Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Cha chung không ai khóc” nói về tình trạng gì?

(VOH) – “Cha chung không ai khóc” là câu thành ngữ bàn luận về tình trạng vô trách nhiệm đối với những công việc chung của cộng đồng. Vậy thông điệp cụ thể mà câu thành ngữ này muốn hướng tới là gì?

Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải hợp tác và gắn liền với nhau trong những công việc chung nhằm phục vụ cho mục đích nhóm, tập thể hay cộng đồng. Điều này đòi hỏi mỗi con người cần phải có ý thức, tinh thần trách nhiệm với công việc hay tài sản chung. 

Thế nhưng, không phải ai cũng thấu hiểu được và tình trạng ấy đang gây nên những vấn đề nhức nhối trong công tác chung của tập thể, cộng đồng. Vậy nên, nhân gian có câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc” như một ví dụ nhằm phê phán tình trạng này trong xã hội.

Ý nghĩa câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc” là gì? 1

“Cha chung không ai khóc” nhằm phê phán tình trạng vô trách nhiệm với cộng đồng.

1. Giải thích ý nghĩa của câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc”

“Cha chung không ai khóc” là câu thành ngữ đề cập đến một hiện trạng được bắt gặp ở một số gia đình từ đó liên hệ tới một hiện trạng lớn hơn trong cuộc sống. 

Theo đó, nghĩa đen của câu thành ngữ này đề cập đến vấn đề tình cảm giữa người cha và các người con trong một gia đình. Việc có nhiều người con cũng đồng nghĩa với việc tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của người cha sẽ bị san sẻ nhỏ ra để tránh sự đối xử đặc biệt hay thiên vị cho một đứa con nào khác. Từ đó, sợi dây kết nối giữa những người con với cha của mình ngày càng xa cách. 

Có lẽ vì thế mà khi người cha qua đời thì họ - những đứa con ấy không khóc lóc hay quá đau thương cho tình cảnh này. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ là một tình cảnh được lấy làm ví dụ nhằm hướng tới một vấn đề khác lớn hơn trong cuộc sống chứ không phải tất cả gia đình đông con đều như thế.

Vấn đề mà câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc” đang muốn đề cập tới chính là sự vô trách nhiệm của con người đối với một việc làm hay tài sản chung thuộc tập thể, cộng đồng. 

Những người có tư tưởng “cha chung không ai khóc” thường sẽ có thái độ thờ ơ, dửng dưng, vô trách nhiệm trong việc hoàn thành công việc chung một cách tâm huyết hay giữ gìn tài sản chung của tập thể, cộng đồng, bởi họ nghĩ rằng việc này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích cá nhân. Đôi khi, họ sẵn sàng bỏ qua lợi ích tập thể mà chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của bản thân mình. 

Thế nhưng, khi đã sống chung trong một môi trường thì chuyện tập thể sẽ ảnh hưởng đến cá nhân. Việc chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, không quan tâm đến mọi người xung quanh sẽ có ngày chính bản thân mình sẽ gặp phải những điều không mong muốn. Hơn thế, người chỉ biết sống cho mình càng không nhận được sự yêu mến, kính trọng của người khác, vì đây là một lối sống không tốt và có ảnh hưởng xấu đến với những người xung quanh. 

Vì thế, thông qua câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc”, cha ông ta phê phán thái độ, cách hành xử vô trách nhiệm của những cá nhân khi sống trong một tập thể, cộng đồng. Bên cạnh đó cũng mong muốn tất cả mọi người dân đất Việt hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm vì sự lớn mạnh cũng như sự tiến bộ của cộng đồng. 

2. Bài học cuộc sống qua câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc”

Từ góc nhìn xã hội, câu nói “Cha chung không ai khóc” nhằm chỉ ra thực trạng các tiêu chuẩn cộng đồng, giá trị chung, tài sản, tài nguyên, môi trường sống của tập thể hay rộng ra là của toàn xã hội loài người đang bị từng người trong chúng ta xem nhẹ. Điều này cũng dễ hiểu, vì những tác động tiêu cực từ thiệt hại của các loại tài sản chung này đến từng cá nhân là rất nhỏ nhưng nếu kéo dài thì hậu quả sẽ khôn lường.

Dễ thấy nhất là các dịch vụ dùng chung, ví dụ tiền điện nước trả chung trong một hộ gia đình; các công việc, nhiệm vụ chung trong một nhóm, một công ty; các vật dụng dùng chung như thang máy, vòi nước công cộng, các đồ điện lạnh điện tử ở cơ quan…; các địa điểm công cộng như công viên, trường học, thư viện, nhà vệ sinh công cộng… Đâu đâu cũng có “vết tích” của những người vô ý thức, phá hoại của công.

