Sức khỏe của trẻ luôn là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Do đó, không khó hiểu khi rất nhiều người đều muốn biết trẻ ăn bưởi được không, hay bưởi mang đến những lợi ích gì đối với sức khỏe của trẻ.
1. Khi nào nên cho trẻ ăn bưởi?
Bưởi vốn được biết đến là loại trái cây thanh mát, được dùng sau bữa ăn của nhiều gia đình Việt. Do thuộc họ cam, quýt nên bưởi có vị hơi chua, chính vì điều này, phần lớn các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên rằng bạn chỉ nên cho trẻ ăn bưởi khi bé hơn 12 tháng tuổi.
Trẻ dưới 12 tháng tuổi vẫn có thể uống nước ép bưởi nhưng với một lượng rất nhỏ. Đây là cách nhằm giúp trẻ tránh được các vấn đề như tiêu chảy và đau dạ dày, bởi trong bưởi có chứa nhiều axit.
Xem thêm: ‘Mách nước’ 4 công thức nước ép bưởi thơm ngon, bắt mắt, bổ sung dưỡng chất cực tốt cho cơ thể
Ngoài ra, các loại trái cây họ cam, quýt như bưởi còn có thể gây ra tình trạng dị ứng. Do đó, với những trẻ trong giai đoạn ăn dặm, bạn chỉ nên cho con ăn từng chút một và quan sát cơ thể bé xem có xuất hiện các triệu chứng nổi mề đay, khò khè hoặc sốt phát ban sau khi ăn hay không?
Trẻ từ 1 – 6 tuổi, không bổ sung quá 120 – 180ml nước ép bưởi cho bé mỗi ngày. Nếu cho bé uống nước ép bưởi, bạn nên cho trẻ uống bằng ly, không nên uống bằng bình sữa. Lý do là vì đường trong nước ép bưởi có thể lắng đọng lại trong răng, gây ra tình trạng sâu răng nếu để bé “nhấm nháp” quá lâu với bình sữa.
Để làm loãng tính axit trong nước ép bưởi, bạn có thể thêm nước vào với tỷ lệ 3 phần nước nước bưởi, 1 phần nước.
2. Trẻ ăn bưởi có tác dụng gì?
Với hàm lượng dinh dưỡng đa dạng và nhiều, dưới đây là những tác dụng của bưởi đối với sức khỏe trẻ em:
2.1 Cung cấp nước
Nhờ chứa nhiều nước và có sự hiện diện của các chất điện giải, chẳng hạn như kali, nên ăn bưởi có thể giúp cung cấp nước cho cơ thể, bảo vệ cơ thể bé khỏi tình trạng bị mất nước.
2.2 Tăng khả năng miễn dịch
Bưởi chứa một lượng lớn vitamin A và C nên có khả năng tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt, nhờ hàm lượng vitamin C cao nên trẻ ăn bưởi có thể giúp cơ thể thoát khỏi sự xâm hại của virus hoặc vi khuẩn có hại. Khi cơ thể có khả năng miễn dịch mạnh mẽ sẽ giúp bé chống được nhiều loại bệnh khác nhau.
2.3 Cải thiện nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa
Hàm lượng chất xơ cao trong bưởi là thành phần quan trọng giúp duy trì và cải thiện hoạt động của nhu động ruột.
Bên cạnh đó, nhờ chứa các hợp chất hoạt tính sinh học, chẳng hạn như phenol và flavonoids nên nó có thể giúp tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột, giúp hỗ trợ hoạt động tiêu hóa.
2.4 Giúp làm lành vết thương
Trẻ em chơi đùa nhiều nên cơ thể dễ xuất hiện vết thương, tuy nhiên, nếu bé ăn bưởi thường xuyên sẽ giúp các vết thương nhanh hồi phục. Các vitamin C trong bưởi giàu enzyme cofactor, đây là một chất hoạt động như một tác nhân thúc đẩy sự tăng sinh collagen và protein, giúp các vết thương trên da hồi phục tốt hơn.
