Dừa nước vốn là một thức quả dân dã và rất gắn bó với bà con miền sông nước Nam Bộ, nay được nhiều người “lặn lội” tìm mua. Có hương vị ngọt mát và dẻo thơm nên dừa nước còn làm nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn và độc đáo.
Tuy nhiên, khi xây dựng thực đơn ăn uống của các mẹ bầu, bên cạnh yếu tố ngon miệng và hấp dẫn, cũng cần đảm bảo bổ sung đa dạng dưỡng chất cho mẹ và bé. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây về những lưu ý khi thêm dừa nước trong khẩu phần ăn của các mẹ bầu nhé.
1. Bà bầu ăn dừa nước được không?
Vào thời kì mang thai, bà bầu không nên chỉ cố gắng ăn thật nhiều mà cần điều chỉnh cân bằng hàm lượng các chất dinh dưỡng, với mục đích cải thiện tốt sức khỏe của cả mẹ lẫn bé.
Những giá trị dinh dưỡng trong dừa nước mang lại các vi khoáng chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Cụ thể dừa nước là thức quả thanh mát, trong trái này có chứa các chất dinh dưỡng sau:
- Protein
- Carbohydrate
- Vitamin C
- Vitamin Nhóm B
- Khoáng chất quan trọng như kali, magie, natri,...
Chính vì lý do đó, các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng, trong giai đoạn dưỡng thai, các mẹ bầu hoàn toàn có thể ăn thêm dừa nước với một lượng vừa đủ, hợp lý.
2. Lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn dừa nước
Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe mà dừa nước đem lại cho mẹ bầu:
2.1 Thanh nhiệt cơ thể
Thân nhiệt của bà bầu thường cao hơn so với cơ thể bình thường từ 1 – 2 độ do các hoạt động chuyển hóa và trao đổi chất diễn ra nhanh hơn. Để cải thiện tình trạng bốc hỏa cũng như nóng trong người khi mang thai, các mẹ có thể ăn trực tiếp cùi dừa nước hoặc pha thêm với nước đường cùng một chút đá.
2.2 Cải thiện hệ tiêu hóa
Hàm lượng chất xơ được tìm thấy ở dừa nước sẽ giúp mẹ bầu cải thiện được một số vấn đề rối loạn tiêu hóa như đầy bụng khó tiêu, ợ nóng hay táo bón (nếu kéo dài sẽ dẫn tới bệnh trĩ). Đặc biệt, vị ngọt thanh và thơm dịu của dừa nước cũng cải thiện hiệu quả các cơn ốm nghén, giảm tình trạng buồn nôn và ngán ăn.
2.3 Dưỡng da mềm mại
Vốn thuộc cùng họ với giống dừa cạn, thành phần dinh dưỡng của dừa nước cũng bao gồm chất béo bão hòa axit lauric. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt chất này có tính kháng viêm và dưỡng ẩm cho làn da vô cùng hữu hiệu, do vậy có thể làm mềm các vùng da khô ráp của bà bầu như bụng hay bắp chân.
Xem thêm: 8 quy tắc chăm sóc da mà mẹ bầu cần biết
2.4 Phòng tránh tiểu đường thai kì
Theo thống kê, tỉ lệ mắc tiểu đường thai kì chiếm trong khoảng từ 3 – 7% trên tổng số phụ nữ mang thai, bệnh lý này nếu không kịp thời kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ mắc tiền sản giật, sinh non. Việc thêm dừa nước trong thực đơn sẽ giúp mẹ tiếp nạp thêm chất xơ, nhằm ngăn chặn quá trình hấp thu đường vào máu và kiểm soát tốt nồng độ đường huyết.
Xem thêm: Đừng chủ quan với chứng tiền sản giật – tai biến sản khoa cực kỳ nghiêm trọng
2.5 Khắc phục chứng đi tiểu rắt
Tiểu rắt là một trong những dấu hiệu điển hình nhận biết mang thai, tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài trong thai kì thì mẹ bầu cần sớm khắc phục.
