Học cách cho bé bú khi bé bị viêm tiểu phế quản

(VOH) – Bệnh viêm tiểu phế quản thường khiến bé không thể bú nhiều, điều này khiến bé dễ bị sụt cân, thậm chí là suy dinh dưỡng. Vậy khi trẻ bị viêm tiểu phế quản thì mẹ nên cho bé bú bằng cách nào?

Câu hỏi thính giả

Chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi là con em được 3 tháng 20 ngày, nặng 5.3kg, chiều dài được 58cm như vậy bé có thiếu cân không vậy Bác? Em sinh sớm hơn 2 tuần, lúc sinh bé được 2.7kg và em cũng chỉ cho bé uống sữa mẹ hoàn toàn, tuy nhiên tháng vừa rồi thì bé có bị bệnh viêm tiểu phế quản ạ.

Ngoài ra, bác sĩ cho em hỏi thêm, bé thường thường xuyên bị chảy nước miếng thì có sao không Bác?

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi (Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Trường Đại học Phạm Ngọc Thạch) tư vấn:

hoc-cach-cho-be-bu-khi-be-bi-viem-tieu-phe-quan-voh

Cách cho bé bú đúng khi trẻ bị viêm tiểu phế quản (Nguồn: Internet)

Chào mẹ, bé nhà mẹ sinh sớm 2 tuần mà được 2.7kg là con cũng thuộc dạng cân đối. Nếu bé sinh đúng ngày, tức là thêm 2 tuần nữa thì con sẽ trên 3kg và như vậy thì bé này thuộc trên mức sinh non mẹ nha.

Tuy nhiên, nếu khi sinh bé được 2.7kg mà bây giờ chỉ được 5.2kg, nghĩa là con tăng cân được khoảng 1.4kg - 1.5kg trong vòng 3 tháng và như vậy là cân nặng của bé đang bị thiếu.

Mẹ có nói là bé bị viêm tiểu phế quản thì bác Phi nghĩ rằng, đó có thể là lý do khiến bé bú ít đi và hậu quả là khiến cho cân nặng của bé không lên đều. Thông thường, những lúc trẻ bị bệnh, nhất là khi trẻ bị viêm phổi, viêm phế quản thì trẻ sẽ bú khó hơn, bởi vì những lúc đó trẻ thường bị khó thở nên khi ngậm bú mẹ, bé không có sức để bú một hơi dài. 

Vì thế, trong trường hợp này mẹ cần phải hỗ trợ bé bằng cách là mẹ vắt sữa mẹ ra và đút cho bé bằng muỗng. Nên nhớ không phải là cho sữa vô bình để bé bú mà là phải đút bằng muỗng cho con nuốt, bởi vì con không bú được.

Ngoài ra, khi con bệnh thì con sẽ lười bú hơn, nếu lúc này mẹ cho bé bú loại sữa nhiều nước ít dinh dưỡng thì con sẽ chậm lên kg. Cho nên mẹ chịu khó vắt bỏ sữa đầu dòng đi, đừng cho con bú phần sữa trong ở đầu dòng, mẹ vắt đến khi nào thấy phần sữa đục và đặc ở cuối dòng thì mẹ mới dùng sữa đó cho con bú. 

Khi cho con bú mẹ quan sát, nếu thấy bé bú sữa đó xuống dễ dàng thì cho con bú trực tiếp trên vú mẹ, còn nếu bé không bú được thì mẹ vắt phần sữa đục cuối dòng ra ly, và dùng cái muỗng lớn (loại muỗng dùng để ăn canh/ăn súp) để đút sữa cho con. 

Khi đút sữa, mẹ cho con ngồi ở tư thế đầu cao giống như mình đang cho con bú, sau đó dùng muỗng múc sữa để lên phía trên lưỡi của con và đổ nhẹ vào trong góc hàm của bé để bé nuốt. Và mẹ phải thực hiện việc này cho đến khi con điều trị xong bệnh, sau đó mới có thể bắt đầu việc phục hồi dinh dưỡng hoàn toàn lại cho bé.

Riêng với câu hỏi thứ 2 của mẹ về việc bé thường xuyên chảy nước miếng. Thì đây thực chất là một hiện tượng rất bình thường, trẻ nhỏ thường hay tiết nước miếng có khi cả ngày có đến cả lít nước miếng được tiết ra. Trường hợp của bé, có thể là do bé đang bệnh viêm họng, viêm cổ nên bé không nuốt nước miếng nên khiến cho nước miếng bị chảy ra ngoài và việc này không có gì bất thường mẹ nha!

Bình luận