Đăng nhập

Vai trò liên kết vùng trong phát triển TPHCM

00:00
00:00
00:00
VOH - Nghị quyết 31 và Nghị quyết 98 đều định hướng phát triển TPHCM, đồng thời phát huy thế mạnh của liên kết vùng khi thành phố nằm trong vùng Đông Nam bộ - cực tăng trưởng của cả nước.

Liên kết vùng là một phương thức phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, tạo lợi thế cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế cho vùng thông qua việc kết nối về không gian kinh tế - tự nhiên, kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 31 và Nghị quyết 98 cùng đặt ra yêu cầu TPHCM đóng vai trò đầu tàu kinh tế, trở thành đô thị theo hướng đa trung tâm, mô hình TOD (phát triển đô thị dọc theo các tuyến giao thông lớn). Có thể thấy cả hai nghị quyết đã nhìn nhận được rằng TPHCM không thể phát triển mà không có sự kết nối với các vùng lân cận. Nhiệm vụ trọng tâm không chỉ tập trung cho riêng TPHCM mà hướng đến xa hơn là sức lan tỏa, tiếp động lực cho các khu vực khác cùng phát triển.

Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ vào tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM giữ vững quan điểm mở rộng liên kết vùng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước.

Chủ tịch Phan Văn Mãi tại hội nghị cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam bộ. Trong đó, về công tác lập quy hoạch TPHCM với vai trò là trung tâm của vùng gắn với định hướng kết nối đô thị, kết cấu hạ tầng, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng.

[Gửi chị Thi] Vai trò liên kết vùng trong phát triển TPHCM 1Xem toàn màn hình
Ảnh minh họa - Nguồn: QĐND

Vấn đề liên kết vùng dù đã được nhìn nhận nhưng thời gian qua vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023, Tiến sĩ Trần Du Lịch đánh giá thực tế “đầu tàu” TPHCM đang tăng trưởng chậm, cần xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng… Nghị quyết 98 của Quốc hội là chế định mang tính hình thức và cả nội dung, sẽ góp phần giúp cho TPHCM cải cách, nâng cao quản trị cải cách hành chính địa phương.

Tại Hội thảo "Cơ chế đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ: Đề xuất cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng", báo cáo của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới chỉ ra vùng Đông Nam Bộ là động lực tăng trưởng của cả nước, nhưng vai trò này đang dần suy giảm.

Kết cấu hạ tầng vùng còn yếu, thiếu tính kết nối và đồng bộ. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra. Phát triển công nghiệp trong vùng còn thiếu tính bền vững…

Nhóm chuyên gia đề xuất thiết lập cơ chế phối hợp tập trung vốn giữa Trung ương với địa phương và giữa các địa phương. Cùng với đó là tăng cường cơ chế huy động vốn tư nhân và xây dựng mô hình hoạt động cho Quỹ phát triển hạ tầng vùng.

Để phát huy hết giá trị của liên kết vùng, TPHCM cần tập trung thực hiện đồng bộ, đồng loạt nhiều nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, viễn thông, logistics, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh các dự án trọng điểm quốc gia…khơi thông các “điểm nghẽn”, tạo nền tảng vững chắc và tạo đà giúp thành phố bứt phá, qua đó duy trì vị trí trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các cơ chế mới trong Nghị quyết 31 và Nghị quyết 98 sẽ giúp TPHCM tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nhanh chóng thực hiện liên kết vùng đạt hiệu quả cao. Từ đó giúp quá trình đô thị hóa và phát triển của TPHCM cũng như thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Bình luận