Cựu binh Nguyễn Văn Kỷ - sáng mãi phẩm chất người lính cụ Hồ

VOH - 49 năm chiến thắng 30/4/1975, nhiều cựu binh ngày ấy đã ra đi do tuổi tác nhưng ký ức lịch sử vẫn vẹn nguyên trong tim họ - người lính cụ Hồ.

Mỗi dịp đến tháng 4, ký ức về những tháng ngày tự hào của dân tộc lại ùa về.

Lịch sử đất nước mãi mãi ghi đậm khoảnh khắc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Từ đây, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất.

49 năm sau ngày giải phóng, Việt Nam từ một nước nghèo, vượt qua mọi gian lao, thử thách, từng bước giành những thắng lợi to lớn, trở thành một trong những quốc gia thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Nhìn lại chặng đường 49 năm qua, chúng ta càng thêm tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc cũng như những cống hiến, hi sinh của các anh hùng chiến sĩ năm xưa.

dai-thang-mua-xuan-1975-2804
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 - Ảnh tư liệu

Là người trực tiếp chiến đấu, có mặt trong đội hình tiến vào sào huyệt cuối cùng, chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn, chia sẻ cảm xúc về thời khắc lịch sử ấy cựu chiến binh Nguyễn Văn Kỷ, phường Hưng Thành (thành phố Tuyên Quang) - người lính cuối cùng nhân chứng trên chiếc xe tăng húc cổng Dinh Độc Lập năm đó tự hào kể:

Ông vinh dự là một trong 4 người lính điều khiển chiếc xe tăng mang số hiệu 834. Đây là kíp lái được mệnh danh "kíp lái thép" do Đại đội trưởng, Trung úy Bùi Quang Thận (quê Thái Bình) chỉ huy; lái xe Lữ Văn Hỏa, pháo thủ số 1 Thái Bá Minh và ông - pháo thủ số 2, luôn tiên phong trong các trận đánh lớn.

Ngày 24/4/1975, đơn vị ông nhận lệnh tập kết tại một đồn điền cách Sài Gòn 100km chuẩn bị tấn công Sài Gòn từ hướng Đông.

Ngày 29/4, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận thông báo, đơn vị được nhận nhiệm vụ triển khai đánh chiếm Dinh Độc Lập.

Khoảng 9 giờ ngày 30/4, đơn vị ông cùng với Đại đội tăng số 4 được lệnh phá vỡ thế phòng ngự địch, mở đường quyết tử vượt cầu Sài Gòn và nhanh chóng chiếm cầu Thị Nghè.

xe-tang-834
Xe tăng 843 tiến vào Dinh Độc Lập - Ảnh tư liệu 

Trên đường đến Dinh Độc Lập, xe tăng 843 bắn cháy 3 xe tăng và bọc thép của địch; 11 giờ ngày 30/4/1975, xe tăng húc vào cổng phụ của Dinh Độc Lập, sau đó bị chết máy.

Xe tăng 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy; kíp xe gồm Ngô Sĩ Nguyên-pháo thủ số 1, Lê Văn Phượng-Đại đội phó kỹ thuật, Nguyễn Văn Tập-lái xe đi sau lập tức xông lên húc đổ cánh cổng chính.

Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhảy ra khỏi xe và chạy lên nóc Dinh Độc Lập cắm lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đây là sự kiện đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến giành giải phóng dân tộc. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kỷ chia sẻ, đó là giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời của ông.   

“Khi lá cờ chính quyền Sài Gòn bị giật xuống, cờ Mặt trận giải phóng miền Nam được cắm trên nóc Dinh Độc lập, chúng tôi đã ôm nhau cười, khóc vì sung sướng. Sau bao nhiêu năm bom đạn, cuối cùng hai miền đất nước được thống nhất”, ông Kỷ nhớ lại.

Nguyen-van-ky
Người lính cuối cùng nhân chứng trên chiếc xe tăng húc cổng Dinh Độc Lập (thứ 2 từ phải sang) - Ảnh tư liệu

Trở về sau chiến tranh, cuộc sống của ông Nguyễn Văn Kỷ thầm lặng, bình dị với công việc làm nông tại tỉnh Tuyên Quang. Lúc rảnh rỗi, ông phụ thêm nghề vá xe, đan rổ rá, mài dao kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống. Ham công tiếc việc là vậy, nhưng mỗi khi được các cơ quan, đơn vị mời đi nói chuyện truyền thống, ông Kỷ đều gác bỏ việc nhà và nhận lời ngay.

Giữa những ngày cả nước tưng bừng chào đón kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), tiếc thay bệnh tật đã cướp đi người cựu chiến binh - nhân chứng lịch sử đặc biệt Nguyễn Văn Kỷ - pháo thủ số 2 trên chiếc xe tăng 843. 

Ông vừa ra đi ở tuổi 72 tại tổ 2, phường Hưng Thành (thành phố Tuyên Quang). Năm nay, dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong cuộc hội ngộ của những người lính xe tăng đã thiếu vắng thêm một người đồng đội Nguyễn Văn Kỷ. Ông mãi xứng đáng là người lính Cụ Hồ đáng trân trọng, trung thành, đoàn kết, vì nước, vì dân.