Chờ...

Báo hiếu cha mẹ đúng cách là làm những gì?

(VOH) - Mùa Vu Lan báo hiếu nhắc nhở bản thân mỗi người cần tôn trọng, biết ơn và đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục to lớn như trời biển của cha mẹ.

Đức Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”, mười phương chư Phật đều tu tập từ hiếu tâm này mà thành Phật. Lời nhắc nhở ấy đã cho ta thấy rõ, chữ “Hiếu” luôn là cốt lõi của đạo đức, là giá trị tốt đẹp nhất của con người. Nhân đại lễ Vu Lan, hãy cùng chúng tôi đọc những chia sẻ của các sư thầy về cách báo hiếu theo lời Phật dạy để cha mẹ hiện đời và quá vãng được lợi ích nhất.

1. Báo hiếu cha mẹ hiện đời

Trong kinh Đức Phật dạy, khi cha mẹ còn tại thế thì chúng ta báo hiếu cha mẹ bằng việc nuôi dưỡng cha mẹ đầy đủ, không để cha mẹ thiếu thốn.

1.1 Vật chất

Khi các con trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, có khả năng nuôi dưỡng cha mẹ thì không được để cha mẹ phải nhọc lòng về đồng tiền, bát gạo, miếng cơm manh áo. Nếu cha mẹ già yếu, chúng ta hãy cố gắng đích thân chăm sóc, quan tâm cha mẹ. Đây không chỉ là lòng hiếu thảo mà còn để làm gương cho thế hệ sau. 

Nghe lời Phật dạy để báo hiếu cha mẹ đúng cách 1
Chúng ta nên chăm sóc đầy đủ để cha mẹ không bị thiếu thốn.

1.2 Tinh thần

Bên cạnh việc chăm sóc bằng vật chất, tình yêu thương mà con cái dành cho cha mẹ mới là ngọn lửa sưởi ấm lòng cha mẹ những ngày sau. 

Thực hiện tinh thần Phật dạy, làm cho cha mẹ kết duyên với Phật pháp, kính tin Tam bảo và phát tâm sống theo Chánh pháp mới là cách báo hiếu có lợi ích lớn lao, dài lâu cho cha mẹ ta. Nhờ tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp, mọi buồn phiền của cha mẹ sẽ tạm lắng yên, sống đời an vui trước khi từ bỏ huyễn thân. Từ đó, ý thức cái vô thường sắp đến, phải lo chuẩn bị hành trang đi về thế giới khác, nên không còn đòi hỏi, ham muốn nhiều, không còn bực bội, khó khăn với con cái. 

Nói cách khác, khi cha mẹ phát tâm tu, khắc phục được nghiệp, không buồn phiền, than vãn, thì phước lạc tăng trưởng, tâm hồn vui tươi, chẳng mong cầu mà cuộc sống vẫn dư dả. Sống cuộc đời đạo đức, tâm hồn thanh thản, thì khi nhắm mắt lìa đời, họ có thể sanh về thế giới an lành. 

Nghe lời Phật dạy để báo hiếu cha mẹ đúng cách 2
Con cái nên cố gắng đích thân chăm sóc cho cha mẹ.

Xem thêm: Lễ Vu Lan báo hiếu - Nguồn gốc, ý nghĩa những điều nên làm và cấm kỵ

2. Báo hiếu cha mẹ mãn phần

Theo góc nhìn của đạo Phật, chúng ta không chỉ có cha mẹ đời này sinh ra thân này, kiếp này của chúng ta mà còn có cha mẹ kiếp trước và nhiều kiếp trước nữa. Khi cha mẹ mãn phần, chúng ta báo hiếu cha mẹ như sau.

2.1 Cúng dường, hồi hướng

Khi thân tứ đại không còn, chúng ta nên dẫn dắt thần thức hay ý niệm của cha mẹ hướng về điều thánh thiện, đó là điều kiện để đưa họ tái sanh vào thế giới an lành. 

Theo Phật dạy, khi sanh tiền nếu tạo nhiều ác nghiệp, lúc chết, chưa sanh được về thế giới lành, còn hiện hữu ở dạng trung ấm thân (hay thân trung hữu là một thuật ngữ nói về trạng thái trung gian hoặc khoảng không gian mà chúng ta sẽ trải nghiệm giữa cái chết và lần tái sinh tiếp theo). 

