Độ tuổi sinh sản tốt nhất là bao nhiêu để con sinh ra khỏe mạnh?

(VOH) – Nếu như khả năng sinh sản của người phụ nữ bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, vậy độ tuổi sinh sản của nữ giới bao nhiêu để sinh con con ra được thông minh, khỏe mạnh?

Mang thai và sinh con là thiên chức của người phụ nữ. Đây cũng là một giai đoạn đáng quý của cuộc đời, bởi nó không chỉ đem lại niềm vui mà còn mang đến cho người phụ nữ ý thức trách nhiệm đối với sinh linh bé bỏng đang dần hình thành trong bụng. 

Thế nhưng, ngày nay phụ nữ có quá nhiều sự ưu tiên. Trước khi làm mẹ, nhiều người muốn có một sự nghiệp ổn định để có thể chăm lo cho bé được tốt nhất. Nhưng cũng chính vì quá chú tâm vào sự nghiệp nên chiều chị em đã bỏ qua thời điểm mang thai lý tưởng nhất của người phụ nữ.

1. Độ tuổi sinh sản tốt nhất của người phụ nữ là bao nhiêu?

Khả năng sinh sản của nữ giới bị ảnh hưởng nhiều bởi tuổi tác, do đó tuổi tác chính là một yếu tố sinh sản chính của người phụ nữ. Bắt đầu có kinh nguyệt hay lần hành kinh đầu tiên thường xảy ra vào khoảng 12 – 13 tuổi và nó có thể sớm hơn hoặc muộn hơn (tùy thuộc vào mỗi cô gái). Sau tuổi dậy thì, khả năng sinh sản của nữ giới có chiều hướng tăng lên và sau đó giảm dần.

Theo nhiều tài liệu ghi nhận, độ tuổi sinh sản tốt nhất của một người phụ nữ sẽ nằm trong khoảng từ 22 – 33 tuổi. Vì lúc này, cơ thể đã được phát triển toàn diện nhất để đảm nhiệm khả năng sinh sản tốt. Ngoài ra, ở độ tuổi này, chị em cũng đã có kiến thức, định hình tính cách, ổn định tâm lý, tự tin vào bản thân và độc lập về tài chính.

Độ tuổi sinh sản tốt nhất là bao nhiêu để con sinh ra khỏe mạnh? 1

Độ tuổi sinh sản tốt nhất của một người phụ nữ sẽ nằm trong khoảng từ 22 – 33 tuổi (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà – Trưởng khoa Hậu sản N, BV Từ Dũ TPHCM, phụ nữ trên 35 tuổi có khả năng mang thai giảm hơn so với độ tuổi dưới 30. Nếu ở độ tuổi 25, nguy cơ sinh con bị bệnh down và các hiện tượng đột biến gen chỉ nằm trong khoảng 1/1.250, thì ở độ tuổi 35 tỷ lệ này là 1/400 và nếu sinh con ở độ tuổi 40 thì tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 1/109. 

Đặc biệt, nếu mang thai và sinh con khi ở tuổi 45 thì tỷ lệ mắc phải các dị tật bẩm sinh như bệnh down, hội chứng patau,... hay các dạng đột biến gen khác sẽ là 1/32, một con số rất đáng lo ngại.

Ngoài ra cần lưu ý, khả năng sản xuất trứng sẽ bắt đầu giảm từ tuổi 30, do đó việc thụ thai từ độ tuổi này trở về sau sẽ khó khăn hơn. Mang thai sau 35 tuổi, chị em cũng có thể gặp phải nhiều biến chứng như tiền sản giật, sẩy thai, sinh non, thai ngoài tử cung,... 

Bên cạnh đó, những phụ nữ dưới 20 tuổi cũng không được khuyến khích sinh con, nguyên nhân là do khung xương chậu lúc này còn khá hẹp, cùng với đó là yếu tố tâm lý, tài chính chưa sẵn sàng... khiến cho quá trình mang thai và sinh nở gặp khó khăn.

Do đó, nếu muốn có con, tốt nhất là nên có con đầu lòng ở tuổi 24 – 25 và đứa con tiếp theo ở độ tuổi 30 là thích hợp.

2. Ưu và khuyết điểm khi mang thai ở các độ tuổi khác nhau

do-tuoi-sinh-san-tot-nhat-la-bao-nhieu-de-con-sinh-ra-khoe-manh-1-voh

Khám tiền sinh sản để nhận được lời khuyên hữu ích từ bác sĩ (Nguồn: Internet)

Tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ, điều này có nghĩa là phụ nữ có những độ tuổi sinh sản thuận lợi và ít thuận lợi hơn. Một số ưu khuyết điểm ở độ tuổi mang thai mà bạn nên biết là:

  • Độ tuổi 20 – 24 tuổi là khoảng thời gian tốt cho việc mang thai. Tuy nhiên, lúc này bạn vẫn chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để gánh vác trọng trách làm mẹ.
  • Từ 25 – 29 là độ tuổi lý tưởng nhất để mang thai, vì lúc này cơ thể đã có đủ sức khỏe để thai nghén và bạn cũng đã đủ trưởng thành để ý thức được trách nhiệm của người mẹ. Tuy nhiên, phần lớn phụ nữ hiện đại đều dùng thời gian này để tập trung cho sự nghiệp.
  • Từ 30 – 35 tuổi là thời gian được nhiều chị em phụ nữ chọn để sinh con và theo nhiều nghiên cứu thì đây cũng là thời điểm rất thích hợp để mang thai. Tuy nhiên cần nhớ rằng, khả năng thụ thai ở tuổi từ 30 sẽ thấp hơn so với lúc bạn còn ở tuổi hai mươi, nhưng đổi lại bạn sẽ có sự ổn định về tài chính tốt hơn so với trước đây.
  • Mang thai sau 35 tuổi, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng thai kỳ như cao huyết áp, tiểu đường... Tiểu đường là một bệnh lý phổ biến khi mang thai sau 35 tuổi, vì lúc này trọng lượng cơ thể đã tăng lên nhiều so với khi bạn còn trẻ.
  • Khả năng thụ thai thấp nhất là khi bạn 40 tuổi. Bên cạnh đó, việc cân bằng giữa công việc và việc mang thai cũng sẽ không dễ dàng, bởi với một số phụ nữ thì đây là thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp. Nếu có kế hoạch sinh con ở độ tuổi này bạn cần thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe và tránh mệt mỏi.

Tóm lại, độ tuổi sinh đẻ của phụ nữ khá quan trọng, tuy nhiên việc có được một đứa con khỏe mạnh còn phụ thuộc vào yếu tố di truyền, môi trường, lối sống... của mẹ. Vì vậy, phụ nữ ở độ tuổi nào cũng nên chăm sóc sức khỏe bản thân, hình thành thói quen sống khoa học. Khi có ý định mang thai nên bổ sung axit folic và hãy kiểm tra sức khỏe tổng quát để có được những lời khuyên hữu ích từ bác sĩ.

Bình luận