Tiêu điểm: Nhân Humanity

Người Mỹ Gốc Hoa (American Born Chinese) review: Khi thần thoại hóa đời thường sẽ ra sao?

VOH - American Born Chinese là một tác phẩm mang tính trào phúng, giúp người xem nhận thấy bản thân mình trong chính câu chuyện.

*Lưu ý: bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim

American Born Chinese (tựa Việt: Người Mỹ Gốc Hoa) vốn là tác phẩm dựa trên tiểu thuyết đồ họa cùng tên của Gene Luen Yang. Công chiếu trên kênh Disney+, bộ phim được đánh giá cao về mặt nội dung và xếp vào danh sách những tác phẩm tốt nhất trên Disney+ vượt qua rào cản về văn hóa.

Nội dung phim

Sử dụng đồng thời hai bối cảnh hiện thực và thần tiên, tác phẩm tập trung vào Jin Wang (Ben Wang), một học sinh trung học rụt rè, nhút nhát và luôn tự ti về bản thân. Jin thuộc thế hệ người châu Á thứ hai sinh sống tại Mỹ. Được nuôi dạy phải tôn trọng và nhớ về cội nguồn nhưng ảnh hưởng văn hóa phương Tây đã khiến cậu e dè về bài học trên.

Bước vào năm học mới, Jin cố gắng không trở thành tâm điểm và tìm kiếm một chỗ đứng nhất định trong mắt bạn bè. Nhưng kế hoạch này sớm bị phá hủy bởi sự xuất hiện của Wei-Chen (Jimmy Liu), một cậu bạn người Trung vừa chuyển tới. 

Người Mỹ Gốc Hoa (American Born Chinese) review: Khi thần thoại hóa đời thường 1
Jin không mấy vui vẻ với sự xuất hiện của người bạn mới

Wei-Chen là con của Tôn Ngộ Không. Khác với Jin, người đang đối mặt với cuộc sống học đường, Wei-Chen mang trong mình sứ mệnh cao cả hơn là cứu lấy sự hòa bình của tiên giới. Một lần được thánh nhân truyền thông điệp về nhân vật đặc biệt có thể  giải quyết mối nguy của thiên đình, Wei-Chen đã không ngại cãi lời cha và hạ phàm.

Xem thêm: Xứ Sở Các Nguyên Tố review: Bữa đại tiệc cảm xúc chạm đến trái tim khán giả

Wei-Chen cho rằng, Jin chính là người được nhắc đến. Cậu tìm cách để làm thân, giải vây cho Jin khi người bạn thân rơi vào thế bí mà không hề kêu ca, trách móc. Tuy nhiên, qua những lần ấy, người xem lại được chứng kiến tình bạn tuyệt vời giữa hai con người trước lạ sau quen như thế này.

Hãy luôn sống vì chính bản thân

Hành trình dài hơi của Jin và Wei-Chen không dừng ở sứ mệnh giải cứu, không dừng ở những bài học văn hóa mà còn là thước phim giúp người xem nhìn lại bản thân của mình.

Như đã nói, Jin tự ti với bản thân. Để được lòng chúng bạn, cậu sẵn sàng “thuận theo chiều gió”, hùa theo những trò đùa vô bổ của nhóm nam sinh có sức ảnh hưởng của trường. Thậm chí, khi người bạn thân đắm chìm vào sở thích hóa trang và truyện tranh, Jin thấy điều đó thật lạc hậu và quyết định làm lơ mối quan hệ này.

Người Mỹ Gốc Hoa (American Born Chinese) review: Khi thần thoại hóa đời thường 2
Ngay cả với cô gái mình thích, Jin cũng rụt rè không dám bắt chuyện

Một lần khác, khi không được mẹ chiều ý, Jin đã  trộm chiếc áo thời trang nhằm làm các bạn “lác mắt”. Hay khi ở nhà, cậu chê bai món súp Trung Hoa mẹ nấu do đã quen với khẩu vị của người Mỹ….

Có thể nói, sự rụt rè của Jin được thừa hưởng từ bố của mình, Simon Wang (Hoàng Kinh Hán). Trước tình hình kinh tế khó khăn, bản thân cũng cống hiến nhiều năm cho công ty nhưng ông vẫn cam chịu với chức vụ hiện tại. Simon Wang chần chừ trước cơ hội được thăng tiến, thậm chí ông không thể kết nối và làm thân với sếp như bao đồng nghiệp vì lối sống khép kín của mình.

Mặt khác, Wei-Chen là người hội tụ tất cả sự tự tin mà Jin thiếu. Cậu không ngại nổi bật, cũng không ngại đưa ra tiếng nói. Wei-Chen sẵn sàng đòi lại công bằng cho người khác nếu thấy điều đó sai trái, ngược với lẽ thường.

Người Mỹ Gốc Hoa (American Born Chinese) review: Khi thần thoại hóa đời thường 3
Wei-Chen chính là cơn mưa giúp Jin gột rửa lớp "hóa trang" của mình

Từng hành động, lời nói của Wei-Chen dần cho Jin thấy rằng cuộc sống này đáng giá biết bao nhiêu. Không thể vì ánh mắt, suy nghĩ của người khác mà chối bỏ con người mình, cũng không cần để thế giới nói bạn biết mình là ai. Hơn nữa, bạn cũng không thể vì người khác mà luôn nghi ngờ bản thân để rồi vụt mất cơ hội. Giống như câu nói của Wei-Chen “Tại sao phải nghi ngờ bản thân”.

Tuy hiện đại nhưng vẫn còn sự phân biệt 

American Born Chinese mang đến cảm giác toàn thể câu chuyện đều rất thông minh, hiện đại và hài hước. Tuy vậy, không phải vì sự hiện đại mà các vấn nạn xã hội đều bị xóa bỏ.

Có thể thấy, sự phân biệt chủng tộc vẫn lặng thầm tồn tại trong xã hội Mỹ, trước hết là trong môi trường học đường. Những tưởng nơi giáo dục và nuôi dạy con trẻ sẽ có cái nhìn sáng suốt và rạch ròi, nhưng thầy cô trong American Born Chinese là đại diện cho những con người đang phân biệt chủng tộc nhưng không nhận ra vấn đề của mình.

Thầy dạy sinh học và cô hiệu trưởng nhớ tên của Jin thành Jim. Khi Wei-Chen vừa nhập học, hiệu trưởng đã đến yêu cầu Jin hỗ trợ học sinh mới thay vì để giáo viên làm nhiệm vụ này. Cô không thể đưa ra lý do hợp lý nào ngoài cả hai đều là người Trung Quốc.

Người Mỹ Gốc Hoa (American Born Chinese) review: Khi thần thoại hóa đời thường 4
Hiệu trưởng yêu cầu Jin làm người hướng dẫn cho Wei-Chen

Một lần khác, khi Jin vướng vào cuộc ẩu đả không đáng có, hiệu trưởng đã quy chụp nguyên nhân dẫn đến thái độ chống đầy đối bạo lực của cậu là do cách nuôi dạy quá nghiêm khắc từ cha mẹ, vốn là người châu Á. Bà cho rằng, bố mẹ Jin đã giáo dục cậu sai cách và khăng khăng khuyên họ lựa chọn nơi đào tạo hiện đại hơn.

Xem thêm: Review phim XO, Kitty: Chuyện tình “gà bông” với những plot twist đầy bất ngờ

Ngoài ra, bộ sitcom có sự góp mặt của Freddy Wong (Quan Kế Huy) tuy thành công nhưng cũng là minh chứng cho thấy sự tách biệt về chủng tộc ở Mỹ. Là tác phẩm hài nhưng điều làm nên thành công của bộ phim chính là sự ngớ ngẩn đến tức cười của nhân vật chính người châu Á. 

Phân đoạn hài hước của sitcom còn được cắt nhỏ và ghép với cuộc sống hằng ngày nhằm tạo tiếng cười. Nhưng không may, hiệu ứng cực lớn thu từ tai nạn của Jin đã biến trò cười thành ra đi quá xa. 

Những nỗi khổ khó nói của người lớn

Nội dung khá giống phần hậu chuyện về Hầu Vương - Tây Du Ký nhưng American Born Chinese hút người xem khi mang đến những mẩu truyện rất đời thường.

Nếu như ở trường, Jin phải đối mặt với đời sống học đường thì ở nhà, ba mẹ cậu lại có những nỗi khổ của riêng mình. Simon Wang là trụ cột của gia đình, ông chịu áp lực khi vợ luôn dò xét việc thăng chức và bắt phải trực tiếp nói chuyện với sếp về vấn đề này. 

Người Mỹ Gốc Hoa (American Born Chinese) review: Khi thần thoại hóa đời thường 5
Simon Wang đau đầu với nhiệm vụ mà vợ đặt ra

Tuy nhiên, “nói thì dễ làm mới khó”, bà Christine Wang (Yeo Yann Yann) đâu biết rằng, ông Simon tuy muốn nhưng vì những trở ngại khó nói mà không thể làm được. Ông e dè và  hơn hết, đây là vấn đề nhạy cảm, không thể đề xuất một yêu cầu quan trọng như vậy với người mà ông không mấy thân thiết.

