Trẻ 14 tháng tuổi: Hình thành cá tính cùng các kỹ năng xã hội

(VOH) – Hiếu động và luôn muốn khám phá mọi thứ là điều dễ nhìn thấy nhất ở trẻ 14 tháng tuổi. Bé cũng đã biết bộc lộ nhiều hơn cá tính riêng của mình bên cạnh những phát triển về thể chất và kỹ năng.

Nếu theo dõi liên tục sự phát triển của trẻ trong 2 năm đầu đời, mẹ sẽ thấy mỗi ngày của bé đều là cột mốc phát triển đầy thú vị. Sẽ chẳng có gì tuyệt vời bằng việc thấy con yêu thay đổi khỏe mạnh từng ngày. Cùng tìm hiểu xem trẻ 14 tháng tuổi sẽ thay đổi thế nào, bé học thêm được những gì mẹ nhé!

1. Sự phát triển của trẻ 14 tháng tuổi

Mọi phát triển về thể chất và kỹ năng xã hội ở trẻ 14 tháng tuổi vẫn đang diễn ra hàng ngày. Dưới đây là một số cột mốc phát triển nhất định mà bé 14 tháng tuổi sẽ đạt được:

1.1 Về ngôn ngữ và nhận thức

Khi được 14 tháng tuổi, bé sẽ ngày càng bộc lộ nhiều hơn về tính cách của mình. Ví dụ, mẹ có thể thấy bé hiểu nhiều hơn những gì mẹ nói và bé có thể quyết tâm tiếp tục thực hiện một hoạt động yêu thích ngay cả khi đã đến giờ đi ngủ. Hoặc khi mẹ nói bữa ăn của bé đã sẵn sàng, bé dường như sẽ đi đến chiếc ghế ăn của mình.

Ngay cả khi chưa biết nói, trẻ 14 tháng tuổi vẫn thích bắt chước những lời nói và hành động của người lớn và lặp lại theo ngôn ngữ của bé nhiều nhất có thể.

Trẻ 14 tháng tuổi: Hình thành cá tính cùng các kỹ năng xã hội 2
Bé rất thích chơi cùng cha mẹ (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, quá trình giao tiếp của trẻ 14 tháng tuổi vẫn còn bị giới hạn bởi ngôn ngữ bé chưa nhiều. Vì thế, cha mẹ thường sẽ phải vận dụng các kỹ năng cảm giác để hiểu được những gì bé đang muốn nói.

1.2 Về mặt giao tiếp và cảm xúc

Bước sang tháng 14, bé yêu của mẹ đã trở nên dạn dĩ và tự tin hơn trong thái độ và hành vi của mình. Bởi bé đã dần biết được, hành động của bản thân có thể gây ra những phản ứng nhất định đối với người lớn.

Sự lo lắng của trẻ 14 tháng tuổi sẽ càng tăng lên khi bé cảm nhận được mẹ hoặc cha sắp rời xa bé. Vì thế, khi mẹ muốn đi đâu đó một chút hãy trấn an bé và khi quay trở lại, hãy dành nhiều sự quan tâm cho bé hơn.

Trẻ 14 tháng tuổi rất dễ bị thu hút bởi những bạn nhỏ bằng tuổi. Bé sẽ rất phấn khích khi thấy trẻ khác, mặc dù đôi khi bé vẫn không chịu tương tác với bạn mới.

1.3 Về mặt thể chất

Bé đã có thể đi được khá xa ở tháng thứ 14. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, trẻ thường đi hai hàng, ngón chân hướng ra ngoài và bước đi có thể run rẩy. Bé thích đi bộ hoặc leo cầu thang, vì thế cha mẹ cần quan sát trẻ thật kỹ để tránh trẻ bị ngã.

Xem thêm: 8 biểu hiện trẻ bị ngã đập đầu gây chấn thương sọ não, mẹ cần nhận biết sớm để xử lý kịp thời

Trẻ 14 tháng tuổi ngày càng tốt hơn trong việc tự xúc thức ăn bằng thìa hoặc bằng ngón tay. Bé biết uống nước bằng cốc. Bé biết nhặt cũng như sử dụng một số loại đồ chơi.

Ngoài ra, ở độ tuổi này, trẻ rất thích khám phá mọi thứ, bao gồm cả tủ và ngăn kéo. Cho nên, mẹ hãy cài chốt kỹ càng ngăn tủ hay và cất cao những đồ vật mà mẹ không muốn bé đụng đến.

