Trẻ ăn dặm bị táo bón, nguyên nhân và cách khắc phục

VOH - Bắt đầu từ tháng thứ 6, trẻ sẽ được mẹ tập cho ăn dặm. Tuy nhiên, trong giai đoạn này hệ tiêu hóa của trẻ còn khá non nớt nên khi trẻ ăn dặm bị táo bón sẽ diễn ra rất thường xuyên.

Khi bé bước sang tháng thứ 6, bé sẽ được bắt đầu làm quen với rất nhiều loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ... Thế nhưng, hệ tiêu hóa của trẻ trong giai đoạn này còn rất non nớt nên nguy cơ trẻ bị táo bón là rất cao.

1. Táo bón là gì?

Bình thường, thức ăn sau khi được tiêu hóa sẽ đi dọc theo ruột, lúc này nước và các chất dinh dưỡng sẽ được cơ thể hấp thụ, những chất thải sẽ trở thành phân và được đào thải ra ngoài.

Để phân mềm cần hội tụ đủ 2 điều kiện, đó là: lượng nước được giữ lại trong phân phải ở mức độ vừa đủ và các cơ quan của ruột già và trực tràng phải co giãn tốt để đẩy phân đi dọc theo ruột ra bên ngoài.

tre-an-dam-bi-tao-bon-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-voh
Trẻ trong giai đoạn ăn dặm rất dễ bị táo bón (Nguồn: Internet)

Khi một trong hai cơ chế này bị rối loạn, chẳng hạn như nước giữ lại trong phân quá ít hoặc nhu động ruột kém hiệu quả đều có thể dẫn đến tình trạng táo bón. Táo bón là hiện tượng, đi ngoài phân cứng và tần suất đi đại tiện ít hơn bình thường.

Với những trẻ trong giai đoạn ăn dặm nếu đi đại tiện dưới 3 lần/ tuần, trẻ thường nhăn nhó mỗi khi đi đại tiện, phân rắn, vón cục thì mẹ cần lưu tâm vì rất có thể bé đã bị táo bón.

Táo bón ở trẻ em thường được chia thành 2 loại: Trẻ bị táo bón lâu ngày, kéo dài trên 2 tuần được gọi là táo bón mạn tính. Trẻ bị táo bón dưới 2 tuần được gọi là táo bón cấp tính.

2. Vì sao trẻ ăn dặm bị táo bón?

Trẻ bị táo bón khi ăn dặm là vấn đề rất thường gặp ở các bé ăn theo phương pháp kiểu Nhật, ăn dặm bé tự chỉ huy và cả ăn dặm theo phương pháp truyền thống. Các nguyên nhân khiến bé ăn dặm bị táo bón là:

2.1. Bé ăn dặm quá sớm

Trẻ 3, 4, 5 tháng tuổi tập ăn dặm đều có thể phải đối mặt với tình trạng táo bón. Có thể, một số bé sẽ rất hứng thú với các món ăn dặm ngoài sữa mẹ ở thời điểm trước 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của bé lại còn rất non nớt không thế tiêu hóa được thức ăn. Thức ăn không được tiêu hóa sẽ tích tụ lại và gây ra táo bón.

2.2. Bé ăn dặm thiếu chất xơ

Trường hợp này thường gặp ở những bé 6, 7, 8 tháng tuổi. Nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ ăn dặm bị táo bón là do trong chế độ ăn dặm của bé còn thiếu quá nhiều chất xơ. Các bé trong lúc tập ăn dặm thường ăn ít rau và trái cây nên phân sẽ bị khô, gây khó khăn cho việc đi đại tiện.

