Nhu cầu nhân lực ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng vẫn rất cao

VOH - Theo khảo sát, ngành logistics tại Việt Nam mỗi năm cần hơn 200.000 nhân lực chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.

Việt Nam hiện được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành logistics.

Trên toàn quốc hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến logistics, trong đó khoảng 4.000 công ty logistics chuyên nghiệp có dịch vụ kết nối quốc tế. Riêng TPHCM chiếm khoảng 54%. Từ nay tới năm 2030, cả nước cần khoảng 2 triệu lao động ngành logistics. 

logistics-160824
Ngành logistics tại Việt Nam mỗi năm cần hơn 200.000 nhân lực chất lượng cao

Trong khi đó, theo số liệu thống kê tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2022, nước ta hiện có gần 50 trường đại học có đào tạo ngành logistics ở các mức độ khác nhau. Điều này phản ánh nhu cầu của xã hội nói chung, nhu cầu của các doanh nghiệp nói riêng về cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực logistics. 

PGS. TS. Nguyễn Văn Hợp - Trưởng Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp của trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) cho biết, hiện nay, Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp đào tạo hai ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp và Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Hai ngành học này không chỉ cung cấp kiến thức toàn diện mà còn chú trọng vào yếu tố thực hành, áp dụng vào thực tiễn như thiết kế, vận hành, quản lý, cải tiến và tối ưu hóa các hệ thống sản xuất, dịch vụ, logistics và chuỗi cung ứng. Đây cũng là những ngành học có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao.

Kỹ sư được đào tạo từ Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp được trang bị nền tảng kiến thức vững chắc và khả năng làm việc tốt trong đa dạng các lĩnh vực như sản xuất, hậu cần và chuỗi cung ứng, quản lý chất lượng, lập kế hoạch và điều độ, quản lý dự án, thiết kế và cải tiến hệ thống.

Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng

Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Hợp, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là lĩnh vực liên ngành gắn kết toàn bộ nền kinh tế với vai trò hướng đến sự tối ưu hóa, khả năng tích hợp dịch vụ, quản trị toàn bộ dòng nguyên vật liệu - hàng hóa - tài chính - thông tin nhằm đảm bảo tính liên tục, chất lượng, sự hiệu quả và bền vững của hoạt động sản xuất, kinh doanh cùng với sự ứng dụng công nghệ hiện đại và linh hoạt nhằm thích ứng với môi trường kinh doanh đa dạng.

Mục tiêu của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là đào tạo kỹ sư có khả năng vận hành, quản lý, cải tiến và thiết kế tối ưu hoá các hệ thống logistics và chuỗi cung ứng của các quy trình hỗ trợ từ cung cấp nguyên vật liệu đến phân phối thành phẩm đến khách hàng.

Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có 03 chuyên ngành: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng cho thương mại điện tử; Phân tích dữ liệu chuỗi cung ứng.

Kỹ sư Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng có thể làm việc tại:

  • Các công ty sản xuất, kinh doanh trong nhiều bộ phận khác nhau như kế hoạch, thu mua, quản lý vận tải, quản lý nguyên vật liệu, quản lý kho bãi, quản lý chuỗi lạnh…
  • Các cảng biển, sân bay, hãng tàu, công ty vận tải đường sắt…
  • Các công ty thương mại điện tử; công ty cung cấp dịch vụ logistics…
  • Các công ty tư vấn và cung cấp giải pháp về logistics và chuỗi cung ứng.
  • Các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước…

Ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp

Kỹ thuật hệ thống công nghiệp là lĩnh vực đa ngành ứng dụng các kiến thức và kỹ năng chuyên môn về khoa học, toán học, tin học, kinh tế, quản lý, xã hội, kết hợp với các nguyên lý, phương pháp phân tích và thiết kế kỹ thuật để thiết kế, cải tiến, và tạo ra các hệ thống tích hợp giữa con người, vật liệu, thông tin, máy móc và năng lượng.

Mục tiêu của ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp là đào tạo kỹ sư có khả năng vận hành, quản lý, cải tiến và thiết kế các hệ thống trực tiếp tạo ra sản phẩm nhằm tối ưu hoá các hệ thống sản xuất và dịch vụ.

Ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp gồm 03 chuyên ngành: Quản lý công nghiệp; Hệ thống công nghiệp thông minh; Phân tích dữ liệu công nghiệp.

Kỹ sư Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp có thể làm việc tại:

  • Các nhà máy sản xuất, hầu hết các khâu từ quản lý quá trình sản xuất, thiết kế sản phẩm, cải tiến hệ thống (lean), và đảm bảo chất lượng nhằm cắt giảm thời gian lãng phí, giảm chi phí, vật liệu, thời gian máy móc làm việc, tiết kiệm năng lượng cũng như các nguồn lực khác, cắt giảm những khâu không tạo ra giá trị nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về an toàn.
  • Các công ty cung cấp dịch vụ như đơn vị vận tải, công ty logistics, công ty xây dựng, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn…
  • Các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước…
Bình luận