Chờ...

Châu Âu “hốt hoảng” vì khủng hoảng khí đốt, chuyên gia lại nhìn thấy mặt tốt của khủng hoảng

(VOH) - Trong khi các quốc gia châu Âu đang “hốt hoảng” vì cuộc khủng hoảng khí đốt khi mùa đông đến gần, thì tỉ phú Bill Gates cho rằng, cuộc khủng hoảng khí đốt của EU là điều tốt về lâu dài.

Trong khi lãnh đạo các quốc gia châu Âu đang “hốt hoảng” vì cuộc khủng hoảng khí đốt khi mùa đông đến gần, người dân châu Âu thì “khóc đứng, khóc ngồi” vì giá điện, giá khí đốt tăng cao kỷ lục thì tỉ phú Bill Gates lại cho rằng, cuộc khủng hoảng khí đốt của EU là điều tốt về lâu dài.

Chia sẻ với CNBC vào ngày 19/10, vị tỉ phú đồng sáng lập Microsoft giải thích rằng, tình trạng thiếu khí đốt sẽ khiến EU cuối cùng phải sử dụng năng lượng tái tạo và “mọi người sẽ không muốn phụ thuộc vào khí đốt Nga”.

Bill Gates khẳng định, sẽ không đúng nếu "rút hết tiền khỏi các lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch", bởi vì hiện tại "nhiên liệu hóa thạch vẫn là phương tiện giúp mọi người đi lại và tránh chết cóng vào mùa đông". Tuy nhiên, ông nói, cần phải có kế hoạch để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Xem thêm: Bản tin thị trường hôm nay: Thị trường năng lượng thế giới biến động mạnh

khí đốt
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đã khiến nhiều ngành sản xuất như thép, nhôm… trên khắp châu Âu phải đóng cửa (Ảnh: martenscentre)

Sau khi Nga quyết định giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu, giá khí đốt và giá điện tại đây đã tăng vọt. Theo dữ liệu từ Hiệp hội dệt may châu Âu Euratex, tỷ trọng chi phí nhiên liệu trên tổng chi phí sản xuất của nhiều nhà máy dệt may đã tăng từ mức chỉ 5% lên khoảng 25%, khiến lợi nhuận suy giảm.

Theo một số công ty dệt may, giá năng lượng tăng cao tới mức các bên cung cấp năng lượng (vì lo sợ không được thanh toán tiền) đã yêu cầu họ phải được ngân hàng bảo lãnh hoặc thanh toán trước bằng tiền mặt. Hiện tại, toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành thời trang châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề, từ các nhà máy dệt cho đến các nhà máy nhuộm.

Việc giá năng lượng tăng dự báo sẽ khiến nhiều công ty cũng như nhà bán lẻ buộc phải chuyển hoạt động kinh doanh ra bên ngoài châu Âu, nơi có giá năng lượng thấp hơn. Trong khi đó ngành dệt may tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm trên khắp châu Âu.

Những tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đã khiến nhiều ngành sản xuất như thép, nhôm… trên khắp châu Âu phải đóng cửa, và hiện tại là ngành thời trang đang đứng bên bờ vực. Kéo theo đó là những bất ổn về xã hội, đời sống của người dân châu Âu cũng ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Trong hai ngày 20 - 21/10 tại thủ đô Brussels của Bỉ, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp Hội nghị Thượng đỉnh để xem xét các biện pháp tiếp theo để can thiệp thị trường ngắn hạn và dài hạn, tiến tới giảm giá khí đốt. Trong đó, một trong những biện pháp được đưa ra là người châu Âu nên mua khí đốt cùng nhau, thay vì trả giá cao hơn.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel nhấn mạnh, triển vọng kinh tế của châu Âu sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách châu lục này quản lý cuộc khủng hoảng năng lượng của mình. Theo ông, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia EU nên tập trung vào việc phối hợp các phản ứng chính sách kinh tế một cách hiệu quả, bao gồm cả sự hỗ trợ của các giải pháp chung của châu Âu.