Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Nhu cầu tuyển dụng ngành Dệt may luôn cao hơn số kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp hàng năm

(VOH) - Ngành dệt may là một trong những ngành có cơ hội việc làm rất cao với 100% sinh viên có việc làm, nhu cầu tuyển dụng luôn cao hơn số lượng kỹ sư cử nhân tốt nghiệp hàng năm.

Nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành dệt may hiện nay rất cao, tuy nhiên, cũng giống như nhiều ngành học khác, để học và làm việc trong ngành này, bên cạnh niềm đam mê với ngành, sự siêng năng, chăm chỉ và khả năng tự học là đức tính cần thiết đối với sinh viên ngành Kỹ thuật Dệt và Công nghệ Dệt May.

Ngoài ra, tính sáng tạo là yếu tố quan trọng không chỉ trong thiết kế và phát triển sản phẩm dệt may và thời trang, mà còn trong quản lý và vận hành dây chuyền sản xuất công nghiệp. Khả năng nhìn nhận, phát hiện và phân tích vấn đề sẽ hỗ trợ sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học. 

Đọc thêm: Dệt may Việt Nam dự báo xuất khẩu đạt khoảng 44 đến 45 tỷ đô Mỹ vào cuối năm nay

Sinh viên Bộ môn Kỹ thuật Dệt may - trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM)
Sinh viên Bộ môn Kỹ thuật Dệt may - trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM)

Các trường đại học tại Việt Nam đang đào tạo ngành Kỹ thuật Dệt, Công nghệ Dệt May?

Có rất nhiều trường đại học ở khắp ba miền Bắc Trung Nam đào tạo về ngành Công nghệ May - Thiết kế thời trang và Vật liệu dệt may.

Tuy nhiên, chỉ có Đại học Bách Khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) là hai trường đại học duy nhất của Việt Nam đào tạo ngành Kỹ thuật Dệt và các môn học bao quát toàn bộ chuỗi cung ứng ngành công nghiệp dệt may, từ xơ, sợi, vải, in-nhuộm, hoàn tất đến thiết kế, cắt, may, thời trang và quản lý sản xuất.

Bộ môn Kỹ thuật Dệt may - trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) là nơi đào tạo đầy đủ các bậc học từ Đại học cho đến Tiến sĩ, là nơi duy nhất ở phía Nam có chương trình đào tạo toàn diện, xuyên suốt chuỗi giá trị của ngành công nghiệp dệt may, chỉ tiêu khoảng 90 sinh viên/năm, bao gồm 2 ngành Kỹ thuật Dệt và Công nghệ Dệt may: 

  • Kỹ thuật dệt: đào tạo các kỹ thuật tạo xơ, sợi, vải đến quá trình nhuộm hoàn tất, tập trung vào vật liệu và quy trình quản lý sản xuất sợi - dệt - nhuộm và thiết bị theo xu hướng phát triển bền vững.
  • Công nghệ dệt may: đào tạo các kỹ thuật đi từ thiết kế thời trang, quản lý vận hành dây chuyền may công nghiệp từ khâu chuẩn bị đến hoàn tất sản phẩm, tập trung vào các công nghệ thiết kế và tạo sản phẩm mới, quản lý sản xuất tinh gọn nhằm nâng cao chất lượng và tiết kiệm chi phí.

Bộ môn có sự liên kết đào tạo với các trường Dệt may trong khu vực và thế giới. Đầu tháng 2/2023 Bộ môn đón nhận 4 sinh viên trao đổi nước ngoài, đang học tập tại Trường ENSAIT, đại học Lille, CH Pháp.

ngành dệt may

Chủ tịch và thư ký hiệp hội ACIMIT tham quan, triển khai hợp tác với Bộ môn Kỹ thuật Dệt may - trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) năm 2023.

Bộ môn Kỹ thuật Dệt may luôn có nhiều chương trình học bổng dành riêng cho sinh viên hàng năm như: Học bổng cho sinh viên xuất sắc nhất lớp và sinh viên có điểm bảo vệ tốt nghiệp cao nhất hội đồng do hãng Uster AG, hãng Groz-Beckert AG tài trợ; Học bổng 1 tuần trải nghiệm tại nước ngoài cho sinh viên; Quỹ học bổng “Nguyễn Văn Lân” dành cho sinh viên vượt khó...

Các tổ hợp môn tuyển sinh ngành Dệt may?

Các khối xét tuyển ngành này hiện nay, bao gồm:

  • Khối A00 (Toán, Lý, Hóa)
  • Khối A01 (Toán, Lý, Anh)...

Điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT (2020, 2021) và đánh giá năng lực cho năm 2020 và 2021 của trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) như sau:

  • Năm 2020: 23.5 (kết quả thi tốt nghiệp THPT); 702 (theo phương thức đánh giá năng lực)
  • Năm 2021: 22 (kết quả thi tốt nghiệp THPT); 706 (theo phương thức đánh giá năng lực)
  • Năm 2022: Trường xét tuyển theo phương thức kết hợp. Thí sinh được đánh giá kết hợp bao gồm ba thành phần và trọng số tương ứng được dùng để xét tuyển. Trong đó thành phần học lực chiếm 90%, thành tích cá nhân chiếm 5% và hoạt động xã hội, văn thể mỹ chiếm 5%.