2.5 Ngăn ngừa thiếu máu
Vitamin C trong bưởi cũng là dưỡng chất quan trong giúp cải thiện hấp thu và đồng hóa sắt trong cơ thể - một khoáng chất giữ vai trò hình thành nên các tế bào máu.
Ngoài ra, trong trường hợp trẻ buộc phải bổ sung sắt, bạn có thể cho trẻ ăn kèm bưởi để giúp tăng khả năng hấp thu sắt cho cơ thể.
2.6 Giúp tóc khỏe mạnh
Bưởi là một nguồn dồi dào các dưỡng chất như vitamin A, C, B1, đây đều là những dưỡng chất giúp tóc mau mọc. Hơn thế, các khoáng chất như canxi, lưu huỳnh, sắt có trong bưởi cũng là những dưỡng chất cần thiết để giữ tóc bé được chắc khỏe.
3. Cách cho trẻ ăn bưởi theo từng mốc thời gian
Sự phát triển của trẻ là khác nhau, do đó, ở từng thời điểm sẽ có những cách ăn bưởi phù hợp để giúp đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé. Dưới đây là một vài gợi ý để bạn có thể cho bé ăn bưởi.
3.1 Trẻ 6 – 9 tháng tuổi
Cho bé uống nước bưởi pha loãng. Nếu bé đang tập ăn dặm BLW thì bạn cần tách nhỏ các tép bưởi, bỏ màng và hạt.
3.2 Trẻ 9 – 12 tháng tuổi
Cho bé ăn những miếng bưởi mỏng, vừa ăn. Bưởi phải được loại bỏ màng và hạt để bé có thể tự cầm nắm.
3.3 Trẻ 12 – 24 tháng tuổi
Tiếp tục cho bé ăn những miếng bưởi với kích thước vừa ăn, bưởi vẫn phải được loại bỏ màng và hạt. Mẹ có thể khuyến khích trẻ ăn bằng nĩa. Nếu bé từ chối thức ăn trong giai đoạn này mẹ cũng không cần quá lo lắng vì đây là giai đoạn bé đang bắt đầu hình thành sở thích cá nhân.
3.4 Trẻ sau 24 tháng tuổi
Bé có thể ăn bưởi thoải mái, nhưng không nên cho bé ăn quá nhiều bưởi cùng lúc vì có thể khiến bé bị khó chịu.
4. Lưu ý cần nhớ khi cho trẻ ăn bưởi
Tác dụng của bưởi đối với trẻ em là rất tốt, tuy nhiên, bạn nên nhớ một vài điều lưu ý sau đây khi cho trẻ ăn bưởi:
4.1 Không cho trẻ ăn bưởi khi dùng một số loại thuốc
Với những trẻ bị ốm và đang được chỉ định dùng thuốc kháng sinh thì bạn không nên cho bé ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi sau khi uống thuốc. Bởi điều này có thể gây ra tương tác thuốc khiến trẻ có thể bị đau cơ, chậm phát triển, thậm chí là gặp các vấn đề về thận.
4.2 Trẻ bị tiêu chảy không nên ăn bưởi
Trẻ đang bị tiêu chảy ăn bưởi có thể khiến tình trạng càng thêm nghiêm trọng. Ngoài ra, nếu trẻ từng bị dị ứng với các loại trái cây họ cam, quýt bạn cũng không nên cho bé ăn bưởi.
Như vậy, bưởi là thực phẩm lành mạnh đối với trẻ em. Những tác dụng của bưởi đối với trẻ đã được nghiên cứu và chứng minh, tuy nhiên, bạn vẫn cần có thêm ý kiến của chuyên gia trước khi thêm bưởi vào chế độ ăn của trẻ dưới 1 tuổi để đảm bảo an toàn sức khỏe của bé.
🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.
Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html
Youtube: youtube.com/c/NhipSongKhoeVOH
Fanpage Facebook: fb.com/MeVaBeVOH/
Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh
Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/mevabevoh