Chờ...

Tăng tiết nước bọt khi mang thai: Nguyên nhân và cách đối phó

(VOH) – Phụ nữ khi mang thai thường có nhiều thay đổi, trong đó thường gặp nhất là tình trạng tăng tiết nước bọt. Vậy vì sao phụ nữ lại tăng tiết nước bọt khi mang thai và liệu có cách nào đối phó?

1. Vì sao phụ nữ lại tăng tiết nước bọt trong thai kỳ?

Tăng tiết nước bọt khi mang thai là hiện tượng thường gặp ở nhiều mẹ bầu. Nó là một trong những thay đổi của cơ thể, cũng giống như biểu hiện xì hơi hay són tiểu khi cười.

Theo các tài liệu nghiên cứu, mỗi ngày cơ thể người có thể tiết ra trung bình khoảng 2 lít nước bọt để giúp cơ thể trung hòa axit dạ dày, chống lại những vi khuẩn có hại cho cơ thể, cải thiện tiêu hóa và giúp khoang miệng luôn ẩm ướt. 

Đối với phụ nữ mang thai, nước bọt có thể tiết ra nhiều hơn bình thường trong những tháng đầu thai kỳ. Hiện tượng này xảy ra do sự gia tăng sản xuất nước bọt hoặc giảm khả năng nuốt nước bọt.

tang-tiet-nuoc-bot-khi-mang-thai-nguyen-nhan-va-cach-doi-pho-voh

Có nhiều yếu tố là tăng tình trạng tăng tiết nước bọt ở mẹ bầu (Nguồn: Internet)

Mặc dù nguyên nhân gây ra hiện tượng tăng tiết nước bọt trong thai kỳ chưa được xác định rõ, nhưng các bác sĩ cho rằng những yếu tố dưới đây có thể tác động đến việc sản xuất nước bọt ở bà bầu:

  • Sự thay đổi hormone của cơ thể khi mang thai.
  • Nôn mửa hoặc ốm nghén nặng trong thai kỳ.
  • Mẹ bầu bị chứng ợ nóng khi mang thai.
  • Hút thuốc lá khi mang thai.
  • Mẹ bầu mắc một số bệnh nhiễm trùng về răng miệng.
  • Có tiếp xúc với thủy ngân hoặc hóa chất độc hại trong thuốc trừ sâu.

2. Tăng tiết nước bọt khi mang thai có ảnh hưởng gì không?

Ngoài việc gây ra sự khó chịu cho mẹ bầu thì hiện tượng tăng tiết nước bọt trong thai kỳ hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt trong một số trường hợp, tăng tiết nước bọt còn mang lại một số lợi ích như:

  • Giúp bôi trơn trong khoang miệng và giúp mọi hoạt động ăn uống, nhai nuốt trở nên dễ dàng hơn.
  • Tăng tiết nước bọt khi mang thai có thể giúp thai phụ cân bằng được nồng độ axit trong dạ dày.
  • Hỗ trợ quá trình tiêu hóa và phân hủy thức ăn nhờ một số enzym được tiết ra từ nước bọt.
  • Giúp tăng khả năng kháng khuẩn trong khoang miệng và hạn chế mắc một số bệnh răng miệng trong thời gian mang thai cho thai phụ, chẳng hạn như sâu răng.

3. Bà bầu bị tăng tiết nước bọt uống thuốc gì?

Tăng tiết nước bọt là vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai, tuy nhiên tình trạng này không quá nghiêm trọng và phần lớn các trường hợp cũng không cần phải dùng thuốc để điều trị.

tang-tiet-nuoc-bot-khi-mang-thai-nguyen-nhan-va-cach-doi-pho-1-voh

Uống nhiều nước có thể giúp mẹ bầu hạn chế được tình trạng tăng tiết nước bọt (Nguồn: Internet)

Để kiểm soát tình trạng tăng tiết nước bọt khi mang thai, mẹ bầu có thể áp dụng một số cách sau đây:

  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá khi mang thai nếu như thai phụ có thói quen này. Hút thuốc lá không chỉ làm tăng tiết nước bọt mà có còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
  • Kiểm tra tình trạng răng miệng và đảm bảo chúng luôn khỏe mạnh, không có vấn đề. Nếu có, hãy đến nha sĩ để được khắc phục sớm nhất.
  • Khi nước bọt tiết ra nhiều, mẹ bầu có thể ngậm kẹo bạc hà để dễ dàng nuốt nước bọt khi tiết ra hơn.
  • Không sử dụng thực phẩm chứa nhiều carbohydrate và tinh bột. Tốt nhất là nên chia bữa ăn ra thành nhiều bữa nhỏ.
  • Mẹ bầu nên uống nhiều nước hoặc ngậm một lát chanh hay gừng để ngăn ngừa tình trạng tăng tiết nước bọt khi mang thai.

Tóm lại, tăng tiết nước bọt khi mang thai không phải là một vấn đề nghiêm trọng nên các mẹ bầu không cần phải quá lo lắng về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu tình trạng tăng tiết nước bọt ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây khó chịu và tạo áp lực tâm lý thì mẹ bầu hãy thông báo với bác sĩ để được tư vấn biện pháp giảm tiết nước bọt trong thai kỳ.