Cho con ăn rau không đúng cách cũng là một nguyên nhân khiến bé bị táo bón khi ăn dặm. Do đó, khi tập trẻ ăn dặm mẹ nên cân bằng giữa các loại củ như bí đỏ, su hào,... và các loại rau lá xanh như rau ngót, mồng tơi, rau cải...

tre-an-dam-bi-tao-bon-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-1-voh
Món ăn dặm của bé cần phải đầy đủ chất xơ (Nguồn: Internet)

2.3. Pha sữa công thức sai tỷ lệ

Trẻ tập ăn dặm bị táo bón còn có thể là do việc kết hợp cho trẻ uống sữa công thức không đúng cách. Nếu pha sữa quá nhiều nước bé sẽ không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, nếu pha ít nước bé dễ bị nóng trong người gây táo bón. Ngoài ra, việc mẹ cho thêm đường, nước hoa quả hay ngũ cốc vào sữa cũng có thể khiến bé bị rối loạn tiêu hóa.

Cần lưu ý thêm những bé phải dùng sữa công thức hoàn toàn sẽ dễ bị táo bón hơn những bé được bú sữa mẹ.

2.4. Bé bị thiếu nước

Giai đoạn bé tập ăn dặm bị táo bón nguyên nhân có thể do bé bị thiếu nước. Khi cơ thể không đủ nước khiến phân dễ bị khô, cứng, khó đẩy ra ngoài. Tích tụ lâu ngày sẽ khiến bé bị táo bón kéo dài.

2.5. Dư chất đạm

Cho trẻ ăn quá nhiều chất đạm cũng không hề tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng, trẻ từ 1 - 3 tuổi chỉ cần bổ sung khoảng 13g chất đạm mỗi ngày. Nếu cung cấp quá nhiều chất đạm sẽ làm tăng gánh nặng cho gan và thận, khiến trẻ mệt mỏi, dễ bị chứng khó tiêu, chán ăn và táo bón.

3. Dấu hiệu trẻ ăn dặm bị táo bón

Triệu chứng trẻ ăn dặm bị táo bón khá giống với trẻ bị táo bón ở những lứa tuổi khác. Các triệu chứng giúp mẹ nhận biết là:

  • Bé đi phân cứng, tròn tròn giống viên bi.
  • Số lần trẻ đi ngoài ít hơn so với thói quen trước đó.
  • Bé khóc khi rặn, lưng uốn cong, mông khép chặt, vặn vẹo, bồn chồn hoặc có tư thế bất thường.
  • Có hiện tượng són phân trong quần mà trẻ không hay biết.
  • Trẻ quấy khóc bất thường, ngừng khóc sau khi đi đại tiện xong.
  • Đau bụng vùng dạ dày, cơn đau sẽ giảm sau khi đi đại tiện.
  • Tâm lý, hành vi thay đổi, cáu bẳn, không vui, sốt ruột...

4. Trẻ ăn dặm bị táo bón phải làm gì?

Để phòng tránh cũng như điều trị tình trạng trẻ ăn dặm bị táo bón, mẹ nên ghi nhớ những ‘bí kíp’ đơn giản, dễ áp dụng dưới đây:

4.1 Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn của trẻ

Chất xơ đã được chứng minh không chỉ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, mà còn có tác dụng rất tốt trong việc đẩy lùi chứng táo bón. Do đó, mẹ đừng quên thêm chất xơ vào khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ để trẻ tránh gặp phải tình trạng bị táo bón.

Thực phẩm chứa nhiều chất xơ bao gồm các loại rau lá xanh, các loại đậu đỗ, ngô... Trong các loại trái cây họ cam, quýt cũng là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào.

4.2 Cho bé uống nước ép hoa quả

tre-an-dam-bi-tao-bon-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-2-voh
Một số loại nước ép hoa quả sẽ giúp bé cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả (Nguồn: Internet)

Trẻ trong giai đoạn ăn dặm đã có thể uống được một số loại nước ép hoa quả như nho, mận, táo... Các loại nước ép này đều có chứa đường và pectin tự nhiên, sẽ giúp bé giảm được táo bón và cũng giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.

4.3 Uống đủ nước

Một trong những cách ngăn ngừa chứng táo bón cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm là hãy bổ sung nước cho trẻ đầy đủ. Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi cần khoảng 120 – 240ml/ngày. Ngoài ra, nếu trẻ dùng sữa công thức thì mẹ cần pha đúng tỷ lệ sữa – nước.

