Học ngành Công tác xã hội, ra trường sẽ làm công việc gì?

(VOH) - Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 28% dân số thuộc nhóm cần trợ giúp nên nhu cầu việc làm trong ngành Công tác xã hội (CTXH) rất lớn.

Theo thông tin từ Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), hiện có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành CTXH. Trong số này, có 5 trường đào tạo bậc thạc sĩ, 2 trường đào tạo bậc tiến sĩ CTXH. Mỗi năm, các đơn vị trên đào tạo và dạy nghề CTXH cho khoảng 3.000 người.

Tại Việt Nam hiện nay có khoảng 28% dân số cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH. Với số lượng nhân viên CTXH như trên, nhu cầu nguồn nhân lực vẫn cần rất nhiều.

ctxh
Nhân viên Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (thuộc Thành Đoàn TPHCM) trò chuyện cùng các em học sinh THPT trong chương trình Giáo dục giới tính - một trong những hoạt động Tháng Thanh niên 2023

Theo UNFPA - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Nhóm dân số này sẽ cần sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình và cộng đồng, và cụ thể hơn là từ những nhóm ngành dịch vụ xã hội như CTXH.

Sau khi học ngành Công tác xã hội, người học sẽ làm những công việc gì?

CTXH là một ngành khoa học, một nghề thực hành. Người học CTXH sẽ được trang bị các kiến thức lý thuyết liên quan đến tâm lý, hành vi của con người trong môi trường xã hội và bối cảnh văn hóa Việt Nam; các kỹ năng về tham vấn tâm lý cơ bản, giao tiếp, xây dựng mối quan hệ xã hiệu quả, thuyết trình, làm việc nhóm…

Từ kiến thức và kỹ năng trên, sinh viên được đào tạo và thực hành dưới sự hướng dẫn của giảng viên và cán bộ tại các tổ chức, trung tâm xã hội có liên quan để có thể làm việc và trợ giúp cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng vượt qua khó khăn, tự vươn lên và phát triển.

Nhân viên CTXH có thể làm việc ở các đơn vị, tổ chức hoặc doanh nghiệp khác nhau. Với mỗi vị trí công việc, nhân viên CTXH có thể trải nghiệm các khó khăn cũng như cơ hội phát triển khác nhau.

Nếu làm trong các đơn vị bảo trợ, chăm sóc, nhân viên CTXH cần dành nhiều thời gian, tận tụy khi hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế như trẻ mồ côi, người già neo đơn, người khuyết tật… Nếu làm ở các dự án, trung tâm CTXH, nhân viên CTXH sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động, công tác ở các địa phương, vùng miền.

Với vốn tiếng Anh tốt, bạn có thể ứng tuyển và làm việc tại các tổ chức phi chính phủ quốc tế với môi trường năng động và giao lưu học hỏi với các chuyên gia đến từ các nước trên thế giới.

Các tố chất cần thiết để có thể học và làm việc được trong ngành Công tác xã hội?

Đầu tiên, những bạn yêu thích hoạt động xã hội, có mong muốn dấn thân, hỗ trợ mọi người, có khả năng giao tiếp, lắng nghe và kết nối, chia sẻ làm việc hiệu quả trong các mối quan hệ xã hội nên học CTXH.

Trong quá trình học tập, các bạn sẽ được tiếp cận các lý thuyết, phương pháp và kỹ năng cụ thể cần thiết để làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội như mối liên hệ giữa hành vi con người và môi trường xã hội, phương pháp làm việc với cá nhân, nhóm và cộng đồng cũng như kỹ năng tham vấn, giao tiếp hiệu quả, truyền thông, làm việc nhóm...

Các tổ hợp môn tuyển sinh vào ngành Công tác xã hội?

Ngành Công tác xã hội thường tuyển sinh theo các tổ hợp A01, các tổ hợp môn thuộc khối C và D. Điểm chuẩn xét tuyển ngành này năm 2022 - theo kết quả thi tốt nghiệp THPT của các trường đại học thấp nhất là 14 và cao nhất là 27.75 điểm.

Riêng trường Đại học Tôn Đức Thắng, năm 2022 xét tuyển theo thang điểm 40. Theo đó, điểm chuẩn theo từng phương thức như sau:

  • Phương thức xét theo kết quả quá trình học tập THPT (điểm trúng tuyển: 27 điểm trên thang điểm 40)
  • Phương thức xét theo kết quả thi THPT năm 2022 (điểm trúng tuyển: 25.3 điểm trên thang điểm 40)
  • Phương thức Ưu tiên xét tuyển theo quy định của trường: ưu tiên xét tuyển thẳng dành cho học sinh trường chuyên trên cả nước và một số trường trọng điểm tại TPHCM.
  • Phương thức xét theo kết quả bài thi đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia TPHCM (điểm trúng tuyển: 650 điểm trên thang điểm 1200).

Một số môn học đặc trưng của chuyên ngành Công tác xã hội?

Một đặc điểm của CTXH đó là làm việc với con người, tương tác, kết nối các mối quan hệ, môi trường xã hội, nhằm nâng cao năng lực của cá nhân, nhóm và cộng đồng từ đó có thể giúp họ tự giải quyết các vấn đề một cách bền vững. Vì vậy, khi học CTXH, các bạn sẽ được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản liên quan đến tâm lý, các phương pháp CTXH để làm việc với cá nhân, nhóm và cộng đồng.

Sinh viên CTXH cũng sẽ được học chuyên sâu về các nhóm đối tượng chính như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, cộng đồng LGBT, người có vấn đề về sức khỏe tâm thần hay các môn học cụ thể các lĩnh vực mà CTXH tham gia như CTXH trong bệnh viện, trường học… Đặc biệt, số giờ sinh viên tiếp xúc thực tế, thực hành cao.

