Chương trình đào tạo Công nghệ Mỹ phẩm đầu tiên tại Việt Nam có gì mới lạ?

VOH - Từ năm học 2024 - 2025, trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) triển khai đào tạo chuyên ngành Công nghệ Mỹ phẩm. Đây là chương trình đào tạo kỹ thuật mỹ phẩm đầu tiên tại Việt Nam.

Chuyên ngành Công nghệ Mỹ phẩm được thành lập dựa trên nền tảng đào tạo trên 30 năm về công nghệ kỹ thuật mỹ phẩm tại trường Đại học Bách khoa cùng với sự hỗ trợ tích cực từ trường Đại học Daegu Haany (DHU) và Dự án Đại học Hàng đầu về Hợp tác Quốc tế (LUPIC) của Bộ Giáo dục Hàn Quốc.

Trường Đại học Bách khoa cũng là cơ sở đào tạo duy nhất ở Việt Nam tham gia và nhận tài trợ từ dự án LUPIC trong lĩnh vực này.

cong-nghe-my-pham-160824
Sinh viên thực hành tại PTN Kỹ thuật Mỹ phẩm

Dự án LUPIC được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2027, với mục tiêu là đào tạo nhân lực chuyên môn, tăng cường năng lực giáo dục và nghiên cứu quy mô quốc tế của cả giáo sư và sinh viên, phục vụ sự phát triển của ngành mỹ phẩm tại Việt Nam.

Trong giai đoạn 1 của dự án, LUPIC được phê duyệt thực hiện từ 2020 - 2023, đã hoàn thành xây dựng hạ tầng phòng thí nghiệm (PTN Kỹ thuật Mỹ phẩm). Công tác phát triển chương trình đào tạo và đề cương cho các môn học cũng cơ bản hoàn thành, chuẩn bị cho khóa đào tạo đầu tiên. 

Dự án bước đầu hỗ trợ rất nhiều cho việc tăng cường năng lực giáo dục và nghiên cứu quy mô quốc tế của cả giáo sư và sinh viên trong ngành mỹ phẩm.

Tháng 8/2022, khoa Kinh doanh K-beauty của trường Đại học Daegu Haany và khoa Kỹ thuật Hóa học, trường Đại học Bách khoa đã ký kết hợp tác. Đến nay, đôi bên đã hiện thực hóa nhiều hạng mục hợp tác chung như tổ chức workshop, seminar, tham quan nhà máy... cho giảng viên và sinh viên. 

Ngành Công nghệ Mỹ phẩm có gì đặc biệt?

Trường Đại học Daegu Haany và trường Đại học Bách khoa tận dụng thế mạnh đào tạo chuyên sâu về mỹ phẩm để xây dựng chương trình đào tạo ngành Công nghệ Mỹ phẩm chú trọng vào thực hành và trải nghiệm cho sinh viên.

PGS. TS. Lê Thị Hồng Nhan, giảng viên khoa Kỹ thuật Hóa học cho biết, các môn học trong chuyên ngành cung cấp cho sinh viên kiến ​​thức cơ bản về các mảng quan trọng liên quan đến kỹ thuật mỹ phẩm, các nguyên tắc cơ bản, thành phần hóa học của nguyên liệu thô, mối tương quan của chúng, công thức và khả năng phát triển sản phẩm, đến tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm mỹ phẩm...

Theo PGS. TS. Lê Thị Hồng Nhan, Việt Nam đã trở thành một thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm khi nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới có mặt tại Việt Nam và một số thương hiệu mỹ phẩm trong nước cũng được xuất khẩu ra nước ngoài.

Điều này mở ra nhiều cơ hội học tập và làm việc cho sinh viên chuyên ngành Công nghệ Mỹ phẩm. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể giữ vị trí chuyên gia kiểm soát chất lượng tại nhà điều chế mỹ phẩm, nhà phát triển sản phẩm, làm việc tại các trung tâm nghiên cứu mỹ phẩm...

Sinh viên được trải nghiệm môi trường đào tạo quốc tế qua các chương trình trao đổi

Một mục tiêu lớn của dự án LUPIC nói chung và trường Đại học Bách khoa nói riêng là nâng cao trải nghiệm thực tế của người học thông qua phát triển các chương trình trao đổi ngắn hạn cho sinh viên, xây dựng các chương trình hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp nhằm phối hợp nghiên cứu và chuyển giao công nghệ...

cong-nghe-my-pham-160824-2
Đoàn sinh viên tìm hiểu về các thiết bị, máy móc hiện đại tại các viện nghiên cứu trong chuyến thực địa tại Hàn Quốc.

Sự thành công của khóa thực tập và chương trình học hè về kỹ thuật dược phẩm, mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp dành cho 10 sinh viên, học viên của khoa Kỹ thuật Hóa học từ 8/7 - 28/7/2024 vừa qua tại Hàn Quốc đã tiếp tục khẳng định tính hiệu quả cao của chương trình trao đổi sinh viên giữa hai trường.

Chương trình cho phép sinh viên thực tập tại trung tâm, viện nghiên cứu đông y, các cơ sở sản xuất mỹ phẩm đến học tập chuyên môn liên quan về công nghệ mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia của DHU và các đơn vị nghiên cứu sản xuất. 

Từ những buổi thực địa đầu tiên, Nguyễn Minh Thư (sinh viên K2021, khoa Kỹ thuật Hóa học) choáng ngợp trước những thiết bị phân tích hiện đại, những hệ thống máy móc lớn quy mô công nghiệp.

“Mình và các bạn được biết thêm quy trình thử nghiệm thuốc, làm quen với phương pháp phối trộn và sản xuất mỹ phẩm, quy trình phân phối sản phẩm ra thị trường. Ấn tượng nhất là khi mình tự tay làm ra những bình xịt toner và kem dưỡng theo sở thích cá nhân” - Minh Thư phấn khích kể về những trải nghiệm sau chuyến thực tập.

Không chỉ vậy, sinh viên ngành Kỹ thuật Mỹ phẩm, trường Đại học Daegu Haany và trường Đại học Bách khoa còn phối hợp triển khai các hoạt động thực tiễn tại Việt Nam mà gần đây nhất là tham gia Vietbeauty 2024 diễn ra từ ngày 25 - 27/7.

Tại triển lãm làm đẹp thường niên lớn nhất được tổ chức Việt Nam, sinh viên hai trường đã trưng bày các sản phẩm độc đáo được chế tạo thông qua các nghiên cứu chung gồm kem chống nắng, cushion chống nắng, ampoule dưỡng da và tẩy trang dạng miếng.

cong-nghe-my-pham-160824-1
Tham gia triển lãm Vietbeauty mang đến cho sinh viên nhiều trải nghiệm thiết thực.

Các giáo sư đến từ Đại học Daegu Haany cùng 20 sinh viên của hai trường đã hướng dẫn khách tham quan tạo ra những lọ nước hoa của riêng mình. Với 60 loại tinh chất hương thơm khác nhau, những người tham gia có thể tạo ra một mùi hương độc đáo.

Hoạt động này cũng giúp sinh viên hai trường cùng nhau nghiên cứu công thức, thiết kế và bao bì đóng gói để tạo ra các loại mỹ phẩm phù hợp với thị trường địa phương, ứng dụng hiệu quả các kiến thức học thuật vào thực tế.

Sự hợp tác của hai Trường thông qua việc thành lập chuyên ngành Công nghệ Mỹ phẩm không những nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực này mà còn tạo điều kiện để tăng cường kết nối và giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng học thuật và doanh nghiệp đôi bên, hướng đến xây dựng môi trường học tập mang tầm quốc tế. 

Bình luận