Theo kế hoạch, dự kiến sẽ phá sản đối với Công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con; thu hồi phần vốn của công ty mẹ - SBIC tại Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm; tiếp tục xử lý các doanh nghiệp thuộc SBIC, thu hồi tài sản, quyền tài sản của công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con theo đúng quy định pháp luật.
Việc phá sản phải đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; bảo đảm quyền lợi của người lao động. Có cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ quá trình triển khai nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện phá sản.
Việc thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước, trường hợp phải sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện đúng quy định của pháp luật; giảm tổn thất tiền, tài sản của nhà nước, tổ chức cá nhân liên quan cũng như với ngành đóng, sửa chữa tàu.
Kế hoạch cũng đề ra việc rà soát, đánh giá thực trạng từng doanh nghiệp, xây dựng phương án xử lý cụ thể.
Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, KH-ĐT, Tài chính làm việc với TAND tối cao, Viện KSND tối cao và các tòa án liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý SBIC.
Đồng thời, chỉ đạo Hội đồng thành viên SBIC xây dựng, đề xuất cơ chế lương, thưởng với người quản lý, người lao động tại công ty mẹ và các công ty con…