Chờ...

Quần thể động vật hoang dã giảm 73% kể từ năm 1970

VOH - Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) công bố hôm 10/10, quần thể động vật hoang dã được theo dõi đã giảm hơn 70% trong nửa thế kỷ qua.

Với dữ liệu từ 35.000 quần thể của hơn 5.000 loài động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá, Chỉ số Hành tinh Sống của WWF cho thấy sự suy giảm đang gia tăng trên toàn cầu.

Ở những khu vực đa dạng sinh học như Mỹ Latinh và Caribe, tỷ lệ mất quần thể động vật lên tới 95%.

dong-vat-hoang-da- 111024
Theo WWF, quần thể động vật hoang dã giảm 73% kể từ năm 1970

Báo cáo theo dõi xu hướng về số lượng của một số lượng lớn các loài, chứ không phải số lượng cá thể động vật.

Nghiên cứu phát hiện rằng, quần thể động vật được khảo sát đã giảm 73% kể từ năm 1970, chủ yếu là do áp lực của con người.

Chỉ số này đã trở thành tài liệu tham khảo quốc tế và ra mắt ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học, nơi sẽ nêu bật vấn đề này khi khai mạc tại Colombia vào cuối tháng này.

"Bức tranh chúng tôi đang vẽ ra thực sự rất đáng lo ngại", Kirsten Schuijt, Tổng giám đốc WWF International, phát biểu tại một cuộc họp báo.

"Đây không chỉ là vấn đề về động vật hoang dã, mà còn là vấn đề về các hệ sinh thái thiết yếu duy trì sự sống của con người", Daudi Sumba, Giám đốc bảo tồn của WWF, cho biết.

Sự suy giảm lớn nhất được ghi nhận ở quần thể các loài nước ngọt, tiếp theo là các loài động vật có xương sống trên cạn và dưới nước.

Yann Laurans của WWF Pháp cho biết: "Chúng ta đã làm cạn kiệt 40% sinh khối của các đại dương".

Tính theo từng châu lục, mức giảm trung bình đạt 95% ở Mỹ Latinh và Caribe, tiếp theo là Châu Phi, giảm 76%, và sau đó là Châu Á và Thái Bình Dương, giảm 60%. Sự suy giảm "ít đáng kể hơn" ở Châu Âu, Trung Á và Bắc Mỹ.

Báo cáo cho biết một số quần thể đã ổn định hoặc thậm chí mở rộng nhờ những nỗ lực bảo tồn và tái du nhập các loài.

Ví dụ, loài bò rừng bizon châu Âu đã biến mất khỏi tự nhiên vào năm 1927 nhưng đến năm 2020 đã giảm xuống còn 6.800 con nhờ hoạt động nhân giống quy mô lớn và tái thả thành công, chủ yếu ở các khu vực được bảo vệ.

Báo cáo nhắc lại nhu cầu phải cùng lúc đối mặt với các cuộc khủng hoảng "có liên quan" về biến đổi khí hậu và tàn phá thiên nhiên, đồng thời cảnh báo về những "điểm tới hạn" lớn đang đe dọa một số hệ sinh thái nhất định.

Những thay đổi này có thể là không thể đảo ngược, gây ra hậu quả tàn khốc cho nhân loại, ví dụ về nạn phá rừng ở Amazon, có thể "biến hệ sinh thái quan trọng này từ bể chứa carbon thành nguồn carbon".

Báo cáo cho biết: "Sự suy thoái và mất môi trường sống, chủ yếu do hệ thống thực phẩm của chúng ta gây ra, là mối đe dọa được báo cáo nhiều nhất ở mỗi khu vực, tiếp theo là tình trạng khai thác quá mức, các loài xâm lấn và dịch bệnh".

Các mối đe dọa khác bao gồm biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở Mỹ Latinh và Caribe, và ô nhiễm, đáng chú ý là ở Bắc Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương.