Nghề nail là gì?
Nghề nail (còn gọi là làm móng) là nghề chăm sóc, cắt tỉa móng, đắp móng, sơn móng tay, chân… Đây là nghề phổ biến, thường gặp trong những tiệm nail riêng biệt nhỏ xinh bên phố hay những tiệm cắt tóc - gội đầu quy mô nhỏ, spa… khắp mọi miền.
Nghề nail phù hợp với mọi lứa tuổi, từ các bạn trẻ mới tốt nghiệp THPT hay các bà, các cô có chút hoa tay - đều hoàn toàn có thể học và kiếm được tiền từ nghề này.
Khi nhu cầu làm đẹp của những người bình dân và cả người thuộc giới “thượng lưu” ngày càng gia tăng thì nghề này được đánh giá là học nhanh, nhiều cơ hội việc làm – miễn là người làm nghề đủ khéo léo, sáng tạo và giỏi nghề.
>>> 6 nghề dễ có việc làm mà không cần tốt nghiệp trung học phổ thông, đại học
Thu nhập của nghề nail ở Việt Nam
Tại Việt Nam, thu nhập từ nghề nail có thể ở mức từ 8-12 triệu đồng/tháng - tương đương với nhân viên văn phòng, làm tóc hay kinh doanh tự do; hoặc thu nhập có thể cao hơn tuỳ thuộc vào kĩ năng, tay nghề và cơ sở bạn làm việc.
Nghề nail rất dễ kết hợp với những nghề làm đẹp khác như nối mi, spa… Do đó, sau khi học nghề, mỗi người có thể tự phát triển kinh doanh tại nhà và khi đó, thu nhập sẽ rất linh hoạt.
Những thuận lợi và khó khăn của nghề nail
Khi lựa chọn bất cứ ngành nghề nào, bạn cũng cần tìm hiểu kĩ những thuận lợi, khó khăn của nghề. Riêng với nghề nail, ngoài thuận lợi là nghề dễ học, dễ làm, hình thức làm việc nhẹ nhàng thì còn một số khó khăn nhất định mà bạn cần cân nhắc.
Đó là, người làm nghề nail phải tiếp xúc nhiều với hoá chất độc hại, về lâu dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ. Thống kê cho thấy, có hơn 10 loại hóa chất độc hại thường xuất hiện tại các cửa hàng nail như: Acetone, Acetonitrile, Ethyl acetate, Ethyl methacrylate (EMA), Toluene, Butyl Acetate, Dibutyl phthalate (DBP), Formaldehyde, Isopropyl Acetate, Methecrylic acid hay Methyl methacrylate (MMA)…
Cụ thể hơn, Dibutyl phthalate - phụ gia cho chất kết dính và chống ăn mòn - là loại hóa chất có thể gây quái thai; rối loạn nội tiết; Toluene - chất có trong nước tẩy rửa móng và sơn móng - là hóa chất nếu tiếp xúc nhiều có thể gây bệnh ung thư và gây hại đến thần kinh trung ương, mắt kích ứng da…
Do đó, quá trình làm nail, người làm nghề cần đeo khẩu trang, kính bảo vệ mắt, mang găng tay cao su, mặc quần áo che kín cơ thể; rửa tay bằng nước và xà phòng sau khi tiếp xúc với hóa chất…, hạn chế để các sản phẩm làm móng tiếp xúc với da, mắt.
Dù không phải là công việc nặng nhọc nhưng đây là công việc trong ngành dịch vụ nên thời gian làm việc khá dài trong ngày, nhất là dịp cao điểm lễ, Tết – thời gian làm việc có thể tới 10-15 tiếng/ngày.
Học nghề nail ở đâu?
Học nail tại nhà
Học bất cứ nghề nào qua trường-lớp với chương trình đào tạo bài bản luôn là cách tốt nhất. Tuy nhiên, riêng với nghề nail, không nhất thiết phải học qua trường lớp nếu người học có hoa tay – vẽ đẹp và những tố chất như khéo léo, tỉ mỉ và sáng dạ.
Với những người không có điều kiện để học tại các trung tâm, học viện – hoặc sinh sống xa các thành phố lớn thì việc học nail tại nhà có thể là hình thức hiệu quả.
Hiện nay, Youtube là kênh phổ biến để những người yêu thích nghề nail có thể tiếp cận với nghề. Theo đó, một số kênh Youtube tiếng Việt như Nail Art, Nghi Thảo hay AnaTran… đã chia sẻ khá đa dạng các video hướng dẫn làm nail từ các kiến thức cơ bản như bộ dụng cụ làm nail, học cách cầm kìm, cách cắt da, cách sơn móng… đến các hướng dẫn chi tiết, nâng cao hơn hơn về cách vẽ móng, cách vẽ các mẫu móng khác nhau theo từng chủ đề…
Đó là chưa kể tới những kênh Youtube hướng dẫn làm nail của người nước ngoài với nội dung và phong cách vẽ vô cùng phong phú. Nếu bạn biết một chút tiếng Anh và thực sự đam mê, bạn có thể khám phá cả trời kiến thức về làm nail trên kênh video nổi tiếng nhất thế giới này.
Học nail tại các tiệm nail/trung tâm đào tạo chuyên nghiệp
Nếu bạn có điều kiện và muốn “học cho ra học” – học đi đôi với trải nghiệm và thực hành thì thật đơn giản, bạn có thể tìm tới những trung tâm, những thầy cô đào tạo nghề nail.
Thời gian học nghề nail khá ngắn chỉ khoảng 1 – 3 tháng với học phí chỉ từ vài triệu đồng mỗi khóa, tùy theo chương trình học. Để học nghề nail, học viên cũng không yêu cầu cần có bằng tốt nghiệp THPT.
Để học nghề, bạn có thể chọn học làm nail tại các tiệm làm móng để vừa học, vừa làm – tiếp cận nhanh chóng với nghề hoặc học tại các trung tâm từ cơ bản đến nâng cao để có kiến thức toàn diện hơn.
Tại TPHCM, bạn có thể tìm học nghề nail tại các cơ sở uy tín như: Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM, Học viện Thẩm mỹ SCI, KellyPang, World Nail School…Tuy nhiên, trước khi quyết định học ở địa điểm nào, bạn cần đến thực tế tham quan cơ sở đào tạo và tìm hiểu về đội ngũ giảng viên để có những lựa chọn nơi học phù hợp và hiệu quả.