Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Lợi ích của việc chạy bộ đối với sức khỏe

VOH - Chạy bộ có thể giúp giảm viêm khớp, ngăn ngừa loãng xương, giúp tim và phổi hoạt động hiệu quả.

Chạy bộ có nhiều lợi ích, có thể tăng cường chức năng tim phổi, xây dựng vóc dáng cơ thể, củng cố xương, giảm viêm khớp, ngăn ngừa gãy xương và loãng xương, đồng thời tăng số lượng ty thể. Thử nghiệm trên máy chạy bộ cũng có thể dự đoán nguy cơ tử vong.

chay-bo
Cải thiện chức năng tim phổi thông qua chạy bộ sẽ có tác động tích cực và sâu sắc đến sức khỏe - Ảnh: TVBS

Chạy bộ tăng cường chức năng tim phổi và dự đoán nguy cơ tử vong

Tim của những người chạy bộ thường xuyên có những đặc điểm điển hình như sau: nhịp tim khi nghỉ ngơi thấp hơn; nhịp tim thấp hơn ở cùng nhịp khi chạy bộ; nhịp tim tối đa cao hơn ở cường độ cực cao; khả năng co bóp và thư giãn của tim rất mạnh.

Mỗi lần co bóp cung cấp nhiều máu hơn cho toàn cơ thể, mỗi lần thư giãn tâm trương có thể thu thập nhiều máu trở về từ tĩnh mạch hơn, từ đó chuẩn bị đầy đủ cho lần co bóp đẩy máu tiếp theo.

Vì vậy, ở trạng thái yên tĩnh, người chạy bộ chỉ cần ít nhịp tim hơn để đáp ứng nhu cầu cung cấp máu cho toàn cơ thể, trong khi ở cường độ cực cao, tim vẫn có thể hoạt động rất hiệu quả.

Vào cuối năm 2016, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã xếp sức bền của tim phổi hay còn được gọi là sức bền tim mạch là dấu hiệu sinh tồn thứ năm. Nhiều nghiên cứu khoa học ủng hộ mạnh mẽ rằng sức bền tim mạch đã được chứng minh là yếu tố dự báo nguy cơ tử vong mạnh mẽ hơn các yếu tố nguy cơ truyền thống như hút thuốc, béo phì, tăng huyết áp, tăng lipid máu và tăng đường huyết. Nói cách khác, việc cải thiện chức năng tim phổi thông qua chạy bộ sẽ có tác động tích cực và sâu sắc đến sức khỏe.

Sức bền tim phổi là khả năng hấp thụ và chuyển hóa oxy của cơ thể. Sức bền của tim mạch và hô hấp tốt có thể giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi xử lý các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.

Chạy bộ giúp xương khớp chắc khỏe hơn và giảm viêm khớp, gãy xương

Hệ vận động bao gồm ba phần chính cấu thành: xương, cơ và khớp. Chạy bộ sẽ có tác động tích cực đến xương, cơ và khớp. Chạy bộ sẽ giúp xương chắc khỏe, có tác dụng chống loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Chạy bộ cũng có thể chuyển đổi các sợi cơ trắng thành sợi cơ đỏ, cho phép huy động nhiều sợi cơ hơn trong quá trình tập luyện sức bền. Đặc điểm của sợi cơ đỏ là các sợi cơ tương đối mảnh khảnh chứ không phì đại như các sợi cơ trắng.

Đây là lý do tại sao hầu hết các vận động viên chạy bộ đều trông gầy gầy, đương nhiên điều này không có nghĩa là vận động viên chạy bộ thiếu cơ bắp, mà là vận động viên chạy bộ đã hình thành các loại sợi cơ cụ thể thông qua quá trình tập luyện lâu dài và hình dạng cơ của họ khác với cơ của vận động viên thể hình.

Chạy bộ còn tốt cho sức khỏe khớp xương, giúp khớp xương linh hoạt và ổn định hơn, đồng thời tăng sức bền dây chằng khớp và độ dày sụn. Cái gọi là “chạy bộ chỉ làm đau đầu gối” là một trong những hiểu lầm lớn nhất về việc chạy bộ. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh viêm xương khớp ở những người chạy bộ thể hình chỉ là 3,5%, trong khi tỷ lệ mắc bệnh viêm xương khớp ở những người ít vận động là 10,2%.

Chạy bộ làm tăng số lượng ty thể

Chạy bộ làm tăng số lượng và khối lượng của ty thể. Vậy ty thể là gì? Ty thể là nhà máy sản xuất năng lượng trong các tế bào sợi cơ.

Oxy từ hơi thở, glycogen và chất béo từ cơ và máu cuối cùng được vận chuyển đến ty thể, nơi chúng bị oxy hóa và phân hủy để cung cấp năng lượng cần thiết cho việc vận động. Bài tập sức bền làm tăng số lượng và khối lượng ty thể, do đó giúp cải thiện hiệu suất sức bền.

Ngoài ra, chạy bộ còn giúp tăng cường hoạt động của các enzyme chuyển hóa hiếu khí. Vậy enzym là gì? Enzyme là chất xúc tác thúc đẩy các phản ứng hóa học. Hoạt động của enzyme được tăng cường có thể tăng tốc đáng kể quá trình phân hủy đường và chất béo.

Từ đó, cung cấp nhiều năng lượng hơn cho việc tập luyện hoặc vận động. Nói cách khác, tăng cường hoạt động của các enzyme chuyển hóa hiếu khí có thể khiến chạy bộ nhanh hơn.

Bình luận