Bà bầu ăn nho có được không?

(VOH) - Nhiều người thường ví nho như ‘người bạn của bà bầu’ vì chứa nhiều lợi ích. Nhưng một số ý kiến cho rằng, loại quả này cũng có những tác hại cho sức khỏe thai kỳ. Vậy bà bầu ăn nho được không?

Phụ nữ mang thai cần có sự đa dạng trong thực phẩm, đặc biệt là trái cây. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại trái cây đều tốt và an toàn cho thai kỳ. Vậy nho thì sao, bà bầu ăn nho liệu có an toàn cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi hay không? Cùng tìm hiểu vấn đề ngay sau đây nhé!

1. Bà bầu ăn nho có được không?

Nhiều người cho rằng, nho là loại trái cây an toàn khi được tiêu thụ trong thai kỳ. Trong khi một số khác không đồng tình và cho rằng tốt nhất nên tránh ăn nho khi mang thai.

ba-bau-an-nho-co-duoc-khong-voh-0
Nho là thực phầm tốt cho sức khỏe mẹ bầu nếu ăn với lượng phù hợp (Nguồn: Internet)

Thực tế, hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, quả nho nếu được tiêu thụ trong một giới hạn nhất định, chúng không chỉ an toàn mà còn cực kỳ tốt cho sức khỏe. Trong nho chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng có lợi như vitamin A, C, B1, chất xơ, canxi, sắt, magie, axit folic, omega-3, DHA cùng các chất dinh dưỡng quan trọng khác.

2. Bà bầu ăn nho nhận được lợi ích gì?

Không chỉ là loại thực phẩm dễ ăn, nho còn mang đến cho bà bầu nhiều lợi ích bất ngờ:

2.1 Cung cấp nước cho cơ thể

Nho chứa khoảng 85% là nước và nước là một thành phần không thể thiếu trong cơ thể. Nước cần thiết cho sự phát triển của tế bào mới, giúp duy trì khối lượng máu và các chất dinh dưỡng khác. Cơ thể đủ nước cũng giúp làm giảm thiểu táo bón thai kỳ và nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.

2.2 Giảm các vấn đề ở hệ tiêu hóa

Các cơ quan tiêu hóa thường được thả lỏng trong suốt thai kỳ do tác dụng của hormone. Điều này khiến mẹ bầu dễ gặp các vấn đề như đầy hơi khó tiêu, đau bụng, táo bón, tiêu chảy.... Ăn nho sẽ giúp cơ thể bà bầu được bổ sung chất xơ, có tác dụng tăng cường hỗ trợ tiêu hóa, từ đó bà bầu sẽ giảm bớt những khó chịu do hệ tiêu hóa gây ra.

2.3 Tốt cho sự phát triển thần kinh của thai nhi

Trong quả nho chứa nhiều axit folic. Đây là một dưỡng chất không thể thiếu đối với sự hình thành hệ thần kinh và não bộ của thai nhi, đồng thời cũng làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh thai nhi.

Xem thêm: Cách phát hiện và ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh

Chất flavonoid và vitamin A trong nho giúp phát triển thị lực thai nhi. Vitamin B giúp tăng tốc độ trao đổi chất của người mẹ. Sự hiện diện của resveratrol sẽ giúp ổn định cholesterol của người mẹ và đảm bảo thai nhi có được một trái tim khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, chất omega – 3 và DHA trong nho cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển bộ não của bé yêu trong bụng.

2.4 Phòng ngừa thiếu máu

ba-bau-an-nho-co-duoc-khong-voh-1
Bà bầu ăn nho có thể giúp giảm thiểu thì trạng thiếu mang khi mang thai (Nguồn: Internet)

Trong quá trình mang thai, mẹ bầu thường xuyên phải đối diện với nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt. Nho là một trong những loại quả giàu chất sắt, do đó, bà bầu ăn nho có thể giúp củng cố lượng chất sắt, phòng ngừa thiếu máu khi mang thai và giúp cân bằng lượng hemoglobin trong cơ thể.  

2.5 Giảm phù nề

Bà bầu thường bị phù nề bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ 2 trở về sau do lưu lượng chất lỏng trong cơ thể tăng lên, đồng thời các mô giữ nước nhiều hơn. Và ăn nho sẽ có thể giúp bà bầu làm giảm tình trạng tích nước này. Nguyên nhân là do trong nho chứa nhiều canxi và magie, hai chất này có khả năng làm giảm phù nề hiệu quả.

2.6 Tăng cường trao đổi chất

Do nho chứa nhiều đường glucose nên có thể giúp mẹ bầu giảm nhanh cảm giác mệt mỏi khi mang thai. Đồng thời chúng cũng có tác dụng ổn định quá trình trao đổi chất trong cơ thể, giúp mẹ bầu loại bỏ được tình trạng chóng mặt.

2.7 Cung cấp vitamin và khoáng chất

Phần lớn các vitamin và khoáng chất trong quả nho đều rất có lợi cho sự phát triển của mẹ và thai nhi.

Nho rất giàu vitamin C, trong 100g nho chứa khoảng 11mg vitamin C. Loại vitamin này có thể làm tăng khả năng miễn dịch, chống lại sự tấn công các loại virus gây bệnh thông thường.

Trong nho cũng chứa nhiều vitamin B giúp kiểm soát lượng trao đổi chất trong cơ thể. Vitamin E và K giúp đông máu, có lợi cho mẹ trong quá trình chuyển dạ.

Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong nho như anthocyanins, flavon, geraniol và tannin sẽ giúp tăng miễn dịch, chống nhiễm trùng. Các khoáng chất như kali, magie, canxi... lại tốt cho sức khỏe tổng thể của mẹ và sự phát triển của bé.

3. Tác dụng phụ khi bà bầu ăn nho

Tuy nho mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nếu bạn ăn quá nhiều chúng có thể gây hại cho cơ thể. Nho là loại trái cây có nhiều đường tự nhiên fructose và điều này có thể không tốt cho những ai đang bị chứng tiểu đường thai kỳ.

Xem thêm: Mẹ bầu bị tiểu đường nên biết những điều này để kiểm soát đường trong máu, tránh ảnh hưởng thai nhi

Ngoài ra, một số nguy cơ bạn có thể gặp phải khi ăn nho quá nhiều như:

  • Tăng cân: Bà bầu ăn nho quá nhiều sẽ làm tăng lượng calo trong cơ thể và khiến bạn bị tăng cân. Thừa cân, béo phì không được khuyến khích trong giai đoạn thai kỳ vì nó sẽ “mở đường” cho một số vấn đề sức khỏe khác.
  • Gây ra các vấn đề tiêu hóa: Tiêu thụ quá nhiều nho sẽ làm cho bạn dễ gặp phải các tình trạng như đầy hơi, ợ chua, nôn mửa hoặc buồn nôn.
  • Thai to: Ăn quá nhiều nho vào 3 tháng cuối thai kỳ có thể khiến thai nhi tăng cân nhiều hơn, điều này sẽ làm cho quá trình chuyển dạ kéo dài và đau đớn hơn, hoặc có thể làm tăng khả năng sinh mổ.

4. Bà bầu ăn nho bao nhiêu thì tốt?

Với những lợi ích sức khỏe từ nho, bà bầu có thể ăn nho trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ.

Tuy nho rất tốt nhưng bà bầu không nên ăn quá nhiều, lượng ăn phù hợp là từ 100 – 200gr/tuần. Bà bầu cũng nên lựa chọn các loại nho ngọt, không nên ăn các loại nho có vị quá chua.

ba-bau-an-nho-co-duoc-khong-voh-2
Bà bầu chỉ nên ăn từ 100- 200gr nho/tuần (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, nếu mẹ bầu đang gặp phải các vấn đề dưới đây thì cũng nên tránh ăn nho:

  • Bị dị ứng với nho
  • Bị tiểu đường thai kỳ
  • Bị loét dạ dày và các vấn đề tiêu hóa khác
  • Bà bầu có vấn đề về lượng đường trong máu cao

5. Vì sao không nên ăn nho trong 3 tháng đầu mang thai?

Một số chuyên gia cho rằng, mặc dù nho có hàm lượng vitamin, khoáng chất cao, nhưng mẹ bầu nên tránh ăn nho trong tam cá nguyệt đầu tiên vì những lý do sau đây:

  • Vỏ nho chứa resveratrol: Vỏ quả nho rất giàu chất gọi là resveratrol, đây là một chất dinh dưỡng nhưng nó có thể gây ngộ độc cho phụ nữ mang thai. Bởi chất resveratrol có thể phản ứng với nồng độ hormone không cân đối trong cơ thể mẹ bầu.
  • Thuốc trừ sâu vẫn còn trên vỏ: Các loại thuốc trừ sâu được phun trên nho thường không dễ rửa trôi. Những loại thuốc trừ sâu này có thể góp phần gây ra các biến chứng sức khỏe của thai nhi.
  • Gây táo bón: Ăn nho có thể dẫn đến táo bón vì vỏ nhỏ thường khó tiêu hóa.
  • Nóng trong người: Bà bầu ăn nho nhiều có thể bị nóng trong người, từ đó ảnh hưởng cho cả mẹ và con.

6. Bà bầu ăn nho trong thai kỳ cần lưu ý điều gì?

Nho là loại quả có được thêm vào dễ dàng trong các công thức chế biến. Do đó, ngoài ăn nho trực tiếp, bạn có thể ăn nho khô hoặc sử dụng nước ép nho tươi để uống.

Tuy nhiên, khi bà bầu ăn nho cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Nên chọn nho có nguồn gốc an toàn, tránh bị phun thuốc hoặc bị ướp các loại chất bảo quản có hại.
  • Khi ăn nho, tốt nhất là mẹ bầu nên bỏ đi phần vỏ vì vỏ nho có thể gây khó tiêu cho phụ nữ mang thai.
  • Không ăn nho với sữa, dưa leo, cá, bia, nước khoáng hoặc các bữa ăn có nhiều chất béo vì có thể gây khó chịu cho dạ dày.
  • Những mẹ bầu bị béo phì, tiểu đường thai kỳ, viêm ruột kết, tiêu chảy và kiết lỵ không nên ăn nho hoặc uống nước ép nho.
  • Thai phụ đang bị sâu răng cũng không nên ăn nho. Nếu có ăn, mẹ nên súc miệng kỹ sau khi ăn vì hàm lượng đường trong nho khá cao.

Nho tốt cho sức khỏe mẹ bầu, nhưng để nhận được các lợi ích này, bạn hãy ăn nho với lượng phù hợp để tránh những ảnh hưởng đến sức khỏe cho cả mẹ và bé yêu trong bụng.