Một số môn học đặc trưng của Kỹ thuật Dệt, Công nghệ Dệt May?

Sinh viên nhóm ngành Kỹ thuật Dệt, Công nghệ Dệt May phải nắm rõ các nguồn vật liệu dệt đầu vào và các sản phẩm đầu ra trong chuỗi giá trị dệt may. Bạn đã biết xơ và sợi khác nhau như thế nào? Bạn có nghĩ rằng thân cây chuối có thể tạo thành xơ? Hay bạn có tin rằng một chiếc kén tằm cho ra sợi có chiều dài gần 1km? Tất cả các kiến thức này sẽ có trong môn học “Khoa học vật liệu dệt”.

Từng ngành sẽ có những môn học chuyên ngành đặc thù khác nhau. Với tên gọi Kỹ thuật Dệt, chắc chắn sinh viên ngành học này phải trải qua các môn liên quan từ quá trình tạo sợi - dệt - nhuộm vải, như Công nghệ Sợi, Công nghệ Dệt thoi, Công nghệ Dệt kim và Công nghệ nhuộm hoàn tất. Đây là các môn học giúp sinh viên hình dung được quá trình hình thành một tấm vải “khó khăn” như thế nào.

Đối với ngành Công nghệ Dệt may, điều hành và quản lý một dây chuyền sản xuất với hàng chục đến hàng trăm máy móc, thiết bị và công nhân là một điều không hề đơn giản. Các môn học Công nghệ may, Thiết kế trang phục là những “món ăn” không thể thiếu của sinh viên.

Nếu một kỹ sư cơ khí cần biết đọc bản vẽ kỹ thuật thì một sinh viên kỹ sư công nghệ dệt may nhất định phải biết đọc ký hiệu đường may, mũi may, và cấu trúc thiết kế 1 sản phẩm. Bên cạnh đó, Môn học Thiết kế chuyền và Quản lý sản xuất sẽ cung cấp cho sinh viên các kiến thức về Quản lý và điều hành.

Những khó khăn khi học và làm việc trong ngành này? 

Bất kỳ ngành nghề nào cũng có những khó khăn và thử thách riêng, đặc biệt là các ngành Kỹ thuật. Các kiến thức kỹ thuật cần sự tư duy logic và chịu khó, kiên trì học hỏi, chỉ cần sinh viên nỗ lực thì có thể hoàn thành chương trình tốt nghiệp đúng hạn và có công việc tốt.

Sinh viên học Kỹ thuật Dệt, Công nghệ Dệt May khi tốt nghiệp có thể làm những công việc gì?

Ngành Dệt may có cơ hội việc làm đa dạng: kỹ sư/cử nhân của ngành có thể tham gia các vị trí về quản lý sản xuất, quản lý chất lượng (QA/QC) trong nhà máy, kỹ sư công nghệ, nhân viên thiết kế và nhân viên R&D tại các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, kỹ sư hay giám đốc đại diện cho các hãng thiết bị, hóa chất trong ngành Dệt may.

Sinh viên tốt nghiệp ngành dệt may có thể làm việc tại:

  • Các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam: Hyosung Việt Nam, Far Eastern Polytex Việt Nam, Dongjin Việt Nam, Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công, Tổng công ty 28, Công ty may Nhà Bè…
  • Các văn phòng đại diện thương mại: Illies Việt Nam (Đại diện của Rieter, Karl Mayer, Itema...), Tam Liên (Đại diện của Trutzschler), Mỹ Hào (Đại diện của Uster).
  • Các tập đoàn đa quốc gia: Adidas, Puma, Decathlon, Uniqlo...

Mức lương của những người làm việc trong ngành nghề này? 

Năng lực chuyên môn cũng như trình độ ngoại ngữ và kỹ năng mềm sẽ quyết định đến mức lương của người làm việc trong ngành Dệt may.

Với cơ hội nghề nghiệp không ngừng mở rộng trong môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp, trong khi số lượng sinh viên đào tạo ra trường có giới hạn, tỷ lệ cạnh tranh việc làm trong ngành Dệt may không quá khắc nghiệt với mức thu nhập tốt.

Mặt bằng chung, đối với sinh viên mới tốt nghiệp, mức lương trung bình khoảng 400-500 USD/tháng (10-12 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, các chương trình tài năng của doanh nghiệp dệt may luôn chào đón sinh viên nổi bật mới ra trường với mức thu nhập từ 1.000 USD/tháng (23 triệu đồng/tháng).

Sau một thời gian ngắn làm việc từ 2-5 năm, theo như các chia sẻ của các cựu sinh viên và học viên cao học, mức thu nhập tăng từ 2-5 lần tùy vào năng lực và vị trí mà người làm việc đảm nhận. Con số này có thể cao hơn đối với các bạn đang nắm giữ các vị trí cao tại các doanh nghiệp dệt may đa quốc gia.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự cố gắng, tinh thần học tập và trau dồi không ngừng nghỉ trong suốt thời gian làm việc và đặc biệt là nắm bắt cơ hội.

Bình luận