Có thể thấy, dù ở bất cứ đâu trên thế giới, sự giao thoa nhiều nền văn hóa khác nhau không chỉ ảnh hưởng lối sống mà còn tác động tới cả nét đẹp kiến trúc của những công trình xây dựng. Đây có lẽ cũng chính là ngọn nguồn cho ra đời phong cách Đông Dương trong thiết kế nhà cửa, khi mà có sự du nhập từ phương Tây vào Đông Nam Á từ thế kỉ XIX.
1. Phong cách Đông Dương là gì?
Theo ghi chép lịch sử, Đông Dương (Indochina) chính là tên gọi chung mà Pháp dùng để chỉ các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Malaysia. Khi Pháp tiến đến nơi đây vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, họ đã mang toàn bộ tinh thần cổ điển trong kiến trúc đặt vào các công trình xây dựng.
Thế nhưng các kiến trúc sư Pháp cũng sớm nhận ra cần phải thay đổi theo hướng “nhập gia tùy tục” để thích nghi với khí hậu nóng ẩm, cảnh quan và thậm chí cả văn hóa của khu vực bán đảo Trung - Ấn này. Do vậy, phong cách Đông Dương được “khai sinh”, hòa trộn hài hòa văn hóa phương Đông với nét đẹp phương Tây, cụ thể là Pháp.
2. Đặc trưng của thiết kế nội thất phong cách Đông Dương
Cho tới ngày nay những công trình kiến trúc phong cách Đông Dương vẫn luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng người luôn trân trọng giá trị vẻ đẹp truyền thống nhưng đầy cởi mở, sẵn sàng đón nhận sự cách tân từ phương Tây.
Để đảm bảo vừa thể hiện vẻ giản dị, truyền thống Á Đông, vừa toát lên nét sang trọng, cổ điển Châu Âu, các ngôi nhà theo phong cách Đông Dương thường mang những đặc trưng thiết kế sau:
2.1 Kiến trúc
Chúng ta biết rằng các quốc gia nằm trong khu vực bán đảo Đông Dương như Việt Nam chịu ảnh hưởng của kiểu khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Do đó, kiến trúc của mỗi ngôi nhà phong cách Đông Dương phải giải quyết được vấn đề thoát ẩm tốt và tạo không gian thông thoáng.
Chú trọng thiết kế mái ngói có độ dốc vừa phải, uốn cong, lắp đặt sê nô nằm dọc mái để thu và thoát nước mưa nhanh chóng. Tạo khoảng không gian dành hành lang chạy dài bên hông hoặc trước cửa nhà.
Ngôi nhà có kết cấu mở, đem lại cảm giác thoáng đãng nên thường bố trí khá nhiều cửa sổ, cửa chớp. Ngoài ra, trong kết cấu của ngôi nhà phong cách Đông Dương cũng bao gồm giếng trời – bộ phận đảm nhiệm chức năng hút ánh sáng tự nhiên cùng gió trời.
Xem thêm: Giếng trời – khoảng không gian đưa căn nhà của bạn gần gũi với thiên nhiên ngay trong lòng phố
2.2 Chất liệu
Có thể nói chất liệu chính là yếu tố giữ lại hồn cốt của nét đẹp Đông phương trong phong cách này. Phần lớn các nội thất trang trí như bàn ghế, tủ, giường đều được làm từ chất liệu tự nhiên rất gần gũi và gắn bó với người dân xứ Đông Dương, kể đến như tre nứa, gỗ.
Cùng với đó, bước vào căn nhà điểm thu hút bạn đầu tiên chắc hẳn sẽ là sàn nhà lát bằng chất liệu gạch nung với màu sắc, họa tiết độc đáo.
2.3 Màu sắc
Ngắm nhìn những ngôi nhà theo phong cách Đông Dương chúng ta dễ dàng nhận ra gam màu chủ đạo được lựa chọn là nhóm màu trung tính như vàng nhạt, vàng kem, trắng hoặc nâu, tạo nên không gian mộc mạc nhưng cũng không kém phần tinh tế.
2.4 Nội thất
Nói đến điểm nổi bật của các thiết kế nội thất trong căn nhà mang phong cách Đông Dương sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới những họa tiết hoa văn cực kì độc đáo. Theo đó, những họa tiết được điêu khắc, in ấn tỉ mỉ trên gạch lát sàn, cánh cửa, thảm lót, phản, bình phong, sập gụ, tủ chè.
Họa tiết hoa văn được lựa chọn rất đa dạng, mang đậm màu sắc văn hóa và quan niệm tâm linh của người phương Đông (đặc biệt theo hơi hướng Phật giáo). Điển hình phải kể đến:
- Hình Kỷ Hà: Chủ yếu lồng ghép nhiều hình khối như tam giác, hình chữ nhật, hình thoi theo quy tắc đối xứng, so le hoặc lặp đi lặp lại.
- Họa tiết chữ: Kiểu họa tiết này có ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, phản ánh đường nét của chữ Hán, có thể là chữ Phúc, Lộc, Thọ, Hỷ.
- Họa tiết Tứ Quý: Bốn loại cây Tứ Quý: Tùng – Cúc – Trúc – Mai tượng trưng cho bốn mùa trong năm, đem lại vẻ đẹp thanh tao và nhã nhặn.
- Họa tiết Tứ Linh: Họa tiết này khắc họa hình ảnh của Tứ Linh: Long – Lân – Quy – Phụng, thường kết hợp cùng các họa tiết khác, hiếm khi đứng một mình.
Bên cạnh những đồ nội thất truyền thống, còn có sự xuất hiện của món đồ hiện đại từ phương Tây như đồng hồ quả lắc, đèn ngủ hay quạt trần.
3. Có nên thiết kế nội thất phong cách Đông Dương hay không?
Việc lựa chọn theo đuổi kiểu phong cách thiết kế nào sẽ tùy thuộc vào gu thẩm mỹ, sở thích cá nhân, diện tích không gian cũng như điều kiện tài chính của gia chủ. Vì vậy nếu bạn say mê vẻ đẹp dung dị, mộc mạc của Á Đông nhưng vẫn muốn bắt kịp nhịp sống đương đại thì phong cách Đông Dương là dành cho bạn.
Phong cách này phù hợp với hầu hết kiểu không gian, dù là nhà có sân vườn rộng rãi hay nhà phố nhỏ hẹp, thậm chí ngay cả ở các căn hộ chung cư.
4. Các mẫu thiết kế nội thất phong cách Đông Dương
Dễ dàng nhận thấy rằng phong cách Đông Dương góp phần kiến tạo ngôi nhà phảng phất hồn xưa nhưng không cũ, lồng ghép khéo léo và tinh tế trào lưu nghệ thuật hội họa phương Đông.
Cùng tham khảo một số mẫu thiết kế mang “hơi thở” của phong cách độc đáo này nhé.
Nếu đang mong muốn có một chốn bình yên, trầm lắng, đủ để khiến mình cảm thấy thư giãn và đáp ứng được những tiện ích trong đời sống hiện đại thì đừng bỏ qua phong cách Đông Dương bạn nhé!
Địa chỉ: Lầu 10, 801 Nguyễn Văn Linh, P. Tân Phú, Q.7, TP. HCM
Tel: (028) 5411-9999 - Fax: (028) 5411-5999
E: info@phumyhung.com.vn