Gần đây, hẳn Trường Nguyệt Tẫn Minh là cái tên đang chiếm sóng màn ảnh nhỏ Hoa ngữ nhờ nội dung hấp dẫn và kỹ xảo bắt mắt. Nhưng thật khó hiểu khi Youku bỗng tung ra thêm Lăng Vân Chí (IP Đại Bát Hầu) tại thời điểm "người người nhà nhà" đang quan tâm câu chuyện của La Vân Hi và Bạch Lộc sẽ SE hay không.
Đáng nói, Lăng Vân Chí thuộc thể loại cổ trang huyền huyễn đã "đắp chiếu" gần 6 năm. Những tưởng không có cơ hội ra mắt khán giả, nhưng phim đang được phát hành trên nền tảng Youku với diễn xuất chính của Lâm Phong và Tưởng Mộng Tiệp.
Do "sai thời điểm" đã khiến cho Lăng Vân Chí lập tức trở thành "con ghẻ" đối với mọt phim? Chúng ta hãy cùng nhau tham khảo qua một số cảm nhận từ khán giả để xem thử tác phẩm này có tệ đến mức thảm hại như vậy không nhé!
Xem thêm: Phim Hoa ngữ tháng 4/2023: Trường Nguyệt Tẫn Minh sẽ lên sóng, Hộ Tâm tiếp tục lỡ hẹn
Đôi nét về Lăng Vân Chí (Đại Bát Hầu)
Phim cổ trang huyền huyễn Lăng Vân Chí được chuyển thể từ IP Đại Bát Hầu (một tác phẩm kể chuyện Tây Du Ký khá kinh điển). Trong tiểu thuyết này, cốt truyện chủ yếu dựa trên sự việc Tôn Ngộ Không đại náo Thiên cung đồng thời tiến hành sửa đổi hư cấu một số lượng lớn các nhân vật trong tiểu thuyết Tây Du Ký.
Thông tin phim
- Tên tiếng Trung: 凌云志
- Tên tiếng Anh: The Legends of Monkey King
- Tên khác: 大泼猴/Đại Bát Hầu
- Thể loại: Cổ trang, Quyền mưu, Nghịch chiến (lội ngược dòng)
- Công ty sản xuất: Thế Tượng Media, Youku, Phim ảnh Đường Đức
- Quốc gia: Trung Quốc
- Địa điểm quay: Hoành Điếm
- Công ty phát hành: CTHH Truyền thông Văn hóa Thế Tượng Thượng Hải
- Thời gian phát sóng: 13/4/2023
- Đạo diễn: Huỳnh Tuấn Văn
- Biên kịch: Viên Soái, Từ Huy
- Giám chế: Kim Nhật Thiện, Huỳnh Trình Gia
- Diễn viên chính: Lâm Phong, Tưởng Mộng Tiệp, Ngô Khắc Quần, Trình Nghiên Thu, Vương Tư Duẫn, Nhạc Dược Lợi, Tưởng Y Y
- Số tập: 43 tập
- Thời lượng mỗi tập: 45 phút
- Nền tảng phát sóng: Youku
- Thời gian sản xuất: 2017
- Thời gian quay: 9/1/2017-29/6/2017
Hệ thống nhân vật chính
Lâm Phong vai Bàn Thạch: Yêu vương bất kham, si tình, trong nhiệt huyết chứa đựng sự tàn bạo và hắc ám. Linh hồn bị đưa vào một tảng đá tại núi Hoa Quả, vô tình chiếm luôn thân phận của Mỹ Hầu Vương Tôn Ngộ Không (nhân vật 300 năm sau mới xuất hiện), làm biến động số trời. Mối đe dọa của hiện thực khiến Bàn Thạch buộc phải bước chân vào con đường tu tiên.
Tưởng Mộng Tiệp vai Dương Lam: Muội muội của Dương Nham, tính cách cô độc kiêu ngạo, xinh đẹp tựa hoa sen và ra tay quyết đoán. Sau này gặp gỡ và phát triển quan hệ tình cảm với Bàn Thạch.
