- The Age of Shadows/ Thời Kỳ Đen Tối (2016)
- Thi Ca (2010)
- The Wailing (Tiếng Than)
- Ký Sinh Trùng (2019)
- Mẹ (2009)
- Hotel By The River/ Khách Sạn Bên Sông (2018)
- Đốt (2018)
- The Handmaiden/ Cô Hầu Gái (2016)
- Spring, Summer, Fall, Winter… And Spring/ Xuân, Hạ, Thu, Đông Rồi Lại Xuân
- Train To Busan/ Chuyến Tàu Sinh Tử (2016)
Rotten Tomatoes từ lâu đã là một trang đánh giá phim đáng tin cậy. Nếu bạn muốn biết cảm nhận của cả giới phê bình và người xem đối mới một bộ phim, bạn có thể tham khảo Rotten Tomatoes. Những bộ phim nhận được từ 75% độ “tươi” trở nên là những bộ phim hay và rất đáng để xem. Mặc dù ban đầu, trang này chỉ đánh giá những bộ phim sử dụng tiếng Anh. Nhưng dần dần, họ bắt đầu mở rộng với các bộ phim đến từ nhiều quốc gia khác nhau, dựa vào nhu cầu của người xem.
Dưới đây là 10 bộ phim Hàn Quốc đã vượt qua đánh giá 90% độ “tươi” từ các nhà phê bình của Rotten Tomatoes. Điều này không chỉ được chứng nhận đây là những bộ phim hay mà còn là một bộ phim bạn nhân định phải xem!
The Age of Shadows/ Thời Kỳ Đen Tối (2016)
- Điểm từ nhà phê bình: 100%
- Điểm khán giả: 82%
The Age of Shadows (Thời Kỳ Đen Tối) là bộ phim điện ảnh lấy bối cảnh thập niên 1920, khi bán đảo Triều Tiên còn nằm dưới ách đô hộ của Nhật Bản. Trong đó, Song Kang Ho vào vai cảnh sát trưởng Lee Jung Chul - người đã trở thành tay sai cho quân đội Nhật. Nhưng trong quá trình truy đuổi Kim Jang Ok (Park Hee Soon) - một chiến binh kháng chiến từng là bạn cũ của mình, Lee Jung Chul đã gặp một chiến sĩ kháng Nhật lý tưởng Kim Woo Jin (Gong Yoo) và bắt đầu tự vấn bản thân. Cả Lee Jung Chul và Kim Woo Jin đều biết rõ danh tính và ý định thật sự của nhau, nhưng cả hai lại ngày càng thân thiết trong quá trình tiếp cận tìm kiếm thông tin.
Đạo diễn Kim Jee Woon đã khắc họa đề tài gián điệp về sự chiếm đóng của quân đội Nhật trên bán đảo Triều Tiên một cách nghiêm túc, đồng thời thể hiện mối quan hệ phức tạp giữa mỗi cá nhân với quốc gia của họ. The Age of Shadows (Thời Kỳ Đen Tối) mang đến những thước phim đẹp mắt, từ trang phục đến những cảnh quay chiến đấu đều mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Dù là phim chính trị nhưng Thời Kỳ Đen Tối cũng không quá khô khan nhờ những yếu tố hài hước ngầm giúp bộ phim có thêm tính giải trí.
Vào thời điểm ra mắt, phim đã lập tức thu 16 triệu USD từ 2,17 triệu lượt vé sau năm ngày ra mắt. Đồng thời, The Age of Shadows cũng được Cục Điện ảnh Hàn Quốc lựa chọn làm tác phẩm đại diện tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Oscar 2017. Dù không thể mang về vinh quang cho Hàn Quốc, nhưng có thể thấy The Age of Shadows vẫn là bộ phim được đánh giá rất cao.
Poetry/ Thi Ca (2010)
- Điểm phê bình: 100%
- Điểm khán giả: 86%
Poetry (Thi Ca) kể về một người phụ nữ lớn tuổi tên là Yang Mi Ja (Yoon Jung Hee). Mặc dù phải chịu đựng căn bệnh mất trí nhớ ở người già (Alzheimer), nhưng bà vẫn cố gắng thực hiện ước mơ cả đời của mình là trở thành một nhà thơ. Tuy nhiên, mọi thứ không hề dễ dàng khi cuộc sống của bà luôn chứa đầy những lo toan phiền toái. Từ việc kiếm sống bằng đồng lương giúp việc ít ỏi, đến việc nuôi dạy thằng cháu ương bướng, thậm chí còn gây ra cái chết của một nữ sinh cùng lớp.
Poetry (Thi Ca) là bộ phim được biên kịch kiêm đạo diễn bởi Lee Chang Dong. Ông vốn là một nhà văn, nhưng sau đó bắt đầu lấn sân sang điện ảnh từ năm 1990. Tại buổi họp báo phim, nam đạo đã giải thích lý do ông chọn đưa thơ vào điện ảnh là vì ông nghĩ rằng: “Cuộc sống dù xấu xa đến đâu, con người dù tồi tệ cách mấy, thì đâu đó cũng còn có một chút gì cao đẹp, quý phái trong tâm hồn”.
Tại Lễ trao giải Điện ảnh Hàn Quốc (Korean Film Awards) lần 8, bộ phim Poetry (Thi Ca) đã xuất sắc giành ba giải thưởng quan trọng nhất: Phim hay nhất, Kịch bản hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Ngoài ra, phim cũng được chọn là đại diện của Hàn Quốc tham dự Liên hoan phim Cannes 2010 và giành được giải Kịch bản xuất sắc nhất.
The Wailing (Tiếng Than)
- Điểm phê bình: 99%
- Điểm khán giả: 81%
The Wailing (Tiếng Than) cũng là một trong những bộ phim kinh dị Hàn Quốc để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong các nhà phê bình và khán giả. Theo đó, phim mở đầu với 1 chuỗi những cái chết bí ẩn xảy ra trong một ngôi làng vốn rất yên bình. Một số người dân đã trở nên loạn trí và sát hại gia đình mình một cách dã man. Sau khi điều tra thì cảnh sát kết luận nấm hoang dã độc chính là nguyên nhân gây nên sự việc.
Tuy nhiên, một nhân chứng cho biết đã nhìn thấy sự người đàn ông Nhật Bản mới chuyển đến với đôi mắt đỏ rực đã khiến cảnh sát Jong Goo (Kwak Do Won) nghi ngờ và quyết tâm tìm ra sự thật. Cuối cùng, Jong Goo đã tìm đến ngôi nhà của người đàn ông này và phát hiện ra những món đồ của các nạn nhân đã bị sát hại.
Biết tin con gái của mình cũng đã phát bệnh, Jong Goo vô cùng tức giận nên đã quay lại ngôi nhà của người đàn ông đó và đập phá mọi thứ. Từ đây, Jong Goo bắt đầu hành trình truy đuổi và điều tra sự thật về căn bệnh đang bùng phát dữ dội này. Liệu rằng đó là sự trả thù của một linh hồn nổi giận, hay còn một bí mật khủng khiếp khác đang bị che đậy?
The Wailing (Tiếng Than) mang đến bầu không khí bí ẩn được xây dựng một cách thông minh, mọi thứ vừa có vẻ lộn xộn nhưng cũng không thể nào đoán trước được. Bộ phim cũng rất khéo léo khi kết hợp thần thoại và nghi lễ Đông Á cổ đại với những trò kinh dị, từ đó thể hiện bản chất của cái ác và “triệu hồi” nó đến ngay trước mắt người xem. Nếu là một fan cứng của dòng phim kinh dị tâm linh, chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua bộ phim này đâu đấy.
Xem thêm: Bạn sẽ hối tiếc nếu bỏ lỡ list phim trinh thám Hàn Quốc 'đỉnh của đỉnh' này
Parasite/ Ký Sinh Trùng (2019)
- Điểm phê bình: 98%
- Điểm khán giả: 90%
Parasite (Ký Sinh Trùng) chính là bộ phim đã làm rạng danh cho niềm điện ảnh Hàn Quốc khi xuất sắc giành được 4 giải thưởng tại Oscar lần thứ 92, bao gồm cả hạng mục “Phim hay nhất”. Vì thế nên sẽ không có gì khó hiểu khi bộ phim nhận được đánh giá cao từ giới phê bình lẫn người xem trên Rotten Tomatoes.
Theo đó, nội dung phim kể về chàng trai trẻ Kim Gi Woo (Choi Woo Shik) đang sống cùng gia đình 4 người trong một căn hầm cũ. Sau khi được bạn thân giới thiệu, Gi Woo đã đến làm gia sư của một gia đình giàu có họ Park. Lợi dụng sự ngây thơ của phu nhân Yun Gyo (Cho Yeo Jung), Ki Woo đã loại bỏ các nhân viên đang làm việc tại đây và đưa thành viên gia đình mình vào ngôi nhà này. Từ đó đã xảy ra rất nhiều vấn đề khiến cả hai gia đình xảy ra rất nhiều bi kịch, còn bố của Ki Woo phải trốn dưới căn hầm của căn biệt thự nhà họ Park trong suốt nhiều năm liền.
Ký Sinh Trùng được đánh giá cao bởi nội dung phản ánh hiện thực xung đột giai cấp trong xã hội Hàn Quốc một cách rõ rệt. Khiến người xem không thể ngừng suy ngẫm sau khi bộ phim kết thúc. Đặc biệt, để bổ trợ cho phần nội dung, đạo diễn Bong Joon Ho đã thực hiện nên những góc máy quay mang ý nghĩa nghệ thuật, cùng với đó là những hình ảnh mang tính biểu trưng.
Mother/ Mẹ (2009)
- Điểm phê bình: 96%
- Điểm khán giả: 88%
Mother (Mẹ) là bộ phim điện ảnh của đạo diễn Bong Joon Ho, ra mắt khán giả vào năm 2009 với sự tham gia của nữ diễn viên Kim Hye Ja và Won Bin. Bộ phim đã được công chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2009 và nhận được rất nhiều lời khen ngợi của khán giả trong nước lẫn quốc tế.
Xem thêm: Đạo diễn Bong Joon Ho cha đẻ của Ký Sinh Trùng và loạt tác phẩm ăn khách khác
Trong phim, nữ diễn viên Kim Hye Ja vào vai một góa phụ giấu tên, sống một cuộc đời lặng lẽ cùng cậu con trai 28 tuổi nhưng bị thiểu năng Yoon Do Joon (Won Bin). Một đêm muộn, Do Joon nhìn thấy một nữ sinh tên Moon Ah Jung đang đi bộ một mình và theo cô đến một tòa nhà bỏ hoang. Sáng hôm sau, cô bé được phát hiện đã chết trên sân thượng tòa nhà khiến mọi người không khỏi hoảng hốt. Dù không có bằng chứng cụ thể chứng minh Do Joon đã giết cô bé, nhưng trước sức ép quá lớn từ dư luận, các cảnh sát đã lợi dụng sự khuyết tật trí tuệ để ép cậu ký vào bản thú tội và đối mặt với án tù.
Tin rằng con trai mình không giết người, mẹ Do Joon đã quyết tâm truy tìm ra sự thật để chứng minh anh vô tội. Cuối cùng, dù đã có thể giải thoát cho con trai, nhưng bà càng cảm thấy đau lòng hơn vì bản thân mình đã phạm phải một điều vô cùng tồi tệ. Cái kết của bộ phim thật sự là điều khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Xem thêm: Phim gia đình Hàn Quốc mang thông điệp ý nghĩa: 'nhà là nơi để về'
Hotel By The River/ Khách Sạn Bên Sông (2018)
- Điểm phê bình: 95%
- Điểm khán giả: 65%
Hotel By The River (Khách Sạn Bên Sông) là bộ phim điện ảnh được thực hiện theo phong cách đen trắng của đạo diễn Hong Sang Soo. Đây là bộ phim thể hiện khá rõ phong cách điện ảnh của đạo diễn sinh năm 1960 khi mang đến một cái kết buồn và lạ. Khách Sạn Bên Sông được chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Locarno lần thứ 71.
Phim kể về Ko Young Hwan (Ki Joo Bong) - một nhà thơ đang sống tại một khách sạn bên sông Hàn. Một ngày nọ, ông linh cảm rằng mình sắp qua đời nên quyết định gọi cho hai người con trai mà ông đã không gặp trong một khoảng thời gian khá dài đến để đoàn tụ.
Cùng lưu trú tại khách sạn còn có Ah Reum (Kim Min Hee) - một cô gái trẻ đã đến khách sạn ven sông này sau khi bị người yêu phản bội. Để có người tâm sự, cô đã gọi cho người bạn thân thiết của mình – Yeon Joo (Song Seon Mi) tham gia cùng chuyến đi. Tại đây, Ko Young Hwan đã có dịp gặp gỡ và bị thu hút bởi Ah Reum và Yeon Joo. Không thể cưỡng lại được, ông càng muốn khám phá thêm về câu chuyện của 2 cô gái này.
Bộ phim không có nhiều yếu tố kịch tính cao trào, nhưng vẫn đủ gợi cho người xem cảm giác tò mò với câu chuyện riêng của từng nhân vật. Với tông màu trắng đen cùng bối cảnh mùa đông tuyết rơi, Khách Sạn Bên Sông càng gợi lên cảm giác u ám, phù hợp với nội dung của phim.
Burning/ Đốt (2018)
- Điểm phê bình: 95%
- Điểm khán giả: 80%
Burning (Đốt) là bộ phim kinh dị tâm lý bí ẩn của đạo diễn Lee Chang Dong sau 8 năm kể từ tác phẩm Poetry (Thi Ca). Nhưng trong bộ phim lần này, Lee Chang Dong đã mang đến góc nhìn của người trẻ thông qua dàn diễn viên Yoo Ah In, Steven Yeun và Jeon Jong Seo. Bộ phim đã vẽ nên một bức tranh khéo léo và gần gũi về một thế hệ trẻ bị bao vây bởi sự tuyệt vọng về kinh tế.
Trong đó, Lee Jong Su (Yoo Ah In) là một chàng trai nghèo khó với ước mơ trở thành tiểu thuyết gia, nhưng anh phải làm công việc giao hàng bán thời gian để kiếm sống. Một hôm. Jong Su tình cờ gặp lại người bạn thời thơ ấu là Shin Hae Mi (Jeon Jong Seo) và được cô nhờ trông giúp con mèo khi cô ấy đi du lịch đến Châu Phi. Mối quan hệ của cả hai diễn ra khá tốt đẹp, thậm chí còn khiến Jong Su tin rằng cả hai sẽ sớm trở thành một đôi. Nhưng khi Hae Mi trở về, bên cạnh cô còn có Ben (Steven Yun) - một chàng người Hàn cũng đi du lịch Châu Phi và gặp được Hae Mi.
So với Jong Su, Ben là mẫu chàng trai được mọi cô gái yêu thích khi sở hữu vẻ ngoài điển trai, gia thế giàu có, ngọt ngào lại còn nấu ăn ngon. Tuy nhiên, trong một lần trò chuyện, Ben đã tiết lộ với Jong Su rằng mình có sở thích đốt những ngôi nhà kính bỏ hoang đều đặn 2 tháng 1 lần để giải tỏa cảm xúc.
Nghe qua nội dung, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng Burning khá giống với những bộ phim tình cảm thay ba của dòng phim truyền hình. Thế nhưng thực tế, bộ phim phản ánh hiện thực vô cùng rõ nét thông qua sự đối lập hoàn cảnh giàu - nghèo giữa Ben và Jong Su. Câu chuyện đốt nhà kính của Ben được đạo diễn Lee Chang Dong thực hiện dựa trên truyện ngắn Barn Burning của tác giả Haruki Murakami, nhưng phần sau đã được thêm thắt nhiều nội dung để có thể truyền tải được các thông điệp của bộ phim.
Mặc dù vào thời điểm công chiếu, Burning không nhận được nhiều sự ủng hộ của giới trẻ Hàn Quốc vì cách truyền tải khá khó hiểu và nhiều ẩn dụ của Lee Chang Dong. Nhưng bộ phim đã nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình toàn cầu, đặc biệt là vì cảm giác khó chịu, câu chuyện mơ hồ và màn trình diễn của các diễn viên. Không chỉ vậy, Burning còn giành được Giải FIPRESCI tại Liên hoan phim Cannes 2018 và hàng loạt giải thưởng quốc tế khác.
The Handmaiden/ Cô Hầu Gái (2016)
- Điểm phê bình: 95%
- Điểm khán giả: 91%
The Handmaiden (Cô Hầu Gái) là bộ phim điện ảnh tâm lý, tình dục được gắn mác 18+ của đạo diễn Park Chan Wook. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên Kim Min Hee, Ha Jung Woo, Cho Jin Woong và Kim Tae Ri. Thời điểm ra mắt vào năm 2016, Cô Hầu Gái đã trở thành bộ phim tạo được tiếng vang lớn trên khắp châu Á với nội dung cực kỳ táo bạo của mình. Tác phẩm đã được lựa chọn để tham gia tranh cử giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2016.