Ý nghĩa câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc” là gì? 2
“Cha chung không ai khóc” dễ thấy nhất là các dịch vụ dùng chung như điện, nước.

Nhức nhối nhất và hậu quả rõ ràng nhất phải kể đến hiện tượng ô nhiễm môi trường. Một số lượng người không nhỏ chỉ vì một chút tiện lợi mà xả rác nơi công cộng, hậu quả ban đầu có thể khó nhìn thấy nhưng đến hiện nay nó đã hiện diện quá rõ.

Mọi nơi đều ngập trong rác thải nhựa, đặc biệt là đại dương khiến vô số loài sinh vật biển thiệt mạng, những chất thải công nghiệp ngày càng làm trầm trọng hơn, gây hiệu ứng nhà kính, nóng lên toàn cầu và băng tan ở hai cực, cháy rừng cũng xảy ra thường xuyên hơn, các cơn bão và thiên tai ngày càng trầm trọng hơn trước.

Ý nghĩa câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc” là gì? 3
Tình trạng ô nhiễm môi trường là minh họa rõ nhất cho thành ngữ “Cha chung không ai khóc”.

Ở một phương diện khác, “Cha chung không ai khóc” còn diễn biến trong cả tri thức, văn hóa. Điển hình là nạn ăn cắp chất xám, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ diễn ra nhan nhãn ở Việt Nam, dần dần các nhân tài nước nhà đều bỏ ra nước ngoài hoặc ngại ngần trong công việc sáng tạo, dẫn đến “chảy máu và suy thoái chất xám”.

Qua những hiện trạng đáng đau lòng mà câu “Cha chung không ai khóc” ngầm chỉ ra, mỗi chúng ta cần ý thức hơn đến những giá trị chung. Hãy dành nhiều sự quan tâm, san sẻ cho những tài sản chung ấy, vì chính điều đó sẽ đảm bảo lợi ích chung của bản thân, những người xung quanh và cả xã hội loài người trong tương lai. Đồng thời tránh được những hiểm họa lớn vì thông thường những cái hại khó thấy, tích lũy dần theo thời gian đều sẽ gây ra những hậu quả tàn khốc.

Hãy học cách bảo vệ lợi ích chung bằng những hành hành động cụ thể từ chính gia đình bạn, dùng điện, nước một cách tiết kiệm, biết vứt rác đúng chỗ, ngăn nắp sạch sẽ cho cả không gian riêng và chung trong nhà…

Mỗi khi muốn thực hiện một hành vi nào đó có tác động đến quyền và lợi ích chung hãy nghĩ đến hậu quả có thể gây ra cho những người ít may mắn hơn bạn nếu bạn vô ý thức, hãy ngẫm nghĩ xem họ sẽ phải chịu những khổ đau gì và chính bạn trong tương lai có thể rơi vào tình cảnh đó không? Từ đó mang tinh thần, trách nhiệm ấy ra ngoài cộng đồng. 

Khi bản thân đã là một người có trách nhiệm và biết suy nghĩ đến cộng đồng thì đã đến lúc bạn cân nhắc đến việc vận động những người xung quanh cùng tham gia rồi đấy!

Xem thêm:
32 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về đoàn kết
22 câu ca dao tục ngữ về chí công vô tư hay nhất
58 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về tôn trọng sự thật

Ý nghĩa câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc” là gì? 4
Hãy lan tỏa tinh thần vì lợi ích cộng đồng đến tất cả mọi người xung quanh.

3. Một số câu thành ngữ đồng nghĩa với “Cha chung không ai khóc”

Ngoài câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc” thì kho tàng dân gian Việt Nam còn có nhiều câu ca dao, tục ngữ mang ý nghĩa tương tự hoặc liên quan như:

1. Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.

2. Của mình thì giữ bo bo

Của người thì thả cho bò nó ăn.

3.Thân trâu trâu lo, thân bò bò liệu.

4. Được ích, khúc khích ngồi cười.

5. Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau.

6. Muối đổ lòng ai nấy xót.

7. Của anh anh mang, của nàng nàng xách.

8. Máu ai thấm thịt người ấy.

9. Của mình thì để, của rễ thì bòn.

10. Lòng súng súng nổ, lòng gỗ gỗ kêu.

“Cha chung không ai khóc” là thành ngữ mang đầy tính thời sự và phản ánh thực trạng xã hội vô cùng đau lòng ở thời điểm hiện tại. Mong rằng chúng ta khi đã hiểu được ý nghĩa câu thành ngữ trên sẽ có những thay đổi từ bản thân mình, sau đó là gia đình và rộng hơn là giúp xã hội ngày một văn minh, phát triển.

Bình luận