- Bài học thứ nhất: Tinh thần là chìa khoá hạnh phúc và thành công
- Bài học thứ hai: Nếu không hành động sẽ không có gì cả, thời gian rất quý báu
- Bài học thứ ba: Nếu không giàu có thì lấy cần kiệm làm vốn khởi nghiệp
- Bài học thứ tư: Lấy chữ tín làm tài sản kêu gọi vốn
- Bài học thứ năm: Luôn bền chí, không bỏ cuộc
- Bài học thứ sáu: Luôn nhạy bén, không rập khuôn vào những suy nghĩ lối mòn
- Bài học thứ bảy: Tôn trọng, công nhận những người đồng hành với mình
“Mọi thứ đều quân bình, vận may rủi đều đến với con người như nhau.
Quan trọng nhất là phải nỗ lực, nỗ lực không ngừng và biết chớp thời cơ”.
– Chung Ju Yung
Chung Ju Yung sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ đã phải nghỉ học để bươn trải phụ giúp gia đình. Thế nhưng cậu bé ấy chưa bao giờ đầu hàng số phận và bằng những nỗ lực ngoan cường Chung Ju Yung đã sáng lập nên tập đoàn Hyundai từ hai bàn tay trắng.
Chung Ju Yung từng làm qua rất nhiều công việc từ dịch vụ sửa chữa ô tô, sản xuất ô tô cho đến xây dựng nhà ở, cầu đường, đóng tàu… Con đường khởi nghiệp chưa bao giờ suông sẻ, Chung Ju Yung thất bại nhiều lần nhưng trong suy nghĩ lại chưa bao giờ cho rằng mình thất bại và cũng không cảm thấy nản lòng.
Trải qua cuộc đời nhiều thăng trầm, biến cố, bản thân Chung Ju Yung đã rút ra rất nhiều bài học đắt giá cho mình và dưới đây là 7 bài học mà ông muốn gửi gắm đến mọi người.
Bài học thứ nhất: Tinh thần là chìa khoá hạnh phúc và thành công
Hạnh phúc là điều mà chúng ta luôn mãi miết kiếm tìm nhưng như thế nào thì được gọi là hạnh phúc? Nhiều người cho rằng để hạnh phúc thì phải có thật nhiều tiền, có địa vị, quyền thế và có được tình yêu thương từ mọi người, hạnh phúc là một điều rất xa xỉ. Thế nhưng đối với Chung Yu Jung hạnh phúc rất giản đơn, hạnh phúc chính là dù cho đang ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì miễn luôn hết mình, luôn tận tâm hoàn thành công việc đó, trong đầu luôn nghĩ tích cực, luôn phấn đấu cho tương lai thì đã là hạnh phúc rồi.
Nguồn cơn của mọi điều chính là từ trong suy nghĩ, chỉ cần bạn nghĩ mọi chuyện theo chiều hướng tốt đẹp thì tự động sẽ tạo ra một nguồn năng lượng tích cực. Một con người mạnh mẽ, đầu tiên phải mạnh mẽ từ ý chí. Mọi việc bạn làm đều nên đặt vào đó niềm tin, nếu luôn có niềm tin rằng mình làm được bạn mới có thể làm được.
“Cách suy nghĩ tiêu cực và bi quan là rào cản của sự phát triển và trưởng thành. Người có suy nghĩ tiêu cực không phát huy được hết năng lực của mình, họ luôn bất mãn, oán trách, chán nản và từ đó lãng phí thời gian, sức lực nên thất bại và gục ngã, kết quả tuyệt vọng là đương nhiên.”
– Chung Ju Yung
Chung Yu Jung từng kể lại một câu chuyện khi còn nhỏ, lúc ấy gia cảnh khó khăn ông thường xuyên phải theo cha ra đồng làm việc dưới trời nắng nóng như đổ lửa. Nếu những người khác cho rằng công việc này thật vất vả thì cậu bé lên mười lại tìm thấy niềm vui vào những lúc giải lao chui vào dưới bóng râm nằm hóng gió thay vì oán than số phận.
Bài học thứ hai: Nếu không hành động sẽ không có gì cả, thời gian rất quý báu
Một suy nghĩ là điều cần nhưng chưa là điều đủ, để thành sự chúng ta phải hành động. Vì vốn có xuất thân nghèo khó, Chung Ju Yung từ nhỏ đã lao động hăng say, ông rất không thích những người lười biếng. Đồng thời, với ông thời gian cũng vô cùng quý báu, mọi việc nếu cần làm thì phải làm ngày, chần chừ chẳng những phí phạm thời gian mà đôi khi còn bỏ lỡ thời cơ.
“Mỗi ngày chúng ta phải đổi mới, nếu hôm nay vẫn như hôm qua, ngày mai vẫn như ngày hôm nay là chúng ta đang lùi bước. Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai phải phát triển hơn ngày hôm nay. Đó mới là cuộc sống có ý nghĩa và như thế, xã hội loài người mới phát triển, hoàn thiện hơn. Tôi tin rằng những người có chí tiến thủ, có kiến thức thì không việc nào lại không làm được”.
– Chung Ju Yung
Chung Yu Jung đưa ra một ví dụ rằng khi có một cuộc hẹn nếu bạn đứng lên đi ngay và suy nghĩ mất một canh giờ rồi mới đi sẽ đem lại hai kết quả khác nhau. Trong khoản thời gian một giờ đó mọi sự đã có thể có nhiều khác biệt.
Xem thêm: Câu chuyện khởi nghiệp của người giàu nhất Trung Quốc - Jack Ma
Bài học thứ ba: Nếu không giàu có thì lấy cần kiệm làm vốn khởi nghiệp
Để có vốn khởi nghiệp, Chung Yu Jung chẳng những đã phải chăm chỉ làm việc mà còn vô cùng cần kiệm. Chung Yu Jung nhớ lại thuở còn làm thuê cho cửa hàng gạo, thay vì tốn 5 won mỗi ngày đi tàu điện, ông đã thức dậy thật sớm để đi bộ đến chỗ làm. Đi bộ nhiều đế giày của ông mòn đi nhưng vẫn không vứt bỏ mà đóng thêm vào đó một cái đế và tiếp tục mang. Quần áo từ hè sang thu chỉ có một bộ, đông đến thì mặc thêm áo lót bên trong để không bị lạnh. Muốn đọc báo thì ông đọc nhờ của người khác. Lương nhận được là một bao gạo thì ông sẽ tiết kiệm nửa bao.
Chung Yu Jung đã tiết kiệm hết mức có thể để có vốn khởi nghiệp. Nhưng đến khi đã trở nên giàu có ông vẫn giữ nguyên tính cách giản dị trên, không sử dụng rượu bia, thuốc lá và cũng không mua sắm những vật dụng không cần thiết.
“Một ngày làm việc cần cù thì đêm mới có thể ngủ ngon giấc, một tháng cần cù thì sẽ thấy cuộc sống của mình đi lên, một năm, hai, ba năm, cả cuộc đời cần cù thì sẽ phát triển to lớn. Cuộc sống của người cần cù sẽ ý nghĩa hơn biết bao nhiêu, họ có thể làm việc gấp bao lần người khác. Sự cần cù chính là tính trung thực của cuộc đời. Chúng ta không cần cù thì sẽ không có uy tín“.
– Chung Ju Yung
Chung Ju Yung cũng thường khuyên nhân viên của mình hãy tiết kiệm, ít nhất thì cũng đợi đến khi mua được nhà hãy tiêu xài thoải mái hơn. Tập tiết kiệm từ thói quen như không hút thuốc, uống rượu, cafe, không mua sắm những vật dụng không cần thiết, chẳng hạn ở nhà thuê thì không nên mua tivi vì tin tức có thể cập nhật từ báo chí và radio…
Bài học thứ tư: Lấy chữ tín làm tài sản kêu gọi vốn
Như chúng ta biết Chung Ju Yung có xuất phát điểm là một cậu bé nghèo khó, và tài sản mà ông có nhiều hơn người khác để khởi nghiệp chính là chữ tín. Làm sao một người không có gì cả lại được ông chủ giao lại cửa hàng gạo, có thể vay 50 triệu USD từ ngân hàng Barclays để đóng tàu mà không có một chút kinh nghiệm nào, làm sao đấu thầu thành công cảng Dubai, làm sao vay được tiền dù xưởng sửa chữa ô tô bị thiêu rụi,… Tất cả đều do Chung Yu Jung là người có chữ tín.
Một lần xây dựng cầu Koriong, Hyundai đã thua lỗ và đứng trên bờ vực phá sản. Bằng mọi giá Chung Ju Yung muốn giữ được chữ tín, ông bán hết tất cả tài sản giá trị mà mình có, bao gồm nhà cửa để hoàn thành dự án. Sự việc đó khiến Huyndai mất 20 năm mới trả hết nợ nhưng Chung Ju Yung lại chưa một lần hối hận về quyết định này. Nhưng cũng nhờ công trình Koriong và nỗ lực giữ chữ tín mà về sau Hyundai được chính phủ tin tưởng giao cho một loạt các dự án lớn nhỏ.
Xem thêm: Những câu nói hay của tỷ phú bỏ học Bill Gates về kinh doanh
Bài học thứ năm: Luôn bền chí, không bỏ cuộc
Câu chuyện thứ nhất là một lần Chung Ju Yung nhìn thấy một con ếch xanh muốn nhảy lên cành liễu, nhưng sức bật có hạn còn cành cây thì quá cao, ếch xanh đã dùng sức cứ nhảy cứ nhảy, 10 lần, 20 lần, 30 lần... rồi đến cuối cùng nó cũng trèo lên được cành cây.
