Nguồn năng lượng “bất tận” từ các cô bé cậu bé 21 tháng tuổi sẽ khiến căn nhà trở nên náo loạn bất cứ lúc nào trong ngày. Tuy nhiên, cha mẹ đừng quá lo lắng, đó là tín hiệu phát triển bình thường của các con bởi đây là thời kì bé tò mò và muốn thử mọi điều ở thế giới xung quanh.
1. Trẻ 21 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?
Ở tháng thứ 21, bé gái thường có chỉ số tăng trưởng “nhỉnh” hơn bé trai, dựa theo bảng cân nặng của trẻ từ Viện dinh dưỡng Quốc gia công bố, chỉ số cân nặng và chiều cao của các bé như sau:
Chỉ số của bé trai
- Cân nặng: từ 10.3 - 13kg, trung bình 11.5kg
- Chiều cao: từ 79.7 - 85.1cm, trung bình 82.2 cm
Chỉ số của bé gái
- Cân nặng: từ 9.6 - 12.4kg, trung bình 10.9kg
- Chiều cao: từ 77.5 - 89.8cm, trung bình 83.7cm
2. Sự phát triển của trẻ 21 tháng tuổi
Sự phát triển của trẻ luôn khiến cha mẹ mong ngóng và hồi hộp qua từng ngày. Dưới đây là một số thay đổi nổi bật ở bạn nhỏ 21 tháng tuổi, cùng xem em bé nhà mình có vậy không nào!
2.1 Biết hát múa
Bé yêu trong thời kì này rất yêu thích những giai điệu âm nhạc, con không chỉ nói lưu loát được một câu dài mà còn ngân nga hát được nhiều bài hát. Cả nhà sẽ bật cười vì bé còn “ngọng líu ngọng lô” nhưng hãy tiếp tục giúp con tập nói nhiều hơn và mở rộng vốn từ nhé.
2.2 Lên xuống cầu thang
Cha mẹ sẽ thấy khả năng leo trèo cầu thang của trẻ 21 tháng tuổi khá thành thục, nếu như những tháng trước con cần cha mẹ theo cùng thì vào tháng này, con tự lên xuống mà không cần người dắt tay. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bé, hãy rào chắn lan can cầu thang để tránh trường hợp té ngã nếu con vội vàng.
2.3 Giận dữ bất thường
Có đôi lúc cha mẹ sẽ cảm thấy khó hiểu vì sao bé khóc hờn và giận dữ, thực tế là bởi con chưa thể bày tỏ rõ ràng, nói cho cha mẹ hiểu hoàn toàn ý muốn của mình được. Phản ứng này giống như dấu hiệu để bạn ngồi xuống hỏi thăm bé và hiểu con đang cảm thấy thế nào đấy.
2.4 Tập tự đi vệ sinh
Trẻ 21 tháng tuổi sẽ nhận thức được khi nào con cần đi vệ sinh, lúc đó mẹ sẽ thấy bé cúi xuống hoặc mặt hơi đỏ. Bên cạnh đó, hãy bắt đầu tập dần cho bé tự đi vệ sinh bằng cách ngồi bô, giai đoạn đầu có phần khó khăn, đừng cố ép bé làm theo mà khuyến khích con thực hiện từ từ nhé.
Xem thêm: Cách dạy cho trẻ thói quen đi vệ sinh một cách tự lập
2.5 Thích chơi với anh chị lớn
Nếu nhà có đông trẻ con, bạn sẽ thấy bé nhỏ rất quấn quít các anh chị lớn. Trẻ 21 tháng tuổi thường thích chơi chung với các trẻ lớn, dù đôi lúc có tranh giành và cãi vã nhưng chúng sẽ biết cách dàn xếp rồi sớm vui vẻ trở lại.
3. Trẻ 21 tháng tuổi uống bao nhiêu sữa?
Trong tháng thứ 21, lượng sữa mẹ bé bú đang giảm dần, mẹ bắt đầu tiến hành chậm rãi việc cai sữa cho con. Mỗi ngày trung bình bé sẽ cần bổ sung khoảng 500ml sữa bao gồm sữa mẹ và sữa công thức. Giai đoạn này mẹ nên cho bé dùng sữa nguyên kem thay vì sữa tách béo để hỗ trợ sự phát triển của con.
Số bữa ăn dặm chính trong ngày của bé 21 tháng tuổi là 3 bữa, ngoài ra có thể ăn thêm 2 bữa phụ vào lúc xế chiều và trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng. Bé có thể góp mặt trong bữa cơm cùng các thành viên gia đình, cần đảm bảo khẩu ăn mỗi ngày của con đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết. Khuyến khích con ăn thêm rau xanh, trái cây, uống đủ nước để không mắc táo bón.
Xem thêm: 13 sai lầm ‘to đùng’ nhiều mẹ thường gặp khi tập cho trẻ ăn dặm
4. Bí quyết chăm sóc trẻ 21 tháng tuổi
Các bé vẫn trong giai đoạn làm mọi việc “tùy hứng”, con say mê nô đùa và nghịch ngợm hơn là phải tuân thủ bất cứ quy tắc nào. Và đó chính là lý do con cần có sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ.
4.1 Chăm sóc giấc ngủ
Giấc ngủ của bé lúc này khá thất thường và ngủ không sâu giấc, trung bình ban đêm các bé sẽ ngủ từ 11-12 tiếng, một giấc trưa từ 1-2 tiếng.
Để hạn chế tình trạng bé khó ngủ và quấy khóc đêm, buổi chiều cần nhắc bé không chạy nhảy đùa giỡn quá nhiều, cố gắng bố trí phòng ngủ cần yên tĩnh, giảm ánh sáng và nhiệt độ phòng duy trì từ 26-28 độ C.
4.2 Dạy trẻ tự vệ sinh răng miệng
Mỗi ngày nên vệ sinh răng miệng cho con 2 lần, vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ, ngoài ra, sau mỗi bữa ăn, nên cho bé tráng miệng bằng nước lọc.
Đây cũng là thời điểm mẹ có thể hướng dẫn bé làm quen với bàn chải để bé dần tự vệ sinh răng miệng, hãy cầm tay bé và thực hiện các động tác chải răng mẫu để bé học theo.
Xem thêm: Dạy trẻ đánh răng đúng cách qua 7 bước đơn giản, giúp bé giữ gìn vệ sinh răng miệng
4.3 Quan tâm cảm xúc
Khi con cáu gắt hay khóc thét, đừng vội quát mắng bé bởi tất cả những cảm xúc hồn nhiên ấy đứa trẻ nào cũng phải trải qua. Điều quan trọng là sau mỗi phản ứng ấy, cha mẹ cần dành thời gian “thủ thỉ”, giải thích cho bé hiểu lần tới bé không nên làm như vậy và ôm bạn nhỏ của mình vào lòng.
4.4 Thực hiện trò chơi tương tác
Các trò chơi tương tác sẽ kích thích sự phát triển trí não và sức sáng tạo của bé hơn các thiết bị điện tử. Cha mẹ có thể tận dụng những phế phẩm như thùng xốp, bìa giấy để thiết kế những món đồ chơi cho bé.
Bên cạnh đó, tăng cường cho bé tham gia các hoạt động ngoài trời như đi xe đạp, kéo co hay đá bóng, hỗ trợ phát triển hệ vận động của bé.
4.5 Thăm khám định kì
Nếu quan sát thấy con có những biểu hiện sức khỏe bất thường, không nên tự ý mua thuốc cho bé uống, cần tới thăm khám tại cơ sở y tế và làm theo chỉ định của bác sĩ. Thực hiện đầy đủ lịch tiêm chủng vacxin để phòng ngừa những bệnh lý nguy hiểm.
Hy vọng rằng những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp các ông bố bà mẹ bỉm sữa chăm sóc “cục cưng” của mình thật tốt và mỗi ngày có thêm nhiều khoảnh khắc đáng yêu bên con.
🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.
Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html
Youtube: youtube.com/c/NhipSongKhoeVOH
Fanpage Facebook: fb.com/MeVaBeVOH/
Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh
Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/mevabevoh