Để điều trị tốt chứng bệnh này, bên cạnh việc tăng cường uống thêm nước và sử dụng thuốc kê đơn, mẹ có thể ăn thêm dừa nước nhằm bổ sung vitamin C giúp làm mát cơ thể.
2.6 Ngăn ngừa dị tật thai nhi
Dừa nước cũng là trái cây có chứa nhóm vitamin B9 (axit folic), góp phần thúc đẩy sự phát triển hoàn thiện hệ thần kinh của thai nhi. Bên cạnh đó, dưỡng chất này còn đảm nhiệm vai trò ngăn chặn nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh như tổn thương não bộ, cột sống hay khiếm khuyết tay chân.
Xem thêm: 'Điểm mặt' 6 dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gặp và các nguyên nhân gây bệnh
3. Một số món ngon từ dừa nước dành cho bà bầu
3.1 Chè dừa nước
Nguyên liệu:
- Cơm dừa nước: 300g
- Nhãn nhục: 100g
- Đậu xanh: 100g
- Hạt sen: 100g
- Thạch dừa: 100g
- Nấm tuyết: 1 tai
- Đường cát trắng: 300g
Cách làm chè dừa nước:
Đầu tiên ướp phần cơm dừa nước với đường. Bắc nồi nước cho hạt sen, đậu xanh vào nấu lên cho mềm ra. Nấm tuyết đem đi ngâm cho nở ra rồi chần qua nước sôi chung với nhãn nhục. Thạch dừa bỏ phần nước.
Bây giờ chỉ cần cho tất cả nguyên liệu ra bát thêm nước đường, đá vào để thưởng thức.
3.2 Mứt dừa nước
Nguyên liệu:
- Dừa nước: 1kg
- Đường cát: 500g
- Nước cốt chanh.
Cách làm mứt dừa nước:
Dừa nước lấy phần cơm bỏ nước rồi cho vào nồi sạch trộn chung với đường cát trắng thật đều. Để ướp tầm 20 phút cho phần đường thấm đều thì bắc lên bếp đun lửa lớn sau đó dần dần nhỏ lửa đến khi thấy đường bắt đầu sền sệt lại thì cho thêm vài giọt nước cốt chanh.
Đun nhỏ lửa cho đến khi đường cô lại, dính hoàn toàn trên dừa nước thì tắt bếp. Để nguội và đem ra thưởng thức món mứt dừa nước.
4. Một số lưu ý để bà bầu ăn dừa nước đúng cách
Mẹ bầu có thể ăn dừa nước trực tiếp hoặc chế biến các món ngon từ dừa nước như chè dừa nước, mứt dừa nước,… Tuy nhiên, dù sử dụng theo cách nào cũng cần thực hiện một số lưu ý dưới đây:
- Không nên ăn quá nhiều dừa nước, mỗi ngày chỉ nên ăn tối đa 100g cùi dừa nước.
- Chọn mua những trái dừa nước mà phần cuống còn tươi, tránh chọn những trái có vỏ đã chuyển màu vàng vì cùi dừa nước lúc này sẽ chua và cứng.
- Nếu mua dừa nước đã tách vỏ thì nên sử dụng hết trong ngày.
- Trường hợp không dùng hết, có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 – 3 ngày, ở ngăn đông lạnh thì có thể kéo dài trong khoảng 10 – 15 ngày.
- Dừa nước khi để bên ngoài qua đêm hoặc có mùi vị lạ thì bà bầu không nên ăn để tránh bị ngộ độc thực phẩm.
- Mặc dù lượng đường trong dừa nước không đáng kể nhưng bà bầu cũng không nên lạm dụng, ăn nhiều quá mức dễ dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ.
Không chỉ là một thức quả “ăn cho vui’, dừa nước còn đem đến khá nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ bầu và em bé nên hãy yên tâm thưởng thức nhé.