APEC kỳ vọng hướng tới một nền nông nghiệp bền vững

(VOH) - Sáng 25/8, phiên Đối thoại chính sách cao cấp về tăng cường An ninh lương thực nông nghiệp bền vững, thích ứng phó với Biến đổi khí hậu đã diễn ra tại TP.Cần Thơ. Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cùng đại diện các Bộ trưởng Nông nghiệp của 21 nền kinh tế APEC.

Đây là hoạt động cuối cùng kết thúc chuỗi các sự kiện Tuần lễ cao cấp An ninh Lương thực APEC 2017, diễn ra từ ngày 18-25/8, đồng thời đánh dấu bước tiến quan trọng của các nền kinh tế thành viên trong nỗ lực chung để giải quyết vấn đề An ninh lương thực giữa các nước trong khu vực cũng như toàn cầu.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm trước khi bước vào nội dung làm việc chính thức.

Đảm bảo sinh kế người dân, an ninh lương thực

Phát biểu mở đầu phiên khai mạc, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đề cập ngay đến những biến đổi bất thường của hiện tượng thời tiết cực đoan. Đặc biệt, trong vòng 5 năm gần đây, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn diễn ra với quy mô trên diện rộng và dự báo lũ lên cao bất thường trong năm 2017 này cũng là hiện tượng trái với quy luật thông thường. Đây chính là hệ quả của tác động biến đổi khí hậu toàn cầu, gây tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gần 20 triệu người ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vốn gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Ông Thống đề nghị cần quan tâm, nghiên cứu ứng dụng và chia sẻ kinh nghiệm thực hành sản xuất nông nghiệp của các nền kinh tế thành viên APEC nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là việc làm có ý nghĩa đối với Việt Nam, đối với các nước trong khu vực và của những người sản xuất nông nghiệp.

“Cần lấy trọng tâm là lợi ích người dân làm trung tâm phát triển, định vị vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong mô hình tăng trưởng trên cơ sở phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", ông Thống nói.

Phân tích rõ hơn vai trò của sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn những số liệu minh họa cụ thể từ dự báo của Liên hiệp quốc; theo đó, dân số thế giới ước tính sẽ tăng từ 7,2 tỷ người hiện nay lên 9,6 tỷ người vào năm 2050, sản xuất nông nghiệp cũng phải tăng hơn 70% để đáp ứng nhu cầu của con người vào thời điểm đó.

Gánh nặng khổng lồ của việc nuôi dân số toàn cầu trở nên nặng nề hơn do tác động của biến đổi khí hậu khiến sản lượng lương thực toàn cầu bị đe dọa. Đây cũng chính là lí do mà Việt Nam chọn ưu tiên “Tăng cường An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” là một trong 4 ưu tiên đề xuất hợp tác trọng tâm của năm APEC 2017.

Với ý nghĩa đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng mong muốn thông qua Đối thoại này các bên cùng nhau thảo luận, chia sẻ, xem xét và thông qua một số tài liệu quan trọng như: Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về phát triển nông thôn - thành thị bền vững nhằm tăng cường An ninh lương thực và đảm bảo chất lượng tăng trưởng; thống nhất thông qua Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà đây là những tài liệu quan trọng, định hướng các hoạt động hợp tác khu vực, thể hiện nỗ lực của các nền kinh tế thành viên, chung tay xây dựng một khu vực APEC phát triển thịnh vượng, đảm bảo sinh kế người dân, an ninh lương thực, tự cường và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Chia sẻ quan điểm của mình tại phiên khai mạc, Tiến sĩ Allan Bollard, Tổng Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC cho rằng: với 88 nhóm công tác khác nhau, cùng với nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng đã diễn ra, các đại biểu đã gửi thông điệp tới Ban tổ chức khẳng định những đề nghị của Việt Nam đã và sẽ được triển khai thông qua các Nhóm công tác kỹ thuật của APEC.

Theo Tiến sĩ Allan, ông hân hạnh được chứng kiến tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017. Việt Nam đã làm tốt vai trò của mình với việc tổ chức 13 sự kiện quan trọng về góp phần giải quyết an ninh lương thực, tăng trưởng bền vững cũng như thúc đẩy sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam cũng kế thừa được tinh thần của Tuyên bố Nigata, Kazan hay Lima về đảm bảo An ninh lương thực trước những thách thức và áp lực về tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu. Để giải quyết thách thức này, các nền kinh tế thành viên cần có sự tham gia của các bên liên quan khác nhau.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên khai mạc

5 nội dung trọng tâm phải thống nhất

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh APEC quy tụ 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 39% dân số thế giới và chiếm 57% GDP và 49% giá trị thương mại toàn cầu - APEC đã và đang khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất thế giới, có tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của các nền kinh tế thành viên, trong đó có an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang phải chứng kiến những thách thức về nguy cơ mất an ninh lương thực do những tác động của biến đổi khí hậu. Thực tế đó đòi hỏi các thành viên phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác nhằm tăng cường an ninh lượng thực và nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đưa ra 5 nội dung trọng tâm mà phiên Đối thoại chính sách cấp cao về An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu phải thống nhất:

Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững, thủy sản bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Thứ hai, tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; thúc đẩy ứng dụng CNTT trong quản lý nông nghiệp; tăng cường hợp tác nghiên cứu về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm thất thoát, lãng phí lương thực thực phẩm.

Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một thị trường tiêu thụ lương thực toàn cầu bình đẳng, dựa trên các quy tắc, thỏa thuận thương mại đa phương.

Thứ tư, đẩy mạnh phối hợp chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước, bao gồm cả quản lý nguồn nước xuyên biên giới.

Thứ năm, tích cực triển khai khuôn khổ giảm nhẹ rủi ro thiên tai APEC, hợp tác xây dựng phòng ngừa thiên tai, nâng cao tính bền vững và khả năng phục hồi sau thiên tai…

Có thể nói, Đối thoại chính sách cao cấp APEC về An ninh lương thực, nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là hoạt động trọng tâm. Những kết quả đạt được sau cùng sẽ góp phần vào nỗ lực chung của toàn cầu, thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc đến năm 2030 và “Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu” cũng như các biện pháp về an ninh lương thực đã được Bộ trưởng Nông nghiệp các nền kinh tế thành viên thông qua.