Theo đó, Cô Hậu Gái lấy bối cảnh những năm 1930, khi đến quốc Nhật đang chiếm đóng Triều Tiên. Tại đây, cô gái mồ côi Nam Sook Hee (Kim Tae Ri) đã được thuê làm người hầu gái cho một nữ quý tộc người Nhật Bản là Hideko (Kim Min Hee). Tuy nhiên, Sook Hee người do Fujiwara (Ha Jung Woo) - một kẻ lừa đảo đóng giả là Bá tước Nhật Bản gài vào để giúp anh ta thuyết phục Hideko kết hôn với anh ta. Sau đó, hắn sẽ cướp quyền thừa kế rồi tống cô vào một bệnh viện tâm thần. Kế hoạch dường như đang diễn ra theo đúng kế hoạch cho đến khi Sook Hee và Hideko phát hiện ra một số cảm giác đặc biệt dành cho nhau.
Spring, Summer, Fall, Winter… And Spring/ Xuân, Hạ, Thu, Đông Rồi Lại Xuân
- Điểm phê bình: 94%
- Điểm khán giả: 93%
Spring, Summer, Fall, Winter… And Spring (Xuân, Hạ, Thu, Đông Rồi Lại Xuân) là bộ phim điện ảnh của đạo diễn quái kiệt Kim Ki Duk. Tác phẩm được xem là đại diện tiêu biểu của nền điện ảnh xứ kim chi bởi những cảnh quay bạo liệt và cách xây dựng kịch bản với nhiều nút thắt kịch tính.
Theo đó, nội dung phim kể về một tu viện Phật giáo nổi trên một hồ nước trong một khu rừng hoang sơ. Câu chuyện kể về cuộc đời của một tu sĩ Phật giáo khi anh ta đi qua các mùa của cuộc đời, từ khi còn bé đến lúc về già. Phim được chia thành năm phân đoạn (các mùa chính), mỗi phân đoạn cách nhau khoảng mười đến hai mươi năm. Mặc dù nghe qua, khán giả có thể thấy câu chuyện được đề cập trong phim khá đơn giản. Nhưng khi dõi theo, bạn sẽ thấy hàm ý ẩn dụ trong hành động của các nhân vật được cài cắm một cách âm thầm nhưng sâu sắc thông qua các biểu tượng và hình tượng Phật giáo.
Không chỉ được Rotten Tomatoes đánh giá cao với độ “tươi” 94%, Spring, Summer, Fall, Winter… And Spring còn được trang web điện ảnh uy tín là IMDB đánh giá với số điểm 8,1. Phim cũng nhận được rất nhiều đánh giá tích cực và ngợi khen từ giới phê bình phim. Thậm chí, nhà phê bình phim Roger Ebert đã đưa bộ phim vào danh sách Những bộ phim tuyệt vời của mình vào năm 2009,
Train To Busan/ Chuyến Tàu Sinh Tử (2016)
- Điểm phê bình: 94%
- Điểm khán giả: 89%
Có thể nói, Train To Busan (Chuyến Tàu Sinh Tử) chính là bộ phim hành động kinh dị Hàn Quốc yêu thích của rất nhiều người. Ra mắt vào năm 2016 với sự tham gia của nam diễn viên chính Gong Yoo, bộ phim đã trở thành “bom tấn” phòng vé với tổng doanh thu toàn cầu là 98,5 triệu đô la. Vì thế nên sẽ không có gì lạ khi Train To Busan cũng góp mặt trong danh sách những bộ phim được đánh giá độ “tươi” trên 90% từ Rotten Tomatoes.
Bộ phim bắt đầu với chuyến đi từ Seol đến Busan của Seo Seok Woo (Gong Yoo) cùng cô con gái của mình là Soo An (Kim Soo An). Tuy nhiên, một đợt bùng phát zombie thảm khóc đã diễn ra và đe dọa tính mạng của toàn bộ hành khách trên tàu và cả thành phố. Tại đây, Seo Seok Woo đã phải ra sức bảo vệ cô con gái nhỏ của mình và những hành khách còn sót lại. Bộ phim sẽ đưa người xem đi từ cảm giác hồi hộp, nghẹt thở đến bất ngờ và cả xúc động đến không nói nên lời.
Xem thêm: 13 phim ma kinh dị zombie Hàn Quốc năm 2021: Bạn đã chuẩn bị sẵn tâm lý để 'chiến'?
Trong số những bộ phim được đánh giá cao bởi Rotten Tomatoes này, đâu sẽ là bộ phim khiến bạn muốn ành thời gian để theo dõi nhất?