Theo Ths Nguyễn Thị Phương Linh - Giảng viên Công tác xã hội (Trường Đại học Tôn Đức Thắng), với ngành học này tại trường số giờ thực tế, thực hành khá cao, các môn học chuyên ngành sinh viên được học với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để tiếp cận với thực tế ngay khi học lý thuyết. Ngoài ra, định kỳ sinh viên được giao lưu với chuyên gia quốc tế để tiếp xúc kinh nghiệm thực hành CTXH từ các nước khác nhau.

Trong các năm gần đây, tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, một số môn học như Hành vi con người và môi trường xã hội, sinh viên CTXH sẽ được tạo cơ hội giao lưu với các chuyên gia đến từ Australia, môn CTXH trong lĩnh vực y tế đã và được trao đổi với chuyên gia đang làm việc tại bệnh viện từ Hoa Kỳ, và các môn học khác luôn được giảng viên thiết kế để các bạn có điều kiện nghe chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế tại các tổ chức Việt Nam.

Sinh viên học CTXH được tạo điều kiện đi thực tế từ năm 2, thực hành trong năm 3 và tập sự ở năm 4. Đây là cơ hội để sinh viên kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn, từ đó có thể trang bị kinh nghiệm cho tương lai.

Đọc thêm: Người làm công tác xã hội trong lĩnh vực y tế cần phải đào tạo chứng chỉ

Những khó khăn khi học và làm trong ngành này?

Để có thể can thiệp, trợ giúp trực tiếp cho người khác, người học CTXH cần phải am hiểu sâu sắc về lý thuyết cũng như không ngừng tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn trong suốt tiến trình học tập tại trường đại học.

Sau khi ra trường, người học CTXH còn tiếp tục tự học tập và nghiên cứu thông qua các trường hợp thân chủ mà mình đã hỗ trợ. Sự hòa nhập, tôn trọng sự đa dạng và nỗ lực nâng cao chuyên môn là chìa khóa để thành công trong lĩnh vực nghề nghiệp này.

Do đặc điểm nghề nghiệp có tính chất tác động thay đổi chất lượng đời sống của con người, nên theo tạp chí Forbes, CTXH là nghề có ý nghĩa xếp thứ 7/20 nghề có ý nghĩa nhất. Tuy nhiên, nhân viên CTXH phải đối mặt với các thách thức nghề nghiệp mà họ phải thường xuyên xem xét và tìm kiếm giải pháp để có thể quản lý thời gian một cách hiệu quả.

Người làm CTXH phải thật sự tâm huyết và dấn thân với nghề; có khả năng kết nối và chia sẻ, phối hợp để làm việc nhóm trong một môi trường đa dạng văn hóa; đủ trải nghiệm để thấu hiểu cảm xúc, chấp nhận và tôn trọng các nhóm đối tượng.

Các vấn đề xã hội thay đổi liên tục từ các cấp độ từ cá nhân, gia đình đến xã hội nên nhân viên CTXH phải thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ năng chuyên môn để có thể trợ giúp thân chủ với những vấn đề xã hội phát sinh mới liên tục theo thời gian.

Sinh viên học ngành Công tác xã hội khi tốt nghiệp có thể làm những công việc gì? Ở đâu?

Sau khi tốt nghiệp, cử nhân CTXH có thể làm việc tại:

  • Các tổ chức quốc tế và cơ quan Liên hợp quốc như: UNICEF, UN Women, Save The Children, Oxfam… tại Việt Nam
  • Các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước có trách nhiệm xã hội, cộng đồng
  • Các cơ quan quản lý nhà nước về lao động - xã hội từ Trung ương tới địa phương;
  • Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp trung ương và tỉnh/thành phố;
  • Các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học công nghệ trong nước; trường phổ thông cung cấp dịch vụ CTXH tại trường học;
  • Các đơn vị cung cấp dịch vụ CTXH tự thành lập và điều hành.

Mức lương của những người làm việc trong ngành nghề này?

CTXH là một ngành nghề như các ngành nghề khác trên Danh mục nghề nghiệp Việt Nam được Chính phủ ban hành vào năm 2020. Do đó, mức lương của người lao động trong các lĩnh vực CTXH được quy định theo thang bảng lương hàng năm của đơn vị sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, mức thu nhập của người lao động có thể có các khoản phụ cấp, thưởng thi đua… theo quy chế chi tiêu nội bộ của từng đơn vị.

Người học CTXH khi làm việc tại các tổ chức quốc tế và cơ quan Liên hợp quốc, tập đoàn đa quốc gia, cơ quan cấp trung ương thường có mức thu nhập cao hơn so với các đơn vị khác.

Cơ hội thăng tiến trong nghề?

Về chức danh nghề nghiệp, CTXH có 3 chức danh nghề nghiệp như sau trong các đơn vị sự nghiệp Nhà nước: Nhân viên công tác xã hội (Mã số: V.09.04.03); Công tác xã hội viên (Mã số: V.09.04.02); Công tác xã hội viên chính (Mã số: V.09.04.01).

Ở các tổ chức xã hội, trung tâm xã hội thuộc Liên hiệp hội hoặc phi chính phủ, thông thường sẽ có các chức danh như: nhân viên/cán bộ xã hội; cấp điều phối dự án/chương trình; quản lý dự án/chương trình; giám đốc dự án/chương trình…

Về trình độ chuyên môn, người học CTXH có thể theo học ở các trình độ: Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Sau đại học (Thạc sĩ và Tiến sĩ).

Để phát triển nhanh trong nghề và có cơ hội thăng tiến, người học CTXH cần có tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không ngừng để nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển kỹ năng, nghiệp vụ, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức khi làm việc.

Bình luận