Ngô Khắc Quần vai Bắc Thần: Tướng quân người phàm vì tình mà nỗ lực để trở thành Thiên tướng, chiến công hiển hách song song với đó là bị biết bao người đố kị.
Akanishi Jin vai Dương Nham: Đệ nhất chiến thần trong trời đất, huynh ruột của Dương Lam.
Trình Nghiên Thu vai Phong Linh: Do Tước Nhi chuyển thế thành.
Vương Tư Duẫn vai Nghê Thường/Ôn Dương/Ngọc Nhi: Nghê Thường là một vũ cơ dịu dàng, mềm yếu của Thiên đình.
Nhạc Dược Lợi vai Vô Cực Thánh tôn: Vốn là Thái thượng bảo vệ Thiên đạo nhưng không may bị tâm ma nuốt chửng và khống chế.
Tưởng Y Y vai Kim Ti Tước (Tước nhi): Nuốt nhầm phải kim đan của Hầu Tử mà hóa hình người, tính cách ngây thơ đáng yêu, hy sinh cả tính mạng để cứu Hầu tử.
Trịnh Thường Nguyên vai Thiên Hoành: Vị thần mạnh nhất trong 9 vị thần Bắc Đẩu Cửu Thần, thống lĩnh thủy quân Thiên Hà.
Lưu Huệ vai Tu Bồ Đề: Thu nhận Tôn Ngộ Không làm đồ đệ, để tránh không cho tâm ma trong Thái Thượng phát hiện chỉ có thể lẳng lặng giúp đỡ Tôn Ngộ Không dẫn đến nhiều hiểu lầm giữa hai người.
Cốt truyện "cũ" nhưng không đi theo lối mòn
Nếu được phát hành từ nhiều năm trước, có lẽ Lăng Vân Chí đã trở thành một tác phẩm cổ trang huyền huyễn nổi tiếng. Hoàn thành khâu sản xuất từ 2017, nhưng vì một số nguyên nhân không rõ đã khiến cho Đại Bát Hầu chuyển thể bỏ qua "thời điểm vàng" đến với khán giả.
Qua rồi thời kỳ của những bộ phim nội dung quen thuộc về yêu quái, thần tiên và "kỹ xảo 3 xu" rất khó lòng lọt vào mắt xanh của cộng đồng mọt phim.
Một điểm chung "bất di bất dịch" không thể phủ nhận, phim cổ trang huyền huyễn dù mục đích của nhân vật chính là gì đi nữa thì sau tất cả vẫn lấy tình cảm yêu đương làm trọng tâm. Cơ đồ sự nghiệp, thiên hạ thương sinh tất cả cũng chỉ xoay quanh và dẫn đường cho một chữ TÌNH.
Năm 2022 vừa qua, Thương Lan Quyết thuộc thể loại tiên hiệp đã thành công vượt hơn mong đợi, mối tình của Hoa Lan Nhỏ (Ngu Thư Hân) và Đông Phương Thanh Thương (Vương Hạc Đệ) đã "phá kén hóa bướm" chiếm trọn cảm tình của đông đảo khán giả.
Nhưng như vậy không có nghĩa là khán giả vẫn còn hứng thú mà chưa "chán ngán" với cốt truyện "xào đi nấu lại có bấy nhiêu nguyên liệu".
Trailer Đại Bát Hầu (vốn dự định phát hành trong năm 2018)
Thần tiên đấu đá lẫn nhau
Lăng Vân Chí được biết đến là câu chuyện về Tôn Ngộ Không nhưng xây dựng và triển khai theo một công thức huyền huyễn hóa. Các nhân vật trong Lăng Vân Chí thoạt nghe có vẻ lạ, đến khi xem sẽ phát hiện đều tương ứng với nhân vật quen thuộc trong Tây Du Ký.
Như vậy tạm nhận định Bàn Thạch chính là Tôn Ngộ Không, Dương Nham là Dương Tiễn, Dương Lam là Tam Thánh mẫu, Bắc Thần nguyên soái là Thiên Bồng nguyên soái Trư Bát Giới, Nghê Thường tiên tử là Thường Nga, Vô Cực Thánh tôn là Phật Như Lai,... Đáng chú ý, thiết lập về tính cách của các nhân vật này cho khán giả cảm nhận khác biệt hơn, thiên về hướng táo bạo và kích thích.
Từ thiết lập nhân vật cho đến màu phim đều mang đến cảm giác "hắc ám" khá rõ rệt. Khái quát một cách đơn giản, Thần tiên trên trời vì quyền lực mà đấu đá lẫn nhau mưu hại "trung lương" (người lương thiện trung thành); yêu quái dưới trần gian vì "yêu mà cứ đâm đầu" bất chấp mọi hậu quả.
Chẳng hạn như Thái Bạch Kỷ Tinh đố kị với tốc độ "phi thăng" của Bắc Thần, cố tình cắt xén bớt bổng lộc của quân binh Thiên Hà, gây khó dễ cho thủ hạ đắc lực dưới trướng Bắc Thần.
Thậm chí, Nguyệt Lão vốn luôn là hình mẫu hiền lành nhân từ trong truyền thuyết cũng thích nói xấu sau lưng Bắc Thần... Vô Cực Thánh tôn bị tâm ma khống chế bắt đầu hành động li gián hai giới tiên yêu, mượn lời Thiên đế và tay của Bắc Thần để lạm sát vô số yêu quái tại trần gian. Tam giới bắt đầu rơi vào đại loạn, lòng yêu hoang mang tột độ.
Khoan hãy nói đến khuyết điểm, theo dõi Lăng Vân Chí có khá nhiều điều thú vị và cảm giác "hả hê" đối với ai có thể cảm nhận, tìm được điểm cộng hưởng từ nội dung phim.
Không mang quá nhiều mắc xích vô hình ràng buộc của Tây Du Ký, tất cả tiên yêu trong "vũ trụ" Lăng Vân Chí thỏa thích làm điều mình muốn. Phần đông các vị tiên đều là kiểu ích kỉ, tư lợi trong khi ngược lại đa số chúng yêu đều rất trọng tình trọng nghĩa.
Tuy cũ nhưng biết chọn lọc công thức, biết đâu là điểm có thể khai thác để thu hút người xem. Từ góc độ "cấu hình" thần tiên và yêu quái, đây đúng nghĩa là một bộ phim tiên hiệp. Xét cho cùng, đội hình Thần tiên trong phim phù hợp hơn với nhận thức của người Trung Quốc.
Tuy nhiên, không thể đồng tình với việc vận mệnh của tất cả tiên yêu bị ảnh hưởng bởi vết nứt của Thiên Đạo Thạch, rõ ràng chủ yếu là do bản chất ác độc tự thân của một số tiên nhân.
Bàn Thạch trong phim "đàng hoàng" hơn Tôn Ngộ Không rất nhiều, nếu không phải bị Tiên giới vô cớ truy sát, không bị chèn ép bởi sư huynh đệ đồng môn, hắn đã không phạm phải sát giới.
Yêu quái đâm đầu vào yêu đương
Vừa rồi là sơ qua về tuyến "đấu đá" giữa các vị Thần tiên, tiếp theo chúng ta sẽ cùng đến với gia vị "yêu đương" của yêu quái trong Lăng Vân Chí.
Trong cuộc đời của Bàn Thạch (Lâm Phong) có hai nữ tử mà hắn yêu nhất. Một vị là Tước nhi (Tưởng Y Y) sau khi chuyển thế trở thành Phong Linh (Trình Nghiên Thu) là đồng môn của hắn. Tước nhi kiếp trước vì cứu Bàn Thạch mà bỏ mạng, kiếp này vì che chở cho Bàn Thạch mà đối đầu với các bậc tiền bối đồng môn.
Sau này, Bàn Thạch quyết định đối đầu với chúng Thần tiên của Thiên giới nên không tránh khỏi một trận đại chiến với Dương Nham (Akanishi Jin). Đồng thời, hắn cũng không tránh khỏi số phận bị Vô Cực Thánh tôn (Nhạc Dược Lợi) đàn áp. Cho nên khả năng cao Phong Linh sẽ một lần nữa vì cứu Bàn Thạch mà hy sinh mạng sống của mình. Vị còn lại là Dương Lam (Tưởng Mộng Tiệp) muội muội của Dương Nham, cô ấy có nửa thân là tiên thể.
Dương Lam vốn xem thường Bàn Thạch bởi pháp lực của hắn thấp kém. Nhưng Dương Lam dần dần bị Bàn Thạch làm cho cảm động bởi thái độ ham học hỏi, tôn trọng sinh mệnh, tấm lòng chân thành vì bằng hữu của hắn. Cộng thêm việc Bàn Thạch đã nhiều lần không tiếc sinh mạng để cứu lấy cô. Hai người tiếp xúc lâu ngày nảy sinh tình cảm trở thành một nửa của nhau.
Hiện tại có thể dự đoán theo hai hướng là: ba người sẽ "diễn" một màn tình yêu tam giác ngược tâm bên cạnh tuyến chính câu chuyện, hai là Phong Linh "đăng xuất" sớm nhường lại "sân khấu" cho cặp đôi chính. Hoặc cũng có khả năng phát sinh thêm nhiều chi tiết "bất ngờ" nào khác.
Khán giả nữ "đu" Trường Nguyệt Tẫn Minh, khán giả nam xem Lăng Vân Chí
Trường Nguyệt Tẫn Minh đang không ngừng xô đổ nhiều kỷ lục trên nền tảng Youku. Vậy nhưng "Quần" vẫn "tham lam" tung luôn Lăng Vân Chí "đắp chiếu" tận 6 năm.
Một số netizen cho rằng đây là dụng ý của Youku sau bùng nổ của Trường Nguyệt Tẫn Minh. Thời điểm đa phần là các tựa phim hiện đại chính kịch và không có quá nhiều đối thủ cổ trang huyền huyễn. Youku dường như muốn "hưởng trọn thiên thời địa lợi nhân hòa" để thu hút phần khác giả tiên hiệp còn lại cho Lăng Vân Chí.
Với niềm tin "nữ xem Trường Nguyệt Tẫn Minh, nam theo Lăng Vân Chí", nhưng vừa phát hành Lăng Vân Chí đã nhận "bão chê bai" từ mọt phim, nhận xét tích cực chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.
Dàn cast "chất" nhưng đã không còn hợp thời
Nếu là 6 năm trước, Lâm Phong và Tưởng Mộng Tiệp chắc chắn là hai cái tên thu hút đông đảo khán giả quan tâm. Nhưng năm 2023, họ đã trở nên mờ nhạt và thậm chí bị lãng quên tự khi nào.
Nam chính Lâm Phong (8/12/1979) từng góp mặt trong Đại Đường Song Long Truyện, Thiếu Niên Tứ Đại Danh Bổ, Tầm Tần Ký, Sứ Đồ Hành Giả, Bố Y Thần Tướng,... Nhan sắc và kỹ năng diễn xuất đều được khán giả công nhận.
Với xu hướng thẩm mỹ thay đổi liên tục, Lâm Phong đã không còn nằm trong top visual nam thần cổ trang được ưa chuộng trong những năm trở lại đây. Nên dễ hiểu tại sao không đủ sức để kéo nhiệt độ cho phim ngay từ đầu.
Bù lại, anh vẫn là một diễn viên đúng chuẩn với khả năng thể hiện nhân vật linh hoạt. Các phân cảnh hành động đều do tự anh thực hiện mà không cần đến diễn viên đóng thế. Hình tượng Bàn Thạch (bản sao Tôn Ngộ Không) này vẫn đáng để khán giả dành thời gian đồng hành cùng anh trong tựa phim này.
Vướng phải ý kiến trái chiều rất khó tránh, nam tài tử khi tham gia tựa phim này cũng đã không còn ở độ tuổi trẻ trung "nam thần". Diễn xuất có phần "dầu mỡ khó nuốt" là cảm nhận từ một bộ phận khán giả.
Về phần Tưởng Mộng Tiệp "trông lạ mà quen", nữ diễn viên sinh năm 1989 sở hữu nhan sắc đủ xinh đẹp nhưng chưa thật sự ấn tượng với vai diễn "bán tiên". Chưa kể phục hóa trang của thời điểm trước 2000 "lồng lộn" nhưng không phải gu của thời nay mặc dù đây là phim thần thoại.
Tóm lại, để "níu giữ" khán giả, cặp đôi chính phải toát lên được khí chất, có được cái hồn của nhân vật. Phải thể hiện sao cho khán giả tin là họ đang xem một Bàn Thạch yêu vương và một Dương Nham bán tiên.
Chưa kể hệ thống nhân vật trong phim khá lớn, nếu không thể xây dựng tính cách nhân vật một cách thấu đáo, có điểm nhất riêng rất dễ đem lại sự rối ren, nhàm chán.
Một điều khá thú vị về dàn diễn viên Lăng Vân Chí, đó là có sự góp mặt của nam diễn viên trẻ người Nhật Bản Akanishi Jin sinh năm 1998. Sắm vai Dương Nham, visual "lạ lẫm" của anh cũng có phần cuốn hút.
Kỹ xảo và phục hóa trang đã "lỗi thời"
"Lạc quẻ" trong thế giới tiên hiệp Trung Quốc đã lật sang trang mới, Lăng Vân Chí còn khoác lên "một tấm áo" cũ mềm đến thuộc nằm lòng đối với khán giả thế hệ 8x, 9x. Phục hóa trang và chất lượng hình ảnh nếu đặt ở giai đoạn từ năm 2018 trở về trước chắc chắn sẽ tạo nên "cơn sốt" và được ngợi khen.
Nhưng chúng ta đang sống trong thời đại số, kỹ xảo hình ảnh đã ngày càng tiến bộ và luôn là phương diện được "đập tiền" trong các dự án phim truyền hình tiên hiệp. Nói đi phải nói lại, một số tác phẩm Hoa ngữ cấp S+ trong vài năm gần đây còn không tránh khỏi sự phàn nàn của khán giả về khâu xử lý hình ảnh, hậu kỳ. Huống hồ Lăng Vân Chí được chế tác vào năm 2017. Chỉ cần trong một thời gian ngắn, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt nói gì đến 6 năm.
Ngoài những đánh giá thấp cho kỹ xảo giả trân, thiếu tiên khí, kém sống động và chưa đủ "hoành tráng lệ" ra, phim vẫn nhận được phản ứng tích cực từ một số ít khán giả yêu thích Đại Bát Hầu.
Có thiếu sót nhưng chưa hẳn tới mức thảm hại, Lăng Vân Chí sở hữu một đội ngũ chế tác khá tầm cỡ. Kỹ xảo hình ảnh đã mời được sự tham gia cố vấn của đội ngũ hàng đầu Hollywood (Titanic, Iron Man, Transformer,...).
Tuy khung cảnh trong phim hiện lên khó lòng so sánh với các tựa phim tiên hiệp gần đây, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng ở mức chấp nhận được. Cảnh Thiên đình lấy màu xanh da trời làm tông chủ đạo, tổng thể được bao bọc bởi những luồng tiên khí, thêm điểm nhấn là các tia sáng với độ chênh lệch sáng tối.
Các khối kiến trúc lớn nhỏ được sắp đặt với bố cục hài hòa, đồng thời tạo được hiệu ứng thị giác pha lẫn bí ẩn và độc đáo. Hơn nữa, các thần thú, yêu quái,... (trừ bộ lông khỉ "hàng Kim Biên") trong phim được thiết kế khá chi tiết và tinh xảo.
Tóm lại, dù đã bị "đắp chiếu" tận 6 năm nhưng Lăng Vân Chí ở phương diện nào đó vẫn hội tụ đủ một số điểm cộng đáng để khán giả dành thời gian theo dõi. Diễn viên chất lượng, kỹ xảo "có tâm có tầm", cốt truyện "cũ người mới ta". Xem những gương mặt diễn xuất có sắc lẫn tài năng vẫn lôi cuốn hơn các "bình hoa di động".
Cùng VOH giải trí cập nhật liên tục những thông tin phim ảnh hấp dẫn nhất tại chuyên mục phim.
Ảnh: weibo