Trong bốn mươi chín ngày, chúng ta phải dốc lòng chuyên tâm tụng kinh, lễ sám, bố thí, cúng dường, làm các việc phước thiện để cầu nguyện cho hương linh. Dùng tâm an tịnh trong pháp và tâm hoan hỷ với việc thiện để nghĩ tưởng đến hương linh, gợi nhắc họ nhớ đến việc thiện mà họ đã làm trong đời, nhớ lại pháp Phật quý báu, cùng cảnh giới an vui giải thoát. Thần thức nghĩ nhớ được như vậy, chắc chắn sẽ tái sanh về cõi thiện. 

Nghe lời Phật dạy để báo hiếu cha mẹ đúng cách 3
Chúng ta nên cúng dường, hồi hướng cho cha mẹ mãn phần

Đặc biệt là chúng ta cúng dường các bậc cao tăng, nhờ các ngài chú nguyện để trợ lực, hồi hướng công đức cho trung ấm thân của người quá cố. Nương nơi thần lực gia trì phát xuất từ tâm thanh tịnh và đức độ của các ngài, trung ấm thân dễ xả bỏ được nghiệp ác hơn và vãng sanh về thế giới tốt đẹp. 

Trái lại, không làm điều thiện hồi hướng cho cha mẹ, mà lại sát sanh hại vật để cúng tế, chẳng lợi ích gì vì tốn kém, nhưng cha mẹ không hưởng được, còn phải gánh thêm ác nghiệp.

Ngoài ra, Đức Phật còn dạy, đối với cha mẹ quá vãng bảy đời bị đọa vào ba đường ác hay đã sanh lại chốn nhân thiên, việc làm lành, làm phước của chúng ta hồi hướng cho họ vẫn tạo kết quả lợi lạc. Vì trong vô hình, sự liên hệ về tình cảm sâu đậm của ta dồn vào việc thiện để cầu nguyện cho người thân chẳng khác gì hệ nối mạng sẽ tác động đến tâm người thân đã tái sanh, khiến họ cũng hướng về thế giới thiện, thoát khỏi kiếp lầm than.

2.2 Đại báo hiếu

Chữ “Hiếu” trong đạo Phật có: tiểu hiếu và đại hiếu.

Tiểu hiếu (hiếu nhỏ) là hiếu của thế gian, của các vị thiện nam tín nữ ở tại gia. Hiếu với cha mẹ đó là chúng ta phụng dưỡng, cho cha mẹ cơm ăn áo mặc đầy đủ, chăm sóc, lo thuốc men khi cha mẹ ốm đau; làm những điều lành để lấy danh vị làm cho cha mẹ được phấn khởi, vui vẻ. Đối với thế gian, đó là hiếu nhưng đối với đạo Phật, đó là tiểu hiếu, bởi cha mẹ vẫn luân hồi sinh tử, có khi hết kiếp người đọa xuống làm kiếp thú, có khi con được quyền cao chức trọng, cha mẹ sinh tâm ngã mạn thì sẽ bị đọa. Cho nên, đó chưa phải là hiếu, chưa trọn chữ hiếu.

Đại hiếu (hiếu lớn) là chúng ta phải làm sao độ được cho cha mẹ thoát sinh tử. Hiếu chân thật là người con phải giúp cho cha mẹ biết quay về nẻo chính, quy y Tam Bảo, tu tập chính đạo, đắc được giác ngộ giải thoát. Đó là hiếu lớn, mới thật là trọn vẹn chữ hiếu. Chúng ta tu tập thành Phật để độ chúng sinh cũng là trọn vẹn chữ hiếu.

Nghe lời Phật dạy để báo hiếu cha mẹ đúng cách 4
Phật tử làm lễ trong mùa Vu Lan.

Xem thêm: Ý nghĩa của nghi thức hoa hồng cài áo mùa lễ Vu Lan báo hiếu

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã biết cách thực hiện tâm hiếu, hạnh hiếu cho đúng Chánh pháp để cha mẹ và ta đều được lợi lạc. Đâu chỉ ngày Vu Lan, hãy thực hành báo hiếu mỗi ngày khi còn có thể để được bảo bọc, chở che trong tình thương yêu vô giá của cha mẹ. 

(Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet)