Làm sao để ngành gỗ đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%?

(VOH) - Từ tháng 8/2022 đến nay, đơn hàng xuất khẩu gỗ Việt Nam sụt giảm nhưng xu hướng dịch chuyển đơn đặt hàng đồ gỗ từ Trung Quốc và các nước khác đến Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra.

Năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ đô la Mỹ trở lên. Đây cũng là cơ sở để ngành gỗ chinh phục mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ đô la Mỹ nội thất vào năm 2025.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng, nhiều năm liền ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam đạt được tăng trưởng cao ở mức 2 con số nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của quy mô thị trường thế giới và sức hút từ năng lực sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao.

Vì thuận lợi đó, hầu hết doanh nghiệp chỉ tập trung vào khâu sản xuất, xây dựng nhiều nhà máy lớn mà thiếu sự quan tâm cho khâu xúc tiến thương mại, kết nối chặt chẽ với các thị trường. Điểm yếu này khiến các doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị động khi nhu cầu thị trường suy giảm.

ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%
Ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9% (Ảnh: CP)

Đọc thêm: Chiến lược phát triển ngành gỗ: lấy chế biến làm trung tâm để phát triển các ngành phụ trợ

Ông Lập cũng cho biết, do công tác phát triển thị trường, tham gia vào giá trị thương mại chưa tốt nên nhiều năm qua thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn chỉ là những cái tên quen thuộc như Mỹ chiếm gần 60% giá trị xuất khẩu, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…Trong khi đó tiềm năng các thị trường khác không nhỏ.

Đơn cử như theo kế hoạch chuyển đổi quốc gia của Saudi Arabia, quốc gia này đã lên kế hoạch xây dựng hơn 550.000 đơn vị dân cư, khoảng 275.000 khách sạn, hơn 4,3 triệu m2 không gian bán lẻ và hơn 6,1 triệu m2 diện tích văn phòng mới.

Quy ra, lượng nội thất để lấp đầy những con số trên, cơ hội cho các doanh nghiệp nội thất toàn cầu không hề nhỏ. Cùng với Trung Đông, các thị trường khu vực khác, như Ấn Độ cũng đang bùng nổ…

Để khẳng định thương hiệu và bán được sản phẩm, doanh nghiệp các nước đã phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường xuất khẩu lớn để trực tiếp bán hàng và quảng bá thương hiệu. Trong khi, điều này với doanh nghiệp Việt Nam gần như chưa làm được. Mặt khác, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam chủ yếu tập trung vào chuỗi phân phối trong khi doanh nghiệp các nước còn mở rộng đến các dự án, công trình…

Do đó, để đạt tốc độ tăng trưởng, doanh nghiệp cần khắc phục tất cả các khó khăn, vướng mắc trên, cân đối chi phí, nhân lực và xây dựng một chiến lược mới phù hợp hơn với xu thế phát triển.