Chờ...

Ngành học nào hiện chỉ có một trường đại học duy nhất tại Việt Nam đào tạo?

(VOH) - Tại Việt Nam, Quản lý hoạt động bay (Air Traffic Management) là ngành học được đào tạo tại duy nhất một trường là Học viện Hàng không Việt Nam.

Đây là ngành học dành cho các bạn thật sự đam mê và dám đương đầu với thử thách.

Ngành Quản lý hoạt động bay đào tạo nhân lực cho hoạt động quản lý hoạt động bay; quản lý, điều hành hoạt động bay dân dụng, đảm bảo an toàn, điều hòa cho việc cất và hạ cánh của các chuyến bay, giám sát trung tâm bay theo các phương pháp và chính sách đã ban hành, đưa ra những chỉ dẫn cần thiết cho việc cất cánh và hạ cánh.

Quản lý hoạt động bay
Quản lý hoạt động bay là 1 trong 11 ngành (hệ đại học chính quy) được đào tạo chính quy tại Học viện Hàng không Việt Nam với thời gian đào tạo 4 năm.

Các tố chất cần thiết để có thể học và làm việc được trong ngành Quản lý hoạt động bay?

Để làm được công việc này, cần có một số tố chất sau:

  • Yêu thích và đam mê ngành hàng không
  • Có trách nhiệm cao với công việc
  • Có sự định hình không gian tốt
  • Có trí nhớ tốt và khả năng tư duy nhanh
  • Có khả năng quyết định nhanh chóng và thực hiện nhiều việc cùng lúc
  • Có khả năng làm việc theo nhóm
  • Có thể làm việc theo ca kíp
  • Tự tin và quyết đoán
  • Có khả năng thích ứng với stress và bình tĩnh khi gặp áp lực
  • Có sức khỏe, thị lực và thính giác tốt
  • Không sử dụng các chất có kích thích có thể làm ảnh hưởng đến sự tỉnh táo…

Khi đã đáp ứng các yếu tố trên, bạn cần được đào tạo qua trường lớp chính quy, có bằng kỹ sư Quản lý hoạt động bay. Bên cạnh đó, bạn cần phải có khả năng tiếng Anh thành thạo, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) để tương tác hiệu quả với các phi công đến từ nhiều Quốc gia khác nhau trong khi điều hành bay.

Tuy nhiên, khi chọn ngành này, các bạn sẽ phải đối mặt với một số khó khăn như: Tỷ lệ chọi khi tuyển sinh đầu vào khá cao, chương trình học khó đòi hỏi tư duy tốt, ngoại ngữ tốt.

Quá trình tuyển dụng khắt khe, cạnh tranh gay gắt, trong khi công việc áp lực cao, trách nhiệm lớn, làm việc theo ca kíp, yêu cầu sức khỏe và thị lực tốt để đảm nhận công việc.

Các tổ hợp môn tuyển sinh vào ngành này? Điểm chuẩn xét tuyển vào ngành này trong 3 năm gần đây?

Năm 2022, Học viện Hàng không Việt Nam lấy điểm trúng tuyển vào ngành như sau: Điểm trúng tuyển thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2022 là 23,3 theo các tổ hợp Toán-Lý-Anh (A01), Toán-Văn-Anh (D01), Toán-KHXH-Anh (D96), Văn-KHXH-Anh (D78).

Ngoài ra, Học viện tuyển thẳng đối với các đối tượng tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ năm 2022 trở về trước, Học viện không xét tuyển học bạ ngành này. Từ năm 2023, Học viện dự kiến tuyển sinh thêm các phương thức: xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực và ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi.

Một số môn học đặc trưng của ngành Quản lý hoạt động bay?

Quản lý hoạt động bay ngành đào tạo sinh viên trở thành Kỹ sư chuyên ngành Quản lý hoạt động bay; quản lý, điều hành hoạt động bay dân dụng, đảm bảo an toàn, điều hòa cho hoạt động của tàu bay từ khi chuẩn bị cất cánh đến khi hạ cánh theo các phương pháp và chính sách đã ban hành, đưa ra những chỉ dẫn, cung cấp các thông tin cần thiết cho tàu bay trong tất cả các giai đoạn bay.

