Thành công này mở ra cơ hội đưa loài hổ Tasmania và các loài đã tuyệt chủng khác quay trở lại.
Nhóm nghiên cứu đã tái tạo được bộ gene hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay của hổ Tasmania, sử dụng mẫu vật từ một chiếc đầu được bảo quản trong etanol hơn 100 năm. Theo tờ IFLScience, bộ gene mới được ghép có độ chính xác lên đến 99,9%, với chỉ 45 khoảng trống trong chuỗi DNA chứa khoảng 3 tỷ thông tin di truyền. Đây là bộ gene cổ xưa liền mạch nhất từng được phục dựng.
Mẫu vật sử dụng trong nghiên cứu này dù đã bị hư hỏng nhưng vẫn giữ được các phân tử RNA, cung cấp thông tin di truyền giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về đặc điểm sinh học của hổ Tasmania. Bằng việc phân tích RNA, nhóm nghiên cứu có thể thu thập dữ liệu liên quan đến cơ quan cảm giác như mắt, mũi, lưỡi, từ đó xác định khả năng ngửi, nếm và các chức năng não bộ của loài này.
Theo Giáo sư Andrew Pask, chuyên gia di truyền học tại Đại học Melbourne, trước đây nhiều nhà khoa học cho rằng việc tái tạo bộ gene từ các mẫu vật cổ là không thể. Tuy nhiên, kết quả mới cho thấy hoàn toàn có thể tạo ra một bộ gene hoàn chỉnh từ các mẫu vật lịch sử, mang lại hy vọng trong việc hồi sinh các loài đã biến mất.
Hổ Tasmania là loài thú có túi ăn thịt lớn sống ở Úc, kích thước tương đương với chó sói Bắc Mỹ. Loài này đã biến mất khỏi hầu hết các vùng đất trên Trái đất khoảng 2.000 năm trước, ngoại trừ đảo Tasmania. Tuy nhiên, vào thế kỷ 19, những người định cư châu Âu đã săn bắn hổ Tasmania vì cho rằng chúng gây hại cho gia súc, dẫn đến việc loài này tuyệt chủng. Con hổ Tasmania cuối cùng đã chết tại vườn thú Beaumaris, Tasmania năm 1936, chỉ vài tháng sau khi loài này được đưa vào danh sách bảo vệ.
Hiện nay, công ty công nghệ sinh học Colossal Biosciences (Mỹ) đang hợp tác với Đại học Melbourne để hồi sinh hổ Tasmania. Colossal cũng tham gia vào các dự án tái tạo voi ma mút và chim dodo. Công ty này đã phát triển công nghệ kích thích rụng trứng ở loài thú có túi nhỏ Sminthopsis crassicaudata, họ hàng gần nhất còn sống của hổ Tasmania. Kỹ thuật này có thể hỗ trợ quá trình nhân giống nuôi nhốt các loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Dự kiến, một con vật "giống thylacine" đầu tiên có thể ra đời trong vòng 3-5 năm tới nhờ các công nghệ mới này. Tuy nhiên, Giáo sư Pask cho biết sẽ không gọi đó là thylacine vì còn nhiều điều cần nghiên cứu để thực sự hiểu về loài thú có túi này và khôi phục hoàn toàn các đặc điểm của chúng