Cách nhận biết các giai đoạn phát triển của trẻ trong năm đầu đời

(VOH) - Trong năm đầu đời, việc nhận biết các giai đoạn phát triển của trẻ là vô cùng quan trọng, bởi nó có thể giúp cha mẹ đánh giá, ghi nhận và theo dõi sự phát trẻ của con qua từng giai đoạn.

Bất cứ cha mẹ nào cũng đều sẽ có sự quan tâm đặc biệt đến từng từng giai đoạn phát triển của trẻ. Những cột mốc phát triển được đưa ra như một giá trị tham khảo để cha mẹ có có thể đánh giá chính xác về sự phát triển của con, đặc biệt là trong năm đầu đời.

Theo chia sẻ từ bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, cha mẹ có thể nhận biết được trẻ có đang phát triển bình thường hay không, thông qua dấu hiệu về sức khỏe và theo dõi các mốc phát triển của trẻ theo thời gian.

1. Một số dấu hiệu nhận biết về sức khỏe của bé

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trong năm đầu đời sẽ có những dấu hiệu để nhận biết sức khỏe của trẻ đang bình thường như:

  • Trẻ sơ sinh đi tiểu 1 ngày phải từ 6 lần trở lên, việc này cũng cho thấy bé đã bú đủ. Do đó nếu thấy trẻ tiểu ít hơn 6 lần/ngày thì cha mẹ cần theo dõi vì có thể sức khỏe bé đang có vấn đề.
  • Phần lớn trẻ sơ sinh sẽ ngủ từ 16 – 20 tiếng mỗi ngày, khi trẻ lớn hơn giấc ngủ đêm sẽ dài và sâu. Chính vì thế, nếu giấc ngủ trẻ chập trờn hay trẻ ngủ quá ít thì cha mẹ cũng cần phải lưu tâm.

2. Dấu hiệu trẻ phát triển bình thường qua mốc thời gian

Trong 1 năm đầu đời sau sinh, trẻ sơ sinh phát triển rất nhanh và mẹ có thể thấy từng sự thay đổi đó. Bởi trong từng giai đoạn phát triển bé sẽ có được một số kỹ năng về vận động, ngôn ngữ và nhận thức.

2.1 Các kỹ năng vận động của trẻ từ 0 – 1 tuổi

  • Trẻ 1 tháng tuổi: Trẻ sơ sinh ở tháng thứ nhất thường chỉ có các phản xạ bẩm sinh. Vận động của bé cũng mang tính bộc phát, chưa tự chủ. Trẻ thường ở trạng thái căng cơ chân, tay và căng cơ đầu – cổ.
  • Trẻ 3 tháng tuổi: Bé có thể bắt đầu lật được 1 phần, bé giữ được đầu thẳng ở tư tế bế ngồi. Trẻ có thể nhìn theo đồ vật ở mức độ gần.
  • Trẻ 6 tháng tuổi: Bé đã có thể ngồi vững, một số bé có thể bò. Bé cũng có thể dùng tay để cầm đồ chơi.
  • Trẻ 9 tháng tuổi: Trẻ có thể dịch chuyển cơ thể bằng cách dịch chuyển mông, trẻ bò nhanh hơn. Ở giai đoạn này trẻ đã có thể đứng vịn, khi đứng vịn bé thường thích bỏ tay ra. Trẻ cũng có thể cầm những vật nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ.
  • Trẻ 12 tháng tuổi: Bé bò nhanh, thích được người lớn dẫn đi, một số bé đã bắt đầu biết đi chập chững. Ở tư thế đứng bé có thể cúi xuống nhặt đồ chơi hoặc có thể dùng tay chỉ vào đồ vật mà bé thích.