Cụ thể như: quy tắc bay, dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ kiểm soát tại sân, tiếp cận, đường dài, quản lý không lưu, quản lý luồng không lưu…, các kỹ năng mềm: nghiên cứu, thuyết trình, làm việc nhóm, kỹ năng phân tích, phản biện và giải quyết vấn đề.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm những công việc gì?

Ngành Quản lý hoạt động bay có tỷ lệ làm việc đúng chuyên ngành rất cao, trên 95%.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có đảm nhận vị trí Kiểm soát viên không lưu - trực tiếp tham gia công tác điều hành bay tại các cơ sở điều hành bay: Kiểm soát tại sân, Trung tâm kiểm soát tiếp cận, Trung tâm kiểm soát Đường dài hoặc trở thành Chuyên viên Ban Không Lưu, chuyên viên Ban An Toàn chất lượng và An ninh, Chuyên viên Phòng An toàn, Chất lượng An Ninh, Chuyên viên phòng không lưu tại các Công ty quản lý bay khu vực, nhân viên thuộc Trung tâm Quản lý luồng Không lưu; nhân viên thông báo tin tức hàng không, nhân viên thiết kế phương thức bay tại Trung tâm Thông báo Tin tức Hàng Không; nhân viên Hiệp đồng TKCN tại Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam.

Ngoài ra, các bạn còn có thể trở thành Chuyên viên phòng Quản lý hoạt động bay hoặc Phòng Tiêu chuẩn An toàn, phòng thanh tra của Cục Hàng không Việt Nam, Nhân viên Điều độ, khai thác bay tại các Hãng hàng không và Nhân viên/chuyên viên Cảng Vụ Hàng không Việt Nam các Cảng Hàng không.

Đọc thêm: Ngành logistics là gì? Cơ hội nghề nghiệp của ngành này ra sao trong tương lai?

Mức lương của những người làm việc trong ngành nghề này?

Hiện nay, mức thu nhập bình quân của một kiểm soát viên không lưu là khoảng 30 triệu đồng/tháng, thu nhập thực tế của từng kiểm soát viên không lưu tùy thuộc vào thâm niên công tác và đóng góp thực tế.

Ngoài ra kiểm soát viên không lưu còn có các chế độ, quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước và của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Mỗi đợt tuyển, Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam đều báo trước với Học viện và thời gian tuyển dụng cũng sắp xếp phù hợp với thời gian tốt nghiệp của ngành Quản lý hoạt động bay nhằm tạo điều kiện cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể ứng tuyển vào đơn vị.

Trong quá trình học, Học viện luôn kết nối, giới thiệu sinh viên tham quan tại Công ty Quản lý Bay miền Nam và Thực tập tại các đơn vị thuộc Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam.

Cơ hội thăng tiến trong nghề?

Học ngành Quản lý hoạt động bay, sau khi tốt nghiệp các bạn có thể làm việc và đáp ứng được ở nhiều vị trí chứ không chỉ mỗi nghề Kiểm soát Không lưu như các vị trí trong Trung tâm Quản lý luồng Không lưu, phòng Không lưu, Trung tâm thông báo Tin tức Hàng không...

Tuy nhiên, các bạn cũng cần học hỏi thêm về chuyên môn vì sau trúng tuyển vào công ty sẽ vẫn học việc trong vòng 1 năm. Đối với Kiểm soát viên Không lưu thì sẽ phải thi năng định và ICAO Level 4. Vậy nên bên cạnh trau dồi chuyên môn, các bạn cũng cần trau dồi ngoại ngữ để có thể làm tốt công việc của mình.

Kỹ sư Quản lý hoạt động bay có thể học bổ sung thêm 30 tín chỉ (01 năm) tại Học viện Hàng không sau khi tốt nghiệp để nhận bằng Thạc sĩ Tổ chức quản lý vận tải (chuyên ngành Quản lý hoạt động bay). Hiện nay chỉ có duy nhất Học viện Hàng không có đào tạo ngành này.