Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những lợi ích và nguy cơ phải đối mặt khi bà bầu ăn cà tím

(VOH) – Có rất nhiều thông tin cho rằng, bà bầu ăn cà tím không tốt cho sự phát triển của thai nhi, thậm chí gây sảy thai, sinh non. Vậy thực tế bà bầu ăn cà tím có được không?

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần phải kiêng cữ rất nhiều thứ, bởi bên cạnh các loại thực phẩm nên ăn thì cũng có những loại thực phẩm cần tránh, và theo nhiều lời truyền miệng thì cà tím cũng nằm trong danh sách này. Tuy nhiên, sự thật chưa hẳn là đúng hoàn toàn.

1. Bà bầu ăn cà tím được không?

Thật bất ngờ khi cà tím được xếp vào cả 2 danh sách thực phẩm nên ăn và nên tránh. Cà tím chứa nhiều chất dinh dưỡng và nếu được ăn với một lượng vừa phải thì đây là loại thực phẩm tốt cho mẹ bầu.

Trong cuốn sách “The 100 Healthiest Foods to Eat During Pregnancy” (tạm dịch: 100 siêu phẩm nên ăn khi mang thai) của tác giả Jonny Bowden (chuyên gia dinh dưỡng), cà tím là thực phẩm an toàn cho phụ nữ mang thai nếu ăn có chừng mực. Đặc biệt, với những bà bầu ăn kiêng, ăn cà tím còn giúp bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé.

Cà tím chứa ít chất béo bão hòa và cholesterol, dồi dào chất xơ, vitamin C, sắt, photpho cùng nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu khác. Cụ thể, trong 100g cà tím có chứa:

  • Chất xơ: 1.5g
  • Carbohydrate: 4.5g
  • Photpho: 34mg
  • Canxi: 15mg
  • Vitamin C: 15mg

nhung-loi-ich-va-nguy-co-phai-doi-mat-khi-ba-bau-an-ca-tim-voh

Cà tím chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe mẹ bầu (Nguồn: Internet)

2. Những lợi ích khi bà bầu ăn cà tím

Chính những thành phần dinh dưỡng như trên, nên bà bầu ăn cà tím sẽ nhận được nhiều những lợi ích như:

2.1 Thúc đẩy sự phát triển của thai nhi

Cà tím là một nguồn cung cấp tuyệt vời các dưỡng chất niacin, vitamin... vốn rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, cà tím còn chứa các khoáng chất như kali, đồng, sắt và mangan giúp duy trì điện giải, tăng cường cung cấp máu và số lượng huyết sắc tố đáng kể.

2.2 Ổn định đường huyết

Bà bầu ăn cà tím có thể giúp điều chỉnh và ngăn ngừa đột biến đường trong máu đáng kể. Do đó, sẽ giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết nếu chẳng may mẹ bầu mắc chứng tiểu đường thai kỳ.

2.3 Hỗ trợ tiêu hóa

Chất xơ trong cà tím giúp giảm táo bón và cải thiện quá trình cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng, từ đó giúp mẹ bầu ngăn ngừa được nguy cơ táo bón, bệnh trĩ hoặc hội chứng ruột kích thích ở mẹ bầu.

2.4 Tăng cường hệ miễn dịch

Cà tím giàu chất chống oxy hóa nên giúp tăng khả năng miễn dịch và tránh nguy cơ phát triển các bệnh nhiễm trùng có hại, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. 

Ngoài ra, trong vỏ cà tím có chứa một hợp chất hữu cơ anthocyanin có tên là nasunin. Đây là một chất chống oxy hóa nhằm bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng tổn thương do các gốc tự do gây nên, giúp ngăn ngừa tình trạng tích tụ lượng sắt dư thừa, vốn liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư và tim.

2.5 Giảm cholesterol xấu

Ăn cà tím khi mang thai có thể giúp làm giảm mức cholesterol có hại và làm tăng mức cholesterol tốt trong máu, từ đó ngăn ngừa nguy cơ mắc phải các vấn đề liên quan đến tim, xơ vữa động mạch.

2.6 Kiểm soát tình trạng tăng huyết áp

Chất bioflavonoids trong cà tím có thể làm giảm huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch.

3. Tác dụng phụ khi bà bầu ăn cà tím

Mặc dù chứa nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe, nhưng nếu bà bầu ăn cà tím quá nhiều sẽ có thể dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn, đó là:

3.1 Tăng nguy cơ sảy thai

Quả cà tím có chứa hàm lượng phytohormone khá cao, có khả năng kích thích kinh nguyệt và giúp chữa các vấn đề về kinh nguyệt như vô kinh. Chính điều này đã khiến cho nhiều người tin rằng bà bầu ăn cà tím hàng ngày sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai.

3.2 Tăng lượng axit trong cơ thể:

Cà tím có thể kích hoạt các vấn đề về axit và thậm chí là gây khó chịu khi mang thai.

3.3 Gây khó tiêu

Nếu ăn cà tím chưa được nấu chín kỹ, mẹ bầu sẽ dễ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như bị khó tiêu, thậm chí trong trường hợp nghiêm trọng mẹ có thể bị ngộ độc.

3.4 Tăng nguy cơ sinh non

Phụ nữ mang thai ăn quá nhiều cà tím, cộng thêm việc loại quả này không được rửa sạch và nấu chín có thể gây nguy cơ sinh non. Nguyên nhân là do sự hiện diện của bệnh toxoplasmosis trong đất trồng.

nhung-loi-ich-va-nguy-co-phai-doi-mat-khi-ba-bau-an-ca-tim-1-voh

Ăn cà tím không đúng cách, bà bầu có nguy cơ phải đối mặt với nhiều vấn đề (Nguồn: Internet)

4. Bà bầu ăn cà tím như thế nào là an toàn?

Để đảm bảo an toàn sức khỏe, tốt nhất là mẹ bầu chỉ nên ăn cà tím với lượng cho phép, cụ thể là khoảng 200 – 250gr cà tím mỗi bữa ăn và không ăn liên tục. Ngoài ra, mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Rửa sạch cà tím dưới vòi nước chảy và ngâm với nước muối ấm.
  • Chỉ chọn mua cà tím có vỏ mỏng, óng mượt, cầm lên có độ chắc.
  • Nấu chín cà tím ở nhiệt độ thích hợp, không được ăn cà tím sống.
  • Không mua những quả cà tím có vết nứt, da nhăn nheo, bị giập úng và màu sắc không đều, hoặc có vết đốm bất thường.
  • Ngoài ra, những mẹ bầu bị bệnh hay có thể trạng mệt mỏi thì không nên ăn cà tím.

Những món ăn từ cà tím mà bà bầu có thể ăn như cà tím nướng mỡ hành, cà tím chiên giòn, cà tím xào thịt heo, cà tím xào cà chua,....

Như vậy, với thắc mắc bà bầu ăn cà tím được không, thì câu trả lời là CÓ, tuy nhiên cần phải ăn với lượng vừa đủ. Ăn nhiều cà tím hoặc ăn không đúng cách có thể dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, mẹ bầu hãy cận thận trong việc lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng cho mình, mẹ nhé!

Bình luận