Chờ...

10 lợi ích sức khỏe tuyệt vời khi bà bầu ăn cà rốt

(VOH) – Cà rốt được biết đến là thực phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đôi mắt. Vậy bà bầu ăn cà rốt khi mang thai có tốt cho sức khỏe và thai nhi hay không?

Một trong những điều quan trọng mẹ bầu cần lưu ý trong thai kỳ chính là chế độ ăn uống và dinh dưỡng cho bản thân cũng như em bé trong bụng. Có rất nhiều loại thực phẩm nên ăn và nên tránh khi mang thai. Nếu đang băn khoăn liệu bà bầu ăn cà rốt có được không thì bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc đó. 

1. Bà bầu ăn cà rốt được không?

Cà rốt là một nguồn cung cấp vitamin và nhiều khoáng chất tuyệt vời cho sức khỏe. Trong đó, nổi bật nhất là chất beta-carotene, vitamin B9, vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, protein, chất béo, chất xơ thô, sắt, canxi, photpho... rất có lợi cho mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi nên hãy yên tâm rằng bà bầu CÓ THỂ ăn cà rốt. 

1.1 Tốt cho mắt

Là nguồn cung cấp vitamin A phong phú nên bà bầu ăn cà rốt sẽ cải thiện sức khỏe của đôi mắt, tránh được tình trạng suy giảm thị lực, mắt mờ khi mang thai. Không chỉ tốt cho thị lực của mẹ bầu mà việc bổ sung thêm cà rốt còn kích thích sự phát triển mắt của thai nhi.

1.2 Tăng cường khả năng miễn dịch

Hàm lượng lớn vitamin C trong cà rốt góp phần cải thiện đáng kể hệ thống miễn dịch của mẹ bầu. Trong thai kỳ, khả năng miễn dịch của mẹ dễ bị suy giảm và nếu tiêu thụ cà rốt hợp lý, sẽ giúp mẹ bầu phòng ngừa được bệnh cảm cúm thông thường. 

Xem thêm: 10 cách tự nhiên giúp mẹ bầu giải cảm, không cần dùng thuốc

1.3 Thúc đẩy sự phát triển xương và răng 

Bà bầu ăn cà rốt trong thời gian mang thai sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi vì loại củ này chứa lượng canxi dồi dào -  dưỡng chất rất quan trọng cho sự hình thành xương và răng của thai nhi. Không những thế, lượng canxi trong cà rốt cũng giúp giữ cho xương của mẹ bầu luôn khỏe mạnh, hạn chế sưng viêm, chảy máu nướu răng. 

1.4 Ngăn ngừa thiếu máu

Phụ nữ mang thai dễ gặp phải tình trạng thiếu máu thai kỳ. Ăn nhiều cà rốt sẽ giúp mẹ bầu phòng tránh nguy cơ thiếu máu bởi cà rốt không chỉ giàu sắt mà còn chứa nhiều vitamin C, kích thích cơ thể hấp thu chất sắt tốt hơn.

Xem thêm: Bị thiếu máu khi mang thai – lời khuyên hữu ích về cách điều trị và chế độ ăn uống

1.5 Hạn chế táo bón

10-loi-ich-suc-khoe-tuyet-voi-khi-ba-bau-an-ca-rot-voh-0
Bổ sung một lượng cà rốt vừa phải giúp cải thiện tiêu hóa ở mẹ bầu (Nguồn: Internet) 

Táo bón khi mang thai là một trong những vấn đề phổ biến nhất mà các mẹ bầu phải đối mặt. Để cải thiện vấn đề này mẹ cần ăn thêm một lượng vừa phải các loại thực phẩm giàu chất xơ, một trong số đó chính là cà rốt. 

1.6 Giảm chuột rút khi mang thai

Nhiều mẹ bầu thường hay bị chuột rút khi mang thai, chủ yếu xảy ra ở các bộ phận như bàn chân hay bắp chân, khiến các mẹ vô cùng khó chịu và đau đớn. Thật may khi cà rốt có chứa rất nhiều photpho – một khoáng chất thiết yếu hỗ trợ hoạt động cơ bắp, từ đó giúp giảm nhẹ tình trạng chuột rút.

1.7 Kiểm soát huyết áp 

Trong thời gian mang thai, một số mẹ bầu có thể gặp phải chứng tăng huyết áp thai kỳ, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau, trong đó có tiền sản giật. Tuy nhiên, nếu trong chế độ ăn hàng ngày của mẹ bầu có cà rốt thì khả năng huyết áp tăng cao sẽ được giảm bớt.

Xem thêm: Tăng huyết áp thai kỳ nguy hiểm thế nào, làm sao nhận biết và phòng ngừa?

1.8 Thúc đẩy hình thành xương và sụn thai nhi

Cà rốt chứa mangan - khoáng chất quan trọng cho sự hình thành xương và sụn của thai nhi. Ngoài nấu chín, mẹ bầu có thể tăng lượng mangan cho cơ thể bằng cách sử dụng nước ép cà rốt.

10-loi-ich-suc-khoe-tuyet-voi-khi-ba-bau-an-ca-rot-voh-1
Mẹ bầu có thể uống thêm nước ép cà rốt để bổ sung mangan (Nguồn: Internet) 

1.9 Phát triển hệ thần kinh thai nhi

Hàm lượng vitamin B và axit folic trong cà rốt có lợi cho sự phát triển của hệ thần kinh cũng như trí não thai nhi. Bổ sung thêm cà rốt sẽ làm giảm nguy cơ em bé bị dị tật thần kinh nguy hiểm như tật nứt đốt sống.

1.10 Hỗ trợ phòng ngừa ung thư

Chất beta-carotene hỗ trợ việc giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đặc biệt hoạt chất này còn giúp bảo vệ phổi trước các độc tố, tránh biến chứng tiềm ẩn dẫn đến các bệnh đường hô hấp.

2. Bà bầu ăn cà rốt có thể gặp phải những rủi ro gì?

Cà rốt rất tốt cho bà bầu, tuy nhiên, một số trường hợp mẹ bầu tiêu thụ quá nhiều cà rốt hoặc nước ép cà rốt thì chúng có thể gây ra một số tác động xấu trong thai kỳ. 

2.1 Tăng nguy cơ tử vong

Việc tiêu thụ quá nhiều cà rốt có thể khiến lượng beta-carotene trong cơ thể mẹ bầu quá cao, điều này có thể gây tử vong. Đặc biệt, nếu không may bị nhiễm trùng đường mật trong thai kỳ thì cần tránh tiêu thụ quá nhiều cà rốt.

2.2 Vàng da 

Cà rốt có màu cam hoặc đỏ nên khi tiêu thụ chúng với số lượng quá lớn có thể khiến mẹ bầu bị vàng da. Lý do là vì trong cà rốt có chứa carotene, lượng carotene trong cơ thể ở mức quá cao có thể gây ra tình trạng carotene huyết (carotenemia).

Xem thêm: Mách mẹ cách phát hiện bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh tại nhà cực đơn giản

2.3 Thừa vitamin A 

Ăn nhiều cà rốt có thể khiến lượng vitamin A trong cơ thể nhiều hơn mức cần thiết và điều này không hề có lợi cho sức khỏe của bé yêu. Hàm lượng vitamin A quá nhiều trong tam cá nguyệt thứ nhất có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến sảy thai và dị tật bẩm sinh liên quan đến hệ tim mạch.

2.4 Dị ứng 

Cà rốt là thực phẩm lành tính, tuy nhiên vẫn có một số người bị dị ứng với các biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn sau khi ăn. Hơn nữa, mẹ bầu không nên uống quá nhiều nước ép cà rốt vì chúng có thể khiến mẹ bị đau đầu và rơi vào trạng thái hôn mê.

Như vậy, để đảm bảo cân bằng các chất dinh dưỡng và hạn chế những tác động xấu tới sức khỏe, trong thực đơn hàng tuần, mẹ bầu chỉ nên ăn khoảng 100-200g cà rốt một bữa, tối đa 3 bữa một tuần. 

10-loi-ich-suc-khoe-tuyet-voi-khi-ba-bau-an-ca-rot-voh-2
Mẹ bầu chỉ nên ăn khoảng 100-200g cà rốt một bữa (Nguồn: Internet) 

3. Hướng dẫn mẹ cách sơ chế và chế biến cà rốt

Nếu mẹ chưa biết sơ chế cà rốt sao cho đúng cách và chế biến loại thực phẩm này như thế nào thì có thể tham khảo một số mẹo nhỏ sau đây:

  • Sơ chế sạch: Cà rốt là một loại rau ăn củ nên mẹ cần đảm bảo loại củ này đã được loại bỏ hết đất cát và rửa sạch trước khi chế biến.
  • Không nên gọt hết vỏ: Thay vì dùng dao bào để bào vỏ cà rốt, mẹ nên dùng dao sắc lưỡi mỏng, cạo nhẹ để loại bỏ phần vỏ mỏng của cà rốt, bởi vì hầu hết các chất dinh dưỡng quan trọng đều nằm trong vỏ củ cà rốt.
  • Nấu món ngon từ cà rốt: Cà rốt là loại củ rất dễ ăn, có thể ăn sống, luộc, hầm, xắt thành dạng sợi để xào, muối chua cùng giá, hẹ, nhưng cần lưu ý là không nên hầm quá lâu, cà rốt chín nát sẽ chuyển hóa muối nitrat thành nitrit gây ngộ độc. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể sử dụng chúng ở dạng xay nhuyễn, ép lấy nước. 

Bà bầu được khuyến khích lựa chọn thêm cà rốt trong khẩu phần ăn nhưng dù đây là một loại củ có nhiều chất dinh dưỡng, mẹ cũng hãy ghi nhớ cách sử dụng hợp lý, đúng cách để cả mẹ và bé đều nhận được nhiều lợi ích sức khỏe. 

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh