Chờ...

5 cách hạ sốt cho trẻ nhanh và an toàn tại nhà

(VOH) – Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh lý và với những cơn sốt mức độ nhẹ mẹ có thể áp dụng các cách hạ sốt cho trẻ sau đây để giúp con yêu mau hết sốt.

1. Nguyên nhân và biểu hiện sốt ở trẻ em

Triệu chứng sốt xảy ra khi thân nhiệt của cơ thể tăng cao hơn so với mức bình thường. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốt, một số nguyên nhân phổ biến thường gặp là:

  • Nhiễm trùng: Phần lớn trẻ bị sốt là do nhiễm trùng hoặc nhiễm một căn bệnh nào đó. Sốt là phản ứng của cơ thể để chống lại nhiễm trùng bằng việc kích thích cơ chế phòng vệ tự nhiên.
  • Tiêm chủng: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thỉnh thoảng bị sốt nhẹ sau khi tiêm phòng, mẹ có thể tìm tìm cách giúp trẻ hạ sốt sau khi tiêm phòng.
  • Trẻ mọc răng: Việc mọc răng cũng có thể khiến trẻ bị tăng thân nhiệt, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Nếu thân nhiệt bé cao hơn 38 độ C thì nhiều khả năng bé sốt không phải do mọc răng.
  • Mặc quá nhiều quần áo, ủ trẻ quá kỹ: Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất dễ bị sốt nếu được ủ quá kín hoặc ở trong một môi trường nóng do các bé chưa thể tự điều tiết thân nhiệt của mình.
  • Một số bệnh lý khác: Sốt có thể là một trong những dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm như: viêm phổi, sốt xuất huyết, viêm màng não, viêm não nhiễm khuẩn huyết....

5-cach-ha-sot-cho-tre-nhanh-va-an-toan-tai-nha-voh

Trẻ được xác định là sốt khi nhiệt độ đo ở nách từ 37.5 độ C, nhiệt độ đo ở hậu môn từ 38 độ C (nguồn: Internet)

Theo tổ chức Y tế thế giới quy ước, một trẻ được xác định có sốt khi có các biểu hiện như:

  • Nhiệt độ đo ở nách từ 37.5 độ C, nhiệt độ đo ở hậu môn từ 38 độ C.
  • Sờ thấy nóng.
  • Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, dễ nổi cáu, ngủ không sâu giấc.
  • Mặt đỏ hoặc tái, mắt không linh hoạt, tăng tiết mồ hôi.

Lưu ý: Trường hợp trẻ thường sốt cao và rất mệt mỏi kèm theo các triệu chứng khác như: rét run, xuất huyết, co giật, nôn, khó thở, tím tái, ngủ li bì, vật vã hay hôn mê... thì cha mẹ cần phải đặc biệt lưu tâm, vì những tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

2. Những cách hạ sốt cho trẻ an toàn và nhanh chóng tại nhà

Các bác sĩ cho biết, khi trẻ bị sốt nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ giảm vào buổi sáng và cao hơn vào ban đêm. Vào ban đêm, khi nhiệt độ cơ thể bắt đầu tăng lên có thể khiến trẻ bị run và ngủ không ngon giấc.

Để giúp trẻ hạ sốt, mẹ có thể áp dụng những cách hạ sốt cho trẻ tại nhà và theo dõi tình trạng sức khỏe của con, bởi một số cơn sốt có thể chữa lành nếu biết chăm sóc bé đúng cách.

2.1 Cách hạ sốt đơn giản nhất là cho trẻ uống nhiều nước

Sốt có thể dễ dàng dẫn đến tình trạng mất nước. Vì thế, nếu muốn hạ sốt cho bé hãy khuyến khích con nạp thêm nhiều chất lỏng như nước trái cây, súp, cháo, nước lọc, trà thảo dược (atiso, trà hoa cúc...), uống sữa... Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé uống các chế phẩm bù nước và điện giải bằng đường uống như oresol, hydrite. Việc làm này sẽ giúp cơ thể được bù nước, thanh lọc cơ thể giúp bé nhanh hạ sốt.

Với những em bé còn quá nhỏ và đang bú mẹ thì cách hạ sốt cho trẻ mà mẹ có thể làm là nên cho bé bú nhiều hơn và thường xuyên hơn. Với những trẻ đã bước vào giai đoạn ăn dặm thì mẹ nên chế biến những món ăn dặm ngon miệng để trẻ có thể ăn nhiều, ăn ngon miệng, hỗ trợ mau lành bệnh.

2.2 Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát

Nếu trẻ bị sốt nhưng vẫn còn chơi đùa linh hoạt, ăn uống tốt và đặc biệt là bé vẫn đi tiêu, tiểu bình thường thì mẹ không cần phải cho bé dùng thuốc.

Cách hạ sốt cho bé tại nhà trong trường hợp này là cho bé mặc quần áo rộng, thoáng để cơ thể tỏa bớt nhiệt giúp trẻ giảm sốt. Ngoài ra, nên để bé nằm ở một môi trường thoáng mát hoặc nằm trên giường mát. Trẻ nhỏ có thể không cần phải đóng bỉm.

2.3 Lau mát người bé giúp bé hạ sốt

5-cach-ha-sot-cho-tre-nhanh-va-an-toan-tai-nha-1-voh

Dùng khăn ấm lau mát hoặc đặt trên trán trẻ có thể giúp hạ sốt (Nguồn: Internet)

Dùng khăn thấm nước ấm (nhiệt độ của nước chườm tốt nhất là khoảng 30 – 33 độ C) lau người trẻ cũng là cách hạ sốt cho trẻ nhỏ đơn giản. Nước ấm sẽ giúp làm giãn mạch máu và làm mát cơ thể. Tuy nhiên cần lưu ý, không cần chườm ấm nếu nhiệt độ trung tâm cơ thể trẻ hạ dưới 38 độ C và cần thay khăn chườm thường xuyên 1 - 2 phút 1 lần.

2.4 Bổ sung vitamin C

Nước cam và các loại nước trái cây giàu vitamin C như bưởi, quýt… là những thức uống có thể giúp bé yêu tăng sức đề kháng để có thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Ngoài ra, các loại trái cây như: nho, dưa hấu, thanh long…cũng giúp cung cấp nước để làm mát cơ thể.

2.5 Dùng thuốc hạ sốt

Nếu trẻ sốt cao trên 39 độ C thì cha mẹ có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt. Paracetamol đơn chất dạng gói hay siro là thuốc hạ sốt dễ sử dụng, hiệu quả hạ sốt nhanh, thường có tác dụng hạ sốt sau 30 phút sử dụng và kéo dài từ 4- 6 giờ.

Tuy nhiên, nếu áp dụng cách hạ sốt cho trẻ bằng thuốc hạ sốt mẹ cần cho trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10 - 15mg/kg thể trọng, lặp lại sau 4 giờ nếu vẫn còn sốt.

Ngoài ra, một số trường hợp cần dùng thuốc hạ sốt sớm hơn khi nhiệt độ chưa đến 39 độ C đó là:

  • Trẻ mắc bệnh tim mạch và hô hấp để làm giảm nguy cơ suy tim cho trẻ.
  • Trẻ có tiền sử sốt cao co giật để đề phòng co giật.

2.6 Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ nên đưa con đến bệnh viện khi:

  • Trẻ sơ sinh từ 0 – 3 tháng tuổi, sốt cao trên 38 độ C.
  • Trẻ từ 3 – 5 tháng tuổi, sốt cao trên 38 độ C.
  • Trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi, sốt cao khoảng 39 độ C hoặc cao hơn.

Ngoài ra, không cần biết trẻ ở độ tuổi nào, nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường hay triệu chứng nhiễm trùng nghiêm trọng như: khó thở, xuất hiện vết tím trên da thì hãy đưa con đến bệnh viện ngay lập tức.