2. Trẻ 14 tháng tuổi biết làm gì?

Rất nhiều mẹ thường sẽ không còn quan tâm đến trẻ 14 tháng tuổi biết làm gì, vì không còn thấy nhiều sự thay đổi ở con nữa. Tuy nhiên, thực tế trẻ 14 tháng tuổi đã có thể làm được những việc sau đây:

  • Phản ứng lại khi được người khác gọi tên
  • Biết dùng ly (cốc) để uống nước
  • Cầm, ném, kéo đồ chơi hoặc tỏ ra yêu thích một loại đồ chơi nào đó
  • Biết lấy đồ chơi ra khỏi hộp, sau đó lại bỏ vào
  • Thích được trèo cầu thang
  • Tự đưa thức ăn vào miệng bằng ngón trỏ và ngón cái
  • Biết rướn người bằng nửa thân sau

3. Trẻ 14 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là chuẩn?

Mỗi bé đều sẽ có những mức độ phát triển khác nhau. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn chung, các chỉ số chiều cao, cân nặng chuẩn của bé 14 tháng tuổi là:

3.1 Bé trai

  • Cân nặng: từ 9 – 11.3kg, trung bình 10.1kg
  • Chiều cao: từ 73.4 – 78cm, trung bình 75.5cm

3.2 Bé gái

  • Cân nặng: từ 8.3 – 10.7kg, trung bình 9.4kg
  • Chiều cao: từ 71 – 81.7cm, trung bình 76.4cm

Bé của mẹ có thể tăng trung bình khoảng 200g mỗi tháng. Nếu bé không tăng trưởng theo đúng quỹ đạo, mẹ cần phải xem lại chệ độ dinh dưỡng hàng ngày của bé.

Xem thêm: 'Nằm lòng' những cách bổ sung dinh dưỡng cho trẻ phát triển tối ưu

4. Trẻ 14 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ?

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 14 tháng tuổi đã đơn giản và dễ làm hơn rất nhiều so với trẻ giai đoạn đầu tập ăn dặm. Bởi bé đã có thể ăn được gần như tất cả các loại thực phẩm lành mạnh mà cả nhà đang ăn.

Vì thế, mẹ nên cho bé ăn 3 bữa một ngày bao gồm tất cả các nhóm thực phẩm chính cùng với một vài bữa ăn nhẹ lành mạnh và uống thêm sữa. Đây là một chế độ ăn có thể giúp bé yêu khỏe mạnh, không bị thiếu cân hoặc thừa cân.

Một số cha mẹ lo lắng không biết trẻ ăn bao nhiêu là đủ, nhưng ngay cả những trẻ kén ăn nhất ở độ tuổi này vẫn có thể cung cấp đủ chất cho cơ thể để phát triển tốt.

Ví dụ, một đứa trẻ nặng khoảng 10kg, trung bình cần khoảng 950 calo mỗi ngày, bé sẽ nhận được khoảng 370 calo từ sữa và khoảng 580 calo từ tất cả các bữa ăn trong ngày. Và như vậy lượng calo bé nhận được sẽ đủ để đáp ứng hoạt động của cơ thể.

Trẻ 14 tháng tuổi: Hình thành cá tính cùng các kỹ năng xã hội 1
Trẻ 14 tháng tuổi ăn được rất nhiều món ăn khác nhau (Nguồn: Internet)

Trong trường hợp trẻ 14 tháng tuổi không chịu uống sữa, mẹ cần tìm hiểu lại nguyên nhân khiến trẻ lười bú. Sau đó tiến hành cải thiện tình trạng lười bú của con bằng cách:

  • Nếu bé bú sữa ngoài hãy chọn sữa theo sở thích của con. Hãy nhớ rằng khi trẻ được 14 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ, sữa công thức, bé còn có thể uống được sữa tươi.
  • Lựa chọn dụng cụ uống bắt mắt.
  • Pha sữa đúng cách.
  • Cho con uống từ ít đến nhiều.

Nói chung, mẹ không cần quá căng thẳng việc bé có ăn đủ hay không, chỉ cần bé tăng cân với tốc độ hợp lý thì mẹ không cần phải lo lắng.

5. Thực phẩm, dinh dưỡng cho trẻ 14 tháng tuổi

Ở độ tuổi này bé sẽ ăn ít hơn khẩu phần thường ăn hàng ngày, vì thế để bổ sung đây đủ chất dinh đủ và đảm bảo sự phát triển của bé toàn diện thì nên cho trẻ bổ sung các thực phẩm sau:

5.1 Sữa

Đây là một trong những thực phẩm thiết yếu, quan trọng cần phải đưa vào chế độ ăn uống thường ngày của trẻ, vì sữa là nguồn cung cấp canxi, vitamin D dồi dào cho bé. Vì hai chất này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển xương và răng được chắc khỏe.

5.2 Thịt và đậu

Ở độ tuổi này bé rất cần năng lượng để có thể hoạt động vui chơi, khám phá, vì thế nên có chế độ dinh dưỡng giàu protein. Thịt và đậu là sự lựa chọn thích hợp để bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày của bé. 

Ngoài thịt và đậu thì trứng cũng là sự lựa chọn hoàn hảo cung cấp đủ protein cho trẻ, làm đa dạng món ăn.

5.3 Ngũ cốc

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên cho trẻ ăn ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc dạng bột vì chúng chứa nhiều chất xơ và không chứa quá nhiều đường.

5.4 Trái cây và rau củ.

Việc bổ sung trái cây và rau củ vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ sẽ giúp bổ sung một lượng lớn vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể để phát triển toàn diện.

6. Chăm sóc trẻ 14 tháng tuổi

6.1 Lịch mọc răng

Một số trẻ 14 tháng tuổi có thể đang mọc những chiếc răng hàm đầu tiên. Bé có thể sẽ khó chịu và quấy khóc nhiều. Lúc này mẹ cần áp dụng những cách giúp trẻ giảm đau nhức, khó chịu khi mọc răng hàm.

6.2 Giấc ngủ của bé

Trẻ 14 tháng tuổi có thể cần ngủ khoảng 12 – 14 giờ mỗi ngày. Giai đoạn này, bé cần một giấc ngủ dài vào ban đêm và một giấc ngủ ngắn ban ngày. Vì thế, mẹ hãy tạo cho bé một lịch ngủ phù hợp để giúp con xây dựng thói quen ngủ đúng giờ.

6.3 Những hoạt động của bé

Trẻ có thể học thông qua chơi các đồ chơi như các khối vật thể, phương tiện đồ chơi, có thể cho trẻ thử nghiệm với bút màu trên giấy và nhiều hoạt động khác.

Ba mẹ nên cùng đọc sách với trẻ, đây là một cách khuyến khích, kích thích trẻ trong việc học. Nên lựa chọn những cuốn sách có hình ảnh màu sắc rực rỡ để bé cảm thấy thích thú với sách. Hãy tạo thói quen đọc sách để bé hiểu, học theo và cố gắng xây dựng kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp cho bé.

6.4 Giữ bé khỏe mạnh

Chính sự tò mò về thế giới xung quanh nên bé không chỉ thích sờ mó, bé còn thích “nếm” mọi thứ. Vì thế, mẹ hãy cố gắng vệ sinh sạch sẽ đồ chơi của bé, không cho bé chơi những loại đồ chơi nhỏ để tránh nguy cơ bị hóc.

Trẻ 14 tháng tuổi: Hình thành cá tính cùng các kỹ năng xã hội 3
Bé thích khám phá mọi thứ (Nguồn: Internet)

 

Tuy nhiên, mẹ không nên bảo vệ con bằng cách cách ly bé với môi trường xung quanh. Hệ thống miễn dịch của trẻ có thể đối phó được với hàng ngàn vi khuẩn mỗi ngày. Nếu mẹ thực hiện tiêm phòng vacxin cho bé đầy đủ, bé còn có thể phòng tránh được nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

6.5 Bé bị bệnh

Cảm, ho, sổ mũi, sốt là những vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ. Khi bé bị cảm lần đầu tiên ở độ tuổi này, bé sẽ rất khó chịu. Tuy nhiên, không cần quá lo lắng hãy chăm sóc bé ở nhà nếu bệnh của bé không nghiêm trọng. Đưa bé đến gặp bác sĩ nếu bé bị sốt cao, bỏ ăn uống, không đi tiểu, ho hoặc bị khó thở.

Xem thêm: Làm cách nào hạ sốt nhanh khi trẻ sốt cao trên 39 độ ?

7. Những lưu ý khi chăm sóc bé 14 tháng

Dưới đây là một vài lời khuyên dành cho ba mẹ khi chăm sóc bé 14 tháng tuổi:

  • Đừng bao giờ để bé lang thang 1 mình và luôn trông chừng, quan sát, ở bên cạnh trẻ vì giai đoạn này bé sẽ có xu hướng thích đi khám phá mọi thứ trong nhà và có nhiều thứ sẽ gây nguy hiểm cho bé.
  • Nên tạo ra một không gian riêng đảm bảo an toàn cho trẻ khi chơi.
  • Tạo thói quen, đánh răng cho trẻ sơ sinh buổi sáng và buổi tối.
  • Ở độ tuổi này bé dễ mắc bệnh cảm lạnh thông thường, khi bé mắc bệnh áp dụng các biện pháp trị bệnh tại nhà nếu biểu hiện nhẹ, còn nặng thì dẫn đi khám bác sĩ và không nên sử dụng kháng sinh.

8. Khi nào cần đưa con đến gặp bác sĩ?

Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một trong những mối quan tâm chung của các bậc cha mẹ đối với trẻ giai đoạn mới biết đi. Trẻ tự kỷ có thể có giao tiếp, kỹ năng xã hội và hành vi không điển hình. Đôi khi bé sẽ không thể đạt được các mốc quan trọng ở độ tuổi như những đứa trẻ khác hoặc bé có thể bị mất đi một số kỹ năng đã có trước đó.

Nếu nghi ngờ con của mình đang bị tự kỷ, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.

Có thể nói, việc chăm sóc trẻ 14 tháng tuổi là điều không hề dễ dàng với các bậc phụ huynh, nhất là những ai mới lần đầu làm cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng sẽ thấy vô cùng vui vẻ và hạnh phúc khi nhìn thấy con yêu khỏe mạnh, phát triển từng ngày, có đúng không nào!

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh