*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim.
Trong những ngày gần đây, Đất Rừng Phương Nam là tác phẩm được “réo tên” nhiều nhất trên mạng xã hội. Những tranh cãi xoay quanh diễn viên, phục trang hay những chi tiết nhỏ trong phim liên tục được bàn tán xôn xao.
Kể từ ngày phim bắt đầu mở suất chiếu sớm, hàng loạt bài review được đăng tải trên các hội nhóm. Trong số đó, phần nhiều mang hàm ý tiêu cực, “bới lông tìm vết” và ngầm kêu gọi không nên đi xem.
Ở một diễn biến khác, dù chỉ mới mở các suất chiếu sớm từ ngày 13/10 nhưng đến nay, Đất Rừng Phương Nam đã vượt mốc 50 tỉ đồng doanh thu. Con số này được dự đoán sẽ còn tăng mạnh khi phim chính thức phát hành vào ngày 20/10 sắp tới.
Trailer Đất Rừng Phương Nam
Giữa hai chiều hướng đối nghịch đó, nhiều khán giả chưa xem phim vẫn đang băn khoăn không biết có hay không nên bỏ Đất Rừng Phương Nam vào danh sách phim cần xem của mình trong thời gian tới. Trong bài viết này, người viết sẽ không hướng bạn đọc theo bất kỳ lựa chọn nào. Nhưng trên tinh thần của một khán giả đã xem phim, hy vọng rằng bài review sau sẽ hữu ích với bạn.
Thông tin phim Đất Rừng Phương Nam
- Ngày phát hành: 20/10/2023
- Suất chiếu sớm: từ ngày 13/10/2023
- Thể loại: Sử thi/Tâm lý/Chính kịch
- Đạo diễn: Nguyễn Quang Dũng
- Nhà sản xuất: Trấn Thành, Nguyễn Trinh Hoan
- Kịch bản: Nguyễn Vinh Sơn, Trấn Khánh Hoàn
- Diễn viên: Huỳnh Hạo Khang, Đỗ Kỳ Phong, Bùi Lý Bảo Ngọc, Tuấn Trần, Tiến Luật, Băng Di, Trấn Thành, Hứa Vĩ Văn, Tuyền Mập, Mai Tài Phến, Huỳnh Đông, Công Ninh, Hồng Ánh
Về nội dung, Đất Rừng Phương Nam là thước phim về hành trình đi tìm cha của An (Hạo Khang) sau khi thực dân Pháp phát hiện ra thân phận của cha cậu - Hai Thành (Huỳnh Đông) là người theo cách mạng.
Trên đường đi, An và mẹ (Hồng Ánh) phải cách biệt âm dương khi vô tình rơi vào cuộc bạo động của người dân địa phương. Khi đang đơn độc một mình, An gặp nhiều người, trong đó có cả ân nhân và kẻ thù như Út Lục Lâm (Tuấn Trần), ông Tiều (Tiến Luật), bé Xinh (Bảo Ngọc), thầy giáo Bảy (Hứa Vĩ Văn), bà Tư Mắm (Băng Di), Cò (Đỗ Kỳ Phong)…
Lấy nhân vật An và câu chuyện tìm cha làm trọng tâm, phim miêu tả đan xen vẻ đẹp mộc mạc và bình dị của mảnh đất phương Nam, cùng bản chất của những con người vùng đất phù sa màu mỡ: nghĩa tình, thật thà và hào sảng.
Tự hào cảnh sắc Việt
Sau 110 phút theo dõi, điều ấn tượng nhất và làm người xem cảm thấy tự hào chính là vẻ đẹp của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những thước phim đại cảnh từ trên cao nhìn xuống soi rọi cảnh quan thiên nhiên gần gũi nhưng đẹp đến nao lòng. Từng dòng sông nước chảy êm đềm đến mảng xanh rờn của rừng U Minh hay những cánh đồng bao la, bạt ngàn… Tất cả đều đậm nét Nam Bộ.
Đặt lên bàn cân với bản truyền hình, hình ảnh trong phim điện ảnh được xem có phần hiện đại hơn. Tuy vậy, so về bản chất thì đây lại cách khai thác thông minh bởi tôn được chất điện ảnh cũng như nét đẹp sẵn có của thiên nhiên Việt Nam.
Xét cho cùng, Đất Rừng Phương Nam được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và Đất Phương Nam, chứ không phải là bản làm lại, bám sát nguyên tác. Vì thế, lấy hình ảnh và tinh thần của bộ phim phát sóng năm 1997 để so sánh với tác phẩm điện ảnh thì lại có sự không đúng.
Xem thêm: Vai trò của Trấn Thành trong phim 'Đất Rừng Phương Nam' của Nguyễn Quang Dũng?
Dàn sao bản điện ảnh mỗi người một nét nhưng đã tròn vai?
Út Lục Lâm là nhân vật được kế thừa từ bản truyền hình, không có trong tiểu thuyết gốc của nhà văn Đoàn Giỏi. Nhân vật này được khắc họa là anh chàng sống lang bạt, kiếm ăn bằng nghề trộm cắp.
Sau biến cố mất mẹ, Út Lục Lâm là ân nhân đầu tiên của An, cho cậu miếng ăn, món nghề để sống và quan trọng hết là giúp cậu cảm nhận “mùi đời” khi đối mặt với những tình huống bất chợt.
Dù có sự khác biệt về tính cách lẫn tư tưởng sống nhưng hai anh em lại là "cặp bài trùng" thú vị, giúp tạo nên những tiếng cười giòn tan. Chung quy, Út Lục Lâm là một trong những nhân vật nổi bật nhất phim, được Tuấn Trần thể hiện tròn vai và tạo nên hiệu ứng tốt đến người xem.
Trong khi đó, thông qua vai An, diễn xuất của sao nhí Hạo Khang cũng được đánh giá cao. Ở những đoạn cảm xúc, cậu bé cho thấy khả năng của mình qua biểu cảm linh hoạt cùng tương tác ăn ý với bạn diễn.
Lạc mất Út Lục Lâm, ông Tiều (Tiến Luật) và bé Xinh trở thành ân nhân thứ hai của An. Nếu như anh trai trộm cắp đưa An "vào đời" thì cha con làm nghề mãi võ, bán thuốc giúp An khám phá và có cái nhìn rõ nét về tâm hồn của chính mình.
Sống và chơi chung với Xinh, Cò giúp An tìm lại nụ cười trẻ thơ và trải nghiệm những điều bình dị đúng với lứa tuổi của mình. Đồng cảnh ngộ mất đi người thân, Xinh còn giúp An tìm cách trò chuyện với mẹ sau bao ngày chới với.
Ngoài công việc nêu trên, ông Tiều còn là thành viên của Chính Nghĩa đoàn với tính cách rạch ròi, không vụ lợi. Vào vai nghiêm nghị khác với những nhân vật trước đây, Tiến Luật thuyết phục người xem bởi thể hiện tốt tính kiên định, từ tốn của con nhà võ.
Ngoài nét mặt thì phong thái mà nam diễn viên mang đến tựa như luồng gió mới, khác với bầu không khí náo nhiệt, vội vã mà Út Lục Lâm mang lại.
Xem thêm: Tiến Luật dự đoán Đất Rừng Phương Nam thu về 600 tỷ, sẵn sàng bao rạp với một điều kiện…
Vào vai bác Ba Phi bịa chuyện, thời lượng Trấn Thành xuất hiện trên phim không nhiều. Nhân vật này như được “đo ni đóng giày” cho nam diễn viên vì có chung tính cách hoạt ngôn, nói chuyện vui vẻ. Thế nhưng, tổng quan tạo hình và cách anh thể hiện lại chưa được hoàn chỉnh.
Dù vẻ ngoài đứng tuổi, râu tóc lấm tấm bạc, nhưng bước đi của bác Ba Phi khi vững khi không. Ngoài ra, Trấn Thành không tạo được cảm giác mới lạ so với những vai diễn trước đây. Anh vẫn cố gắng nhét vào thoại những câu đạo lý dài dòng và thể hiện nó bằng lối diễn cường điệu, làm người xem cảm thấy ngán ngẩm.
Một trong những vai phản diện nổi bật của phim - bà Tư Mắm do Băng Di thể hiện. Khoác lên mình hai nhân cách thiện và ác, Băng Di về cơ bản thuyết phục được người xem vì thể hiện được một nhân vật ranh ma và xảo quyệt.
Tuy nhiên, tính độc ác của bà Tư Mắm được lột tả khá “nhẹ nhàng”, hoặc có thể vì cảnh quay chuyển đổi quá nhanh nên ánh mắt cùng ngôn ngữ hình thể của Băng Di vẫn chưa đủ để làm hài lòng những khán giả khó tính.
Ngoài những nhân vật trên, Đất Rừng Phương Nam còn giới thiệu loạt nhân vật khác, có vai trò quan trọng trong tổng thể câu chuyện. Với sự xuất hiện của nhiều cái tên mới, phim đã không thể cân chỉnh được mức độ khai thác các nhân vật.
Điều này làm cho nội dung phim trở nên dài dòng, một số chi tiết không đọng lại nhiều trong ký ức của người xem, còn khán giả thì không thể hiểu hết tâm lý nhân vật.
Đất Rừng Phương Nam cảm xúc và thuyết phục?
Bộ phim làm khán giả lâng lâng bởi tinh thần yêu nước của người dân phương Nam. Đó là thầy giáo Bảy chọn dùng lời ca để đánh động trái tim của người dân, đó là ông Tiều cắn lưỡi quyết không khai bất kỳ thông tin cho giặc hay Hai Thành vì việc nước mà quên việc nhà. Từng cá nhân với những hy sinh riêng đã làm nên “bản anh hùng ca”, đánh vào tâm lý của người xem.
Thế nhưng, kể về câu chuyện của vùng Nam Bộ nhưng bộ phim đôi khi đánh mất cái chất của con người và vùng đất này. Thêm vào đó, một số phân cảnh vì được lồng tiếng nên dễ làm khán giả tụt cảm xúc, không thể đồng cảm với cảm xúc của nhân vật.
Đất Rừng Phương Nam gây tranh cãi về những yếu tố lịch sử. Sự lan truyền của những quan điểm cứng ngắc dựa trên góc độ cá nhân, sức ảnh hưởng quá lớn từ bản truyền hình... Tuy vậy, liệu có quá vội vàng để bài trừ hay xem phim với cái nhìn cực đoan?
Thực tế, ngay cả với những bộ phim Hollywood, hiếm khi có được tác phẩm có thể chiều lòng tất cả khán giả. Xét cho cùng, Đất Rừng Phương Nam là phim điện ảnh Việt có giá trị nghệ thuật và sự đầu tư.
Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim giải trí với đủ các yếu tố về tình cảm gia đình, tính hài hước, hình ảnh đẹp mắt, tính nghệ thuật … Đây sẽ là lựa chọn đáng xem.
Tuy nhiên, với những khán giả khó tính, mong đợi cảm nhận một lần nữa tinh thần của bộ phim xưa với những góc nhìn khắc khe, thì Đất Rừng Phương Nam khó lòng đáp ứng được.
Đất Rừng Phương Nam chính thức phát hành từ ngày 20/10/2023 trên toàn quốc. Và đừng quên, cùng VOH giải trí cập nhật thông tin phim ảnh mỗi ngày tại chuyên mục phim ảnh nhé!