Mặt khác, bà Christine cũng có nỗi sầu của riêng mình. Là người nội trợ, bà bị phụ thuộc rất nhiều vào chồng. Những mong ước của bà đều nhằm gìn giữ sự ấm no của gia đình. Christine bất an khi không thể trông chờ vào chồng và quyết định tự mình ra tay bằng cách khởi nghiệp.

Người Mỹ Gốc Hoa (American Born Chinese) review: Khi thần thoại hóa đời thường 6
Nhận thấy có thể thu lợi từ thực phẩm ở chỗ massage, Christine đã đầu tư nửa số tiền tiết kiệm của gia đình vào đó

Có thể thấy, dù gần như là tác phẩm dành cho trẻ em nhưng American Born Chinese lại mang đến cho khán giả lớn tuổi những điểm dễ tiếp cận và đồng cảm thông qua câu chuyện của gia đình Jin.

Xem thêm: Review phim The Little Mermaid: Thiên nhiên dưới biển sâu từng milimet đều là tuyệt sắc

Bài toán văn hóa, khai thác cốt truyện hay phương tiện câu view?

Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Gene Luen Yang tập trung vào cuộc sống hàng ngày của các nhân vật người Mỹ gốc Á, về cách sử dụng thần thoại Trung Quốc để khuếch đại và đào sâu vào câu chuyện của những người nhập cư. Tuy nhiên đây là cách khai thác hay là chiêu trò câu view?

Để đưa ra câu hỏi trên, người viết đã suy xét hai yếu tố: khả năng khai thác nội dung và diễn viên.

Đặt vấn đề triều đình đang có cuộc chiến lớn và có khả năng bị sụp đổ bởi sự tấn công của Ngưu Ma Vương. Tuy vậy, cuộc tấn công quy mô và đầy sức hút này lại không được lên hình nhiều và chỉ được diễn đạt qua lời nói.

Những nhân vật được xem là trọng yếu của triều đình như Bồ Tát (Dương Tử Quỳnh|), Tôn Ngộ Không (Ngô Ngạn Tổ) trông có vẻ thảnh thơi và thường xuyên hạ phàm dù tình hình tiên giới được miêu tả là “đang lâm nguy”.

Người Mỹ Gốc Hoa (American Born Chinese) review: Khi thần thoại hóa đời thường 7
Bồ Tát có vẻ rất thảnh thơi khi nhiệm vụ của bà chỉ là trông chừng cậu học sinh trung học

Thêm vào đó, sự xuất hiện của hai diễn viên từng đoạt giải Oscar - Dương Tử QuỳnhQuan Kế Huy giống như hình thức để chứng tỏ tiềm lực diễn viên của bộ phim hơn là nâng cao giá trị của nội dung.

Dương Tử Quỳnh trong vai Bồ Tát, vị thần của lòng trắc ẩn và thương xót. Bên cạnh sự từ tốn, hiền từ của vị thần trong truyền thuyết, phim còn khoác lên cho Bồ Tát một tính cách mới, sự hồn nhiên, hóm hỉnh. Đâu ai ngờ, là một vị thần “cao cao tại thượng” nhưng Bồ Tát luôn tò mò về các món ăn phàm tục. Sở hữu bao phép thần thông nhưng bà chật vật lắp chiếc bàn Thụy Sỹ và trân trọng "thành phẩm" của mình hết mức.

Người Mỹ Gốc Hoa (American Born Chinese) review: Khi thần thoại hóa đời thường 8
Xác định viên đá Wei-Chen mang về là công việc thứ hai của Bồ Tát tại hạ giới

Trong khi đó, Quan Kế Huy xuất hiện ít ỏi và có nhiệm vụ “khai sáng” cho Jin ở phút cuối. Một vai trò khá gượng ép cho tổng thể bộ phim.

Người Mỹ Gốc Hoa (American Born Chinese) review: Khi thần thoại hóa đời thường 9
Quan Kế Huy xuất hiện mờ nhạt trong bộ phim

Ngoài ra, phim còn hội tụ dàn diễn viên Ronny Chieng, James Hong, Từ Hy Viên và Jimmy O. Yang trong vai thần thánh nhưng sự xuất hiện dồn dập trong khoảng thời gian ngắn không để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Thậm chí, một số người xem còn không nhận ra sự góp mặt của các diễn viên trên.

Kết

Tuy còn vài điểm không thỏa đáng nhưng American Born Chinese đã tự cộng điểm cho mình bằng kỹ xảo đẹp mắt và những màn đánh đấm đậm chất võ thuật Trung Hoa. Có thể nói, sự mượt mà trong từng thế võ, và tính cổ truyền trong bối cảnh hiện đại đã làm bộ phim tăng tính hấp dẫn.

Cập nhật liên tục những thông tin phim ảnh mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Giải trí - Phim.

Ảnh: internet

Bình luận