2.2 Các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ từ 0 – 1 tuổi

  • Trẻ 1 tháng tuổi: Ngôn ngữ của bé lúc này chỉ được thể hiện bằng tiếng khóc. Trẻ có rất nhiều kiểu khóc khác nhau, trẻ có thể khóc vì đói, vì khát, vì muốn ẵm bồng…
  • Trẻ 3 tháng tuổi: Trẻ 3 tháng tuổi thường đã phát ra được những tiếng ô, a…Bé cũng thích nói chuyện và cũng thích nghe người khác nói chuyện.
  • Trẻ 6 tháng tuổi: Giai đoạn phát triển của trẻ ở giai đoạn 6 tháng tuổi, bé có thể phát ra hàng loạt âm liên tiếp với giọng cao thấp và tốc độ nhanh, chậm khác nhau.
  • Trẻ 9 tháng tuổi: Bé đã có thể nói được những âm đơn như: ba, ma…
  • Trẻ 12 tháng tuổi: Bé đã có thể ghép được những âm đơn giản như ma ma, ba ba…

cach-nhan-biet-cac-giai-doan-phat-trien-cua-tre-trong-nam-dau-doi-VOH

Trẻ 3 tháng tuổi đã có thể phát ra được những tiếng ô, a... (Nguồn: Internet)

2.3 Các kỹ năng nhận thức của trẻ từ 0 – 1 tuổi

  • Trẻ 1 tháng tuổi: Khi người lớn nhìn bé, bé cũng có thể nhìn lại một cách chăm chú. Trẻ có thể quan sát được các vật ở khoảng cách gần.
  • Trẻ 3 tháng tuổi: Bé có thể giao tiếp với người xung quanh bằng cách quan sát và cười với mọi người.
  • Trẻ 6 tháng tuổi: Trẻ đã phân biệt được người lạ và người quen. Bé biết giơ tay khi muốn được bế.
  • Trẻ 9 tháng tuổi:  Bé đã biết đưa đồ vật cho người khác, có thể chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia.
  • Trẻ 12 tháng tuổi: Bé có thể hiểu được những câu hỏi đơn giản hoặc biết đi tìm đồ chơi mà bị người khác giấu đi.

3. Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bé đang gặp phải vấn đề phát triển không bình thường

Theo bác sĩ Cam Ngọc Phượng, ngoài việc quan sát các giai đoạn phát triển của con ở từng mốc thời gian, thì nếu thấy trẻ có những dấu hiệu sau đây cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám.

  • Trẻ đột ngột ngừng các thói quen vẫn thực hiện hàng ngày.
  • Trẻ thường gồng cứng người lên khi được ẵm bồng hoặc ngược lại, tay chân trẻ mềm nhũn khi người lớn bồng bế.
  • Trẻ không có dấu hiệu bị giật mình với những tiếng động lớn xung quanh.
  • Trẻ không chú ý nhìn với các vật thể di chuyển xung quanh (đối với trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên).
  • Trẻ 3 tháng không thể ngẩng đầu khi nằm sấp, 6 tháng không phát ra được âm thanh nào ngoài tiếng khóc, không biết với lấy đồ chơi, 9 tháng chưa biết bò, 1 tuổi chưa thể đứng vịn được…

cach-nhan-biet-cac-giai-doan-phat-trien-cua-tre-trong-nam-dau-doi-1-VOH

Trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên sẽ có những chú ý đến các vật thể di chuyển xung quanh (Nguồn: Internet)

Đây là những dấu hiệu cho thấy các giai đoạn phát triển của trẻ không được bình thường, cha mẹ cần quan tâm và nên đưa trẻ đi thăm khám sớm để có thể phát hiện và xử lý kịp thời.

4. Những lưu ý dành cho cha mẹ

Mỗi trẻ nhỏ là một cá thể riêng biệt, do đó sự phát triển của mỗi bé cũng sẽ rất khác nhau. Cha mẹ cần đánh giá trẻ một cách toàn diện, không nên chỉ dựa vào 1, 2 dấu hiệu để nhận định trẻ phát triển không bình thường.

Cha mẹ cũng cần lưu ý: sẽ có một trường hợp trẻ có sự phát triển chậm hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng đều đó không nghĩa trẻ sẽ không phát triển.

Với những trẻ sinh non thiếu tháng thì sự phát triển của trẻ sẽ khác so với sự phát triển của em bé sinh bình thường. Tuy nhiên, bé sẽ vẫn có thể bắt kịp nếu như cha mẹ chăm sóc đúng cách, khoa học.

Nên cho trẻ đi khám định kỳ kết hợp đi tiêm ngừa vắc-xin để đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ và bé cũng được bác sĩ đánh giá sức khỏe một cách toàn diện và chính xác nhất.

Bạn có thể nghe lại những trao đổi của bác sĩ Cam Ngọc Phượng tại audio bên dưới: