Tiêu điểm: Nhân Humanity

Băng huyết sau sinh và những dấu hiệu giúp nhận biết sớm

(VOH) – Băng huyết sau sinh là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm đối với sản phụ sau sinh, có thể dẫn đến tử vong cho người mẹ nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 515.000 phụ nữ tử vong trong quá trình mang thai và sinh nở. Riêng số người bị băng huyết sau sinh thì lên tới hơn 100.000 người. Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ băng huyết sau sinh chiếm từ 3% - 8% và đây được xem là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở các bà mẹ.

1. Hiện tượng băng huyết sau sinh là gì?

Băng huyết sau khi sinh là tình trạng chảy máu quá nhiều sau khi chuyển dạ dẫn đến tử vong ở người mẹ, có thể xuất hiện ở cả những bà mẹ sinh thường hay sinh mổ. Hiện tượng băng huyết sau sinh được chia làm 2 loại, xếp theo thời gian là:

  • Băng huyết nguyên phát: Là tình trạng mất máu nhiều hơn 500ml trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi sinh. Cứ 100 phụ nữ sau sinh sẽ có 5 người mắc phải tình trạng này. Tuy nhiên, tình trạng băng huyết nguyên phát với mức độ nguy hiểm thì ít gặp hơn, trong 1000 người chỉ khoảng 6 trường hợp bị băng huyết mức độ nặng.
  • Băng huyết thứ phát: Là tình trạng chảy máu nhiều và có bất thường ở âm đạo trong khoảng từ sau 24 giờ đầu đến 12 tuần sau sinh. Cứ 100 người sẽ có 2 người bị băng huyết sau sinh thứ phát.

2. Những nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng băng huyết sau sinh. Một số nguyên nhân điển hình thường gặp nhất chính là:

2.1 Tử cung không co hồi sau khi sinh

Sau khi em bé chào đời, tử cung của người mẹ thường sẽ co hồi lại kích thước ban đầu. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, tử cung không co hồi lại được, tình trạng này gọi là đờ tử cung – nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến băng huyết.

Đờ tử cung có thể xảy ra do:

  • Mẹ sinh nở nhiều lần
  • Tử cung có u xơ, tử cung dị dạng hoặc tử cung quá căng do đa thai, đa ối, con to.
  • Thai phụ có cơn chuyển dạ kéo dài, giục sinh lâu với oxytocin hoặc chuyển dạ quá nhanh do cơn co tử cung cường tính, nhiễm trùng ối, thai phụ bị suy nhược, thiếu máu hay gây mê sâu.,..

bang-huyet-sau-sinh-va-nhung-dau-hieu-giup-nhan-biet-som-voh

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng băng huyết sau sinh (Nguồn: Internet)

2.2 Bất thường ở bánh nhau

Những trường hợp thai phụ có nhau bám thấp, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo thường sẽ có khuynh hướng gây chảy máu nhiều sau sinh. Ngoài ra, diện tích bánh nhau lớn, khi bong ra gây chảy máu nhiều cũng có thể gây băng huyết sau sinh.

2.3 Tổn thương đường sinh dục

Trong quá trình sinh nở, nếu gặp phải tình trạng vỡ tử cung hoặc rách tử cung trong những ca sinh khó cũng có thể gây băng huyết cho người mẹ.

2.4 Rối loạn đông máu

Sản phụ bị băng huyết sau sinh có thể do nhiễm trùng máu, thuyên tắc ối hoặc hội chứng rối loạn đông máu.

3. Dấu hiệu băng huyết sau sinh cần lưu ý

Khi xảy ra hiện tượng băng huyết sau sinh, cơ thể phụ nữ thường sẽ gặp phải các biểu hiện sau:

  • Ra máu một cách bất thường và nhiều trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh.
  • Máu chảy có màu đỏ tươi, rỉ ra liên tục.
  • Da xanh xao, niêm mạc nhợt, chân tay lạnh, vẻ mặt hốt hoảng và huyết áp tụt. Nhịp tim đập nhanh một cách bất thường hoặc trở nên không đều.
  • Tử cung mềm nhão, không có sự co hồi tốt.

Phụ nữ bị băng huyết sau khi sinh nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như: suy thận, suy cơ quan do giảm tuần hoàn máu, nhiễm trùng hậu sản, thiếu máu, hoại tử tuyến yên (Sheehan),... Trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong cho sản phụ.

4. Xử lý băng huyết sau sinh như thế nào?

Băng huyết sau sinh cần phải được xử lý nhanh bằng các biện pháp cầm máu.

Nếu băng huyết sau sinh xảy ra sớm, bác sĩ sẽ sờ bụng dưới để xem tử cung khép lại hay chưa, sau đó sẽ kiểm tra nhau thai để đảm bảo không còn sót lại trong tử cung. Nếu tử cung đóng lại nhưng vẫn còn chảy máu, bác sĩ sẽ kiểm tra cổ tử cung và âm đạo bằng cách gây mê hoặc gây tê ngoài màng cứng.

bang-huyet-sau-sinh-va-nhung-dau-hieu-giup-nhan-biet-som-1-voh

Phát hiện sản phụ bị băng huyết sau sinh cần phải được xử lýngay (Nguồn: Internet)

Nếu băng huyết sau sinh xảy ra muộn, bác sĩ sẽ siêu âm bằng cách đưa đầu dò vào âm đạo để kiểm tra các phần sót lại của nhau thai trong tử cung.

4.1 Các phương pháp xử trí khi bị băng huyết sau sinh

Nếu băng huyết sau sinh xảy ra sớm là do sự co bóp yếu của tử cung, bác sĩ sẽ tiêm thuốc để giúp tử cung co bóp hoặc mát xa bụng cho sản phụ. Trong trường hợp các phương pháp này không hiệu quả, sản phụ sẽ phải dùng đến thuốc để giúp tử cung co bóp.

Nếu tử cung vẫn tiếp tục chảy máu, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật, thậm chí là phẫu thuật cắt bỏ tử cung trong một số hiếm trường hợp hoặc dùng thủ thuật để loại bỏ nhau thai sót lại qua đường âm đạo. Cụ thể:

  • Nếu mất máu là do vết rách ở tử cung hoặc âm đạo thì bác sĩ sẽ khâu lại vết mổ cũ.
  • Nếu băng huyết sau sinh là do bệnh nhiễm trùng, sản phụ sẽ phải dùng thuốc kháng sinh.
  • Nếu băng huyết nghiêm trọng, bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật kiểm tra tử cung và loại bỏ phần còn lại của nhau thai. Máu mất do băng huyết sau sinh sẽ phải được truyền máu để thay thế.

Để phòng ngừa tình trạng băng huyết sau sinh, thai phụ cần phải thực hiện khám thai định kỳ để bác sĩ kịp thời phát hiện những nguy cơ và đưa ra những lời khuyên thích hợp. Bên cạnh đó, thai phụ cần bổ sung sắt và acid folic đầy đủ trong thai kỳ để phòng ngừa thiếu máu.

Bình luận