Cần sớm có chính sách hỗ trợ nông dân tái sản xuất

(VOH) -  Ngành nông nghiệp lại một lần nữa đã phát huy là trụ đỡ cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên ngành nông nghiệp, đặc biệt là người nông dân cũng gặp không ít khó khăn.

Sau diễn biến phức tạp và lây lan rộng của dịch bệnh Covid-19 trên cả nước, đã ảnh hưởng rất lớn đến tất cả mọi mặt của đời sống- kinh tế- xã hội. Hầu hết các chỉ số tăng trưởng kinh tế quý vừa qua đều tăng trưởng âm, chỉ duy nhất ngành nông nghiệp là có tăng trưởng dương.

 Cần sớm có chính sách hỗ trợ nông dân tái sản xuất
Cần sớm có chính sách hỗ trợ nông dân tái sản xuất. Ảnh minh họa

Ngành nông nghiệp lại một lần nữa đã phát huy là trụ đỡ cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đó, ngành nông nghiệp, đặc biệt là người nông dân cũng gặp không ít khó khăn.

Để tiếp tục hỗ trợ cho ngành nông nghiệp ngày càng phát triển, tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế trong những lúc khó khăn thì việc quan tâm, hỗ trợ cho ngành nông nghiệp nói chung và hỗ trợ người nông dân nói riêng là việc làm chính đáng trong lúc này.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% cho GDP cả nước. Như vậy, dù trong dịch bệnh nhiều khó khăn, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Trước những khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch. Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, người nông dân cũng đang gồng mình, gặp nhiều khó khăn trong công tác tài chính, rất cần sự hỗ trợ chính sách, cơ chế từ nhà nước.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, hiện nay do tình hình dịch Covid 19 nên nhiều sản phẩm nông nghiệp bị ảnh hưởng đến giá cả, đặc biệt là khoai lang tím Nhật không xuất khẩu được và giá cả xuống thấp nên nông dân bị thua lỗ nặng. Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đến nay, nhiều tỉnh thành nới lỏng giãn cách, đã tạo điều kiện cho nhiều hoạt động trở lại, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, hoạt động kiểm soát giữa các tỉnh thành vẫn còn nên còn ảnh hưởng đến sản xuất, dẫn đến thiếu con giống, vật nuôi, cây trồng chất lượng. Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long đề xuất:

“Chúng tôi kiến nghị chính phủ ban hành nghị quyết chung về chính sách hỗ trợ cho người nông dân sau dịch bệnh. Vì trong hơn 3 tháng qua, dịch bệnh đã làm đứt gãy nhiều khúc đoạn trong chuỗi giá trị sản xuất nông sản, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của người dân, cho nên cần có những giải pháp để khôi phục, đặc biệt là thực trạng thiếu giống sản xuất của người dân có xảy ra ở một số địa phương. Để xuất là hỗ trợ khoảng 50% về giống lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, kể cả các giống lúa, rau màu hoặc các giống vật nuôi thủy sản”.

Ngoài việc thiếu con giống thì giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong đó giá phân bón cũng liên tục gia tăng trong thời gian gần đây, gây nhiều khó khăn cho nông dân trong vật tư đầu vào, làm tăng giá thành sản xuất, khó khăn chồng khó khăn cho người nông dân. Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết:

“Trong khi chúng ta đang gặp khó khăn về đầu ra thì giá một loạt phân bón tăng quá nhanh. Chúng tôi để ý là có một loại tăng đột biến đó là Glu fosinate, sau khi mình cấm Glyphosate. Glu fosinate trở nên khan hiếm, giá đã tăng 230% và dự báo còn tăng tiếp, nông dân sẽ gặp khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp đề nghị là chúng ta cho sử dụng lại hoạt chất cũ và một số nước lân cận như Thái Lan, Campuchia và một số bang của Mỹ cũng không cấm Glyphosate, đây là một loại rẻ hơn và hiệu quả diệt cỏ tốt hơn. Với giá tiền khai hoang, diệt cỏ trên 2 triệu/hecta/1 năm thì khả năng nông dân không chịu được”.

Bên cạnh con giống, vật tư thì chính sách khoanh nợ, hỗ trợ tài chính tái sản xuất cũng là một vấn đề đáng quan tâm cho người nông dân. Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng như người nông dân sau thời gian gồng mình vì dịch bệnh, đã không thể trả tiền lãi ngân hàng đúng hạn, có thể bị ngân hàng đưa vào nợ xấu và sau này sẽ khó được vay để tái sản xuất nên cần có chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho người nông dân, doanh nghiệp sản xuất trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, nhiều chính sách đã ban hành về hỗ trợ tài chính cho các hợp tác xã, tuy nhiên rất khó tiếp cận. 

“Chính sách tín dụng cho hợp tác xã và tổ hợp tác, dù đã có nhưng hầu như cách tiếp cận không được. Bởi vậy phát triển hợp tác xã rất khó, chỉ là hình thức thôi. Hầu như không có thực chất để phát huy nội lực.

Ngoài việc liên kết chuỗi sản xuất, tuy nhiên kinh phí của tỉnh cũng hạn hẹp nên chưa có hỗ trợ nhiều được cho chuỗi để thúc đẩy phát triển cho nên đề nghị Bộ dành ra 1 phần ngân sách để hỗ trợ các liên kết theo từng địa phương cũng như theo từng thế mạnh của từng ngành. Ví dụ, đối với Bình Phước thì hỗ trợ về điều, đối với đồng bằng sông Cửu Long là hỗ trợ về lúa”, bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước nêu.

Cả nước đang bước vào vụ mùa mới, ngoài các yếu tố thời tiết, dịch hại, thì việc hỗ trợ các chính sách cho người nông dân cũng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là hỗ trợ về chính sách lãi vay, khoanh nợ để người nông dân tái sản xuất. Do vậy, để ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, thì rất cần có các chính sách phù hợp để hỗ trợ cho trụ đỡ này.

“Vừa qua, Bộ Nông nghiệp đã có tham mưu có chế độ hỗ trợ sản xuất cho bà con nông dân sau đại dịch như hỗ trợ 1 phần giống, vật tư theo nghị định 62 thay thế nghị định 35. Mong Bộ NN và PTNT tiếp tục đeo bám để khi bà con nông dân tái sản xuất.

Bây giờ mình xác định ngành nông nghiệp là trụ đỡ, đã có văn bản rồi nhưng cụ thể hóa chủ trương chính sách thì chưa có giúp nhiều cho “trụ đỡ”. Ngoài chuyện hỗ trợ dự kiến vắc xin, hỗ trợ kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp, cần sớm triển khai chính sách này, mong muốn Bộ Nông nghiệp có tiếng nói càng sớm, mà có được chủ trương từ trên xuống để triển khai kịp cho vụ đông xuân thì rất tốt", ông Lê Hữu Toàn - Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chia sẻ.