4 cách bảo quản nấm rơm tươi ngon, không mốc và lâu bị hỏng

VOH - Là một người nội trợ đảm đang, bạn đã biết cách bảo quản nấm rơm luôn tươi ngon cả tuần mà vẫn giữ được giá trị các chất dinh dưỡng?

Nấm rơm là một thực phẩm khá quen thuộc trong mâm cơm người Việt. Vì nó dễ chế biến nên được nhiều gia đình ưa chuộng và yêu thích. Thế nhưng, loại nguyên liệu này cũng trở nên nguy hiểm, chứa độc tố nếu không được bảo quản đúng. Hãy cùng VOH xem qua những cách bảo quản nấm rơm đơn giản, hiệu quả dưới đây.

Lợi ích của nấm rơm trong cuộc sống

Nấm rơm (nấm mũ) thường được trồng ở những khu vực có độ ẩm cao, đất tơi xốp và ít ánh nắng. Với mùi thơm nhẹ và vị ngọt tự nhiên, nấm rơm không chỉ là nguyên liệu tuyệt vời để chế biến nhiều món ăn ngon mà còn mang đến các dưỡng chất có ích cho sức khỏe con người.

  • Hỗ trợ điều trị ung thư: Nấm rơm chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên, làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư và phòng ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh.
  • Tăng cường sức đề kháng: Các polysaccharide trong nấm rơm có tác dụng kích thích hệ miễn dịch. Đồng thời, giúp tăng cường sức đề kháng và sản sinh ra tế bào miễn dịch. Nhờ đó, cơ thể có khả năng tự chống lại bệnh tật.
  • Hỗ trợ giảm cân: Với hàm lượng dinh dưỡng cao và ít calo, nấm rơm là một lựa chọn lý tưởng cho thực đơn giảm cân. Nhờ lượng đạm, chất béo, protein, bột đường, chất xơ, canxi,... dồi dào, giúp tạo cảm giác no lâu. Từ đó, kiểm soát cân nặng tốt hơn.
  • Tốt cho người bệnh tiểu đường: Ăn nấm rơm có thể giúp cơ thể tiết ra nhiều insulin hơn, hỗ trợ hạ đường huyết và có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp.
  • Bảo vệ sức khỏe tim mạch: Ăn nấm rơm thường xuyên giúp cải thiện lưu thông máu, bảo vệ chức năng tim mạch và giảm nguy cơ mắc các bệnh như mỡ trong máu, bệnh mạch vành, thậm chí là đột quỵ.
  • Chống lão hóa: Hàm lượng chất chống oxy hóa trong nấm rơm giúp hạn chế sự tấn công của các gốc tự do vào tế bào, duy trì làn da khỏe mạnh.
voh-cach-bao-quan-nam-rom-1
Nấm rơm là thực phẩm giàu dinh dưỡng - Ảnh: Canva

Cách bảo quản nấm rơm

Nấm rơm sẽ nhanh hỏng, có mùi lạ, thậm chí sản sinh ra các độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, chúng ta cần biết cách bảo quản nấm rơm khoa học để bảo vệ bản thân và gia đình. Sau đây là một số “bí kíp” mà bạn có thể tham khảo.

Trong ngăn mát tủ lạnh

Tủ lạnh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo quản thực phẩm. Bởi nó hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn, đồng thời giữ cho thực phẩm luôn tươi ngon. Tuy nhiên, để giữ nấm rơm lâu hơn, bạn cần lưu ý các bước sau:

  • Bước 1: Sau khi mua nấm rơm về, bạn nên rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn. Hãy để nấm ráo nước hoặc dùng khăn mềm thấm khô hoàn toàn.
  • Bước 2: Bạn cho nấm vào hộp thủy tinh hoặc hộp nhựa có nắp đậy kín. Đừng quên điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh ở mức từ 10 - 15 độ C.
  • Bước 3: Khi sử dụng, chỉ cần lấy lượng nấm rơm vừa đủ và đậy nắp hộp lại để tiếp tục bảo quản. Với cách này, nấm rơm có thể giữ được độ tươi ngon từ 4 - 5 ngày.

Trong ngăn đá tủ lạnh

Nấm rơm sau khi thu hoạch nên được sử dụng trong vòng 12 giờ để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Muốn bảo quản nấm rơm một cách hiệu quả, bạn có thể dùng ngăn đá hoặc tủ đông.

  • Bước 1: Hãy làm sạch bằng cách nhặt bỏ rác, cắt bỏ phần gốc dính đất và rửa sạch.
  • Bước 2: Bạn chần nấm trong nước sôi khoảng 1 - 2 phút. Sau đó, vớt ra và ngâm ngay vào nước lạnh để nấm rơm giữ được độ giòn.
  • Bước 3: Khi nấm nguội, nhanh chóng vớt ra và để ráo. Tiếp đến, bạn cho nấm vào túi zip, hút chân không để loại bỏ không khí.
  • Bước 4: Đặt túi nấm vào ngăn đá tủ lạnh để bảo quản.
voh-cach-bao-quan-nam-rom-2
Nấm rơm là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon - Ảnh: Canva

Ngâm nước muối

Để bảo quản nấm rơm hiệu quả và giữ nấm tươi ngon như mới mua, bạn có thể áp dụng phương pháp ngâm với nước muối.

  • Bước 1: Bạn cần cắt bỏ phần gốc bị dính bùn đất hoặc rơm rạ và rửa sạch.
  • Bước 2: Đun một nồi nước sôi có pha ít muối, sau đó cho nấm vào luộc trong vài phút để làm tế bào nấm ngưng hoạt động.
  • Bước 3: Vớt nấm ra và ngâm vào nước lạnh trong khoảng 5 phút để làm nguội.
  • Bước 4: Hãy ướp nấm với muối khô để muối hút hết nước trong nấm.
  • Bước 5: Để nấm ráo và cho vào hũ ngâm với nước muối có nồng độ 20% - 30%.

Lưu ý: Bạn nên thường xuyên kiểm tra xem màu nước có bị đục không. Nếu nước có dấu hiệu đục, hãy thay nước mới. Phương pháp này giúp nấm rơm giữ được sự tươi ngon trong vài tháng.

Phơi khô, sấy khô

Bảo quản nấm rơm theo phương pháp phơi khô, sấy khô sẽ mang đến hiệu quả bất ngờ. Với cách này, bạn có thể giữ nấm trong thời gian khoảng 6 tháng.

  • Bước 1: Loại bỏ phần gốc dính đất và chẻ nấm làm đôi.
  • Bước 2: Hãy đem nấm đi phơi khô. Bạn có hai lựa chọn:

Phơi khô tự nhiên: Trải nấm ra ngoài và phơi dưới ánh nắng. Nếu ngày đầu nấm vẫn chưa khô, hãy tiếp tục phơi vào ngày hôm sau cho đến khi nấm khô hoàn toàn.

Sấy khô: Đặt nấm vào máy sấy với nhiệt độ khoảng 40 - 43 độ C và sấy trong khoảng 8 tiếng để nấm khô đều.

Cách bảo quản các loại nấm khác

Nấm kim châm

Nấm kim châm là một nguyên liệu phổ biến nhưng cũng dễ có nguy cơ gây ngộ độc nếu bảo quản không đúng cách. Do đó, bạn nên đặt chúng trong tủ lạnh ở nhiệt độ thấp từ 1 - 5 độ C. Đồng thời, tránh thay đổi nhiệt độ liên tục, chẳng hạn như đưa nấm vào tủ lạnh rồi lấy ra thường xuyên.

voh-cach-bao-quan-nam-rom-3
Nấm kim châm nếu không được bảo quản đúng cách sẽ dễ sinh ra độc tố - Ảnh: Canva

Nấm bào ngư

Thông thường, nấm bào ngư được bán theo từng cụm. Vì vậy, khi mua về, bạn nên làm theo các bước sau để bảo quản nấm trong tối đa 1 tháng.

Đầu tiên, hãy gọt bỏ phần chân nấm (cùi nấm) và tách riêng từng sợi nấm. Tiếp theo, cho nấm vào nước đun sôi khoảng 15 phút rồi vớt ra để ráo nước. Cuối cùng, cho nấm bào ngư vào hộp hoặc túi zip và cất vào tủ đông.

Hy vọng với những “thủ thuật” trên đây sẽ giúp mọi người biết cách bảo quản nấm rơm lâu hư, giữ được độ tươi ngon từ vài ngày đến vài tháng. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng ngay sau khi mua về để hàm lượng chất dinh dưỡng trong nấm không bị mất đi.

Đừng quên theo dõi chuyên mục Mẹo vặt của voh.com.vn để cập nhật những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận