Nguyên nhân gây nổi mề đay mãn tính dai dẳng thường không được tìm ra. Các chuyên gia tin rằng, nguyên nhân có thể là do rối loạn chức năng tự miễn dịch, đặc biệt là dưới áp lực cao, căng thẳng tinh thần, biến đổi khí hậu thời tiết, quá nóng hoặc quá lạnh, bị nhiễm trùng… có thể gây ra nổi mề đay thường xuyên hoặc làm cho tình trạng nổi mề đay trở nên trầm trọng hơn.
Lầm tưởng rằng nổi mề đay là giải độc của cơ thể
Mọi người thường nghĩ rằng nổi mề đay là một quá trình giải độc của cơ thể và lầm tưởng rằng sẽ ổn nếu hết ngứa và đau. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Mề đay là một phản ứng dị ứng da phổ biến vì hệ thống miễn dịch của cơ thể khiến các mạch máu ở da và các mô sâu giãn ra, dẫn đến phát ban trên da tăng cao, cần được xác định và loại bỏ càng sớm càng tốt.
Các nguyên nhân gây mề đay
Theo thống kê, cứ năm người thì có khoảng một người sẽ bị nổi mày đay ít nhất một lần. Các tác nhân gây mề đay cấp tính thường gặp bao gồm:
Thực phẩm: hải sản, rượu, trái cây, đậu phộng, các loại hạt, các sản phẩm từ sữa và trứng, phụ gia thực phẩm…
Thuốc: thuốc đông, thuốc giảm đau, kháng sinh…
Môi trường: bụi mịn, bụi bẩn, phấn hoa, lông thú cưng, nấm mốc…
Yếu tố vật lý: thời tiết thay đổi nóng lạnh, gãi, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tập thể dục, đổ mồ hôi, áp lực lên da...
Yếu tố thể chất và tinh thần: căng thẳng tinh thần, lo âu, áp lực cao…
Nhiễm trùng: nhiễm virus (thường gặp ở trẻ em), vết côn trùng cắn, nhiễm ký sinh trùng…
Nếu nổi mề đay xảy ra liên tục trong hơn 6 tuần thì gọi là mề đay mãn tính và việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian hơn. Ngứa trong nổi mề đay mãn tính không phải do dị ứng thực phẩm, nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp. Đây là một bệnh liên quan đến tự miễn dịch, rất có thể xảy ra trong thời gian căng thẳng tinh thần hoặc bất ổn về cảm xúc.
Mề đay có tự khỏi không?
Hầu hết nổi mề đay không cần điều trị và thông thường tự khỏi trong vòng vài ngày. Nếu cần điều trị, mục đích chính chỉ là làm giảm tình trạng ngứa và giảm sưng khi nổi mề đay. Khi điều trị nổi mề đay, điều khuyến cáo trước tiên là hãy xác định nguyên nhân gây ra nổi mề đay và loại bỏ cũng như ngăn ngừa các yếu tố làm cho nổi mề đay.
Nếu nghi ngờ do thức ăn thì phải ghi nhật ký ăn uống, thời gian, mức độ nổi mề đay, nếu do thuốc thì ghi nhớ tên thuốc, thời gian dùng thuốc và cần cho bác sĩ biết để bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng nổi mề đay.
Mề đay có nhiều nguyên nhân gây ra nhưng có thể thuyên giảm nhờ chế độ ăn uống mà không cần uống thuốc điều trị.
Quercetin chống nổi mề đay
Người bị nổi mề đay nên tránh các thực phẩm có thể gây ra sự giải phóng histamine, chẳng hạn như các loại hạt, cà chua, socola, cam quýt, kiwi, chanh, dứa (hay còn gọi là thơm), chuối, hải sản có vỏ… Chọn thực phẩm giàu “kháng histamine”.
Quercetin là một loại thuốc kháng histamine tự nhiên có thể ức chế các phản ứng dị ứng và viêm nhiễm, đồng thời làm giảm nổi mề đay. Quercetin là một chất chống oxy hóa flavonoid tập trung nhiều ở trong hành tây. Quercetin trong hành tây cũng đã được chứng minh là làm giảm được nổi mề đay.
Thực phẩm giàu quercetin bao gồm: hành tây, hành tím, hành lá, măng tây, ớt xanh, táo, dâu tây, trái việt quất, nam việt quất…
Lượng khuyến nghị quercetin hàng ngày: hiện chưa có con số khuyến nghị.
Vitamin C chống nổi mề đay
Vitamin C có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa histamine trong cơ thể, làm chậm quá trình tích tụ histamine và làm giảm nổi mề đay.
Thực phẩm giàu vitamin C chẳng hạn như: ớt đỏ, cà chua, bông cải xanh, súp lơ trắng, khoai tây, cải xoăn, ổi, cam dâu tây, dưa lưới vàng…
Lượng khuyến nghị vitamin C hàng ngày: người lớn 100mg/ngày.
Vitamin B6 chống nổi mề đay
Vitamin B6 cũng có thể đẩy nhanh quá trình chuyển hóa histamine, giúp tránh tích tụ histamine quá mức và làm giảm hơn nữa tình trạng nổi mề đay.
Thực phẩm chứa vitamin B6 phải kể đến là sản phẩm từ sữa (sữa, phô mai), cá hồi, cá ngừ, trứng, gan, thịt bò, ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, bột mì nguyên cám, lúa mạch đen, kiều mạch), đậu, tỏi, tảo bẹ, cà rốt, bắp cải, nấm khô, bơ, nhãn khô, xoài…
Lượng khuyến nghị vitamin B6 hàng ngày: người lớn là 1,5 mg.