Rạng sáng 21/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 2.620,63 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 1,2% lên 2.646,20 USD/ounce.
Đợt tăng giá mới nhất của vàng được kích hoạt sau khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ hôm 18/9, với việc cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, khiến vàng - một tài sản không sinh lời, trở nên hấp dẫn hơn.
Giá vàng đã tăng 27% kể từ đầu năm 2024 đến nay, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010, trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm cách phòng ngừa những bất ổn do các cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông và những khu vực khác gây ra.
Các nhà phân tích cho biết đợt tăng giá kỷ lục này của vàng có thể sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới.
Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali tại ngân hàng TD Securities cho biết vẫn còn một số hoạt động mua liên quan đến quyết định bắt đầu chu kỳ nới lỏng với mức cắt giảm lãi suất quy mô lớn của Fed.
Đợt tăng giá kỷ lục này làm giảm nhu cầu bán lẻ vàng ở các quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong một lưu ý, ngân hàng Commerzbank cho biết đà tăng của vàng "không nên kéo dài mãi," viện dẫn đồn đoán Fed chỉ giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong hai cuộc họp tiếp theo.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng giá vàng thế giới có thể chứng kiến thêm những đợt tăng đột biến trong thời gian tới.
Quyết định về chính sách lãi suất của Fed là yếu tố chính chi phối thị trường vàng tuần qua. Ngay từ phiên đầu tuần 16/9, giá vàng thế giới tiếp tục tăng sau khi lập mức cao kỷ lục trước đó, nhờ sự suy yếu của đồng USD và triển vọng Mỹ hạ lãi suất.
Các nhà phân tích cho biết thêm sự suy yếu liên tục của đồng USD, khiến vàng rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, cũng đã tạo thêm lực đẩy cho giá vàng.
Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trên toàn cầu, cùng với hoạt động mua vàng mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương và những lo ngại về địa chính trị đã thúc đẩy giá vàng liên tục tăng lên các mức cao kỷ lục mới.