướng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Nói sâu hơn về ngành Kỹ thuật dệt thì ngành bao gồm các công đoạn như kéo sợi, dệt thoi, dệt kim, nhuộm - hoàn tất vải... Những việc này hiện nay thao tác hoàn toàn trên máy móc, do đó đòi hỏi nguồn nhân lực là kỹ sư nam rất nhiều, và hiện tại các bạn sinh viên nam học dệt may điều được các công ty dệt săn đón từ năm 3 đại học.
Bí quyết học tập để đạt được kết quả học tập xuất sắc?
Thi đỗ vào trường đại học là điểm cuối của cấp 3, nhưng lại là điểm khởi đầu của đại học. Tuy đây là một thành tích vẻ vang nhưng chưa phải thời gian để ta tự mãn. Đạt cho rằng, các bạn trẻ cần học tập nghiêm túc, nỗ lực như lúc các bạn ôn thi trung học phổ thông, đặc biệt là trong năm nhất đại học khi các bạn phải học các môn đại cương rất nhiều và khó. Có như thế các bạn mới không bị rớt môn và đạt được thành tích học tập tốt.
Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng nên học tập nghiêm túc và tự đặt ra mục tiêu cho bản thân, từ mục tiêu này hãy xây dựng kế hoạch học tập chi tiết để đạt được.
Bản thân Đạt đặt mục tiêu đạt huy chương vàng tốt nghiệp từ năm nhất đại học. Để đạt được mục tiêu này, đầu tiên bạn đã tìm hiểu những tiêu chí cần có, sau đó lên kế hoạch thực hiện từng bước. Ngoài những điều kiện tiên quyết như không rớt môn, không bị kỷ luật, hoạt động ngoại khóa tốt thì điểm trung bình tích lũy phải cao (điểm của tôi đó là 9,14). Bên cạnh đó, Đạt cũng có 1 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế Research Journal of Textile and Apparel thuộc hệ thống ISI-SCOPUS và 3 bài báo đăng trên Kỷ yếu hội nghị khoa Cơ khí.
Cơ hội nghề nghiệp của ngành dệt may
Hiện nay, công nghiệp dệt đang chuyển dần từ các nước đã phát triển sang Việt Nam. Để chủ động từ khâu nguyên liệu đến xuất khẩu sản phẩm may mặc cuối cùng, ngành công nghiệp dệt đang được chú trọng đầu tư từ nguyên liệu cho đến vải, sợi, hoàn tất và vật liệu chức năng. Nhờ đó mà số lượng các nhà máy sợi, dệt có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh mẽ trong thời gian dần đây.
Như đã nói ở trên, thị trường cần nguồn nhân lực là kỹ sư nam trong ngành dệt may - rất nhiều, và hiện tại các bạn sinh viên nam học dệt may điều được công ty dệt săn đón từ năm 3 đại học.
Một số công việc mà sinh viên ngành dệt có thể đảm nhận như: Thiết kế kỹ thuật tại các phòng kỹ thuật; Kỹ sư công nghệ, thiết bị trong những dây chuyền sản xuất sợi dệt nhuộm; Chuyên viên tại các viện nghiên cứu; Đại diện của các doanh nghiệp dệt may nước ngoài tại Việt Nam; Kỹ sư - giám đốc kinh doanh cho các công ty thương mại về ngành dệt; Quản đốc xưởng sản xuất…
Xem thêm: Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 39 tỷ đô la Mỹ
Các doanh nghiệp thường ưu tiên tuyển dụng sinh viên Kỹ thuật dệt gồm có: Các công ty thuộc Tập đoàn dệt may Vinatex; Tổng công ty Cổ phần Phong Phú, Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công, các công ty tư nhân lớn như Đông Quang, Kéo sợi Thiên Nam; các công ty kiểm định như Fiti, Intertek, MTS; các công ty thương mại như Tri-Union, Timtex, C.Illies & Co,…
Riêng với Đạt, có một điều may mắn là trong 4 năm đại học, bạn có nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp thực tế như doanh nghiệp kéo sợi, doanh nghiệp dệt, công ty kiểm định hàng dệt may… cũng như được tham gia các dự án nghiên cứu khoa học của Bộ môn Kỹ thuật dệt may. Thông qua đó, bạn nhận ra rằng mình phù với môi trường học thuật hơn bởi Đạt thích tìm kiếm cái mới, thích tiếp xúc và chia sẻ kiến thức với người khác. Con đường nghiên cứu khoa học luôn là một hành trình gian nan, đòi hỏi phải có tính sáng tạo, có tính mới, khả năng tư duy, sự kiên trì và quan trọng nhất là cần một môi trường nghiên cứu tốt. Do đó, Đạt đang nỗ lực phấn đầu để trở thành giảng viên của trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM). Với Đạt, đây là nơi cung cấp cho những cá nhân cơ hội để nâng cao kỹ năng trong học tập, nghiên cứu tìm ra những giá trị mới cho xã hội. Đạt tin, nếu có cơ hội làm việc tại Trường, bạn sẽ trau dồi thêm khả năng, kỹ năng nghiên cứu vốn có của mình và trở thành một giảng viên tận tâm, một nhà nghiên cứu giỏi, sẽ tạo ra các sản phẩm giá trị hơn, có được những tri thức, đạo đức của nhà khoa học trẻ. |