Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Atiso đỏ - một loại thảo dược tự nhiên giúp hạ huyết áp

VOH - Làm thế nào để kiểm soát huyết áp? Làm thế nào để hạ huyết áp cao? Thảo dược tự nhiên “atiso đỏ” có thể giúp hạ huyết áp đáng kể!
atiso đỏ
Tác dụng hạ huyết áp của “atiso đỏ” không hề thua kém những loại thuốc huyết áp - Ảnh: TVBS

“Atiso đỏ” là một loại thảo dược quý trong tự nhiên

Bác sĩ Huang Yijie, Phó giám đốc Phòng khám sức khỏe Wuling (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, “atiso đỏ” còn được biết đến với rất nhiều cái tên khác nhau như: hoa roselle (hay hibiscus), bụt giấm, bụp giấm, cây rau chua, bụt chua, bụp chua, lá giấm, hoa vô thường…

“Atiso đỏ” là một loại thảo dược quý trong tự nhiên, nó có một số tác dụng hạ huyết áp, rất giàu ion magie, flavonoid, anthocyanin và có nguồn gốc tự nhiên. 

Nó chứa rất nhiều axit hữu cơ lợi tiểu, lợi gan mật, bổ máu, có thể giúp làm giãn mạch máu, cũng là thuốc chẹn kênh canxi (hay còn gọi là thuốc đối kháng canxi, tên tiếng anh là calcium channel blocker, viết tắt là CCB) và thậm chí là thuốc ức chế men chuyển angiotensin (hay gọi ngắn gọn là thuốc ức chế men chuyển, thuốc ACE), kích thích quá trình tiêu hóa và nhuận tràng.

“Atiso đỏ” có tác dụng hạ huyết áp đáng kể

Bác sĩ Huang Yijie cho biết, “Tạp chí Dược lý Tim mạch” đã công bố một nghiên cứu có hệ thống vào năm 2022, phân tích 13 nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng, bao gồm 1.205 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu, và phát hiện ra rằng những người bị tăng huyết áp đơn thuần (không có hội chứng chuyển hóa) khi dùng “atiso đỏ” so với giả dược, thì “atiso đỏ” đã giúp giảm huyết áp đáng kể.

Đặc biệt là huyết áp tâm thu trung bình giảm 6,67mmHg và huyết áp tâm trương giảm trung bình 4,35 mmHg. Không có sự khác biệt đáng kể ở bệnh nhân tăng huyết áp có hội chứng chuyển hóa.

Tác dụng hạ huyết áp của “atiso đỏ” không thua gì thuốc

Điều đáng chú ý là so với các thuốc hạ huyết áp chính thống như lisinopril, captopril, hydrochlorothiazide và các thuốc khác, không có sự khác biệt đáng kể về tác dụng hạ huyết áp của “atiso đỏ”.

Bác sĩ Huang Yijie nói thêm, ở một góc độ khác, tác dụng hạ huyết áp của “atiso đỏ” không hề thua kém những loại thuốc này!

Không khuyến khích tự ý ngừng dùng thuốc huyết áp

Bác sĩ Huang Yijie khuyến cáo rằng, không phải bệnh nhân cao huyết áp nào cũng được khuyến khích tự ý ngừng dùng thuốc huyết áp và thay vào đó uống trà “atiso đỏ”, những người đang dùng thuốc huyết áp vẫn nên uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Tuy nhiên, nếu huyết áp ở mức ổn định cao hơn một chút nhưng không đến mức để uống thuốc huyết áp hoặc nếu đang dùng thuốc nhưng vẫn đang tìm những cách khác để giúp kiểm soát ổn định huyết áp, mọi người có thể thử uống một tách trà “atiso đỏ” không đường sẽ rất tốt!