Câu chuyện thứ hai là khi Chung Ju Yung đến Incheon làm việc ở bến cảng, nơi ông thuê trọ rệp rất nhiều và chúng cắn khắp người ông vô cùng ngứa ngáy. Để lũ rệp không trèo lên được giường, Chung Ju Yung đã kê 4 chén nước vào 4 chân giường. Vậy nhưng cách này chỉ hữu dụng được vài ngày, vài ngày sau lũ rệp đã tìm được con đường mới trèo lên giường của ông là leo lên nóc nhà rồi thả mình rơi xuống giường.
Hai câu chuyện trên đã ám ảnh vào tâm trí Chung Ju Yung, một con ếch xanh nỗ lực hết mình mà ngồi lên được cành cao, một lũ rệp tìm đủ mọi đường để đến được nơi mình muốn đến. Bài học quan trọng mà ông rút ra được từ những câu truyện trên chính là sự bền chí, không bao giờ bỏ cuộc.
Bài học thứ sáu: Luôn nhạy bén, không rập khuôn vào những suy nghĩ lối mòn
Khi Chung Ju Yung xây dựng nhà máy đóng tàu Ulsan, để đưa được các linh kiện lắp ráp xuống đáy biển sâu 12m các kỹ thuật viên cho rằng cần được hỗ trợ từ một chiếc cần cẩu khổng lồ. Chung Ju Yung đã nhanh trí tìm ra một giải pháp mới là dùng tảng bê tông đúc sẵn lên bánh xe trượt rồi dùng độ nghiêng của dốc kéo ngược lại, cho xe chạy từ từ để đưa vật liệu xuống đáy biển. Và bằng cách này các vật liệu đã thuận lợi được đưa xuống đáy biển mà không cần đến chiếc cần cẩu nào.
Lần khác khi xây dựng xưởng lắp ráp ở nhà máy đóng tàu, vì gió mạnh nên công nhân cho rằng phải xây những chiếc cột thật to, thật kiên cố mới chống chọi được. Chung Ju Yung đã phản bác và cho rằng điều này là tốn kém, ông chỉ đóng những chiếc cọc thay thế.
“Nếu trở thành nô lệ của lối suy nghĩ cũ thì sẽ không có tính thích ứng. Suy nghĩ theo sách giáo khoa cũng là một cạm bẫy. Con người tài giỏi phải vượt qua cạm bẫy một cách trí tuệ.”
– Chung Ju Yung
Không phải Chung Ju Yung tự cho mình thông minh mà thay đổi những quan điểm cũ, với ông trong mọi tình huống đều cần tư duy để sao cho có thể đưa ra giải pháp phù hợp và ưu việt nhất. Và không phải mọi hoàn cảnh cách suy nghĩ lối mòn đều mang đến kết quả tốt, thậm chí có đôi khi vì quá bảo thủ vào những quan điểm cũ mà chúng ta trở nên lười nhác, thiếu nhạy bén, gặp nhiều cản trở, thua kém đối thủ.
Xem thêm: 20 câu nói vàng về định hướng kinh doanh của ông chủ Amazon - Jeff Bezos
Bài học thứ bảy: Tôn trọng, công nhận những người đồng hành với mình
Dù thường xuyên là người lọt top người giàu nhất Hàn Quốc thế nhưng ông chủ Huyndai lại có cuộc sống bình thường với mức sống trung lưu. Căn nhà Chung Ju Yung ở chỉ vỏn vẹn 900m2 với 300m2 xây nhà ở, thường đi xe hãng Stera, Sonata, Granger thay vì những dòng xe đắt đỏ, khẩu phần ăn uống cũng chỉ là rau xanh, trái cây, thịt cá,… chẳng có gì xa hoa. Chung Ju Yung luôn cảm thấy có lỗi với người nghèo khi được ca ngợi là người giàu có.
Là ông chủ bự của một tập đoàn có 160.000 nhân viên (vào thời điểm ông viết tự truyện) nhưng Chung Ju Yung quan niệm rằng không phải ông và Huyndai nuôi sống nhân viên của mình mà chính những người nhân viên này đã giúp Hyundai ngày càng lớn mạnh, họ là những cộng sự. Không có ai nuôi ai hay ai là chủ nhân của ai mà hai bên đều phụ thuộc vào nhau.
Đối với Chung Ju Yung con người ta nếu muốn thành công thì nhất định phải tôn trọng lẫn nhau, dẹp bỏ cái tôi, sự ngạo mạn, công nhận và biết ơn những người đồng hành, giúp đỡ mình.
Quyển tự truyện “Không bao giờ là thất bại, Tất cả là thử thách” của Chung Ju Yung cũng là một trong 5 cuốn sách tâm đắc mà ông chủ Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã chọn ra và mong muốn các bạn trẻ tiếp cận được nó để thay đổi nhận thức và nuôi dưỡng ý chí làm giàu.
Tham khảo: Internet