Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những điều mẹ cần biết khi chăm sóc trẻ 1 tháng tuổi

(VOH) - Giai đoạn trẻ 1 tháng tuổi được biết đến là giai đoạn sơ sinh với rất nhiều điều con cần làm quen. Để cùng con vượt qua những 'bỡ ngỡ' ban đầu thật tốt, mẹ cần lưu ý những điều gì?

Trẻ 1 tháng tuổi là một “thiên thần” nhỏ bé của gia đình, cha mẹ thường sẽ thấy lo lắng và bối rối trong quá trình chăm sóc bé, đặc biệt nếu đây là đứa con đầu tiên của gia đình.

1. Một số vấn đề thường gặp ở trẻ 1 tháng tuổi

Những hiện tượng sinh lý cha mẹ quan sát được ở trẻ 1 tháng tuổi thường khiến cho bạn lo lắng vì cho rằng bé đang bị bệnh, nhưng thực tế đây là cách cơ thể bé đang tập thích ứng với môi trường sống mới sau một thời gian được “bao bọc” trong bụng mẹ. Dưới đây là một số hiện tượng thường gặp trong giai đoạn này. 

1.1 Vàng da sinh lý 

Khoảng 3 - 7 ngày sau khi sinh, vùng mặt và vùng ngực của bé xuất hiện vàng da, tuy nhiên sẽ biến mất ít ngày sau đó và không gây nguy hiểm. Tình trạng vàng da sinh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh vì lượng tế bào hồng cầu của bé rất cao nhưng bị phá vỡ và hình thành mới liên tục, dẫn tới tích tụ lượng lớn chất Bilirubin có màu vàng. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý vì một số bé có thể bị vàng da bệnh lý sau khi sinh.

Xem thêm: Mách mẹ cách phát hiện bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh tại nhà cực đơn giản

1.2 Phân su

Từ tuần thứ 8 khi còn ở trong bụng mẹ, bé đã bắt đầu thực hiện hoạt động tiêu hóa, bé sẽ thải nước tiểu và phân ngay trong buồng ối. Ở lần đi ngoài đầu tiên sau khi chào đời, mẹ sẽ thấy phân su màu đen đậm hoặc xanh đen, nhưng chúng hoàn toàn vô trùng và không ảnh hưởng tới sức khỏe của con. 

1.3 Cứt trâu da đầu

Cứt trâu da đầu là một hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh, đó là những mảng vảy có màu trắng hoặc vàng, nâu xám trên da đầu của bé. Thông thường, lớp vảy này rất mỏng, không gây ngứa ngáy nhưng nếu thấy bám mảng dày trên tóc, khiến da đầu hơi đỏ ướt thì cần đưa bé đi thăm khám. 

nhung-dieu-me-can-biet-khi-cham-soc-tre-1-thang-tuoi-voh-0
Cứt trâu trên da đầu là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh (Nguồn: Internet) 

1.4 Mụn sữa

Trong 2 - 4 tuần từ lúc sinh, các nốt mụn nhỏ liti màu trắng sẽ nổi trên má, cánh mũi, trán hoặc tay chân của bé, đó chính là mụn sữa (mụn kê). Tuy nhiên, mẹ đừng quá lo bởi thực tế tuyến bã nhờn của con đang hoạt động mạnh hơn mà thôi, chúng sẽ tự biến mất khi bé được 3 – 4 tháng tuổi và không cần điều trị. 

Xem thêm: 6 cách chăm sóc tại nhà giúp mẹ ‘đánh bay’ mụn sữa ở trẻ sơ sinh

1.5 Rụng dây rốn

Dây rốn là “cầu nối” truyền các chất dinh dưỡng và oxy từ bánh nhau của mẹ tới em bé, và sẽ được kẹp cắt đi khi con ra đời, chỉ giữ lại một phần gốc dài khoảng 2 - 3cm trên bụng. Tuy nhiên, phần dây rốn được giữ lại rất dễ bị viêm, gây nên tình trạng nhiễm trùng dây rốn, làm tổn thương gan của con. 

1.6 Thở khò khè

Việc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi, thở khò khè khiến cha mẹ băn khoăn liệu có phải con mắc các bệnh về đường hô hấp không, thực tế thì không hẳn vậy. Các bạn nhỏ mới ra đời có ống mũi bên trong rất nhỏ và hẹp, chỉ khoảng 2 – 3mm nên gây ra tình trạng tích tụ chất nhầy, tạo ra âm thanh khụt khịt khi con hít vào và thở ra, tình trạng này rất phổ biến và không cần có sự can thiệp y khoa để điều trị. 

1.7 Bị táo bón

Trẻ giai đoạn sơ sinh có thể bị táo bón, trẻ 1 tháng tuổi bị táo bón có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như: trẻ bị thiếu nước do bú sữa mẹ không đủ, trẻ uống sữa công thức, chế độ ăn của mẹ có nhiều đồ cay, nóng, khó tiêu, hoặc bé bị táo bón do bệnh lý xuất phát từ chính cơ thể của bé (đại tràng bị phình to, bệnh suy giáp trạng,...)

Mẹ có thể nhận biết được trẻ 1 tháng tuổi bị táo bón bằng cách đếm số lần đi ngoài của bé. Bình thường, bé sẽ đi ngoài 1 lần/ngày. Nếu bé đi ngoài 2-3 lần/ngày, phân keo dính, cứng và bé phải rặn khó khăn thì đây là dấu hiệu cho thấy bé đang bị táo bón.

Xem thêm: Cách chữa trị bệnh táo bón ở trẻ sơ sinh?

1.8 Ho, nghẹt mũi, sổ mũi

Trẻ 1 tháng tuổi sức đề kháng vẫn còn rất non yếu, nên bé rất dễ gặp phải các tình trạng như ho, sổ mũi, nghẹt mũi... Mặc dù các triệu chứng này sẽ không gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng nó có thể khiến bé yêu của mẹ khó chịu, quấy khóc nhiều hơn.

Vì thế, khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi có các triệu chứng ho, sổ mũi, nghẹt mũi.... cha mẹ nên áp dụng các biện pháp điều trị không dùng thuốc như nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý... Trong trường hợp các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng và kéo dài nhiều ngày, cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám.

nhung-dieu-me-can-biet-khi-cham-soc-tre-1-thang-tuoi-voh-1
Nên vệ sinh mũi cho bé để giảm tình trạng nghẹt mũi (Nguồn: Internet) 

1.9 Trẻ sơ sinh bị đờm

Trẻ sơ sinh bị đờm là một trong những vấn đề thường gặp nhưng không gây quá nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Đờm thật ra chính là chất nhầy được cơ thể sản sinh ra để ngăn chặn sự xâm nhập của bụi và khuẩn. Tuy nhiên, khi đờm được tạo ra quá nhiều trong khi khoang mũi hay cổ họng của bé lại chưa có khả năng loại bỏ chất nhờn sẽ khiến đờm tích tụ ngày càng nhiều, gây khó khăn cho việc hít thở.

Để cải thiện tình trạng này, cha mẹ có thể áp dụng các cách tiêu đờm cho trẻ tại nhà bằng việc hút mũi, sử dụng tinh dầu chàm hay tham khảo thêm sự tư vấn từ bác sĩ.

1.10 Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý cấp tính và có khả năng gây tử vong cho trẻ. Bệnh do các loại vi khuẩn gây ra, được lây truyền chủ yếu từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở. Đây là bệnh cực kỳ nguy hiểm mà cha mẹ cần nhận biết sớm các dấu hiệu để có thể chủ động điều trị kịp thời, tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của bé.

Xem thêm: Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh có thể gây tử vong, những điều mẹ cần làm để phòng tránh

2. Trẻ sơ sinh bú bao nhiêu ml sữa là đủ?

Trẻ mới sinh ra phần lớn hấp thụ dinh dưỡng thông qua sữa mẹ, đây là nguồn thức ăn tốt và hoàn hảo nhất cho con trong giai đoạn đầu đời. Khi nuôi con bằng sữa mẹ ở tháng đầu tiên, mẹ hãy thuận theo nhu cầu của trẻ để cho bé bú, trung bình nên chia thành 8 – 12 cữ một ngày. Nếu thấy con dò tìm quanh núm vú của mẹ hoặc khóc thì có thể bé đang đói và cần bú sữa.

Lượng ml sữa bé cần trong tháng đầu tiên được ước tính như sau:

  • 2 ngày sau khi sinh: 20 – 30ml sữa.
  • Tuần đầu tiên (từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8): 60 – 70ml sữa.
  • 2 tuần tiếp theo (từ ngày thứ 9 đến ngày thứ 15): 80 – 90ml sữa.
  • 2 tuần cuối tháng (từ ngày thứ 15 đến ngày 30): khoảng 100ml sữa.

Dưới đây là một số lời khuyên mẹ có thể tham khảo và áp dụng trong quá trình cho bé bú sữa. 

2.1 Làm sao biết bé bú đủ hay chưa?

nhung-dieu-me-can-biet-khi-cham-soc-tre-1-thang-tuoi-voh-2
Thấy con dò tìm núm vú có thể là bé đói (Nguồn: Internet) 

Trẻ 1 tháng tuổi không thể bày tỏ hay diễn tả bằng lời nói với mẹ rằng con no hay con đói, nên để xác định bé bú đủ hay chưa, người mẹ phải quan sát thật kĩ càng và xác định thông qua số lần đi “ị” của bé. Thông thường khi bé đã bú đủ, số lần mẹ thay tã dao động từ 6-7 lần một ngày, phân vàng và mềm. 

Xem thêm: 5 tư thế giúp mẹ cho con bú dễ dàng, không lo sặc sữa

2.2 Một số điều mẹ cần biết khi cho bé bú 

Khi cho bé bú, mẹ cần đảm bảo thực hiện được những lưu ý sau đây để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho con:

  • Vệ sinh sạch sẽ tay, núm vú trước mỗi lần cho bé bú.
  • Không dùng xà phòng để vệ sinh đầu vú, tránh làm mất các chất bôi trơn tự nhiên ở vùng ngực. 
  • Mát xa bầu ngực hoặc hút sữa nếu dòng sữa chảy nhanh, gây căng cứng. 
  • Tăng cường ăn các chất dinh dưỡng giàu vitamin, lợi sữa, hạn chế đồ uống có cồn, chất kích thích. 

Xem thêm: ‘Bật mí’ mẹ chế độ dinh dưỡng sau sinh để con đủ chất, đủ sữa

3. Sự phát triển của trẻ 1 tháng tuổi

Cơ thể của trẻ 1 tháng tuổi nhỏ bé và chưa phát triển hoàn thiện hết các chức năng, tuy nhiên qua từng ngày, từng tuần, cha mẹ đều chứng kiến những thay đổi khác biệt của con. 

3.1 Cân nặng và chiều cao

Các chỉ số cân nặng và chiều cao của bé trong những tuần đầu tiên không tăng trưởng quá nhiều so với ngày sinh. Bên cạnh đó, có hiện tượng sụt cân sinh lý do quá trình bài tiết nước tiểu, phân và nước qua da, tuy nhiên sau 2 – 3 tuần, cân nặng của bé sẽ dần tăng đều trở lại. 

