Mẹ biết không, bắt đầu từ tuần này thai nhi theo từng tuần sẽ là những phiên bản thu nhỏ của em bé sau khi sinh ra đời. Phần lớn những thay đổi trong cơ thể em bé là sự phát triển về kích thước và hoàn chỉnh các bộ phận cơ thể.
1. Các loại siêu âm khi thai nhi 8 tuần tuổi
Siêu âm thai 8 tuần tuổi là mốc siêu âm thai quan trọng để bạn có thể nắm được sự phát triển của thai nhi và tính tuổi thai một cách chính xác. Ở tuần thai này, khi siêu âm mẹ sẽ biết được các chỉ số cụ thể về chiều dài đầu mông của bé, đường kính túi thai...
Thai 8 tuần thường được chỉ định qua thành bụng (Nguồn: Internet)
Thông thường, khi siêu âm thai 8 tuần bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm thông qua 2 cách, đó là:
- Siêu âm qua thành bụng: Đây là phương pháp phổ biến nhất được sử dụng khi siêu âm thai 8 tuần. Với phương pháp này, mẹ cần làm căng bàng quang trước để giúp tử cung được lộ rõ, quá trình quan sát thai nhi sẽ dễ dàng hơn.
- Siêu âm đầu dò: Đây không phải là phương pháp phổ biến được chỉ định ở thai kỳ 8 tuần tuổi. Tuy nhiên, ưu điểm của phương pháp này là mang lại kết quả chính xác hơn nhiều so với siêu âm thành bụng. Siêu âm đầu dò thường được chỉ định ở lần khám thai đầu tiên, hoặc xác định giới tính thai nhi.
1.1 Ra dịch màu nâu khi mang thai 8 tuần có sao không?
Một số phụ nữ khi mang thai sẽ xuất hiện hiện tượng ra dịch màu nâu ở tuần thứ 8 thai kỳ. Hiện tượng này xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân như:
- Máu báo thai: Máu báo thai có thể xuất hiện từ 6 ngày sau khi rụng trứng đến vài tuần đầu của thai kỳ.
- “Quan hệ vợ chồng”: Cổ tử cung sẽ trở nên mỏng và nhạy cảm hơn trong thai kỳ do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Do đó, khi có bất kỳ hoạt động mạnh nào, chẳng hạn như “chuyện chăn gối” sẽ có thể dẫn đến kích ứng, đau nhẹ kèm theo xuất huyết màu nâu nhạt.
- Thai chết lưu: Khi nào bào thai không thể phát triển thêm nữa, nhịp tim thai sẽ ngưng và từ đó khiến thai chết lưu. Hiện tượng này sẽ dẫn đến việc tiết dịch màu nâu khi mang thai.
- Sảy thai: Mọi tình trạng tiết dịch trong thai kỳ đều có thể là một dấu hiệu sảy thai, nếu có kèm theo các triệu chứng: chuột rút, đau bụng, đau lưng dưới, xuất hiện máu đông kéo dài trong vài ngày....
2. Sự phát triển của thai nhi 8 tuần tuổi
Ở tuần thai thứ 8, thai nhi có kích thước cỡ một hạt đậu và dài hơn 2.7cm. Lúc này bé đang liên tục di chuyển và thay đổi bên trong cơ thể mẹ. Hình hài của bé đã phát triển đầy đủ hơn, bạn có thể hình dung sự phát triển thai nhi 8 tuần tuổi như sau:
- Thai nhi đã có mí mắt, tuy chúng vẫn còn mờ và hầu như che mắt.
- Tim đã hoàn thành việc phân chia thành 4 ngăn, các van tim đã bắt đầu hình thành.
- Các ngón tay và ngón chân dù vẫn có màng dính nhưng đã bắt đầu chia ra. Đặc biệt, bé đã có thể co khuỷu tay và cổ tay của mình.
- Bé có dái tai nhỏ và miệng, mũi lỗ mũi cũng đã định hình rõ hơn.
- “Chiếc đuôi” nhỏ của thai nhi xuất hiện trong những tuần đầu tiên đã rụng hết hoàn toàn.
- Các cơ quan nội tạng đã định hình. Trong não của bé, các tế bào thần kinh đang phân nhánh để kết nối với nhau, tạo thành các dây thần kinh nguyên thủy.
- Cơ quan sinh dục đã xuất hiện nhưng vẫn chưa thể phân biệt được giới tính của bé.
- Đầu của bé vẫn còn lớn so với phần còn lại của cơ thể. Tuy vậy, cổ và tất cả xương trên mặt đã hình thành.
Hình hài của thai nhi 8 tuần đã phát triển đầy đủ hơn (Nguồn: Internet)
Lúc này, nhau thai đã phát triển đầy đủ và đảm nhận chức năng quan trọng là sản sinh hormone. Sinh lý cơ bản của bé đã sẵn sàng và bé sẽ tăng cân nhanh chóng trong những tuần sắp tới.
3. Dấu hiệu mang thai 8 tuần
Có khoảng 75% phụ nữ mang thai ở tuần thứ 8 sẽ có triệu chứng của việc ốm nghén. Cảm giác buồn nôn và nôn xảy ra nhiều lần trong ngày, đặc biệt là vào buổi sáng.
Mệt mỏi cũng là cảm giác mà hầu hết mẹ bầu sẽ gặp phải. Nguyên nhân là do sự thay đổi về nội tiết và sự phát triển của thai nhi.
Lượng estrogen tăng cao sẽ khiến cho dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn bình thường.
Tình trạng đầy hơi và táo bón cũng sẽ xuất hiện ở khi mang thai 8 tuần tuổi.
Trọng lượng cơ thể sẽ tăng lên khiến bạn cảm thấy áo ngực mặc chật hơn bình thường. Sự thay đổi hormone khiến “nhũ hoa” của bạn phát triển, có thể sậm màu và nhiều thay đổi khác nữa.
4. Những điều lưu ý khi mang thai tuần thứ 8
Nếu bạn đã khi khám thai lần đầu, thì thai 8 tuần tuổi là thời điểm bạn sẽ đi khám thai lần 2 và thực hiện các xét nghiệm quan trọng như:
- Siêu âm 2D để kiểm tra tim thai.
- Khám thai, kiểm tra nội tiết.
- Uống thuốc vi chất dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ sắt, canxi và axit folic.
- Uống (tiêm) thuốc nội tiết (trong trường hợp cần thiết).
Mang thai 8 tuổi, nguy cơ sảy thai hoặc thai ngoài tử cung vẫn có thể xảy ra. Do đó, nếu thấy xuất hiện các đốm máu trên quần lót hoặc giấy vệ sinh sau khi đi tiểu, hay chảy máu tương đối nhiều trong khoảng thời gian này, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và khám kỹ càng hơn.
Bà bầu 8 tuần tuổi có thể đi bộ nhẹ nhàng ngoài trời mỗi ngày (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, để đối phó tốt hơn với những cơn ốm nghén có thể ập tới bất cứ lúc nào, bạn đừng quên tạo sự thoải mái cho tinh thần bằng cách mở cửa sổ đón ánh nắng, đi bộ ngoài trời vào mỗi buổi sáng hoặc chiều mát.
Tuy nhiên với những hoạt động thể thao như đi xe đạp, chơi bóng đá, bóng rổ, những môn thể thao có tính đối kháng cao,... thì bạn cần tránh trong giai đoạn này vì sẽ không an toàn cho mẹ và bé.
Xem thêm: Tìm hiểu sự phát triển của thai nhi theo tuần tuổi trong giai đoạn thai kỳ
4.1 Thai nhi 8 tuần tuổi nên ăn gì?
- Hãy ăn vặt thường xuyên: Ăn một vài chiếc bánh xốp hay một miếng bánh mì vào buổi sáng sẽ giúp bạn giảm triệu chứng nghén khi mang thai. Và thay vì ăn 3 bữa chính như thường lệ, bạn hãy ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh tình trạng để dạ dày trống rỗng vì nó có thể làm bạn buồn nôn nhiều hơn.
- Uống nhiều nước: Uống nước lọc hoặc nước trà gừng đều có thể giúp giảm buồn nôn. Ngậm kẹo cứng, khoai tây chiên, bắp rang cũng có tác dụng tương tự.
- Lựa chọn thực phẩm cẩn thận: Nên ưu tiên chọn các thực phẩm giàu tinh bột, ít chất béo và dễ tiêu hóa.
4.2 Có thai 8 tuần nên kiêng gì?
- Tránh những món ăn khiến bạn khó chịu và buồn nôn: Tránh xa các loại thức ăn hoặc mùi khiến bạn dễ bị buồn nôn. Nên chú ý giữ phòng được thông thoáng và không mùi thức ăn, vì nó có thể làm trầm trọng thêm cơn buồn nôn của bạn.
- Tránh các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn cay và béo.
- Thận trọng với vitamin uống khi sinh: Hãy dùng vitamin cho bà bầu đúng cách để tránh tình trạng buồn nôn sau khi uống.
Như vậy, khi thai nhi được 8 tuần tuổi bạn hãy bắt đầu một thói quen hàng ngày để kết nối với bé. Hãy dành 2 lần mỗi ngày 5 – 10 phút để nghĩ về bé, tốt nhất là sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ. Đây là cách tuyệt vời để khởi đầu quá trình gắn kết giữa 2 mẹ con.