Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Cảnh giác kiểu ngồi chữ W gây nhiều tác hại cho trẻ

(VOH) - Không nhiều người trong số chúng ta nghe nói về kiểu ngồi này. Thực ra nó lại khá dễ gặp ở trẻ 3-6 tuổi thậm chí lớn hơn. Nếu dành thời gian quan sát trẻ bạn cũng có thể gặp kiểu ngồi chữ W.

Những tác hại của kiểu ngồi này cho trẻ là vô cùng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu xem kiểu ngồi chữ W và khi nào thì bạn nên lo ngại về dáng ngồi này.

1. Ngồi chữ W là gì?

Đó là tư thế ngồi trong đó, bé ngồi gập hai đầu gối, hai bàn chân hướng sang hai bên. Hai đầu gối có thể gần chạm hoặc có thể tách ra.

voh.com.vn-canh-giac-kieu-ngoi-chu-w-nguy-hiem-o-tre-0

Khi ngồi 2 chân của trẻ tạo thành chữ W. (Ảnh: Internet)

2. Những ảnh hưởng của kiểu ngồi chữ W:

Mặc dù tư thế ngồi này khiến trẻ thoải mái và trông có vẻ vững chắc nhưng nó lại được các nhà trị liệu nhi khoa cảnh báo về ảnh hưởng xấu đến vận động của trẻ.

  • Để tập trung giữ cho trọng tâm của cơ thể vững vàng khi ngồi trên sàn thì xương khớp không phát triển bởi sự kéo căng ở hông và chân. Ở vị trí này, các cơ không ổn định được khớp hông. Điều này gây ra sự gia tăng độ nghiêng của xương chậu (mặt trước xương chậu tăng lên và mặt sau của xương chậu giảm), có thể dẫn đến xoay thân kém, giảm độ linh hoạt của trục cơ thể và chậm phát triển vận động tinh.

  • Không chỉ tác động lên khớp hông mà xương chày, xương đùi, của trẻ cũng bị vặn vào trong, góp phần vào việc tạo “dáng đi chim bồ câu” (pigeon-toed gait) ở trẻ: gót chân hướng ra ngoài và đầu gối quay vào trong. Với kiểu đi này, điểm tiếp xúc cuối cùng khi đi bộ sẽ là sườn ngoài của bàn chân, dẫn đến dáng đi bất thường.  Đi bộ dễ trở nên mệt mỏi, chậm hơn. Trẻ dễ vấp ngã khi chạy, giảm nhận thức về sự thăng bằng của cơ thể . Ở người trưởng thành có thể gặp phải  các vấn đề viêm khớp gối.

voh.com.vn-canh-giac-kieu-ngoi-chu-w-nguy-hiem-o-tre-1

So sánh dáng người bình thường và người dáng chim bồ câu. (Ảnh: Internet)

  • Vị trí ngồi kiểu chữ W này tạo ra một “cái đế” rộng và rất chắc chắn khiến trẻ không có cơ hội sử dụng đến cơ bắp do đó chúng không được kích hoạt và rèn luyện (yếu cơ). Trẻ sẽ gặp khó khăn nếu muốn di chuyển trọng tâm sang trái/ phải/ trước/ sau… trong khi chơi hơn các tư thế ngồi khác. Điều này dẫn đến việc giảm sử dụng phản ứng cân bằng của cơ thể. Lâu dần, trẻ sẽ khó tích hợp hai bên trái và phải của cơ thể (khả năng phối hợp) khi thực hiện cả nhiệm vụ vận động tinh lẫn vận động thô.

3. Khi nào bố mẹ nên lo lắng về dáng ngồi chữ W?

Dáng ngồi chữ W không phải lúc nào cũng là vấn đề. Sự thật thì giai đoạn trẻ nhỏ dưới 2 tuổi rưỡi xương khớp còn rất linh hoạt và dễ uốn. Và hiện tượng xương đùi xoay vào trong là khá điển hình ở trẻ. Tuy nhiên nó có xu hướng giảm dần ở giai đoạn sau, khi mà sự định hình của xương khớp sẽ theo trẻ đến tuổi trưởng thành. Nếu bố mẹ thấy trẻ có các dấu hiệu sau đây, có thể cân nhắc để được tư vấn từ chuyên gia trị liệu nhi khoa:

  • Trẻ chỉ ngồi một tư thế duy nhất kiểu chữ W.

  • Trẻ đi khập khiễng tăng dần.

  • Phát hiện điểm yếu ở cơ chi dưới.

  • Có “dáng đi chim bồ câu”.

  • Có vẻ vụng về với các nhiệm vụ đòi hỏi sự khéo léo hoặc phối hợp hai bên cơ thể kém (kéo khóa áo, mở nắp hộp, duy trì giữ đồ vật, buộc dây giày…).

Nếu thấy bé ngồi dáng chữ W, bạn có thể ra tín hiệu bằng cách gõ nhẹ vào chân bé hoặc dùng lời nhắc nhở “hãy ngồi lại đi con”, “hãy ngồi kiểu khác”…Và bạn hãy dạy bé các tư thế ngồi thay thế như ngồi khoanh chân, ngồi duỗi chân, ngồi bên (xếp hai chân sang cùng một bên và gập gối lại), ngồi xổm, ngồi ghế, quỳ ngắn (mông đặt lên hai gót chân)…

Dù là ngồi kiểu gì thì điều quan trọng nhất là bố mẹ cần điều chỉnh cho bé để  ngăn chặn tư thế ngồi chữ W không trở thành vấn đề lớn trong tương lai.

Bình luận