4.4 Kích thích bằng tăm bông

Khi bé đi mãi nhưng phân không ra được, mẹ hãy chuẩn bị tẩm baby oil vào tăm bông. Sau đó, đưa vào hậu môn khoảng 1cm, ngoáy nhẹ nhàng để kích thích. Có trường hợp phân sẽ ra ngay, vì thế mẹ hãy chuẩn bị bỉm ở dưới mông của bé.

4.5 Massage vùng bụng của bé để giảm táo bón

Massage là một trong những phương pháp điều trị tốt cho các vấn đề sức khỏe. Massage vùng bụng của trẻ sẽ giúp hỗ trợ giảm đau, tăng tuần hoàn máu và giúp nhu động ruột hoạt động trơn tru hơn.

Mẹ có thể thực hiện massage vùng bụng theo các bước:

  • Cho trẻ nằm trên giường, sau đó dùng ngón tay trỏ đặt dưới rốn của trẻ.
  • Xoay ngón tay theo chiều kim đồng hồ.
  • Dùng bàn tay áp nhẹ lên thành bụng để kích hoạt nhu động ruột.

4.6 Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng giờ

Mẹ nên tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ, thông thường là sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột đang tăng cường hoạt động. Ngoài ra, nếu trẻ ngồi bô vệ sinh quá lâu, mẹ cũng nên nhắc bé bỏ thói quen này.

4.7 Đưa trẻ đi khám

Nếu mẹ đã áp dụng các phương pháp làm giảm tình trạng bé bị táo bón khi ăn dặm nhưng vẫn không cải thiện thì mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để được thăm khám và có những chỉ định hợp lý.

Xem thêm: Dùng men vi sinh và kẽm để giảm táo bón cho trẻ có được không?

5. Thực đơn ăn dặm cho trẻ bị táo bón

Một vài món ăn gợi ý cho mẹ khi chăm sóc trẻ ăn dặm bị táo bón:

5.1 Trẻ 7 – 8 tháng tuổi

Súp khoai lang và hành tây

🔴 Nguyên liệu

  • Hành tây (thái nhỏ): 1 thìa lớn
  • Khoai lang (luộc mềm, nghiền nhỏ): 4 thìa nhỏ
  • Sữa bột pha sẵn:L ¼ chén
  • Da salad: 1 chút

🔴 Cách làm

  • Làm nóng dầu salad trong nồi, cho hành tây vào xào.
  • Cho thêm khoai lang và sữa bột vào nồi, đun trong thời gian ngắn.
  • Hỗn hợp sau khi nấu xong cho vào máy xay sinh tố, xay đến khi mịn

5.2 Trẻ 9 – 11 tháng tuổi

Sữa chua mận

🔴 Nguyên liệu

  • Mận (mơ): 1 quả
  • Sữa chua không đường: ¼ chén
tre-an-dam-bi-tao-bon-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-3-voh
Sữa chua mận khá phù hợp cho bé ăn dặm bị táo bón (Nguồn: Internet)

🔴 Cách làm 

  • Luộc mận, bỏ hạt, thái nhỏ.
  • Trộn sữa chua với mận luộc.

5.3 Trẻ 12 – 18 tháng tuổi

Cơm tảo nâu

🔴 Nguyên liệu 

  • Tảo nâu: 2g
  • Cà rốt, quả đỗ xanh (thái sợi): mỗi loại 1 thìa lớn
  • Nước dashi: ¼ chén
  • Nước tương: 1 chút
  • Cơm nát: 60g

🔴 Cách làm

  • Ngâm tảo nâu vào nước (1).
  • Cho (1), đỗ xanh, nước dùng dashi vào nồi, ninh đến khi mềm, nêm gia vị bằng nước tương (2).
  • Trộn (2) với cơm nóng.

Như vậy, táo bón là một trong những vấn đề thường gặp ở những trẻ mới tập ăn dặm, vì thế các mẹ cần phải nghiên cứu kỹ các ưu – nhược điểm của từng phương pháp ăn dặm để có thể tìm ra được phương pháp phù hợp nhất với bé yêu của mình.

Xem thêm