3.2 Thời gian ngủ của trẻ

Giấc ngủ rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ trong những ngày tháng đầu tiên bởi khi bé ngủ, các bộ phận trong cơ thể tiếp tục hoàn chỉnh các chức năng. Phần lớn thời gian trong ngày con dành cho việc ngủ, trẻ 1 tháng tuổi sẽ ngủ 17 – 20 tiếng một ngày, mỗi giấc kéo dài từ 3 – 4 tiếng. Thời kì này cha mẹ sẽ khá vất vả vì bé ngủ không trọn giấc, hay khóc và quấy về đêm.

Xem thêm: 7 việc cực đơn giản mẹ có thể làm để giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ ngủ ít, khó ngủ

3.3 Phát triển giác quan

Sự phát triển 5 giác quan của trẻ 1 tháng tuổi diễn ra không đồng đều nhau. Thời kì này vị giác, xúc giác và khứu giác phát triển đáng kể cũng như hoạt động tốt nhất, con có thể nhận biết mùi vị để tìm kiếm mùi sữa mẹ, khi chạm vào má vào gần bầu sữa mẹ thì bé sẽ đưa để ngậm bú.

Ở tháng tuổi đầu tiên, thính giác và thị giác của trẻ còn rất yếu. Bé không thể nhìn xa mà chỉ tập trung nhìn một điểm gần và ít đảo mắt, khoảng cách bé có thể nhìn thấy khi 1 tháng tuổi là ở khoảng 20-30cm. Các âm thanh bé nghe được thường rất nhỏ và không rõ ràng. 

3.4 Hình thành phản xạ cơ bản

Từ sự phát triển của các giác quan, trẻ sẽ bắt đầu hình thành một số phản xạ cơ bản:

  • Ngậm mút: Từ tuần thai thứ 32, trẻ đã bắt đầu thực hiện hoạt động ngậm mút tay này, đây chính là tiền đề để con tập bú khi chào đời. 
  • Giật mình: Khi có một âm thanh lớn, bé sẽ có phản xạ giật mình, dang tay và chân ra rồi nhanh chóng thu tay lại ôm lấy thân mình, đôi lúc bé có thể sẽ khóc thé lên. 
  • Phản xạ Babinski: Phản xạ này thường xảy ra ở các ngón chân của bé. Khi chạm vào lòng bàn chân hay vuốt mạnh, ngón chân cái sẽ uốn cong lên, các ngón còn lại sẽ xòa ra. 
  • Phản xạ Robinson: Đây là phản xạ nắm bắt của bàn tay con, được kiểm tra ngay sau ra khi ra đời. Chạm hoặc ấn nhẹ vào lòng bàn tay, bé sẽ co và nắm chặt lại.

4. Lưu ý cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Trẻ 1 tháng tuổi đang dần làm quen với môi trường sống bên ngoài nên cần rất nhiều sự hỗ trợ và chăm sóc của cha mẹ. Hãy chú ý một số điều sau đây nhé:

  • Giữ ấm cơ thể trẻ. Lưu ý đến việc tắm cho trẻ, không nên tắm quá lâu để tránh trẻ bị cảm lạnh.
  • Đảm bảo an toàn khi cho trẻ bú, hạn chế tình trạng trớ hoặc sặc sữa. 
  • Vệ sinh dây rốn cẩn thận, tránh để nhiễm trùng. 
  • Bố trí không gian ngủ hợp lý, không để trẻ nằm sấp khi ngủ vì dễ gây nghẹt đường thở. 
  • Thay bỉm/tã sau 3-4 tiếng hoặc mỗi lần bé đi ngoài. 
  • Lau mắt nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý. 
  • Thực hiện lịch tiêm chung vacxin đầy đủ. 

Gia đình có thể sẽ gặp nhiều “xáo trộn” trong tháng đầu tiên của bé nhưng các bạn nhỏ sẽ sớm thích nghi với thế giới mới và phát triển thật tốt nên cha mẹ đừng quá lo lắng. Hãy tận dụng thời gian này đề chăm sóc và gần gũi các bé yêu của mình nhé.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận